Dấy lên hi vọng từ cuộc gặp lịch sử

Thứ Tư, 03/07/2019, 10:32
Giây phút lịch sử thực sự đã diễn ra khi lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đương nhiệm và một nhà lãnh đạo Triều Tiên đã có cái bắt tay trên phần lãnh thổ CHDCND Triều Tiên. Đây thực sự là một bước tiến đầy ý nghĩa hướng tới hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên vốn chưa bao giờ thực sự bình yên kể từ khi diễn ra cuộc chiến chia đôi hai miền Nam - Bắc.

Đã có những hy vọng mới thực chất hơn tại cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba, được ví như hội nghị thượng đỉnh thu nhỏ giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un.

Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc họp kín kéo dài gần 1 giờ tại Nhà tự do bên phần lãnh thổ Hàn Quốc ở Khu phi quân sự (DMZ) và nhất trí nối lại các cuộc đàm phán. Đây được xem là dấu mốc lịch sử vô cùng quan trọng đối với Mỹ và CHDCND Triều Tiên, đồng thời là hình ảnh biểu tượng cho sự hàn gắn quan hệ song phương.

Chỉ có hai cựu Tổng thống Mỹ đã có chuyến thăm tới CHDCND Triều Tiên: Jimmy Carter, vào tháng 6-1994 và Bill Clinton vào tháng 8-2009. Ông Carter có một lần nữa vào tháng 8-2010. Cả hai đều đến thăm sau khi họ rời nhiệm sở.

Cái bắt tay lịch sử của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại đường giới tuyến ở DMZ. Ảnh: Tampa Bay Times.

Bước đi lịch sử

Thế bế tắc suốt thời gian sau Hội nghị Thượng đỉnh tại Hà Nội hồi tháng 2 nay đã được khai thông. Tiếp tục đối thoại với CHDCND Triều Tiên là một ý tưởng hay và những khoảnh khắc mang tính biểu tượng như hội nghị thượng đỉnh thu nhỏ ở DMZ giữa hai miền Triều Tiên có thể giúp cho các cuộc đàm phán thực chất hơn. CHDCND Triều Tiên đã ngừng thử hạt nhân, Mỹ và Hàn Quốc đã giảm quy mô các cuộc tập trận quân sự.

Ngày 1-7, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin chính thức về việc Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có “cuộc gặp lịch sử” tại DMZ và nhất trí nối lại đối thoại về vấn đề phi hạt nhân hóa. 

Theo KCNA, trong cuộc gặp hôm 30-6, hai nhà lãnh đạo “nhất trí duy trì liên lạc chặt chẽ trong tương lai” và “nối lại cũng như thúc đẩy các cuộc đối thoại hiệu quả để tạo ra bước đột phá mới trong vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên và trong quan hệ song phương”.

Giáo sư Kim Yong-hyun của Đại học Dongguk, Hàn Quốc, đánh giá mặc dù các nội dung chi tiết của cuộc gặp nhiều khả năng sẽ được thảo luận trong các cuộc đàm phán cấp chuyên viên trong tương lai, song nó mang ý nghĩa rất lớn do tái khẳng định được cam kết của hai lãnh đạo Mỹ - Triều đối với vấn đề phi hạt nhân hóa và tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Theo ông Kim Yong-hyun, một khi phi hạt nhân hóa và tiến trình hòa bình được khởi động, nó sẽ tạo ra luồng gió ấm trong các mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.

Bình luận về sự kiện này, nhà phân tích James Griffiths của kênh truyền hình CNN cho rằng đây là thời khắc lịch sử và là một bước tiến lớn trong mối quan hệ dường như bị lung lay sau khi Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội. Theo ông Griffiths, mối quan hệ này dường như đã được đưa trở lại đúng hướng một cách vững chắc, khi hai nhà lãnh đạo chào đón nhau một cách nồng ấm.

Bên cạnh những ý kiến lạc quan, cũng có người cho rằng cuộc gặp như vậy sẽ chỉ là sự kiện xảy ra một lần và liệu cuộc gặp lần này có thể tiến triển thành một diễn biến tích cực hay không vẫn là câu hỏi còn để ngỏ.

Cùng mở ra tương lai

Những gì diễn ra trong cuộc gặp có thể coi như một minh chứng cho việc hai nhà lãnh đạo vẫn có “mối quan hệ tốt” như nhiều lần ông Trump đã phát biểu với báo giới. Sau cuộc gặp, Tổng thống Trump đã gọi “đây là một ngày lịch sử trọng đại" còn Chủ tịch Kim Jong-un đã có những phát biểu “bóng gió” ca ngợi Tổng thống Mỹ, cho rằng ông Trump đã thể hiện sự quyết định và sẵn sàng xóa bỏ những mâu thuẫn trong quá khứ và cùng ông mở ra một tương lai mới.

Việc tổ chức cuộc gặp bất ngờ này nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Hàn Quốc phần nào cho thấy thiện chí, nỗ lực và quyết tâm của hai nhà lãnh đạo trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân bằng cách thức đối thoại. Cuộc gặp dù là “chớp nhoáng”, song với việc hai nhà lãnh đạo nhất trí nối lại đối thoại, tiến trình đàm phán hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên có vẻ đã được đưa trở lại đúng hướng.

Trong 4 tháng qua, kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 ở Hà Nội, căng thẳng giữa hai quốc gia luôn trong trạng thái bùng nổ trở lại sau khi hai bên không thể đạt được nhất trí về lộ trình phi hạt nhân hóa. Cuộc gặp có thể tạo ra một lực đẩy mới cho tiến trình dường như đang bị “sa lầy” trong những căng thẳng và hoài nghi từ cả hai phía.

Đối với cá nhân Tổng thống Trump vừa tuyên bố tái tranh cử nhiệm kỳ 2 vào năm 2020 và cả nhà lãnh đạo Triều Tiên, một cam kết nối lại đàm phán hạt nhân vào lúc này đều có thể coi như một pha ghi điểm quan trọng và ngoạn mục.

Về phía Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in đã hoan nghênh cuộc gặp Mỹ - Triều tại DMZ, cho rằng cuộc gặp này sẽ có thể đưa tình hình Bán đảo Triều Tiên đi theo chiều hướng tích cực, góp phần củng cố lòng tin vững chắc. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc chỉ ra rằng đối thoại một cách liên tục là cách duy nhất, thiết thực nhất để đạt được hòa bình.

Với vai trò như “cầu nối” đàm phán giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên, cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại Panmunjom góp phần gia tăng uy tín của chính Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Nhìn nhận một cách tổng quan hơn, cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên lần này có thể coi như một “lời cam kết” của hai bên về thiện chí giải quyết bất đồng thông qua đối thoại. Trong vấn đề hạt nhân khó giải quyết và phức tạp này, các bên, nhất là Mỹ và Triều Tiên đã bước đầu tạo ra lòng tin, điều thực sự vô cùng quan trọng để có thể cùng nhau hành động.

Ít nhiều bằng cuộc gặp bất ngờ này, hai bên đã có thể xây dựng lại lòng tin đã bị sứt mẻ thời gian qua; cùng nhau tìm ra giải pháp thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Hoa Huyền
.
.