Sau phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế:

Đem tham vọng nước lớn đối đầu luật pháp

Thứ Bảy, 16/07/2016, 16:45
Ngày 12-7, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử ở Biển Đông. Nhưng Trung Quốc vẫn tái khẳng định vấn đề tranh chấp lãnh thổ và phân định biên giới trên biển, không chấp nhận bất cứ phương thức giải quyết tranh chấp nào của bên thứ 3 hay có ý “áp đặt Trung Quốc”(!).

Bắc Kinh nhắc lại: họ sẽ chỉ giải quyết tranh chấp với các bên liên quan trực tiếp thông qua đàm phán và hiệp thương.

Đối với 15 yêu cầu trong đơn kiện của Philippines, phán quyết của PCA nhấn mạnh vào các điểm như: 1) Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử ở Biển Đông cũng như yêu sách đường 9 đoạn. Trong báo cáo, PCA tuyên bố dù các ngư dân và các nhà hàng hải Trung Quốc, cũng như các nước khác về lịch sử đã sử dụng các đảo ở Biển Đông, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc thực hiện độc chiếm kiểm soát vùng biển và tài nguyên này.

PCA kết luận rằng không có cơ sở pháp lý cho Trung Quốc để tuyên bố quyền lịch sử đối với tài nguyên trong khu vực biển nằm trong “đường chín đoạn”. 2) Vấn đề thứ hai là phân loại và xác định quy chế cho các thực thể, để qua đó xác định các vùng biển cho 9 thực thể bao gồm Scarborough, Chữ Thập, Châu Viên, Gạc Ma, Vành Khăn, Cỏ Mây, Subi, Kennan và Gaven. Nhìn từ phía Philippines, Scarborough, Chữ Thập, Châu Viên và Gạc Ma là các bãi đá, do vậy, có vùng lãnh hải tối đa 12 hải lý, PCA kết luận không có cấu trúc nào của quần đảo Trường Sa có khả năng tạo ra khu vực lãnh hải. 3) Vấn đề liên quan đến những tác động đối với nghề đánh bắt thủy sản, khai thác dầu khí, những quyền lợi kinh tế, môi trường an ninh hàng hải của Philippines, Manila cáo buộc Bắc Kinh vi phạm UNCLOS vì đã tiến hành đánh cá và các hoạt động xây dựng gây phương hại đến các quyền lợi biển của Philippines. Về vấn đề này, PCA kết luận Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines với các hành động bao gồm (a) can thiệp hoạt động đánh cá và khai thác dầu khí của Philippines, (b) xây dựng các đảo nhân tạo và (c) không ngăn chặn được các ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trong khu vực này.

Ngoài ra, PCA còn kết luận Trung Quốc đã gây hủy hoại nghiêm trọng đối với môi trường các rạn san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ hệ sinh thái dễ tổn thương và môi trường sống của các sinh vật đang bị đe dọa, đang trong tình trạng nguy hiểm.

Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài.

Chuyên gia Ian Storey, thuộc Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak Institute cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài đại diện cho một chiến thắng pháp lý quan trọng cho Philippines. Tòa án đã kêu gọi cả hai bên phải tuân theo phán quyết. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã ngay lập tức phản ứng với phán quyết bằng thái độ khinh thị và tức giận.

Ngay trong ngày 12-7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Ngoại trưởng nước này - Vương Nghị đã có tuyên bố chính thức về phán quyết của PCA. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục lặp lại những luận điệu trước kia của nước này, cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài “là vô giá trị, không có sức ràng buộc, Trung Quốc không chấp nhận, không công nhận”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng quy kết mục đích của Philippines đơn phương đưa vấn đề lên Tòa Trọng tài “không phải là để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc, cũng không phải để giữ gìn hoà bình và ổn định” trên Biển Đông, mà là hòng phủ định yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông và hành động đưa lên Tòa Trọng tài của Philippines là vi phạm luật pháp quốc tế (?!).

