Đề xuất bỏ sổ Hộ khẩu - bước tiến vì quyền lợi công dân

Thứ Ba, 28/04/2020, 12:46
Sống ở Hà Nội hàng chục năm vẫn chưa nhập khẩu được vì chưa có nhà; con dâu ly hôn muốn cắt khẩu khỏi nhà chồng nhưng không được, hay người chồng không thể xóa tên vợ cũ ra khỏi hộ khẩu nhà mình mặc dù đã ly hôn... là những câu chuyện có thật cười ra nước mắt về hộ khẩu mà người dân hiện nay đang gặp phải.


Nhằm xóa bỏ các thủ tục hành chính còn rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây phiền hà cho người dân, bảo đảm tốt hơn nữa việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân, Bộ Công an đã đề nghị sửa đổi Luật Cư trú. Ngày 22-4, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an  đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự luật này.

Cán bộ Công an làm căn cước công dân.

Cười ra nước mắt về hộ khẩu

Cho ý kiến về dự án Luật Cư trú (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kể câu chuyện vui của chính mình: “Sổ Hộ khẩu quý như sổ gạo ngày xưa. Mất Sổ Hộ khẩu như mất sổ gạo, buồn và lo lắng lắm. Cũng vì Sổ Hộ khẩu quá quan trọng như vậy nên tôi cất kỹ quá đến lúc cần không tìm thấy đâu nữa phải đi làm lại. May mà anh em Công an tạo điều kiện cho làm lại nhanh chứ không thì cũng mệt đấy” – Chủ tịch Quốc hội nói vui.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng kể câu chuyện thanh niên quê Sơn La của bà ra Quảng Ninh làm khai thác mỏ than nhưng đi làm nhiều năm, hộ khẩu vẫn ở quê. “Nhiều người đủ điều kiện về sức khoẻ, trí tuệ để làm công việc khai thác mỏ, được trả lương cao nên đã rời quê đi Quảng Ninh làm thuê. Họ sống, làm việc ở Quảng Ninh nhưng hộ khẩu vẫn ở quê dẫn đến việc nơi có người thì không có khẩu để quản lý, nơi quản lý thì lại không có người...”.

Những câu chuyện mà Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội kể đều là chuyện của chính mình hoặc trải nghiệm của bản thân đối với hộ khẩu. Những câu chuyện tương tự như vậy, hàng trăm, hàng nghìn người gặp phải với những “cấp độ” cao hơn nhiều.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm kể lại câu chuyện về một người dân gọi điện cầu cứu. Cô con dâu sau khi ly hôn muốn chuyển hộ khẩu khỏi nhà chồng cũ nhưng mẹ chồng – người đứng tên chủ hộ không đồng ý cho cắt khẩu. Vì không chuyển khẩu được khỏi gia đình chồng cũ nên cô con dâu rất khó khăn trong sinh hoạt, thậm chí không lập gia đình mới, không khai sinh cho con mới sinh được cũng vì không có hộ khẩu.

Hướng dẫn các thủ tục hành chính cho công dân.

“Qua khảo sát, chúng tôi phát hiện có khoảng 3.000 trường hợp như vậy. Tức là sau khi ly hôn, người phụ nữ không thể cắt khẩu khỏi nhà chồng vì gia đình chồng không đồng ý”.

Ngược lại, một trường hợp được biết đến khác cũng cười ra nước mắt khi hai vợ chồng ly hôn đã 3-4 năm nay, cô vợ bỏ đi đâu mất tích không quay lại thăm con nhưng cũng không chuyển hộ khẩu đi. Lúc mới ly hôn, cháu tôi yêu cầu vợ cũ chuyển khẩu đi nhưng cô này không chuyển với lý do “nếu chuyển thì tôi lại phải nhập về quê à? Lúc nào tôi có nhà ở Hà Nội tôi sẽ chuyển”.

Thế rồi, cô này đi luôn cho đến nay không quay trở lại để chuyển khẩu. Trong khi, không có sự đồng ý của cô này, anh chồng cũng không thể “bỏ” được cô ta ra khỏi hộ khẩu của mình. Đến thời điểm hiện tại, anh chuẩn bị lấy vợ mới nhưng trong hộ khẩu vẫn có tên vợ cũ nên rất khó khăn, tình huống rất tế nhị khi vợ mới, vợ cũ trong một cuốn hộ khẩu.

Quản lý nhân, hộ khẩu bằng mã số định danh cá nhân

Theo đề xuất của Bộ Công an thì Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng Sổ Hộ khẩu và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là Sổ Hộ khẩu và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Bên cạnh đó, cũng bãi bỏ hình thức quản lý dân cư tạm trú bằng Sổ Tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là Sổ Tạm trú và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Đặc biệt, sẽ bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần các thủ tục hành chính có nội dung liên quan đến Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú như: Tách Sổ Hộ khẩu; cấp đổi Sổ Hộ khẩu; cấp lại Sổ Hộ khẩu; điều chỉnh những thay đổi trong Sổ Hộ khẩu; xóa đăng ký thường trú; xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú; hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú trái pháp luật; cấp giấy chuyển hộ khẩu; cấp đổi Sổ Tạm trú; cấp lại Sổ Tạm trú; điều chỉnh những thay đổi trong Sổ Tạm trú; gia hạn tạm trú; hủy bỏ đăng ký tạm trú trái pháp luật… tạo điều kiện tối đa cho người dân.

Theo đó, Cơ quan đăng ký, quản lý cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin địa chỉ thường trú, tạm trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú, tạm trú (không cấp Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú giấy).

