Để tam nông ấm áp xuân bốn mùa

Thứ Tư, 21/01/2009, 11:00

Cuối tháng 10, đầu tháng 11/2008, đường phố Hà Nội biến thành sông hồ sau 3 ngày đêm mưa tầm tã, người ta kêu trời kêu đất, trong khi tình cảnh khốn khó đó xảy ra gần như thường xuyên ở nhiều vùng nông thôn, những cánh đồng lúa vàng chờ gặt chìm trong biển nước.

Tôi nhớ cách đây 45 năm ở Thái Bình cũng vào vụ mùa, mưa xối xả đến mức lúa gặt về phải rang từng mẻ để thóc khỏi mọc mầm, nhưng cái đói vẫn gõ cửa những người đã làm ra hạt gạo. Trong vầng sáng đung đưa của ngọn đèn măngxông giữa tiết trời se lạnh lập đông tại Huyện ủy Duyên Hà, ông Bùi Công Trừng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học - Công nghệ), có bài thuyết trình cuốn hút hàng trăm người. Vấn đề ông Trừng đưa ra không cao siêu khó hiểu, mà hết sức mộc mạc: khoai nước lên ngôi. Sau đó, một phong trào trồng thứ cây cứu đói đó phát triển rộng; tiếp theo là phong trào trồng sắn theo gương Phú Thọ giải quyết đói.

Phải thấy được chuyện xót xa đó, mới hiểu được con đường gian nan, chật vật của nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở nước ta luôn luôn nóng bỏng, luôn luôn mới.

Công nghiệp hóa mạnh phải có nông nghiệp mạnh     

Vấn đề tam nông của ta hiện nay thực chất là một trong những yếu tố góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Nông nghiệp, nông dân và nông thôn là ba vấn đề khác nhau, nhưng cần phải giải quyết đồng bộ thì mới có thể công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước một cách vững chắc được. Thời gian qua, nông nghiệp có những bước phát triển tương đối tốt, đã giải quyết được vấn đề an ninh lương thực, xuất khẩu lương thực đều đặn trong lúc thế giới đang thiếu lương thực đáng lo ngại. GDP của nông nghiệp giảm dần trong quá trình công nghiệp hóa, nhưng không có nghĩa là vai trò của nông nghiệp ngày càng giảm. Hầu hết các nước công nghiệp hóa mạnh đều có nền nông nghiệp mạnh, như Hoa Kỳ, Pháp, Bỉ, Đan Mạch, Anh, Hà Lan…

Nếu công nghiệp hóa xong mà không lo xây dựng nền nông nghiệp mạnh, thì sẽ rơi vào tình trạng khó khăn, như Nhật Bản hiện nay rất thiếu lương thực và nông sản. Điều này còn thể hiện ở các nước phát triển đang phải trợ cấp rất nhiều cho nông nghiệp, phải trả giá đắt cho việc họ đã không chú ý đến nông nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hóa, việc làm đó cũng gây khó khăn cho các nước đang phát triển trong đó có chúng ta.

Một trong những vấn đề quan trọng hiện nay là phải tăng giá trị gia tăng của nông sản bằng cách phát triển các sản phẩm có xuất xứ địa lý, các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế, sản phẩm hữu cơ, kiên quyết chống lại chủ nghĩa năng suất.

Tình trạng nông dân di cư tự do ra thành thị cần phải gắn với việc quản lý ruộng đất, để tăng quy mô sản xuất cho những nông dân ở lại sản xuất nông nghiệp. Nếu không, lao động nông thôn sẽ bỏ đi hết, chỉ còn lại lao động nữ, từ thâm canh biến thành quảng canh, giảm đa dạng hóa nông nghiệp, giá lao động tăng rất cao. Nghịch lý không thể chấp nhận được là trong khi chúng ta có thừa điều kiện để đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, thì vẫn điềm nhiên nhập khẩu muối, lúa mì, đỗ tương, ngô với giá đắt. Nếu không có biện pháp kịp thời chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động, thì dễ dàng rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực như các nước công nghiệp ở Đông Á và Đông Nam Á hiện nay.

Không nên cứng nhắc thực hiện kiểu nông nghiệp hợp đồng giữa nông dân với doanh nghiệp, bởi vì sẽ dẫn đến độc quyền của doanh nghiệp chế biến và lưu thông, làm cho thương nghiệp không công bằng, nông dân không có quyền mặc cả trên thị trường. Nhà nước  không thể trợ giúp nông dân thông qua các doanh nghiệp nhà nước, vì doanh nghiệp có mục tiêu thu lợi nhuận. Nên hỗ trợ nông dân thông qua các dịch vụ công phục vụ phát triển nông nghiệp, và hiện nay loại dịch vụ này còn yếu rất cần được quan tâm mở rộng.

