Đàm thoại Mỹ-Trung: Hẹn nhau tại G20

Thứ Tư, 07/11/2018, 17:12
Cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới chưa được giải quyết. Song, với kết quả được chính người đứng đầu Nhà Trắng ca ngợi là “rất tốt đẹp”, cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương được kỳ vọng có thể giải quyết thông qua đàm phán.

Cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Argentina trong tháng 11 này sẽ là cơ hội để hai bên thảo luận cụ thể hơn nhiều vấn đề và bất đồng thương mại chắc chắn được coi là chủ đề trọng tâm.

Trên trang Twitter cá nhân ngày 2-11, Tổng thống Donald Trump viết ông “vừa có một cuộc đối thoại dài và tốt đẹp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình” với trọng tâm chính là vấn đề thương mại. Không giấu giếm, ông Donald Trump bày tỏ mong muốn đạt được một thỏa thuận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị G20 diễn ra tại Argentina vào cuối tháng này.

Việc ông chủ Nhà Trắng ngay lập tức yêu cầu các quan chức chủ chốt của Mỹ bắt đầu soạn thảo những điều khoản tiềm năng cũng như thúc đẩy một thỏa thuận khả thi với Bắc Kinh là bằng chứng cho thấy thiện chí của ông Donald Trump với người đồng cấp châu Á trong bối cảnh quan ngại về căng thẳng thương mại gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.

Với quan điểm chung “những thảo luận đang tiến triển tốt đẹp” và hai bên cùng mong muốn có một thỏa thuận, giới phân tích cho rằng cả ông Trump và ông Tập đang bày tỏ sự lạc quan về việc giải quyết những tranh chấp thương mại song phương trước thềm cuộc gặp trực diện giữa hai lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất hành tinh dự kiến vào cuối tháng sau.

Rõ ràng, kết quả cuộc điện đàm công khai đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung trong vòng 6 tháng qua đã tác động đến tâm lý muốn giải tỏa bất đồng vốn không mang lại lợi ích cho bên nào. Hiện không rõ liệu ông Trump có giảm nhẹ những yêu cầu của Mỹ mà Trung Quốc không chấp thuận hay không, song giới phân tích cho rằng đây là tín hiệu cho thấy sự nồng ấm trở lại trong mối quan hệ Mỹ-Trung sau nhiều tháng căng thẳng leo thang về thương mại, gây tác động lan tỏa sang cả những lĩnh vực bất đồng khác trong đó có việc Mỹ triển khai hoạt động tự do hàng hải.

Mặc dù vậy, nhà kinh tế hàng đầu của công ty dịch vụ tài chính Hà Lan ING và là trưởng nhóm nghiên cứu khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông Rob Carnell, vẫn tỏ ý nghi ngờ ý định đằng sau dòng trạng thái trên Twitter của ông Donald Trump. Chuyên gia này cho rằng về góc độ thời điểm mà ông Trump đưa ra những động thái trên, dường như quá trùng khớp với cuộc bầu cử giữa kỳ vừa diễn ra. Cuộc bầu cử được coi là một trong những phép thử quan trọng đối với ông chủ Nhà Trắng.

Thời gian qua, chính quyền ông Trump đã áp đặt đòn thuế đối với hàng hóa trị giá 250 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Mới đây, ông Trump đe dọa sẽ áp thuế đối với tất cả hạng mục hàng hóa còn lại xuất khẩu từ Trung Quốc. Các cuộc đàm phán thương mại hai bên đã không đạt được nhiều tiến triển kể từ hồi tháng 5.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tại Bắc Kinh, điều này được coi như “sự sỉ nhục” đối với ông Tập Cận Bình, người đã cử đại diện cá nhân tham gia các cuộc thương lượng ở Washington và khẳng định rằng mục tiêu thực sự của ông Trump là nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc không ngừng đặt câu hỏi về mức độ chân thành của Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại, thận trọng đưa ra quyết định về những vấn đề chỉ để đổi lại việc ông Trump sẽ thay đổi. Mặc dù Bắc Kinh để ngỏ khả năng đạt được một thỏa thuận giúp giảm thâm hụt thương mại, song giới chức nước này đã bác bỏ các yêu cầu khác của ông Trump - như ngừng ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ, ngừng trợ cấp cho các ngành công nghiệp chiến lược và tăng cường sức cạnh tranh cho các công ty quốc doanh.

Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng trong bất kỳ thỏa thuận nào mà hai bên có thể đạt được trong tương lai là việc đánh cắp sở hữu trí tuệ, vấn đề mà chính quyền ông Donald Trump muốn áp dụng một chính sách cứng rắn. Mới đây nhất, hôm 1-11, Mỹ còn cáo buộc một công ty nhà nước của Trung Quốc âm mưu đánh cắp các bí mật thương mại của tập đoàn sản xuất vi mạch lớn nhất thế giới Micron Technology. Đây là vụ mới nhất trong chiến dịch của Bộ Tư pháp Mỹ nhằm ngăn chặn các hoạt động tình báo kinh tế của Trung Quốc.

Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow cho rằng ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình có thể phá vỡ thế bế tắc hiện nay về các vấn đề tại cuộc gặp sắp tới của hai nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, ông Kudlow vẫn cảnh báo rằng ông Trump sẽ theo đuổi các yêu cầu của mình một cách “quyết liệt” đối với Trung Quốc nếu không đạt được thỏa thuận nào về vấn đề đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, an ninh mạng và thuế quan, cùng các vấn đề khác.

Quan điểm của Washington về Bắc Kinh được giới đầu tư lâu nay dõi theo chặt chẽ khi họ hy vọng về khả năng hạ nhiệt căng thẳng hiện nay. Nhật báo Guardian đưa tin sau thông tin về việc ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình muốn đạt một thỏa thuận về tranh chấp thương mại, cổ phiếu tại thị trường châu Á đã đồng loạt tăng điểm.

Rõ ràng, chưa thể khẳng định Mỹ và Trung Quốc có thể giải quyết dứt điểm bất đồng thương mại song phương trong “một sớm một chiều” nhưng giới phân tích nhận định một mối quan hệ thương mại ổn định giữa Mỹ và Trung Quốc kèm theo đó là nhiều chính sách khuyến khích thương mại từ phía Bắc Kinh sẽ là những nhân tố chủ chốt giúp lấy lại niềm tin thị trường ở châu Á.

Mặc dù các bên vẫn tỏ ra thận trọng về một giải pháp đồng bộ và dứt điểm để hóa giải những căng thẳng gần đây trong trung hạn nhưng việc nối lại đối thoại giữa Washington và Bắc Kinh vẫn được coi là yếu tố tích cực nhằm giải quyết bất đồng thương mại có nguy cơ đẩy nền kinh tế thế giới rơi trở lại vào thời kỳ khủng hoảng nếu không được cứu vãn.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.