Đấu pháo giữa hai miền Triều Tiên: Diễn biến khó lường?
Vụ đấu pháo lịch sử
Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, vào lúc 14 giờ 34 phút, giờ địa phương, tức 5h34’ giờ GMT, ngày 23/11, một đơn vị pháo binh CHDCND Triều Tiên đã dội 50 quả đạn pháo vào đảo Yeonpyeong, gần đường ranh giới trên vùng biển tranh chấp giữa hai bên ở Hoàng Hải, phía tây bán đảo Triều Tiên. Vụ pháo kích bất ngờ khiến khoảng 60 ngôi nhà trên đảo Yeonpyeong bốc cháy và người dân địa phương tháo chạy trong hoảng loạn. Có 2 binh sĩ thủy quân lục chiến Hàn Quốc, 2 dân thường thiệt mạng cùng 16 binh sĩ và 3 thường dân bị thương. Hàn Quốc lập tức yêu cầu người dân trên đảo xuống nơi trú ẩn và bắn trả miền Bắc khoảng 80 quả đạn pháo. Cuộc giao chiến kéo dài chừng 1 giờ.
Ngoài việc bắn trả đạn pháo, Seoul đã đặt quân đội trong tình trạng báo động cao nhất và sẵn sàng chiến đấu. Hãng tin YTN của Hàn Quốc đưa tin, những chiếc máy bay chiến đấu F-16 của không quân nước này đã được lệnh sẵn sàng nhưng chưa có một hành động tấn công nào. Qua Hãng thông tấn chính thức KNCA, Chỉ huy Quân đội Triều Tiên cho rằng: “Chính miền Nam đã gây hấn bằng cách bắn pháo vào lãnh hải của chúng ta từ lúc 13h" và dọa là "sẽ tiếp tục tấn công nếu kẻ thù cả gan xâm lấn".
Căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên lên cao kể từ hồi tháng 3 vừa qua khi tàu hải quân của Hàn Quốc chìm ở vùng biển Hoàng Hải, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Seoul buộc tội Bình Nhưỡng đã đánh chìm tàu của họ. Một Ủy ban Điều tra quốc tế cũng khẳng định điều này, song CHDCND Triều Tiên một mực bác bỏ. Vùng biển phía tây bán đảo CHDCND Triều Tiên từng là nơi diễn ra những khủng hoảng trước đây và hiện vẫn là khu vực nguy hiểm nhất.
Trước vụ tàu Cheonan chìm, đã có ba cuộc đụng độ giữa hải quân hai bên xung quanh đường ranh giới phân chia lãnh thổ. Đây là hải giới trên thực tế được lực lượng của Liên Hiệp Quốc do Mỹ dẫn đầu vạch ra năm 1953. CHDCND Triều Tiên không công nhận và cho rằng hải giới cần lùi xuống phía nam. Hai nước trên bán đảo Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh bởi cuộc nội chiến từ năm 1950 đến 1953 kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn mà chưa có hiệp ước hòa bình nào được ký kết.
Ngày 23/11, theo phát ngôn viên của Phủ Tổng thống, Seoul đang tìm hiểu nguyên nhân của việc tấn công này. Trong khi đó, Hải quân Hàn Quốc đang có cuộc tập trận ở vùng biển tây gần nơi xảy ra vụ tấn công của CHDCND Triều Tiên. Trước đó, Bình Nhưỡng đã gửi thư phản đối và yêu cầu miền Nam dừng cuộc tập trận này nhưng không được đáp ứng. Giới chức Hàn Quốc đang tìm hiểu liệu có sự liên hệ giữa cuộc tập trận này với vụ đọ pháo hay không.
Nếu đặt vụ việc này trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vụ đấu pháo hôm 23/11 không phải là một diễn biến đơn lẻ, nó diễn ra chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên công khai một cơ sở làm giàu uranium khá hiện đại, mà các chuyên gia cho rằng, có thể là bước đi hướng tới sản xuất vũ khí hạt nhân. Và, từ ngày 28/11 đến 1/12, một cuộc tập trận chung quy mô lớn của Hải quân Hàn Quốc và Mỹ diễn ra tại Hoàng Hải với sự tham gia của tàu sân bay USS George Washington, cùng nhiều tàu chiến khác. Ngày 24/11, tàu USS George Washington đã bắt đầu rời cảng Nhật Bản mang theo 75 máy bay chiến đấu và một phi đội gồm hơn 6.000 người tới bán đảo Triều Tiên. Cuộc tập trận này bị Triều Tiên coi là một hành động gây hấn, dẫn tới vụ đấu pháo trên hòn đảo Yeonpyeong.
