Đằng sau việc Mỹ cáo buộc Iran “đi đêm” với Al-Qaeda

Thứ Ba, 09/08/2011, 19:20

Nước Mỹ đã "gieo" thêm "mầm" căng thẳng với Iran với cáo buộc rằng nước này từng có mối giao kèo ngầm với Al-Qaeda, tạo hành lang di chuyển cho mạng lưới khủng bố quốc tế từ Nam á sang Trung Đông. Nếu cáo buộc này có thật, tình hình Trung Đông sắp tới sẽ trở nên rất phức tạp và bất ổn, như một "chảo dầu sôi" - theo cách nói của báo Asia Times.

Theo Asia Times, cáo buộc nêu trên được Bộ Tài chính Mỹ đưa ra trong một tuyên bố chính thức hôm 28/7 cho rằng, Tehran đã ngầm "thỏa thuận" với Al-Qaeda và cho phép các phần tử thuộc tổ chức khủng bố này sử dụng lãnh thổ Iran để vận chuyển tiền và nhân sự từ Trung Đông đến Pakistan và Afghanistan. Đây là lần đầu tiên một cơ quan cấp bộ của Mỹ chính thức đưa ra cáo buộc Iran dính líu đến mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Trước Bộ Tài chính, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, người kế nhiệm là Leon Panetta và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Michael Mullen cũng đưa ra một loạt cáo buộc Iran "gia tăng hỗ trợ vũ khí cho các phiến quân Shiite ở Iraq", và cả Taliban ở Afghanistan.

Tướng Mullen nhấn mạnh: Các loại đạn, pháo giết chết quân Mỹ ở các mặt trận Iraq và Afghanistan vào tháng 6/2011 đã được truy nguyên xuất xứ từ Iran. Chưa hết, thành phần diều hâu trong chính quyền lẫn Quốc hội Mỹ còn cáo buộc Iran - đặc biệt là Lực lượng Qods trong Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC) - đã cung cấp vũ khí và hỗ trợ về an ninh cho lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad "trấn áp người biểu tình" ở Syria.

Tuy nhiên, "Al-Qaeda có mặt ở Iran" là chuyện không mới mẻ gì, vì nó đã được nêu lên từ năm 2004. Vấn đề là tại sao bây giờ chuyện đó được nhắc lại? Trọng tâm của cuộc đối đầu hiện nay giữa Mỹ với Iran là chương trình hạt nhân mà Iran khẳng định vì mục đích hòa bình trong khi Mỹ và phương Tây nghi ngờ là "chế tạo bom". Washington không chấp nhận kế hoạch giải quyết chương trình hạt nhân của Iran do Nga đề xuất, mà chỉ muốn gây thêm áp lực trong chiến thuật "ngoại giao cưỡng bức" nhằm buộc Tehran nhượng bộ trước khi bước vào đàm phán (nếu có).

Hiện tại, các biện pháp cấm vận nhiều mặt của Mỹ (và cả LHQ) đã không mang lại hiệu quả như mong muốn. Ngoài biện pháp cấm vận, Mỹ còn sử dụng các chiến thuật phối hợp như lợi dụng tổ chức khủng bố chống phá từ bên ngoài, tuyên truyền và tâm lý chiến để gây bất ổn định từ bên trong. Washington vừa thông báo đưa tổ chức khủng bố lưu vong chống Nhà nước Iran Mujahideen-e Khalq (MEK) cũng là nhằm mục đích lợi dụng tổ chức này trong cuộc chiến đa dạng chống Iran.

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad.

Một nhận định khác, việc leo thang luận điệu chống Iran cũng là một cách để Washington thể hiện mình vẫn "kiểm soát" được tình hình Trung Đông, theo dõi chặt chẽ từng bước đi của Iran trong mọi vấn đề, chứ không hề bị mất phương hướng bởi các vấn đề trong nước như khủng hoảng nợ công…

Giới chức ở Iran đã phủ nhận ngay lập tức các cáo buộc của Mỹ, cho rằng, đó chỉ là "thói quen cũ khó bỏ". Tehran cho rằng Tổng thống Obama đang bị thành phần thân Israel trong chính quyền và Quốc hội "dẫn dắt" theo chính sách đối đầu thù địch với Iran nhằm phục vụ mục tiêu lợi ích của Israel. Đây là điều hoàn toàn đi ngược lại chính sách "đối thoại" mà Tổng thống Obama theo đuổi nhằm giải quyết các vấn đề về đối ngoại, trong đó có chương trình hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, giới quan sát bác bỏ khả năng Mỹ làm như vậy vì chuẩn bị cho một cuộc chiến mới với Iran vì thực tế nước Mỹ hiện nay không có đủ khả năng làm việc đó. Chuyện động binh chắc chắn sẽ do Israel đầu tàu tấn công Iran.

Tự bản thân các cáo buộc trên đây của Mỹ đã làm hỏng những cơ hội tốt đẹp nhất để Mỹ có thể giải quyết một cách ổn thỏa những bất đồng với Iran. Những cơ hội đó chính là Iran sẵn sàng đối thoại với Mỹ, sẵn sàng hỗ trợ Mỹ trong việc bảo đảm an ninh ở Iraq cũng như Afghanistan. Cả Iran và Mỹ đều cùng ủng hộ các nhà lãnh đạo Shiite ở Iraq và Afghanistan, đều cùng đối đầu với Taliban, nhưng do quan hệ tôn giáo nên tiếng nói của Tehran dễ được thành phần người Shiite trong khu vực chấp nhận hơn là Mỹ.

Đó là chưa kể ảnh hưởng mạnh của Iran trong khu vực hoàn toàn có thể giúp Mỹ giải quyết một số vấn đề về an ninh và chính trị mà Washington lâu nay loay hoay mãi chưa giải quyết được. Vì vậy, nếu tiếp tục leo thang chống Iran, Mỹ chẳng thu được lợi ích gì ngoài việc tự đánh mất những cơ hội duy trì ảnh hưởng của chính mình trong khu vực

Văn Trương (tổng hợp)
.
.