Đằng sau kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Iraq

Thứ Ba, 16/08/2005, 10:39

Trong khi các đại biểu Quốc hội Iraq đang chạy đua với thời gian để hoàn tất bản dự thảo hiến pháp mới thì các thành viên một ủy ban hỗn hợp Mỹ-Iraq (mới thành lập cuối tháng 7/2005) cũng chạy maratông để xác định các điều kiện cụ thể cho việc rút quân Mỹ, Anh vào năm tới.

Các nguồn tin báo chí cho biết đằng sau kế hoạch đó là ý đồ chiến lược của Mỹ: Biến Iraq thành trung tâm mới kiểm soát toàn bộ khu vực Trung Đông, trong chương trình sắp xếp lại các căn cứ quân sự của Mỹ trên phạm vi toàn cầu.

Sau hàng loạt các cuộc họp kín với các lãnh đạo Iraq, một bản kế hoạch chi tiết đã được tướng George W. Casey, Tư lệnh quân Mỹ ở Iraq, và tướng John Abizaid, Tổng tư lệnh Bộ chỉ huy trung tâm (CENTCOM) gửi về Washington để trình lên Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld và Tổng thống W. Bush. Ủy ban hỗn hợp Mỹ-Iraq cũng đang làm việc ráo riết để xác định các điều kiện cụ thể cho tiến trình rút quân và sẽ báo cáo lên Thủ tướng Iraq Ibrahim Jaafari và Lầu Năm Góc vào cuối tháng 9 tới.

Theo Washington Post, việc rút quân sẽ không được ấn định ngày tháng cụ thể mà sẽ được thực hiện theo lộ trình giảm dần quân số, tùy tình hình thực tế thỏa mãn các điều kiện đặt ra như thế nào. Trước mắt, quân số Mỹ ở Iraq sẽ tạm thời tăng lên 160.000 người (hiện nay là 138.000) nhằm bảo đảm an ninh cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào ngày 15/12/2005, sau đó sẽ bắt đầu giảm dần vào mùa xuân và đến hè 2006 sẽ giảm “đáng kể”. Việc giảm thêm quân số sẽ tiếp tục được xem xét và tiến hành cho đến cuối năm 2006.

Tờ Asia Times nhận định việc Mỹ quyết định rút quân có vẻ như là một hành động “chẳng đặng đừng”, bởi vì gốc rễ vấn đề an ninh rối loạn ở Iraq được xem là hậu quả của việc quân Mỹ và đồng minh chiếm đóng Iraq trong thời gian dài sau khi lật đổ ông Saddam Hussein, và nó chỉ có thể được giải quyết rốt ráo khi nào Mỹ và đồng minh rút quân.

Các báo cáo về tổn thất binh sĩ Mỹ và đồng minh do các cuộc tấn công của các lực lượng nổi dậy ngày càng tàn khốc càng khiến dư luận đòi Mỹ và liên quân rút khỏi Iraq mạnh mẽ hơn. Ở Washington, hầu như không ngày nào không bàn bạc chuyện rút quân. Trong một bài bình luận trên báo New York Times cuối tháng 7, Thượng nghị sĩ John Kerry đã thẳng thắn yêu cầu chính quyền Tổng thống W.Bush “phải định rõ thời gian rút quân và không tiếp tục hiện diện quân sự ở Iraq nữa”.

Ở Iraq, không chỉ người Sunni có thái độ chống Mỹ gay gắt, mà ngay cả các thủ lĩnh Shiite cũng mong muốn Mỹ rút quân càng sớm càng tốt. Đích thân Thủ tướng Ibrahim Jaafari trong cuộc họp ngày 26/7 cũng đã hối thúc ông Rumsfeld rút quân.

