Đấu khẩu Nga - Mỹ vì Venezuela

Thứ Hai, 01/04/2019, 13:07
Ngày 24-3, hai máy bay Nga chở 99 quân nhân và 35 tấn trang thiết bị đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Simon Bolivar. Dẫn đầu phái đoàn là Tướng Vassily Tonkoshkurov, Phó Tham mưu trưởng Quân đội Nga.

Tiếp phái đoàn Nga, phía Venezuela có người đứng đầu bộ phận hợp tác quốc tế của chính quyền Caracas, bà Marianne Mata, chỉ huy trưởng lực lượng cảnh sát đặc biệt Venezuela (SWAT), Edgar Colin Reyes, cùng đại diện của Đại sứ quán Nga ở Caracas.

Một nguồn tin ngoại giao ở thủ đô Venezuela nói với đài Sputnik của Nga rằng đây là một chuyến thăm đã có kế hoạch từ trước và nằm trong chương trình tham vấn giữa quân đội Nga và Venezuela. Nguồn tin ngoại giao Venezuela cũng nói với Sputnik rằng không có gì “bí ẩn” về chuyến thăm này, bởi giữa Nga và Venezuela có một số thỏa thuận được ký trước đó đang chờ xử lý.

Phái đoàn quân sự của Nga đã tới Caracas ngày 24-3.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Mỹ lên án chuyện này. Ngày 27-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Nga rời khỏi Venezuela sau khi Washington cáo buộc Moscow gửi quân đội và thiết bị tới Caracas. “Nga phải ra đi”, ông Trump nói trong cuộc tiếp đón Fabiana Rosales, vợ của lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaido, theo cách gọi của Nhà Trắng là “Đệ nhất phu nhân Venezuela”.

Ngày 28-3, kiểm toán Chính phủ Venezuela cáo buộc ông Guaido không công khai tài chính cá nhân, nhận tiền từ các nguồn trái phép. Ngoài ra, ông còn bị cáo buộc gây tổn hại Venezuela thông qua những sự tương tác của ông với các chính phủ nước ngoài. Với các tội danh này, ông Guaido bị cấm giữ chức vụ công trong 15 năm. Tuy nhiên, lệnh cấm này khó có thể thực thi khi mà ông này nhận được sự hẫu thuẫn của Mỹ và hơn 50 quốc gia trên thế giới.

Đầu tuần này, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng kêu gọi Nga ngừng ủng hộ chính quyền Tổng thống Maduro. Về phần mình, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã tố cáo “sự tăng cường liên tục nhân viên quân sự Nga tới Venezuela để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro” và cảnh báo rằng Mỹ sẽ không ngồi yên nếu Nga tiếp tục “làm trầm trọng thêm căng thẳng” ở Venezuela.

Ông Pompeo tái khẳng định rằng Mỹ không có ý định đàm phán với ông Nicolas Maduro. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ dường như cũng xác nhận rằng các cuộc thảo luận đang được tiến hành để tìm một vùng đất lưu vong cho ông Maduro.

Phản ứng với những cảnh báo của ông Trump, ngày 27-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khuyên ông chủ Nhà Trắng nên giữ lời hứa rút quân đội Mỹ khỏi Syria trước khi đưa ra lời khuyên cho các nước khác. “Ông ấy nói rằng Mỹ sẽ rút khỏi Syria, một tháng đã trôi qua... Tôi tự hỏi: họ đã rút chưa?”, bà Zakharova nói, được trích dẫn bởi cơ quan thông tấn Interfax. “Trước khi muốn nắm trong tay số phận của các quốc gia khác, tôi sẽ khuyên ông ấy thực hiện những lời hứa với cộng đồng quốc tế”, bà Zakharova nói thêm.

Người đứng đầu Ủy ban Quốc tế Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev nói rằng ông Trump đang cố gắng can thiệp một cách trắng trợn vào mối quan hệ song phương của hai quốc gia có chủ quyền. Theo ông, nhà lãnh đạo Mỹ đang cố gắng ra lệnh cho Nga được phép làm những gì và không được làm những gì ở một quốc gia độc lập có chủ quyền. Ông Kosachev nhấn mạnh rằng Moscow đang hợp tác phát triển một cách hợp pháp với Caracas trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự.

