Việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa tại Châu Âu:

Dấu hiệu nhượng bộ từ Washington

Thứ Tư, 05/11/2008, 16:00
Sau khi ký kết được các thỏa thuận với Czech và Ba Lan, Washington dù sao vẫn tỏ ra có một vài động thái nhượng bộ khi đề xuất khôi phục lại đối thoại với Nga về các kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại châu Âu. Phía Nga về cơ bản đã không phản đối.

Tuy nhiên, khả năng giải quyết cuộc đối đầu này có thể đạt được một bước tiến mới, khi Nga có thể tính toán tới giải pháp tổ chức giám sát thường xuyên các đối tượng thuộc hệ thống trên. Bước đi này càng có cơ sở hơn với việc Czech mới đây đã tuyên bố, sẵn sàng cho Nga giám sát các địa điểm của hệ thống phòng thủ chống tên lửa trên lãnh thổ của mình.

Theo như Washington vẫn khăng khăng từ trước tới nay, hệ thống phòng thủ này chỉ để bảo vệ cho các đồng minh châu Âu của Mỹ khỏi nguy cơ những đòn tấn công bằng tên lửa từ phía Iran và CHDCND Triều Tiên. Trong khi Mỹ mới tuần trước đã chính thức gạt bỏ CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố, chưa kể họ chưa có bất kỳ một bằng chứng chắc chắn nào về việc cả Tehran và Bình Nhưỡng đang sở hữu những loại tên lửa có thể bắn tới châu Âu. 

Những khẳng định trên của Đại sứ Mỹ một tháng trước đây chỉ được đón nhận với thái độ khá dè dặt, do một loạt các diễn biến trước và sau thời điểm đó vẫn chưa cho thấy một tia hy vọng đáng kể nào.

Cụ thể là trước đó vào ngày 11/9, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov vẫn tuyên bố, Moskva vẫn tin chắc rằng, các kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ tại Đông Âu là nhằm để chống lại Nga.

Cũng theo ông Lavrov, Bộ Ngoại giao Nga ngay từ tháng 8 đã trao cho Washington một loạt những yêu cầu để Mỹ có thể tăng "tính minh bạch" trong các căn cứ phòng thủ chống tên lửa của Mỹ tại Ba Lan và Czech, nhưng họ vẫn chưa có được hồi âm.

Sau đó đúng một tuần, vào ngày 17/9 Thượng viện Mỹ  đã phê chuẩn trọn gói yêu cầu của George Bush về khoản ngân sách chi phí cho việc bố trí các căn cứ thuộc hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại Ba Lan và Czech trong năm 2009 với tổng giá trị 712 triệu USD.

Cần nhớ là chỉ một tháng trước đó (ngày 20/8), Mỹ đã ký với Ba Lan thỏa thuận về việc bố trí các thành phần của hệ thống phòng thủ chống tên lửa trên lãnh thổ quốc gia này, theo đó Lầu Năm Góc sẽ được phép triển khai 10 tên lửa đánh chặn tại một căn cứ nằm gần biển Baltic. Trong khi một thỏa thuận tương tự cũng được Washington ký kết với Chính phủ Czech trước đó.

Dù sao, những tuyên bố mới nhất của phía Czech (tất nhiên với việc bật đèn xanh từ phía Washington) vẫn được nhìn nhận như một dấu hiệu khả quan có thể làm giảm bớt sự căng thẳng về vấn đề này.

Theo như Thủ tướng Mirek Topolanek, Chính phủ Czech đã sẵn sàng thỏa hiệp, đồng ý cho các quan sát viên của Nga tới giám sát định kỳ tại các căn cứ phòng thủ chống tên lửa của Mỹ trên đất của mình. Nếu đúng như kịch bản, bước đi tiếp theo chắc chắn sẽ là một cái gật đầu tương tự từ phía Ba Lan, quốc gia từ trước vẫn phối hợp rất nhịp nhàng với Czech về vấn đề này.

Nếu đúng theo những gì đã tuyên bố, Czech rõ ràng đã thay đổi quan điểm về mặt nguyên tắc liên quan đến yêu cầu giám sát các căn cứ phòng thủ tên lửa của phía Nga. "Nếu như sự có mặt của các quan sát viên là không thường xuyên, chúng tôi sẽ chấp nhận đề nghị này" - ông Topolanek đã phát biểu như vậy trong một bài trả lời phỏng vấn tờ Nikkei của Nhật hôm 18/10 vừa qua.

Cũng theo quan chức này, vấn đề bố trí các dàn radar của Mỹ tại Czech dù đã được giải quyết triệt để và không thể đảo ngược được, nhưng Praha vẫn sẵn sàng hợp tác để tìm giải pháp thỏa hiệp với Moskva.

Như để "phụ họa" thêm cho động thái này, Đại sứ John Beyrle trước đó chỉ một ngày cũng tuyên bố: "Nước Mỹ dù đang trên ngưỡng cửa của cuộc bầu cử Tổng thống vẫn muốn khôi phục lại quá trình tư vấn với nước Nga về hệ thống phòng thủ chống tên lửa".

Cần nhớ là trước đó, tất cả những nỗ lực của Nga nhằm đạt được thỏa thuận cho phép các quan sát viên quân sự có mặt tại những căn cứ trên đều không đạt được bất cứ một kết quả nào, khi cả Praha và Warsaw đều đồng thanh tuyên bố: bất cứ sự có mặt nào của các chuyên gia quân sự Nga tại các khu vực trên đều là không thể chấp nhận được về mặt nguyên tắc.

Tất nhiên là đối với phía Czech, quyết định cuối cùng về việc cho phép các nhà quan sát của Nga có mặt tại các căn cứ thuộc hệ thống phòng thủ chống tên lửa vẫn còn phải trải qua các thủ tục thông qua tại Quốc hội và chữ ký phê chuẩn của Tổng thống Vaclav Klaus. Đa phần ý kiến đều cho rằng, các thủ tục mang tính hình thức này sẽ nhanh chóng được thông qua, sau đó chắc chắn là những bước đi tương tự từ phía Ba Lan.

Vấn đề quan trọng còn lại được công luận quan tâm là phía Nga sẽ đón nhận những đề xuất này như thế nào. Tiết lộ không chính thức từ một số quan chức Nga cho thấy, Moskva rất có thể sẽ chấp nhận khả năng giám sát trên nhưng chỉ với điều kiện là phải được giám sát thường xuyên (chứ không phải định kỳ như phía Czech đã đề xuất).

Điều này cũng tương tự như một giải pháp thỏa hiệp do chính Moskva đề xuất trước đây, theo đó các quan sát viên quân sự của họ có quyền tự do giám sát các căn cứ phòng thủ chống tên lửa này của Mỹ, đồng thời họ được bố trí thành những nhân viên có biên chế tại các đại sứ quán của Nga ở Czech và Ba Lan.

"Độ chênh" về quan điểm của cả hai phía cùng với khả năng về việc tạo ra bước đột phá chỉ có thể có được câu trả lời rõ ràng hơn sau cuộc gặp giữa hai đối tác chính là Mỹ và Nga dự kiến vào cuối tháng 10 này

Hồng Sơn (Tổng hợp)
.
.