Đằng sau thỏa thuận tên lửa Mỹ - Hàn Quốc: Nối dài tình trạng bất an

Thứ Ba, 16/10/2012, 11:30

Mọi chuyện bắt đầu từ ngày 7/10 khi Mỹ và Hàn Quốc thông báo đạt được thỏa thuận về việc nâng tầm bắn hệ thống tên lửa của Hàn Quốc từ 300km và đầu đạn nặng hơn 500kg lên thành 800km và đầu đạn trọng lượng tới 1.000kg. Sở dĩ có chuyện này là vì vào năm 2001, Hàn Quốc đã ký một thỏa thuận với Mỹ, theo đó, Seoul tự nguyện chấp nhận hạn chế tầm bắn tên lửa của mình trong phạm vi 300km, để đánh đổi lấy việc được Washington bảo vệ bằng "chiếc ô hạt nhân" và 28.500 quân Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, sẵn sàng chống lại mọi cuộc tấn công từ bên ngoài.

Thực tế thì việc Hàn Quốc đàm phán với Mỹ về hồ sơ này đã diễn ra từ lâu nhưng với nhịp độ vừa phải. Song Seoul đã tăng tốc hẳn lên từ tháng 4/2012, sau khi CHDCND Triều Tiên thử nghiệm không thành một tên lửa, gọi là để phóng vệ tinh dân sự lên quỹ đạo, nhưng bị quốc tế xem là một vụ thử nghiệm tên lửa tầm xa trá hình.

Về mặt chính thức, lý do được Hàn Quốc đưa ra để giải thích cho việc nâng tầm bắn tên lửa là "để kiềm chế các hành động khiêu khích quân sự của CHDCND Triều Tiên", như lời phát biểu với báo chí của Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Chun Yung-woo hôm 7/10.

Phản ứng tức thì từ CHDCND Triều Tiên, Hãng Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 9/10 dẫn lời phát ngôn viên Ủy ban Quốc phòng Quốc gia nói Bình Nhưỡng nay có thể sánh ngang hàng với bất kỳ kẻ thù nào theo kiểu "bom nguyên tử đấu với với bom nguyên tử, tên lửa đấu với tên lửa".

Phát ngôn viên Ủy ban Quốc phòng Quốc gia Triều Tiên nói: "Chúng tôi không che giấu sự kiện là quân đội cách mạng (Triều Tiên), bao gồm lực lượng tên lửa chiến lược, nay không những chỉ đặt quân đội kẻ thù Hàn Quốc và Mỹ ở bán đảo Triều Tiên mà cả Nhật Bản, Guam và thậm chí nội địa Mỹ trong tầm bắn của tên lửa của chúng tôi". Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng đã tuyên bố thông tin về tiềm năng quân sự của mình. Bằng cách đó, Bình Nhưỡng cho thấy rằng họ coi thỏa thuận tên lửa mới giữa Mỹ và Hàn Quốc như là sự chuẩn bị chiến tranh. Ngay sau tuyên bố trên thì phía Mỹ cũng đã phản ứng và cho rằng Bình Nhưỡng chỉ "nói vống lên" chứ họ (Triều Tiên) làm gì có khả năng chế tạo tên lửa bắn tới nước Mỹ.

Chuyện đôi coi này không đáng bàn, cái đáng nói ở đây là lo lắng của các nước xung quanh Hàn Quốc. Khu vực hiệu lực của tên lửa Hàn Quốc mới với tầm bán kính hoạt động gia tăng, hóa ra bao trùm phần lớn địa bàn lãnh thổ các nước lân cận - Trung Quốc, Nhật Bản, Nga. Tại Seoul người ta cam đoan tên lửa này chỉ có hướng duy nhất là chống Triều Tiên, chứ không chống những nước láng giềng khác.