Tiếp đó, Bắc Kinh còn “tố”: Hành động và phán quyết của Tòa Trọng tài đã trái ngược nghiêm trọng với thực tiễn thông thường của Toà trọng tài quốc tế, trái ngược hoàn toàn với mục đích và tôn chỉ thúc đẩy giải quyết hoà bình tranh chấp của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), làm tổn hại nghiêm trọng tính hoàn chỉnh và uy tín của Công ước, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp của Trung Quốc là nhà nước chủ quyền và nước ký kết UNCLOS, là phán quyết không công bằng và phi pháp.

Cuối cùng, Trung Quốc tái khẳng định, về tranh chấp vấn đề lãnh thổ và phân định biên giới trên biển, Trung Quốc không chấp nhận bất cứ phương thức giải quyết tranh chấp nào của bên thứ 3, không chấp nhận bất cứ phương án giải quyết tranh chấp nào áp đặt Trung Quốc. Bắc Kinh nhắc lại họ sẽ chỉ giải quyết tranh chấp với các bên liên quan trực tiếp thông qua đàm phán và hiệp thương.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng cho rằng vụ kiện của Philippines là một “trò hề chính trị đội lốt pháp luật” và biện minh rằng: “Trung Quốc không chấp nhận, không tham gia trọng tài là nhằm bảo vệ nền pháp quyền quốc tế và quy tắc khu vực theo pháp luật”.

Không chỉ dừng lại ở lời nói, ngày 12-7, chính quyền Trung Quốc đã sử dụng một chiếc máy bay của Trung tâm Hiệu chỉnh bay Hàng không dân dụng Trung Quốc CE-680 lần lượt tiến hành bay hiệu chỉnh thành công đối với sân bay mới được nước này xây dựng phi pháp trên Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi, thuộc quần đảo Trường Sa. Tân Hoa Xã rêu rao rằng, các dữ liệu bay hiệu chỉnh lần này cho thấy, hai sân bay mới xây dựng phi pháp trên Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi đã có đủ khả năng bảo đảm an toàn bay cho máy bay chở khách hàng không dân dụng, tạo thuận tiện cho sự đi lại của nhân viên, cứu trợ khẩn cấp, cứu hộ y tế… tại quần đảo Trường Sa.

Cơ quan thông tấn chính thức của Trung Quốc ngang nhiên khẳng định, các sân bay trên Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi sẽ được coi là sân bay dự bị mới cho các chuyến bay trên khu vực Biển Đông. Trước đó, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng sân bay phi pháp trên Đá Chữ Thập.

Chưa hết, ngày hôm sau, 13-7, Bắc Kinh đã lên tiếng hung hăng đe dọa nguy cơ xung đột xảy ra tại Biển Đông và tuyên bố có quyền thiết lập vùng nhận dạng phòng không tại vùng biển này. Trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói phán quyết của Tòa Trọng tài chỉ là một “tờ giấy đáng vứt bỏ” và nhận vơ rằng, các đảo ở Biển Đông là “lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc”.

Người Philippines ăn mừng phán quyết của PCA về Biển Đông.

Họ Lưu cũng khẳng định “quyền” của Bắc Kinh thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, nhưng cho biết, việc thiết lập vùng phòng không ở đây chỉ còn tùy thuộc vào mức độ đe dọa nhắm với Trung Quốc. “Nếu an ninh của chúng tôi đang bị đe dọa, tất nhiên chúng tôi có quyền để phân ranh giới một vùng. Điều này sẽ phụ thuộc vào đánh giá tổng thể của chúng tôi… Chúng tôi hi vọng rằng các nước khác sẽ không nhân cơ hội này để đe dọa Trung Quốc, mà sẽ làm việc với Trung Quốc để bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Đông và không khiến nó trở thành nguồn gốc của một cuộc chiến tranh” - hãng tin AP trích lời ông Lưu Chấn Dân.

Mặc dù đổ lỗi cho Philippines khuấy lên rắc rối khi đơn phương đưa tranh chấp giữa hai nước lên Tòa Trọng tài Quốc tế, nhưng Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc lại tỏ ý muốn đàm phán với lãnh đạo mới của Manila. Tuy nhiên, ông Lưu cho hay, Bắc Kinh hy vọng chính phủ mới của Manila sẽ không sử dụng phán quyết của Tòa Trọng tài như là một cơ sở để đàm phán.

