Đằng sau việc Bình Nhưỡng phóng thử 4 tên lửa tầm ngắn

Thứ Tư, 08/07/2009, 07:45
Dư luận trong và ngoài khu vực đang đặc biệt quan tâm tới thông tin của Hãng Thông tấn Yonhap, Hàn Quốc khi tuyên bố, Bình Nhưỡng vừa phóng thử 4 quả tên lửa tầm ngắn ở ngoài khơi vùng biển phía đông của CHDCND Triều Tiên chiều 2/7 tại bãi thử Sinsang-ni, gần thành phố Wonsan.

Thông tin kể trên được Hãng Yonhap lấy từ Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, ông Won Tae-jae. Quân đội Hàn Quốc ngay lập tức được lệnh báo động sau vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng.

Theo thống kê, kể từ sau vụ thử hạt nhân dưới lòng đất (ngày 25/5) đến nay, Bình Nhưỡng đã liên tiếp bắn thử tên lửa tầm trung và tầm ngắn, bất chấp những cảnh báo và lệnh cấm trước đó của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc xung quanh vấn đề nhạy cảm này. Theo lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Bình Nhưỡng bị cấm phát triển, thử nghiệm tên lửa và các loại vũ khí hủy diệt.

Vụ thử tên lửa tầm ngắn diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang có những diễn biến phức tạp và nhạy cảm, đặc biệt là tại bán đảo Triều Tiên. Dư luận cho rằng, vụ thử tên lửa không những làm trầm trọng thêm bầu không khí vốn đang căng thẳng trong khu vực, mà còn tạo “ngòi nổ” cho những vấn đề nhạy cảm khác.

Trong khi Hãng Yonhap cho rằng, Bình Nhưỡng vừa thử loại tên lửa đất đối hạm thì giới chuyên môn nhận định, CHDCND Triều Tiên rất có thể sẽ thử tên lửa tầm xa đúng dịp Mỹ kỷ niệm Quốc khánh (ngày 4/7). Theo giới truyền thông, cách đây gần 3 tháng (ngày 5/4), Bình Nhưỡng vừa phóng thử tên lửa Taepodong-2 và từng bắn thử tên lửa tầm xa vào đúng dịp Quốc khánh Mỹ (2006).

Tuy nhiên, hãng Yonhap cũng cho rằng, không có dấu hiệu nào cho thấy CHDCND Triều Tiên đang chuẩn bị phóng tên lửa tầm trung trong tương lai gần.

Nhiều người cho rằng, vụ thử tên lửa chiều ngày 2/7 cũng nhằm mục đích phản ứng trước việc Mỹ giám sát chặt chẽ tàu Kang Nam của CHDCND Triều Tiên khiến nó phải thay đổi hải trình và có thể quay về nước cho dù đã rời cảng từ hôm 17/6. Đây là tàu đầu tiên của Bình Nhưỡng bị giám sát kể từ khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc yêu cầu các nước thành viên kiểm tra những tàu có dấu hiệu chở vũ khí và hàng hóa liên quan tới vũ khí của CHDCND Triều Tiên. Bình Nhưỡng từng nhiều lần tuyên bố, không chịu ràng buộc bởi hiệp định đình chiến.

Cách đây mấy hôm, tờ Rodong Sinmun của CHDCND Triều Tiên từng cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc kích động một cuộc chiến tranh mới và cảnh báo sẽ “quét sạch những kẻ xâm lược” nếu có xung đột xảy ra. Bình Nhưỡng cũng mới cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc đã thực hiện hơn 1.100 vụ do thám nước này kể từ đầu năm 2009 đến nay.

Giới chuyên môn khá quan tâm tới thái độ “khá mềm dẻo và uyển chuyển” của Mỹ thời gian gần đây. Mỹ đã cử ông Philip Goldberg, người chịu trách nhiệm điều phối việc thực thi lệnh cấm vận chống Bình Nhưỡng tới hội đàm với Trung Quốc (từ ngày 2 đến 3/7) để tìm kiếm sự hỗ trợ từ Bắc Kinh trong vấn đề này. Trước đó, Đặc sứ Mỹ về vấn đề CHDCND Triều Tiên, ông Stephen Bosworth đã nhiều lần công du tới Đông Á để tìm cách phá vỡ cục diện bế tắc, nhưng bất thành.

Giới bình luận cho rằng, sự phối hợp của Trung Quốc là yếu tố then chốt bởi Bắc Kinh là nơi cung cấp lương thực và năng lượng chính cho Bình Nhưỡng. Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc Vũ Đại Vỹ đang bắt đầu chuyến công du tới những quốc gia hữu quan để thương đàm về tình hình bán đảo Triều Tiên.

Tàu Kang Nam của CHDCND Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng mới mở rộng lệnh trừng phạt CHDCND Triều Tiên (thêm một năm nữa) sau khi Bình Nhưỡng có những tuyên bố cứng rắn chống Mỹ. Trước những động thái kể trên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã ra lệnh cho quân đội tăng cường các hệ thống phòng thủ ở Hawaii để đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra. Lầu Năm Góc đã ra lệnh tái triển khai hệ thống chống tên lửa THAAD ở khu vực Thái Bình Dương.

Nên nhớ, Bình Nhưỡng mới rút khỏi mọi thỏa thuận về quân sự với Hàn Quốc, đồng thời đe dọa hai nước có thể đứng bên bờ vực chiến tranh. Tình hình bán đảo Triều Tiên càng trở nên phức tạp sau khi Mỹ tuyên bố hậu thuẫn cho Hàn Quốc để nước này đủ sức chống lại nguy cơ một cuộc tấn công hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên.

Về phần mình, trong chuyến thăm Nhật Bản mới đây (ngày 1/7), Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng đưa ra tuyên bố ủng hộ kế hoạch tổ chức cuộc đàm phán 5 bên (Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc và Nga) để thảo luận về những căng thẳng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Hyun In-taek cũng từng kêu gọi, 5 nước cần nỗ lực trong việc thuyết phục CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, quay lại bàn đàm phán

Nguyễn Thị Lân (tổng hợp)
.
.