Phó Chủ tịch Thứ nhất Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang Nga, Vladimir Dzhabarov nói rằng thực tế không có sự hiện diện của Nga ở Venezuela, “ngoại trừ một số lượng ít ỏi nhân sự trong ngành dầu khí”.

Ngày 27-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Nga rời khỏi Venezuela.

“Không có sự can thiệp nào từ Nga trong các vấn đề nội bộ của Venezuela, trong khi người Mỹ cho phép mình mặc sức tung hoành ở đó, mặc dù Venezuela không phải là thuộc địa của họ”, ông Dzhabarov nhấn mạnh. Theo Dzhabarov, tuyên bố của ông Trump đã cho thấy một biểu hiện mới của “hội chứng sợ nước Nga”. Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế của Viện Duma liên bang, nói rằng ông Trump đã đưa ra một tuyên bố hoang dã theo tinh thần cư xử của thực dân đối với thuộc địa.

“Thật là trơ tráo khi đưa ra các tùy chọn hành động mà theo đó ép buộc Nga phải rời khỏi Venezuela. Hoa Kỳ một lần nữa cố gắng áp đặt ý chí của mình với sự giúp đỡ của vũ lực, phớt lờ mọi quy chuẩn của luật pháp” - ông Leonid Slutsky cho biết thêm. Ông cũng bày tỏ sự nhất trí với ý kiến các đồng nghiệp của mình, những người kêu gọi Mỹ thực hiện tất cả các lời hứa của mình về việc rút quân khỏi Syria.

Sự gia tăng đấu khẩu hiện nay giữa Mỹ và Nga về Venezuela làm người ta nhớ lại những màn đấu khẩu tương tự vào năm 2011 về chính quyền Syria. Không thể hạ bệ được Tổng thống Al-Assad, ngày 22-9-2014, liên quân do Mỹ dẫn đầu không kích vào lãnh thổ Syria với mục tiêu diệt trừ tận gốc tổ chức Hồi giáo cực đoan (IS). Mỹ hậu thuẫn cho các phiến quân chống chính phủ như Lực lượng Dân chủ Syria, gồm chủ yếu người Kurd và người Arab. Trong khi đó, Nga và Iran ủng hộ chính quyền của Tổng thống Assad.

Sau nhiều năm nội chiến, hàng trăm ngôi nhà cao tầng tại Syria bây giờ chỉ còn là đống đổ nát. Theo ước tính, chiến tranh đã tàn phá khoảng 35.000 mái ấm của người dân nơi đây và cướp đi hơn nửa triệu sinh linh.

Bài học từ Afghanistan, Iraq, Lybia, Syria có thể là một lời cảnh tỉnh cho những cái đầu đối nghịch ở Venezuela hiện nay. Các chuyên gia cho rằng quân đội cũng sẽ có thể tạm thời ngưng chống lưng cho ông Maduro và đợi đến khi tình hình kinh tế-chính trị-xã hội ổn định trở lại để đứng ra tổ chức một cuộc bầu cử chính danh. Tuy nhiên, không thể loại trừ hẳn khả năng của một cuộc đảo chính như năm 2002 do lực lượng cánh hữu phát động theo chỉ thị của doanh nhân và nhà lãnh đạo tổ chức Fedecámaras Pedro Carmona.

“Khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela dường như ít có thể xảy ra nhưng cũng không thể bị loại trừ theo tình hình hiện nay”, ông Michael Shifter, Chủ tịch của Inter-American Dialogue có trụ sở tại Mỹ, cảnh báo. Dù cho ông Guaido đã yêu cầu nhóm Lima (13 quốc gia ở Mỹ Latinh, Caribbean và Canada) xem xét tất cả các biện pháp trừng phạt nhưng nhóm này đã từ chối phương án đẩy người dân Venezuela vào bước đường cùng thông qua vũ lực.

Còn đối với chuyên gia Diego Moya-Ocampos thuộc Viện IHS Markit ở London, việc Venezuela trở thành một Syria thứ hai “vẫn hoàn toàn có thể xảy ra nếu cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia này ngày càng gay gắt và kéo dài. Trong trường hợp ông Maduro chỉ đạo tấn công ông Guaido hoặc Quốc hội, cơ quan nhà nước duy nhất do phe đối lập kiểm soát”, Mỹ hoàn toàn có thể can dự vào chuyện riêng của nước khác theo đường lối mà họ đã làm kể từ những ngày đầu cuộc Chiến tranh Lạnh.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.