Đằng sau việc EU gia hạn Brexit

Thứ Ba, 16/04/2019, 10:49
Rạng sáng 11-4, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí lùi thời hạn ra đi của nước Anh đến ngày 31-10. Đây là lần thứ 2 EU đồng ý gia hạn ngày Anh rời khỏi liên minh, còn gọi là Brexit, nhằm tránh một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong trường hợp Brexit cứng.

Không để nền kinh tế 16 nghìn tỷ USD của EU sụp đổ vì nước Anh

Ngày 11-4, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố nước này vẫn có thể rời EU một cách có trật tự trước ngày 22-5 tới, mặc dù hai bên đã nhất trí hoãn Brexit 6 tháng. Thủ tướng May nêu rõ: “Nếu chúng ta có thể làm được điều đó trước ngày 22-5 thì chúng ta sẽ không phải tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu”.

EU hiểu rằng, nếu không được gia hạn, Anh sẽ rời EU vào ngày 12-4 mà không có thỏa thuận, một kịch bản được cho là sẽ tạo ra cú sốc với nền kinh tế thứ 5 thế giới và cũng tác động lớn tới nền kinh tế 16 nghìn tỷ USD của EU.

Để có được sự đồng thuận này, trong cuộc họp tại Brussels trước đó ít giờ, ban đầu hầu hết các nhà lãnh đạo EU đều ủng hộ kế hoạch gia hạn Brexit 1 năm. Tuy nhiên, khi các cuộc tranh luận kéo dài đến đêm, Tổng thống Pháp Macron và lãnh đạo một số quốc gia khác như Bỉ, Áo... đã đề nghị rút ngắn thời hạn trên, kèm theo yêu cầu phải nhận được cam kết chắc chắn từ London về việc sẽ không can thiệp vào công việc của EU trong thời gian ở lại. Sau nhiều giờ tranh luận, cuối cùng các bên nhất trí chọn mốc 31-10 làm ngày ra đi của nước Anh.

Dường như mọi việc đang thuận lợi hơn cho Thủ tướng Anh. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết cả bà và Chính phủ Đức đều ủng hộ quan điểm rằng cần phải cho các đảng phái tại Anh một khoảng thời gian hợp lý để đạt được sự đồng thuận về một Brexit có trật tự.

Dù đồng ý rằng thời gian gia hạn Brexit càng ngắn càng tốt nhưng bà Merkel cho rằng quãng thời gian này cần phải đủ lâu để tạo ra không khí bình tĩnh và cũng giúp EU tránh phải họp bất thường nhiều lần chỉ vì một vấn đề.

Quyết định của EU giúp bà May giải tỏa được phần nào áp lực. Ảnh: DW.

Quan điểm của Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp đã “gặp được nhau” bất chấp những bất đồng giữa Pháp và Đức trước khi diễn ra cuộc họp của EU. Thậm chí, trước đó, nguồn tin từ đảng CDU dẫn lời phát biểu của bà Merkel trong một cuộc họp đảng cho biết bà đang cân nhắc đồng ý hoãn Brexit từ vài tháng tới đầu năm 2020.

Nhưng một nguồn tin ở Pháp cho rằng gia hạn Brexit 12 tháng là quá lâu. Chỉ có Hà Lan và CH Séc muốn trì hoãn lâu hơn vì cho rằng khả năng này sẽ khiến những nghị sĩ ủng hộ Brexit tại Anh thay đổi quan điểm và ủng hộ thỏa thuận Brexit do lo ngại việc gia hạn Brexit lâu hơn sẽ khiến tiến trình này hoàn toàn có thể bị đảo ngược và không diễn ra.

Cứu người là cứu mình

Cuộc họp của EU cho thấy EU thực sự lo ngại sự hỗn loạn có thể xảy ra ở cả hai phía Anh và EU. Chính vì thế các nhà lãnh đạo EU muốn thỏa thuận “ly hôn” phải đảm bảo sự ra đi êm thấm, sau giai đoạn chuyển tiếp có thể kéo dài đến năm 2022. Nhìn vào các điểm chính của thỏa thuận có thể thấy rõ “ý nguyện” muốn bình yên của cả hai bên.

