Đàm phán hạt nhân Iran: Tái khởi sự từ chân trời mới

Thứ Ba, 22/10/2013, 11:15

Vòng đám phán mới nhất tại Geneva (Thuỵ Sĩ) giữa Iran và nhóm cường quốc P5+1 (5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc cộng Đức) về vấn đề chương trình hạt nhân của Iran diễn ra trong 2 ngày 15 và 16/10 vừa qua đã khép lại, tuy chưa có thoả thuận sơ bộ nào được ký kết nhưng đã bắt đầu có sự tiến triển tích cực, theo ghi nhận của các nhà ngoại giao phương Tây tham dự Hội nghị Geneva.

Tiến triển quan trong nhất mà giới ngoại giao phương Tây nói đến là, ngay trong ngày đầu tiên của hội nghị, ngày 15/10, Iran đã trao cho các phái đoàn đàm phán P5+1 bản đề xuất giải pháp mang tính tích cực nhằm giải quyết dứt điểm những vấn đề còn lấn cấn giữa 2 bên. Nội dung chi tiết bản đề xuất được Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi - Trưởng đoàn đàm phán - thông báo là cần được giữ bí mật tạm thời.

Hướng chủ đạo của bản đề xuất, theo các quan chức Iran tham dự hội nghị, là kêu gọi "chấm dứt một cuộc khủng hoảng không cần thiết và tái khởi sự từ chân trời mới". Bản thân Thứ trưởng Ngoại giao Iran Araqchi cũng hé lộ một số thông tin sơ bộ về nội dung bản đề xuất.

Theo Hãng thông tấn ISNA của Iran, một trong những điểm quan trọng của bản đề xuất là Iran có quyền làm giàu uranium và sẽ tiếp tục làm, bất chấp việc Hội đồng Bảo an LHQ yêu cầu Iran ngưng làm giàu cho đến khi giải quyết thỏa đáng các câu hỏi về bản chất chương trình hạt nhân của Iran. Điểm mới là, ông Araqchi cho biết, chương trình làm giàu uranium đó sẽ được thu gọn bớt và sẽ được đặt dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Đổi lại nhượng bộ này, Iran mong đợi Mỹ và phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Bà Catherine Ashton, Ủy viên Đối ngoại Châu Âu và Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif tại cuộc họp báo ngay sau vòng đàm phán kết thúc tại Geneva.

Giới quan sát cho rằng, đây là lần đầu tiên, đàm phán hạt nhân giữa Iran với các cường quốc phương Tây mang một không khí làm việc nghiêm túc thật sự. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhận xét: "Lần đầu tiên, chúng tôi có được cuộc thảo luận kỹ thuật một cách chi tiết". Michael Mann, phát ngôn viên của bà Catherine Ashton - Ủy viên phụ trách đối ngoại Liên minh châu Âu - thì nhận xét bản đề xuất của Iran là rất "bổ ích".

Tại buổi họp báo sau hội nghị chiều ngày 16/10, đại diện ngoại giao P5+1 và Iran đều nhìn nhận hội nghị đã đạt được tiến triển tích cực nhất sau nhiều năm đàm phán trầy trật. Việc Iran chấp nhận nhượng bộ để đàm phán tiến lên phía trước được xem là sự tiến bộ hiếm hoi sau nhiều năm các lãnh đạo Iran liên tục bác bỏ các yêu cầu từ thấp tới cao của LHQ và các cường quốc phương Tây. Điều này rất đáng ghi nhận.

Như vậy, tính đến thời điểm này, Iran đang có vẻ thắng thế khi bước đầu xây dựng được lòng tin đối với các nước phương Tây trong nỗ lực tìm kiếm sự nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, lại là người lạc lõng đứng bên lề hội nghị "càu nhàu một mình", vì không thể tự ép mình tin vào những gì đang diễn ra. Kể từ khi tân Tổng thống Iran Rouhani khởi sự “chìa cành ôliu” ra với Mỹ và phương Tây để xây dựng lại các mối quan hệ ngoại giao, Israel đã vài lần tìm cách "phá bĩnh", chen ngang hòng làm hỏng tiến trình của Iran.

Tại Đại hội đồng LHQ khóa 68 vừa qua, ông Netanyahu đã có bài phát biểu "vạch trần" thực chất thái độ thiện chí của Iran. Sau đó, Netanyahu còn tiếp tục lưu lại New York nhiều ngày chỉ để trả lời phỏng vấn báo chí nhằm có cơ hội phát động chiến dịch truyền thông chống lại diễn biến hòa giải của Iran và Mỹ. Netanyahu tuyên bố "Israel sẽ đơn phương hành động nếu cần thiết".

Rõ ràng, thái độ và những động thái "hiếu chiến" quá mức này cho thấy Israel đã quá ám ảnh về "quả bom hạt nhân Iran", và sâu xa hơn, Israel đang sốt ruột trước diễn biến Iran và phương Tây đang xích lại gần nhau, trước mắt là giải quyết vấn đề chương trình hạt nhân của Iran, trong đó Iran tỏ ra rất nhiệt thành nhằm mục đích được nới lỏng cấm vận, và sau nữa là bình thường hóa quan hệ ngoại giao với phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Dù không thể cản trở được tiến trình đàm phán, Israel vẫn tìm mọi cách để "phá bĩnh" từ bên lề, liên tục đưa ra các nhận xét ngược chiều, tiêu cực, cho rằng, phương Tây không nên nới lỏng cấm vận Iran cho dù nước này chấp nhận một số nhượng bộ.

Các thành viên tiểu ban Trung Đông và Bắc Phi thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ là những người luôn không tin tưởng vào thái độ thiện chí của Iran.

Đồng quan điểm với Israel, một bộ phận diều hâu trong Quốc hội Mỹ cũng đang lên tiếng gây sức ép, thậm chí đòi "gia tăng các biện pháp trừng phạt" nhằm tạo áp lực buộc Iran dừng hoàn toàn chương trình hạt nhân của mình. Thái độ này đang là một trở ngại tiềm tàng cho Nhà Trắng khi trình thông qua bất cứ bản thỏa thuận nào được ký kết với Iran. Một quan chức Mỹ cho biết, ở Washington vẫn còn nhiều người hoài nghi đối với đề xuất của Iran, rằng liệu các đề xuất ấy có đáp ứng được các yêu cầu cơ bản nhất của P5+1 hay không.

Một số quan chức ngoại giao ở Geneva nhận định, do trình độ tiến bộ của chương trình hạt nhân của Iran đã đạt mức khá cao, Iran sẽ phải thực hiện nhiều bước cần thiết để thu hẹp, hoặc thậm chí đảo ngược chương trình hạt nhân để có đủ thời gian đàm phán cho một thỏa thuận toàn diện. Tuy nhiên, thời gian đàm phán dường như không thể phụ thuộc vào trình độ hạt nhân của Iran mà đã được Tổng thống Iran Hassan Rouhani đặt ra từ tháng trước: Các nhà đàm phán Iran (Bộ Ngoại giao nước này) chỉ có 6 tháng để hoàn tất việc đàm phán và đạt một thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc phương Tây.

Để chạy đua với thời gian, Iran và phương Tây sẽ phải làm việc tích cực và liên tục. Ngày 7/11 tới, hai bên sẽ tiến hành vòng đàm phán thứ 2, và trước khi bước vào đàm phán là các cuộc họp làm việc khẩn trương của các chuyên gia kỹ thuật

Văn Trương (tổng hợp)
.
.