Và không chỉ với Philippines mà Trung Quốc cũng hy vọng rằng, sự hợp tác với các nước láng giềng khác trên Biển Đông, cho dù là đánh cá hay khai thác tài nguyên dầu mỏ và khí đốt, có thể đạt được bằng thương lượng. Những lời “mật ngọt” này được ông Lưu đưa ra trong buổi họp báo công bố Sách Trắng tái khẳng định “tính chính đáng” của các quyền lịch sử của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Thôi Thiên Khải, thì cho rằng các phán quyết của Tòa đã phá hoại hoặc làm suy giảm quyết tâm của các nước muốn tiến hành đàm phán hoặc tham khảo với Trung Quốc để giải quyết các tranh chấp. Theo Đại sứ Trung Quốc, các phán quyết của Tòa “chắc chắn làm gia tăng xung đột, thậm chí đối đầu” tại Biển Đông.

Trong khi đó, chính quyền Philippines có phản ứng chừng mực. Phản ứng trước quyết định cuối cùng của PCA, Tổng thống Philippines đã hoan nghênh sự làm việc miệt mài của bồi thẩm đoàn trong suốt 3 năm qua và cho rằng đây là một phán quyết đúng đắn. Về phần mình, Ngoại trưởng Phillipines Perfecto Yasay tái khẳng định sự tôn trọng dành cho phán quyết mang tính bước ngoặt này. Theo Manila, phán quyết này sẽ duy trì luật pháp quốc tế. Ngoại trưởng Philippines cho rằng các bên liên quan phải điềm tĩnh và phản ứng kiềm chế trước phán quyết.

Trong khi ấy, người dân Philippines đã tổ chức ăn mừng từ trước khi Tòa tuyên phán quyết. Ở thủ đô Manila, từ trưa 12-7, hàng nghìn người tụ tập để tổ chức “tiệc mừng chiến thắng”. Họ khua chiêng, đánh trống, hát mừng và thả 1.000 quả bong bóng mang màu cờ Philippines - đỏ, xanh, trắng, vàng - lên trời.

Sau phán quyết của PCA, người Trung Quốc “trút giận” lên hàng hóa Philippines.

Về phía cộng đồng quốc tế, sau khi PCA công bố phán quyết cuối cùng về vụ kiện Philippines – Trung Quốc, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã lên tiếng thúc giục các bên có liên quan hãy tuân theo phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế.

Ngày 12-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby đã ra thông cáo báo chí khẳng định quyết định của Tòa Trọng tài là cuối cùng và ràng buộc pháp lý với cả Philippines và Trung Quốc, đồng thời bày tỏ hi vọng cả hai bên sẽ tuân thủ nghĩa vụ của mình.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Donald Tusk tại cuộc họp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc lần thứ 18, được tổ chức tại Bắc Kinh trong hai ngày 12-13/7, đã gọi phán quyết về tranh chấp ở Biển Đông của Tòa Trọng tài Quốc tế là quan trọng, mặc dù Trung Quốc không công nhận là hợp lệ.

Ông cũng lưu ý rằng phán quyết đó cũng là vì lợi ích tốt nhất của các dân tộc liên quan. Tuy nhiên, Ủy ban Đối ngoại của EU cho biết cho biết chưa có thể đưa ra bình luận về vấn đề này vì còn đang nghiên cứu văn bản phán quyết của tòa án.

Theo AFP ngày 14-7, các nhà ngoại giao Đông Nam Á thông thạo về vấn đề cho hay, ASEAN đã cân nhắc xem có nên ra Tuyên bố chung về phán quyết của PCA hay không. Tuy nhiên, 10 thành viên ASEAN đã không tìm được tiếng nói chung về vấn đề nhạy cảm, liên quan đến “người hàng xóm” to lớn đang bành trướng sự hiện diện ở Biển Đông này.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.