Trước hết, trong giai đoạn chuyển tiếp, kéo dài đến ngày 31-12-2020, sẽ duy trì nguyên trạng, cho phép Anh và EU có thời gian để đàm phán về quan hệ tương lai của họ. Nó cũng cho phép các chính phủ, doanh nghiệp và công dân điều chỉnh hoạt động hậu Brexit.

Sự khác biệt lớn duy nhất trong giai đoạn này là Anh sẽ không được đại diện trong các thể chế của EU. Anh sẽ tiếp tục tham gia liên minh hải quan EU và thị trường chung, cũng như phải tuân thủ các luật của EU về sự di chuyển tự do hàng hóa, vốn, dịch vụ và lao động. Giai đoạn chuyển tiếp có thể được gia hạn một lần thêm 1 hoặc 2 năm, điều này đồng nghĩa rằng nó có thể kéo dài đến ngày 31-12-2022.

Về vấn đề nhức nhối nhất - vấn đề Ireland, thỏa thuận Brexit bao gồm điều khoản “chốt chặn cuối” để ngăn khả năng tái lập các trạm kiểm soát biên giới giữa Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Irealand nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại tự do sau giai đoạn chuyển tiếp.

Khả năng này sẽ xảy ra nếu giai đoạn chuyển tiếp chấm dứt mà quan hệ mới giữa Anh-EU không được xác định. Anh và EU sẽ thành lập vùng lãnh thổ áp dụng quy chế thuế quan chung và Bắc Ireland sẽ phải tuân thủ các quy định của thị trường chung EU về sự di chuyển của hàng hóa nhằm đảm bảo duy trì biên giới mở.

Các doanh nghiệp Bắc Ireland có thể đưa hàng hóa vào thị trường chung EU mà không phải đối mặt với bất kỳ hạn chế nào. Một số nghị sĩ Anh lo sợ Anh có thể “mãi mãi” bị mắc kẹt trong điều khoản này, điều sẽ cản trở tham vọng phát triển chính sách thương mại độc lập của họ.

Về các quyền công dân. dự thảo thỏa thuận duy trì quyền của hơn 3 triệu công dân EU sống ở Anh và 1 triệu công dân Anh sống ở EU. Các công dân EU và Anh, cũng như các thành viên trong gia đình họ, có thể tiếp tục sinh sống, làm việc hay học tập, được đối xử như các công dân của nước sở tại theo luật của nước đó.

Thỏa thuận này được áp dụng với tất cả các công dân định cư trước khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc. Họ sẽ vẫn được hưởng các quyền liên quan đến y tế, lương hưu và các quyền an sinh xã hội khác.

Các công dân EU tới Anh sau giai đoạn chuyển tiếp sẽ phải tuân thủ các luật nhập cư nghiêm ngặt hơn vốn đang được tranh luận tại Quốc hội Anh. Chắc chắn để mọi việc diễn ra thuận lợi nước Anh cần thực hiện nghĩa vụ tài chính với “hóa đơn” ước tính lên tới 39 tỷ bảng.

Các nhà phân tích nhận định, rõ ràng “người dân đã quá mệt mỏi và chán nản (với sự thiếu quyết đoán của Anh) nhưng chúng tôi phải làm gì? Chúng tôi sẽ không phải là những người đẩy Anh tới bờ vực”, một nhà ngoại giao EU bày tỏ. Không chỉ người dân, các bộ trưởng EU không còn giấu giếm tức giận của họ trước sự rối loạn ở London, nơi các nghị sĩ không thể nhất trí về việc Anh rời EU như thế nào gần 3 năm sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý về Brexit.

“Chúng tôi cảm thấy rất, rất chán nản ở đây”, Bộ trưởng Đức phụ trách các vấn đề châu Âu Michael Roth bày tỏ khi ông đến Luxembourg.

Còn tờ Telegraph sau khi phân tích những lần EU thất bại trước đây đã dẫn nhận định của nhà sử học Tim Stanley cho rằng: Không có gì ngạc nhiên nếu Brexit không xảy ra. Cho dù EU chấp nhận cho nước Anh chậm thực thi tiến trình Brexit muộn hơn ít tháng, nhưng chưa ai biết điều gì có thể xảy ra.

Hoa Vinh
.
.