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, hiện nay việc tổ chức triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đạt nhiều kết quả quan trọng như: Đã hoàn thiện khung pháp lý cho việc triển khai dự án; đã xây dựng hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức cấp số định danh cá nhân cho 16 triệu trẻ em khai sinh mới và thu thập dữ liệu dân cư đối với hơn 80 triệu người. Trong thời gian tới sẽ phổ biến việc cấp căn cước công dân trên địa bàn toàn quốc.

“Việc quy định các điều kiện chặt chẽ trong đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương sẽ góp phần hạn chế tình trạng di dân từ nông thôn đến các thành phố lớn, giảm áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng và chính sách an sinh xã hội của các đô thị này. Tuy nhiên, trong thực tế việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân; tác động đến quyền, lợi ích của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú; đồng thời, chính sách này cũng chưa thực sự hiệu quả trong việc giảm di dân, tăng dân số cơ học tại các thành phố trực thuộc Trung ương.

Do vậy, Chính phủ thống nhất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương vì việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc. Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, dự thảo Luật quy định bãi bỏ khoản 3, khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở Thủ đô – Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm kiến nghị.

Bỏ sổ hộ khẩu quản lý người dân thế nào?

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, khi bỏ Sổ Hộ khẩu, thì sẽ thực hiện quản lý nhà nước đối với nhân hộ khẩu bằng mã số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Cụ thể, đó là sẽ thay thế việc quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin. Các thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú bằng phương thức mới thông qua mã số định danh cá nhân của công dân và các thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú được cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo đó, Cơ quan đăng ký, quản lý cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin địa chỉ thường trú, tạm trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú, tạm trú mà không cần đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú

Sẽ bỏ Sổ Hộ khẩu để giảm phiền hà cho người dân.

Tán thành với việc bỏ Sổ Hộ khẩu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, hiện nay đang có sự chuyển dịch lao động, di cư lao động từ nông thôn về các đô thị. Nếu không có phương thức quản lý mới sẽ không nắm được dân cư khi thực tế có việc người dân ghi tên ở quê nhưng lại không có ở nhà, đi lao động tại nơi khác. Do đó, nhằm nâng cao năng lực quản lý, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với công nghệ số, việc bỏ Sổ Hộ khẩu là hợp lý.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao sự đổi mới trong dự thảo Luật vì xu hướng quản lý bằng số định danh cá nhân là tiến bộ. Đây là bước chuyển quan trọng, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mà còn giúp Nhà nước ngăn ngừa tiêu cực, nâng cao hiệu quả quản lý về dân cư.

Theo Chủ tịch Quốc hội, người dân khổ sở về Sổ Hộ khẩu. Người nghèo lên thành phố lao động nhưng con không đi học được vì không có Sổ Hộ khẩu. “Phải tạo thuận lợi cho người dân, nâng cao quản lý Nhà nước về quản lý dân cư”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tuy nhiên, khi thay đổi phương thức quản lý từ Sổ Hộ khẩu sang số định danh cá nhân sẽ tác động, ảnh hưởng đến rất nhiều quy định về giấy tờ, thủ tục hành chính nên ban soạn thảo cần rà soát để đảm bảo phù hợp, khả thi, để Luật ra đời không bị vướng mắc, ách tắc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng khẳng định chuyển Sổ Hộ khẩu giấy sang định danh cá nhân là phù hợp với Chính phủ điện tử của nước ta, sổ hộ khẩu không chỉ liên quan đến cá nhân mà còn liên quan đến các thành viên trong gia đình và các quan hệ khác như quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự... nên cần có quy định cụ thể để giải quyết các vấn đề pháp lý và cần rà soát có phát sinh thủ tục hành chính,  các loại giấy tờ mới hay không.

Người dân được lợi gì khi bỏ sổ hộ khẩu?

Theo dự án luật thì khi người vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú sẽ bị xoá đăng ký thường trú. Như vậy, chiếu theo trường hợp vợ của cháu người viết bài này thì khi cô vợ 12 tháng không sinh sống ở nơi có hộ khẩu, cũng không hề quay lại để cắt hộ khẩu thì sẽ bị xoá đăng ký thường trú.

Đây cũng là tin mừng đối với hàng nghìn phụ nữ sau khi ly hôn nhưng gia đình chồng (chủ hộ) không cho phép cắt hộ khẩu đi, bởi khi Luật có hiệu lực, chủ hộ (bố mẹ chồng hoặc chồng cũ) sẽ không còn cách nào để cản trở họ có quyền tự do của mình.

Bên cạnh đó, nỗi lo về việc cho phép người ở nhờ, ở thuê, mượn nhà nhập khẩu vào nhà mình sẽ phát sinh rắc rối, thậm chí không “đuổi” đi được cũng sẽ được giải toả vì theo dự luật thì khi đã hết thời hạn thuê, không được mượn, không được ở nhờ nữa cũng sẽ bị xoá đăng ký thường trú.

Người đã bán nhà cũng sẽ bị xoá đăng ký thường trú nếu sau 12 tháng không tự cắt hộ khẩu đi (trừ trường hợp được chủ sở hữu tài sản mới đồng ý cho tiếp tục đăng ký thường trú). Điều này sẽ giải toả rất nhiều nỗi lo lắng của người dân liên quan đến hộ khẩu – thứ mà người dân thấy quan trọng hơn sổ gạo thời bao cấp. Đặc biệt, theo quy định của Luật thì những người sau khi bị xoá đăng ký thường trú có thể khôi phục khi trở về địa phương sinh sống.

Phương Thuỷ
.
.