Theo Hiến pháp, chỉ có Nhà nước mới có quyền sở hữu ruộng đất (sở hữu công), người sử dụng đất chỉ có quyền sử dụng. Song, trong thực tế quyền sử dụng nhiều khi lại mang lợi nhiều hơn là quyền sở hữu, khiến đất nông nghiệp bị mất dễ dàng và ngày càng nhiều, tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển.

Một khâu yếu “truyền thống” là các nhà khoa học - kỹ thuật nông nghiệp nước ta vẫn chưa xác định được phát triển công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ, phòng chống hiện tượng nóng lên của trái đất, nước biển dâng cao ngập các vựa lúa, v.v... của thế kỷ XXI theo hướng nào, song song với sự yếu kém về biện pháp bảo vệ nông nghiệp, bảo hiểm phòng chống thiên tai và rủi ro trong nông nghiệp.--PageBreak--

Cần có những nghiệp đoàn của nông dân

Là người khởi xướng đổi mới, nhưng nông dân lại ít được hưởng lợi nhất từ đổi mới. Nông dân nghèo nhất xã hội, mà việc giải quyết giảm nghèo lại chưa gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn, cho nên chưa bền vững, vẫn có thể nghèo lại. Trong khi ấy, chúng ta lại có xu hướng giải quyết các vấn đề xã hội nông thôn bằng các biện pháp thị trường, mà ít hoặc không quan tâm đến giải quyết các vấn đề xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, bảo hiểm thiệt hại do thiên tai và thị trường, bảo hiểm xã hội. Nông dân thiếu việc làm phải ra thành thị làm thuê với giá lao động thấp, lại bị đối xử như công dân loại hai, mặc dù chính họ là động lực chủ yếu của đổi mới, là hậu bị quân công nghiệp.

Nếu không giải quyết công bằng vấn đề này, thì đây sẽ trở thành mâu thuẫn chủ yếu của xã hội. Bởi vì càng công nghiệp hóa thì lao động nông thôn càng bỏ làng quê ra thành thị là nơi có thu nhập cao hơn ở nông thôn. Cho nên, chuyển lao động ra thành thị vừa góp phần phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn, tăng năng suất lao động và thu nhập của nông dân; giảm nghèo nhanh nhất và bền vững nhất; công nghiệp hóa nhanh, bảo đảm công bằng, làm cho đô thị và nông thôn gần nhau hơn; bổ sung giai cấp công nhân.

Có ý kiến cho rằng muốn phát triển nông nghiệp hàng hóa, thì phải xóa bỏ kinh tế hộ nông dân, phát triển kinh tế trang trại. Thật ra, phải tổ chức phát triển hợp tác xã kiểu mới có chế biến và mua bán chung để mở rộng quy mô sản xuất và thực hiện thương nghiệp công bằng. Cần có biện pháp cơ bản để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình nông dân theo đúng Nghị quyết 10 của Trung ương, chuyển hộ nông dân thành gia trại như ở các nước tiên tiến.

Như vậy, một mặt cần có chương trình quốc gia về đào tạo nông dân chuyển ra thành thị, mặt khác cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy hình thành nông dân trở thành doanh nhân nông nghiệp, chủ gia trại, doanh nhân công nghiệp và dịch vụ nông thôn, nhằm chuyển đổi kinh tế nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực và hỗ trợ cho công nghiệp hóa.

Nông dân bị thiệt thòi nhất về quyền lợi, là bộ phận nhân dân yếu thế nhất xã hội, bởi vì không có nghiệp đoàn nông dân. Đã không có quyền mặc cả trên thị trường, không có thương nghiệp công bằng, nông dân còn thiếu chủ quyền về đất đai, vì việc lấy đất của nông dân hầu như chỉ là việc của nhà đầu tư với chính quyền, nông dân bị mất đất mà không có ai bênh vực. Nếu có các nghiệp đoàn theo ngành nghề, nông dân sẽ có điều kiện và cơ hội bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, thiết thực tạo lập công bằng xã hội.

Muốn vậy, phải có các thể chế dựa vào cộng đồng như hợp tác xã hoàn toàn tự nguyện và các tổ chức nghề nghiệp của nông dân để phụ trách việc cung cấp các dịch vụ công. Vừa qua chúng ta đã phát triển thị trường ruộng đất một cách thiếu nghiên cứu thận trọng, nên đã gây ra tình trạng đầu cơ đất đai tràn lan, làm giá bất động sản lên cao một cách giả tạo. Trong khi đó, ngay tại các nước có sở hữu tư đất đai thì nhà nước vẫn kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng.