Vụ pháo kích hôm 23/11 đã phá hủy nhiều ngôi nhà ở Yeonpyeong, Hàn Quốc. |
Cả thế giới chỉ biết... chờ đợi
Phản ứng chung của các nước và các tổ chức có liên quan tới vấn đề Triều Tiên cho đến nay chỉ dừng lại ở những phát biểu mang tính ngoại giao, trong đó kêu gọi kiềm chế để tránh leo thang căng thẳng ở khu vực. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon bày tỏ lo ngại sâu sắc trước sự leo thang căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời lên án vụ tấn công và kêu gọi kiềm chế ngay lập tức.
Vài giờ sau khi vụ bắn pháo bắt đầu, Mỹ đã bày tỏ rất lo ngại về vụ việc này, Tổng thống Obama khẳng định Mỹ giữ vững cam kết bảo vệ đồng minh của mình là Hàn Quốc đồng thời duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Nhà Trắng cũng triệu tập một cuộc họp các quan chức quân sự, dân sự và tình báo cấp cao để thảo luận về vụ bắn pháo giữa hai miền Triều Tiên. Giới chức quốc phòng Mỹ cho rằng, còn quá sớm để bàn về khả năng áp dụng hành động quân sự sau vụ việc này.
Nội các Nhật Bản ngày 24/11 đã thành lập nhóm đặc trách với sự tham gia của các thành viên nội các để xử lý các vấn đề phát sinh liên quan tới vụ bắn đạn pháo giữa hai miền Triều Tiên. Phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của nhóm này, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cho rằng, cộng đồng quốc tế cần đề nghị Trung Quốc đóng vai trò quan trọng giúp làm dịu tình hình căng thẳng hiện nay. Tokyo cũng sẽ siết chặt cấm vận đối với Bình Nhưỡng.
Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU), NATO và một loạt các nước như Nga, Pháp, Đức, Anh, Đan Mạch và Australia đã ra tuyên bố bày tỏ lo ngại sâu sắc về vụ bắn pháo giữa hai miền Triều Tiên và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế.
Tuy nhiên, cơ quan có thể đưa ra những biện pháp trừng phạt mang tính ràng buộc như Hội đồng Bảo an LHQ thì cho đến nay vẫn chưa có bất cứ cuộc họp bàn nào sau vụ đọ pháo trên. Sự thận trọng của các thành viên thường trực - Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh và Pháp, cho thấy sự thiếu vắng một câu trả lời cụ thể trước vụ pháo kích của Bình Nhưỡng.
Giới ngoại giao ở Mỹ khi được phỏng vấn nói rằng, họ lo sợ một nghị quyết lên án của Hội đồng Bảo an LHQ bây giờ sẽ chỉ càng làm tình hình thêm căng thẳng. Tình huống hiện giờ khiến người ta nhớ lại vụ chìm tàu Hàn Quốc Cheonan hồi tháng 3, trong đó Bình Nhưỡng bị cáo buộc là thủ phạm, nhưng phải chờ đến 4 tháng sau khi vụ việc xảy ra Hội đồng Bảo an mới nhóm họp để bàn về vấn đề đó.
Nước cờ chiếu bí cả Mỹ và Trung Quốc
Sau vụ CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đấu pháo, Trung Quốc tuyệt nhiên không lên án hành động này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi, hôm 25/11 đưa ra phát biểu mạnh mẽ nhất của Trung Quốc tính cho đến nay về vụ đối đầu quân sự giữa Nam và Bắc Triều Tiên. Nhưng Bắc Kinh không lên án bên nào trong vụ này. Ông Hồng Lỗi nói rằng: “Hai miền Triều Tiên nên tự kiềm chế và nhanh chóng đối thoại với nhau để ngăn chặn sự tái diễn của những vụ việc tương tự lại xảy ra”.
Trả lời AFP, Bridges, Chủ nhiệm Khoa Chính trị học tại Đại học Lĩnh Nam, Hồng Kông phân tích: "Trung Quốc đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan... Về mặt công khai, họ sẽ tiếp tục không lên án CHDCND Triều Tiên, nhưng tôi chắc chắn là họ sẽ rốt ráo vận động ngoại giao để thuyết phục Bình Nhưỡng đừng làm gì khác khiến cho tình hình xấu đi thêm".