Tuy nhiên, các chuyên viên quân sự thận trọng có thói quen không tin tưởng những khẳng định như vậy. Cái mà họ quan tâm nghiên cứu và đánh giá không phải là các tuyên bố chính trị, mà là tiềm năng hiện thực của những hệ thống này hay hệ thống khác. Và do đó, trong thời gian tới Hàn Quốc sẽ trở thành đối tượng của cái nhìn theo dõi chăm chú và phải nói luôn rằng, không nhiều thiện chí tin cậy của các nhà quân sự từ các nước láng giềng.

Bình Nhưỡng tuyên bố đủ khả năng tấn công Mỹ bằng tên lửa. Trong ảnh: Tên lửa tầm xa của Triều Tiên trong cuộc duyệt binh ngày 15/4/2012.

Có mọi cơ sở để ngờ rằng mấy chục tên lửa đạn đạo với đầu đạn thông thường có thể dùng làm phương tiện kiềm chế hiệu quả. Những cuộc xung đột giữa miền Bắc và miền Nam Triều Tiên một khi xảy ra, sẽ mang tính cục bộ. Trong trường hợp cực đoan nhất, sẽ là việc sử dụng pháo binh - thí dụ như đã từng xảy ra hồi tháng 11/2010 trên đảo Yeonpyeong. Dễ hiểu là để đáp trả một vài phát đạn pháo như thế mà dùng tên lửa đạn đạo tầm xa, thì thật là phi lý.

Gây không ít ngờ vực còn là tuyên bố rằng nếu cần, tên lửa đạn đạo của Seoul có thể dùng để giáng đòn tấn công vào những trung tâm nghiên cứu và chế tạo thuộc chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tất nhiên, về nguyên lý kỹ thuật khả năng đó là có thể, thế nhưng kết quả thực tế của những đòn giáng như vậy vẫn đáng hồ nghi.

Các chuyên gia cho rằng toàn bộ chương trình hạt nhân của Triều Tiên ngay từ đầu được thiết kế nhằm bảo vệ giảm thiểu hậu quả hư hại của các chủ thể dưới đòn tấn công. Tất cả đầu đạn hạt nhân, cũng như dự trữ vật liệu phân hạch đều cất giấu trong những cơ sở ngầm dưới lòng đất được bảo vệ chắc chắn, và khó lòng gây thiệt hại nếu không sử dụng vũ khí hạt nhân. Như vậy, đòn tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, nếu sự tình diễn ra đến mức như vậy, cũng chỉ có ý nghĩa thuần túy tượng trưng. Do đó, quyết định về việc ra khỏi thỏa thuận năm 2001 khó lòng giúp Hàn Quốc giải quyết nhiệm vụ kiềm chế người hàng xóm miền Bắc.

Trên bình diện quân sự, quyết định của Seoul về phát triển tầm xa của tên lửa đạn đạo sẽ làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai miền, buộc CHDCND Triều Tiên phải tập trung vào công việc trong chương trình tên lửa với ý chí quyết tâm mới.

Alexander Vorontsov, chuyên gia Viện Nghiên cứu phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết: "Không phải ngẫu nhiên mà trong một thời gian dài, Mỹ ngần ngại chấp nhận đề nghị kiên trì của Hàn Quốc yêu cầu được nâng tên lửa đạn đạo lên đến tầm xa 800km. Vì Washington hiểu rằng phản ứng gay gắt của Triều Tiên là điều không thể tránh khỏi".

Nhưng Washington đã thực hiện thỏa thuận với Seoul, bất chấp thực tế rằng điều đó vi phạm quy định quốc tế về hạn chế công nghệ tên lửa. Hiện nay, 34 quốc gia đã tham gia quy định này. Họ cam kết sẽ giới hạn phạm vi tên lửa trong vòng 300 km. Kích động cuộc chạy đua tên lửa mới trên bán đảo Triều Tiên, rõ ràng là Mỹ đang khởi xướng cuộc chơi mới. Trong thực tế, đây là một bước tiến tới sự hình thành hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở phía đông

M.T. (tổng hợp)
.
.