Tuy nhiên, theo báo chí Mỹ thì dường như Washington và Baghdad đã đạt được  một số thoả thuận bí mật nào đó, và việc Mỹ giảm quân số tại Iraq chỉ là bước đi tạm thời của chiến lược trú đóng lâu dài tại các căn cứ quân sự mới. Nhà phân tích Joost Hiltermann của trung tâm nghiên cứu International Crisis Group (ICG) nhận định: “Mỹ mà không có ý định tiếp tục ở lại Iraq mới là chuyện lạ”, bởi vì ngoài dầu mỏ thì “mục tiêu thứ hai của cuộc chiến xâm lược Iraq là tìm kiếm một địa điểm mới để xây dựng căn cứ đóng quân lâu dài ở Trung Đông”. Ý tưởng này đã từng được cựu Thứ trưởng Quốc phòng Paul Wolfowitz (nay là Tổng giám đốc Ngân hàng thế giới) đề cập trong một bài trả lời phỏng vấn tạp chí Vanity Fair năm 2003.

Tháng 4/2004, Tổng thống W. Bush cũng từng tuyên bố Mỹ có ý định lưu lại Iraq “cho tới khi nào còn cần thiết”. Chả thế mà sau cuộc họp ngày 27/ với Thủ tướng Jaafari, ông Rumsfeld đã lấp lửng với báo giới về công tác chuẩn bị pháp lý cho việc quân Mỹ trú đóng lâu dài tại Iraq.

Trong thực tế, Mỹ đã âm thầm thực hiện ý đồ của mình ngay từ sau khi đạt mục tiêu lật đổ ông Saddam Hussein. Tờ Chicago Tribune tháng 4/2004 từng nói đến việc Mỹ cho xây dựng 14 “doanh trại kiên cố” ở Iraq; còn tờ Washington Post hồi tháng 5/2005 tiết lộ rằng các lực lượng Mỹ ở Iraq sẽ gom lại trú đóng vĩnh viễn tại 4 căn cứ không quân lớn, bền vững.

Theo nguồn tin Asia Times, khá nhiều hạng mục công trình hạ tầng như sân bay quân sự, đường ôtô, và các kho vũ khí kiên cố hiện đang được tiến hành xây dựng tại các địa điểm được chọn trên khắp Iraq. Mỹ chắc chắn sẽ chuyển các căn cứ không quân lớn từ Arập Xêút sang Iraq, vì Iraq vừa hội đủ các điều kiện trú đóng như địa bàn lãnh thổ rộng, nằm ở vị trí địa chính trị quan trọng của khu vực, vừa có kho dầu hỏa lớn thứ nhì thế giới, các thế lực Hồi giáo Iraq cũng “hiền hơn”, trong khi chính sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Arập Xêút là một trong những nguyên nhân gây nên làn sóng khủng bố và căm thù Mỹ của lực lượng Hồi giáo cực đoan.

Những chuyển động ở Iraq là một phần trong chương trình sắp xếp lại các căn cứ quân sự của Mỹ trên toàn thế giới (gọi tắt là BRAC). Theo chương trình này, Mỹ sẽ phải đóng cửa, giảm quân số hoặc hoán chuyển nhiều căn cứ quân sự tại các nước đồng minh cho phù hợp với yêu cầu thực tế, nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí quân sự (hiện trên 400 tỉ USD/năm).

Đầu năm 2005, Mỹ đã quyết định giảm 1/2 quân số tại các căn cứ trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời củng cố một số căn cứ ở các khu vực trọng yếu ở Trung Á như Kyrgystan - nhằm kiểm soát các cường quốc có ảnh hưởng trong khu vực này như Trung Quốc và Nga - và Azerbaijan, quốc gia quan trọng nhất khu vực Nam Kavkaz, tiếp giáp vùng biển Caspian giàu dầu mỏ, và có đường ống dẫn dầu lớn từ biển Caspian ra hải cảng Cayen của Thổ Nhĩ Kỳ vừa mới đi vào hoạt động được vài tháng. Cuối tháng 7, Mỹ chính thức tuyên bố “nhổ neo” khỏi căn cứ quân sự ở Khanabad, Uzbekistan, và sẽ chuyển sang trú đóng ở một địa điểm trên đất Azerbaijan..

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.