Ngoài ra, chúng ta cần có kế hoạch nghiên cứu nghiêm túc các vùng nông dân rất năng động như các làng nghề ở Bắc Ninh, Hà Nội (các vùng thuộc Hà Tây cũ), Thái Bình, Nam Định, Hải Dương… để xác định được hệ thống đô thị - làng xã, trên cơ sở đó xây dựng các vùng công nghiệp tại nông thôn.

Phát triển đồng bộ đô thị và nông thôn

Phát triển nông nghiệp là phát triển kinh tế, còn phát triển nông thôn là phát triển xã hội. Các vùng phát triển nông nghiệp mạnh thì khó chuyển đổi được cơ cấu kinh tế nông thôn, không tạo thêm được việc làm, không tăng được năng suất lao động, không tăng nhanh được thu nhập của nông dân. Phát triển nông nghiệp phải chuyên môn hóa, nhưng phát triển nông thôn lại phải đa dạng hóa. Cho nên không nên hiểu cứ nơi nào phát triển nông nghiệp là nơi đó cũng phát triển nông thôn, bởi thế mới có tình trạng ở nơi nông nghiệp phát triển vẫn có tình trạng nhiều nông dân bỏ làng đi ra thành thị.

Từ thực tế này cho thấy không nên thiên về xây dựng siêu đô thị theo hướng đô thị hóa tập trung, mà nên có chiến lược đô thị hóa phi tập trung, vì siêu đô thị rất hạn chế việc phát triển nông nghiệp, chỉ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho đô thị. Hiện nay có nhiều nước thực hiện mô hình đô thị hóa phi tập trung, như tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) hiện có 96 triệu dân, đã xây dựng 22 đô thị vừa, gọi là “thị”. Mỗi “thị” vừa phát triển công nghiệp và dịch vụ, vừa có một vành đai nông nghiệp bao quanh, làm cho nông thôn cũng phát triển theo.

Ở nước ta, Tổng Công ty Shinec-Vinashin cũng thực hiện mô hình tương tự tại Khu công nghiệp Bến Kiền (Hải Phòng). Quy hoạch đồng bộ đô thị và nông thôn bằng cách phát triển đô thị - vùng, gắn đô thị với phát triển nông thôn, đang là xu hướng đúng đắn của nhiều nước trên thế giới.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, nếu giao việc bảo vệ môi trường cho các tổ chức nông dân thì sẽ có hiệu quả thiết thực, bền vững, tác động đến phát triển du lịch. Các công ty bảo hiểm không dám bảo hiểm nông nghiệp vì sợ lỗ, cho nên cần thành lập các hợp tác xã bảo hiểm có sự kết hợp của nhà nước - thị trường - cộng đồng, như kinh nghiệm của Trung Quốc, Thái Lan, Pháp…

Để giải quyết các vấn đề này, Nhà nước phải có chính sách phát triển nông thôn toàn diện, không chỉ tập trung vào nông nghiệp. Mặt khác, Nhà nước phải hỗ trợ việc tăng cường năng lực cho các cộng đồng nông thôn để nông dân có thể tham gia vào việc phát triển nông thôn.

Không thể phát triển chỉ dựa vào “3 rẻ” như hiện nay: lao động rẻ, đất rẻ, môi trường rẻ. Các nước như Philippines và Indonesia trước đây được coi là 2 vựa thóc của khu vực, ngày nay trở thành 2 nước thiếu lương thực nhất khu vực, chính vì đã ngủ quên trên “3 cái rẻ” đó, nay đã không còn rẻ chút nào. Bởi thế phải phát triển dựa vào khoa học - công nghệ, tăng năng suất lao động, tạo ra giá trị gia tăng thật sự.

Các biện pháp do Mỹ, Anh và các thế lực tài chính thế giới định ra, như để cho thị trường định giá, xóa bỏ các hạn chế mua bán, mở rộng cửa thị trường cho hàng hóa nước ngoài vào… không phải là biện pháp lý tưởng của thế giới, vì nó đã bộc lộ nhiều yếu kém trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, buộc chính phủ nhiều nước phải bắt tay vào giải quyết hậu quả khôn lường. Dứt khoát và rõ ràng, phát triển phải gắn liền với các mục tiêu xã hội và nhất thiết phải có vai trò điều hành, giúp đỡ của nhà nước. Tam nông ở ta cũng cần như thế

Trần Lê
.
.