Đàm phán liên Triều cần bước ngoặt mới
Sự “tái xuất” của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau một thời gian vắng mặt đang được cho là yếu tố có thể làm thay đổi thực trạng bế tắc hiện nay của các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều, song giới phân tích lại chỉ ra một số tác nhân làm chậm tiến trình này.
Yếu tố cản trở đàm phán
Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như rất vui với sự xuất hiện trở lại của ông Kim Jong-un khi ngay lập tức đăng một dòng trạng thái trên trang Twitter cá nhân rằng "Tôi rất vui khi thấy ông ấy xuất hiện trở lại và khỏe mạnh!".
Trong cuộc họp báo sau đó, ông Trump cũng nói thêm rằng có thể (ông) sớm có cuộc nói chuyện với ông Kim Jong-un, song không đề cập thêm chi tiết. Với những gì ông Trump thể hiện ở trên, khả năng nối lại các cuộc đàm phán Mỹ-Triều ở cấp cao nhất một lần nữa lại khiến dư luận phải lưu tâm.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng cho rằng có 2 yếu tố chính cản trở việc Mỹ và Triều Tiên nối lại đàm phán trong thời điểm hiện nay: một là cả hai nước đều đang tập trung cho cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, hai là Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 11 tới.
Giáo sư Yang Moo-jin của trường Đại học Triều Tiên ở Hàn Quốc cho rằng chính quyền ông Kim Jong-un sẽ không có động thái gì cho đến tháng 11, khi nước Mỹ có tổng thống mới. Thay vào đó, Bình Nhưỡng sẽ tận dụng quãng thời gian này để vạch ra những chiến lược đối phó với nước Mỹ giai đoạn hậu bầu cử. Một vấn đề khác cũng cần chú ý là cả hai nước đang tập trung cho cuộc chiến chống COVID-19.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thượng đỉnh Singapore tháng 6-2018. |
Theo quan điểm của ông Trump, điều quan trọng ở thời điểm này là duy trì hiện trạng, nói cách khác, chính quyền Bình Nhưỡng không có thêm tiến bộ trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa. Về phần mình, ông Kim Jong-un sẽ vạch ra kế hoạch hành động theo 2 kịch bản: một là CHDCND Triều Tiên sẽ làm gì nếu ông Donald Trump tái đắc cử; hai là nước này sẽ làm gì khi cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, người luôn chỉ trích chính sách Triều Tiên của chính quyền ông Trump, giành chiến thắng.
Vì vậy, nếu ông Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới, chắc chắn sẽ có sự thay đổi trong chiến lược của Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên.
Chiến lược dài hơi
Mặc dù Bình Nhưỡng được cho là khá thụ động trong việc tìm kiếm cơ hội đàm phán với Mỹ trong năm nay, song một số nhà phân tích lưu ý rằng họ đã khẳng định theo đuổi đàm phán với Washington trong dài hạn và sẽ nỗ lực để khẳng định vị thế là một đối tác đàm phán "tương xứng", cho dù Tổng thống Mỹ tới đây là ai.
Giới phân tích cho rằng việc Bình Nhưỡng thành lập một đơn vị mới đặc trách vấn đề Mỹ trực thuộc Bộ Ngoại giao nước này là một thông điệp mạnh mẽ gửi cho cả ông Trump và ông Biden. Điều này có nghĩa là Bình Nhưỡng coi các cuộc đàm phán với Washington là một vấn đề được duy trì trong dài hạn chứ không phải vấn đề có thể từ bỏ nếu không đạt được thành quả dưới thời chính quyền ông Trump.
Bên cạnh đó, việc Bình Nhưỡng cố tình thông báo về việc này là để thể hiện rõ quan điểm luôn coi trọng vấn đề đàm phán và muốn được coi là một đối tác đàm phán xứng tầm. Mặc dù chưa chắc chắn ai sẽ là Tổng thống Mỹ tiếp theo, song Bình Nhưỡng đang gửi thông điệp cho cả hai rằng sẽ vẫn giữ cam kết đàm phán với Mỹ. Bởi với CHDCND Triều Tiên, điều quan trọng nhất hiện nay là mối quan hệ với Mỹ vì các mối quan hệ mới đều có thể mang lại những cơ hội kinh tế mới.
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cũng coi mối quan hệ với Bắc Kinh là thực sự cấp bách vì sự hỗ trợ không thể thiếu của Trung Quốc trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và đối phó với các lệnh trừng phạt kinh tế đang phải chịu hiện nay.
Chính vì vậy, đây cũng là lúc Washington cần có sự hợp tác quốc tế, nhất là của Bắc Kinh, để giải quyết vấn đề an ninh quốc gia hết sức cấp thiết. Khi nền kinh tế Mỹ đang rơi tự do và Trung Quốc là nguồn cung lớn về trang thiết bị y tế cần thiết để đối phó đại dịch, thì ông Trump không nên tiếp tục đe dọa sẽ áp thuế quan chống Trung Quốc.
Việc làm này sẽ ảnh hưởng tới cơ hội cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Hơn nữa sự thiếu nhất quán của ông Trump cộng với những tín hiệu không rõ ràng được phát đi từ Nhà Trắng rõ ràng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới chính nỗ lực của Mỹ trong việc giải quyết mối đe dọa hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên.
Mặc dù các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều đang bị "đóng băng", song Tổng thống Hàn Quốc, quốc gia đóng vai trò không thể thiếu trong tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, khẳng định rằng Seoul sẽ thúc đẩy thực hiện các dự án hợp tác liên Triều có thể thực hiện được trong bối cảnh có những hạn chế từ các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế nhằm vào Bình Nhưỡng. Song, ông Moon Jae-in còn rất ít thời gian để đạt được những thành quả thực sự với CHDCND Triều Tiên khi bước vào năm thứ ba của nhiệm kỳ.
Theo các chuyên gia, viễn cảnh thúc đẩy các dự án hợp tác liên Triều (sau khi chính quyền ông Moon Jae-in lấy lại được niềm tin với chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua) là chưa rõ ràng bởi mối quan hệ giữa hai miền vẫn là "vấn đề thứ yếu" theo quan điểm của Bình Nhưỡng. Mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên lại phụ thuộc vào mối quan hệ Triều-Mỹ và Triều-Trung.