Đồng thời Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã hoãn chuyến thăm Hàn Quốc để phản đối cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải và để tránh bị hiểu lầm là một cử chỉ ủng hộ Hàn Quốc sau vụ va chạm giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc.
Trong khi Bắc Kinh bối rối thì Washington cũng rơi vào thế bí. Sau vụ đụng độ hôm 23/11, giới chức Mỹ phân vân có nên nối lại đàm phán với Bình Nhưỡng, hiện đang rất cần viện trợ kinh tế hay không, hay là cố tình làm giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của vụ việc? Ngược lại, nếu tỏ rõ lập trường cứng rắn thì không loại trừ nguy cơ xung đột quân sự leo thang trên bán đảo Triều Tiên.
Người dân Yeonpyeong được sơ tán ra khỏi vùng nguy hiểm. |
Nhiều câu hỏi không dễ trả lời được đặt ra cho Mỹ lúc này. Chính quyền Obama sẽ đối phó ra sao với cuộc khủng hoảng CHDCND Triều Tiên? Rõ ràng là cách tiếp cận vấn đề của chính quyền Obama qua giải pháp ngoại giao không mang lại hiệu quả. Thế nhưng, theo giới phân tích, Mỹ cũng không có nhiều lựa chọn khác.
Trong quá trình vận động tranh cử tổng thống trước đây, khác hẳn với đối thủ John McCain, ông Obama đã tuyên bố muốn tiếp tục chính sách ngoại giao cởi mở đối với Bình Nhưỡng. Thực tế cho thấy là chỉ vài tháng sau khi nhậm chức, ông Obama đã buộc phải thay đổi thái độ khi Triều Tiên tiến hành một vụ thử nguyên tử và từ chối quay trở lại bàn đàm phán 6 bên về hạt nhân. Từ đó đến nay, Washington không chấp nhận đối thoại trực tiếp song phương mà chủ trương nói chuyện với Bình Nhưỡng trong khuôn khổ vòng thương lượng đa phương.
Theo giới quan sát, chính quyền Mỹ đang rơi vào tình thế lưỡng nan khi đối mặt với hồ sơ CHDCND Triều Tiên và trong hoàn cảnh hiện nay, giải pháp đỡ tồi tệ nhất là nối lại các cuộc thương lượng. Masao Okonogi, nhà phân tích chính trị quốc tế, Đại học Keio (Nhật Bản) nói: "Tôi tin rằng, vụ nã pháo ở Yeonpyeong sẽ kết thúc bằng đối thoại. Tuy nhiên, nếu không có những cuộc đối thoại tiếp theo, thì vẫn có thể tiếp tục xảy ra những vụ việc tương tự. Chỉ có điều là ở chỗ khác và kiểu khác mà thôi. Và trong trường hợp đó, thì một cuộc chơi vô cùng nguy hiểm sẽ bắt đầu".
Hiện Bộ Chỉ huy Lực lượng giám sát Hiệp định đình chiến giữa hai miền Triều Tiên của LHQ tại Hàn Quốc (UNC) đã đề xuất tiến hành đàm phán cấp tướng với CHDCND Triều Tiên nhằm làm dịu căng thẳng giữa hai bên. Tuy nhiên, đúng như các nhà phân tích đã nhận định, cho dù các bên có ngồi được vào bàn đàm phán, nhưng nếu không có những bước đi thận trọng, Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ rất có thể sẽ bị lôi vào một cuộc xung đột mới chỉ vì những sai lầm đơn giản.
Xét đến nguyên nhân dẫn đến hành động của Triều Tiên hôm 23/11, trong bài xã luận, tờ Le Figaro cũng như nhiều tờ báo quốc tế khác đều nêu hai nguyên nhân: nguyên nhân đối ngoại là thu hút chú ý để quốc tế đi đến bàn đàm phán. Bình Nhưỡng sẽ đòi các nước nhượng bộ nhiều hơn, như chấm dứt trừng phạt chẳng hạn. Nguyên nhân thứ hai là đối nội: Kim Jong Un người thừa kế quyền lực, cần có một động thái nào đó nhằm xác định năng lực và giành được hậu thuẫn của quân đội và guồng máy an ninh? Nhưng cũng có giả thuyết đáng ngại là bất đồng nội bộ gây ra một sự xáo trộn nào đó trong guồng máy quyền lực tại Bình Nhưỡng?
Trong một diễn biến khác, ngày 25/11, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc đã đệ đơn từ chức vì để xảy ra vụ việc trên và đã được Tổng thống Lee Myong-bak chấp thuận