Đàm phán hạt nhân Iran: Thỏa thuận cứu vãn tình thế

Thứ Tư, 24/02/2021, 18:34
Cơ hội đàm phán giữa Mỹ và Iran về chương trình hạt nhân của Iran đã được mở ra kể từ khi ông Joe Biden lên làm Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, cơ hội chưa thành hiện thực, khó khăn càng tăng thêm sau khi Iran rút khỏi cam kết bổ sung với các cường quốc. Vì thế, việc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ký kết một thỏa thuận tạm thời với Iran hôm 21-2 được xem như giải pháp kéo dài hy vọng đàm phán.

Một thỏa thuận cần thiết

IAEA và Iran đã đạt được một thỏa thuận có hiệu lực trong 3 tháng, trong đó Iran cho phép IAEA tiếp tục thực hiện quyền thanh tra hạt nhân tại các cơ sở hạt nhân của nước này để xác nhận tình hình hoạt động của chương trình hạt nhân. Việc ký thỏa thuận này tuy chỉ mang ý nghĩa tạm thời nhưng cần thiết trong bối cảnh Iran và Mỹ vẫn chưa thể nối lại đàm phán. 

Cách đây 2 tháng, Quốc hội Iran đã thông qua một đạo luật đơn phương rút khỏi các cam kết bổ sung về thanh sát chương trình hạt nhân đã ký với các cường quốc thế giới sau khi Mỹ rút khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), tức thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Đức).

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif.

Trong khi tiến trình làm nóng lại đàm phán vẫn đang giẫm chân tại chỗ do chính quyền mới tại Mỹ vẫn chưa có động thái nào gọi là “khởi động”, Iran quyết định sẽ thực hiện điều luật của mình ngay trong tuần cuối tháng 2 này. Việc Iran rút khỏi các cam kết bổ sung có nghĩa là mọi chuyện sẽ càng trở nên khó khăn hơn cho việc kiểm soát hoạt động hạt nhân của nước này. Đạo luật mới ban hành của Iran hạn chế số lượng thanh tra viên quốc tế, cấm việc thanh tra đột xuất các cơ sở hạt nhân của Iran và nhiều hạn chế khác. Vì thế, các quan chức IAEA đã làm việc không ngừng nghỉ trong suốt những ngày cuối tuần để thảo luận với phía Iran về các điều kiện để đi đến ký kết thỏa thuận.

Trong thông báo vào tối muộn 21-2, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi mô tả thỏa thuận này là “một sự hiểu biết kỹ thuật song phương tạm thời”, sẽ giảm thiểu tác động của việc Iran rút khỏi cam kết và mang lại niềm tin cho IAEA rằng họ có thể tiếp tục xác minh hoạt động hạt nhân của Iran. Nó giúp các thanh sát viên của IAEA tiếp tục làm việc bình thường, tránh được tình trạng căng thẳng. Tuy nhiên, giới chức Iran cho biết, theo thỏa thuận tạm thời, Iran sẽ vẫn duy trì các camera giám sát tại các cơ sở hạt nhân nhưng sẽ không chuyển giao dữ liệu cho IAEA chừng nào việc đàm phán với Mỹ chưa được nối lại và Mỹ chưa gỡ bỏ các lệnh cấm vận.

Tổng Giám đốc IAEA nói thêm rằng, thỏa thuận tạm thời ngoài việc giúp duy trì hoạt động thanh tra hạt nhân, còn tạo thêm không gian cho các đối thoại ngoại giao giữa Mỹ và Iran. Điều này cũng có nghĩa là thêm cơ hội cho đàm phán giữa Mỹ và Iran.

Trước mắt, Tổng Giám đốc IAEA Grossi sẽ phải giải trình với nhóm các cường quốc tham gia JCPOA, đặc biệt là Anh, Pháp và Đức về “hiểu biết kỹ thuật” giữa IAEA với Iran. 3 nước Anh, Pháp và Đức đã lên tiếng cảnh báo Iran về việc rút khỏi các cam kết bổ sung, vì thế IAEA cần làm hài lòng 3 nước này về giá trị của thỏa thuận vừa ký. Mục tiêu của thỏa thuận tạm thời là tạo điều kiện cho đối thoại trực tiếp giữa Mỹ và Iran, để từ đó có thể dẫn đến việc Mỹ gỡ bỏ cấm vận kinh tế đối với Iran và quay trở lại JCPOA, đồng thời Iran cũng sẽ quay trở lại tuân thủ nghiêm các điều khoản của JCPOA. Iran chưa rút khỏi JCPOA, nhưng trong hơn một năm qua đã từng bước giảm thực hiện các cam kết, đặc biệt là liên quan đến mức độ làm giàu uranium và hoạt động của các máy ly tâm hiện đại.

Tín hiệu mới

Từ khi ông Biden lên làm Tổng thống Mỹ, giữa Mỹ và Iran đã có nhiều dấu hiệu nối lại đàm phán. Mỹ đưa ra một số điều kiện sẽ nối lại đàm phán với Iran và quay trở lại JCPOA. Ngược lại, phía Iran cũng đưa ra nhiều điều kiện để quay lại đàm phán với Mỹ, trong đó có yêu cầu quan trọng nhất là Mỹ phải gỡ bỏ tất cả các lệnh cấm vận đã áp đặt trở lại từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA tháng 5-2018.

Tổng Giám đốc IAEA.

Trong một phát biểu trên truyền hình quốc gia, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nhắc lại rằng Iran đang chờ đợi hành động thực tế từ phía Mỹ, chứ không chỉ là lời hứa suông. Việc hạn chế thanh sát hạt nhân là điều bắt buộc đã được đưa thành luật và không thể đảo ngược, chừng nào Mỹ chưa gỡ bỏ cấm vận Iran. Ngoại trưởng Zarif cũng nói thêm rằng, không chỉ phải gỡ bỏ cấm vận mà Mỹ còn phải xem xét bối thường cho Iran 1.000 tỉ USD thiệt hại kinh tế do các lệnh cấm vận của Mỹ gây ra. Ông cho rằng, cần chờ xem Mỹ sẽ hành động ra sao, sẽ quay trở lại JCPOA rồi lại rút ra như trước hay không.

Ở chiều ngược lại, chính quyền Mỹ đã gợi ý sẽ tham gia một cuộc họp với Iran do EU chủ trì, với sự tham gia của cả Nga và Trung Quốc. Tại cuộc họp này, Mỹ sẽ đề xuất một “lộ trình” gỡ bỏ cấm vận kinh tế và các hạn chế khác nếu Iran chịu trở lại tuân thủ các cam kết của JCPOA.

Trong khi đó, trong nội bộ Iran cũng đang sục sôi về việc đàm phán với Mỹ. Thành phần cứng rắn trong Quốc hội Iran giận dữ cho rằng Chính phủ Iran đã qua mặt Quốc hội để thỏa thuận với IAEA. Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cho biết, vấn đề đàm phán hạt nhân với Mỹ đang gây ra một cuộc đấu đá nội bộ giữa thành phần cứng rắn và chính phủ có thiên hướng thỏa thuận. Và cuộc đấu đá này cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Iran sắp tới.

An Châu (Tổng hợp)
.
.