Di sản Afghanistan được cứu như thế nào?

Thứ Tư, 30/03/2011, 10:50
Một câu chuyện diệu kỳ về sự khéo léo và lòng dũng cảm của con người đằng sau một cuộc triển lãm các bảo vật từ Afghanistan được khai trương tại Bảo tàng Anh vào đầu tháng 3 này.

Trong suốt 17 năm chiến tranh sau khi Liên Xô rút quân vào năm 1989, 5 năm dưới sự cai trị của phe Taliban và 10 năm cuộc chiến của NATO và Mỹ tại quốc gia này, phần lớn báu vật của Bảo tàng Quốc gia Afghanistan đã bị cướp đi và một số đã bị phá hủy. Tuy nhiên, những cổ vật có giá trị nhất đã tồn tại, được giữ trong một căn hầm nằm sâu dưới dinh Tổng thống, nhờ 5 người - trong đó có Giám đốc bảo tàng, ông Omar Khan Massoudi.

Rory Stewart, một chuyên gia Anh về Afghanistan và là thành viên của Quốc hội, cho biết: "Ông Omar Massoudi đã giữ vững tinh thần trong thời gian dưới sự cai trị của phe Taliban ở Afghanistan và đã thể hiện lòng can đảm trong việc đã không đáp ứng những yêu cầu hay các đe dọa của họ tiết lộ vị trí của căn hầm này. Đó là một hành động can đảm phi thường và là một hành động phục vụ đất nước thật tuyệt vời của ông".

Năm chiếc chìa khóa

Bảo tàng Quốc gia Kabul nằm cách thủ đô vài cây số về phía nam, trong một khu vực liên tục qua tay các lực lượng khác nhau vì phe dân quân Mujahideen giành giật ảnh hưởng tại đây từ đầu những năm 90. Mỗi lần qua tay như vậy là một lần bị cướp phá. Trong số ước chừng 100.000 hiện vật được trưng bày hồi năm 1979, khoảng 70% đã mất đi, tính đến giữa những năm 90 thế kỷ trước.

Một quả tên lửa đã phá hủy một bức tranh tường có từ thế kỷ thứ IV hồi năm 1993. Những di vật vô giá, một số bị cướp theo đơn đặt hàng, qua tay trên thị trường buôn bán các tác phẩm nghệ thuật quốc tế. Các vật khác bị chôn vùi trong những đống đổ nát hoặc bị dùng làm củi đốt.

Nhưng kho vàng huyền thoại Bactrian - mà các chuyên gia lo ngại đã bị đánh cắp và nấu chảy - trên thực tế đã được đóng gói, cùng một di vật chính trong bộ sưu tập, và được di chuyển đến một kho ngầm của Ngân hàng Trung ương bên trong Phủ Tổng thống vào năm 1989. Ông Massoudi là 1 trong 5 người có chìa khóa kho ngầm này. Phải cần cả 5 chiếc chìa khóa mới mở được hầm ngầm này - và mỗi người trong số họ đã liều cả mạng sống của mình chứ không giao chúng cho một ai khác.

Những người nắm giữ chìa khóa này cũng giữ bí mật địa điểm của căn hầm đó - nếu một người giữ chìa khóa qua đời, thì họ thống nhất là chìa khóa sẽ được giao lại cho người con trai cả của người này. Bằng cách đó, các di vật vô giá đã được bảo tồn.

Những mối đe dọa

Tổng thống Mohammad Najibullah, người vốn được Liên Xô hậu thuẫn và chính phủ của ông bị sụp đổ năm 1992, cũng đóng vai trò trong việc này mặc dù còn chưa rõ ông tham gia tới mức nào. Chính ông đã hạ lệnh đem các di vật này tới Dinh Tổng thống.

Phần lớn bảo tàng Kabul đã bị tàn phá.
Phe Taliban đã phá nhiều tác phẩm nghệ thuật tiền hồi giáo của Afghanistan.

Ông Massoudi và các nhân viên của ông trong những năm qua vẫn luôn khiêm tốn - và còn phần nào khá kín đáo - về thành quả mà họ làm được. Nhưng những lời lẽ của ông trong phần giới thiệu về bảo tàng đã giúp người xem có khái niệm về những nguy hiểm của việc giữ an toàn cho kho báu này thoát khỏi "nỗi kinh hoàng, bạo lực, nội chiến và phe Taliban". Bất chấp những hành động đe dọa khác nhau từ phía phe Taliban - thường là dưới họng súng - những người biết điều bí mật này đã không để lộ nó.

Mãi cho tới tận năm 2003 kho báu này gồm 22.000 vật bằng vàng và thủy tinh mới được tiết lộ. Tổng thống Hamid Karzai tuyên bố: "Ngày nay nhờ ơn Thượng đế, chúng tôi đã thành công trong việc được tìm lại kho báu của Afghanistan. Thật may mắn nó lại trở về đúng chỗ của nó".

"Bạo tàn"

Thái độ khinh bỉ đối với nghệ thuật tiền Hồi giáo của phe Taliban đã trở nên quá rõ qua việc họ phá hủy những tượng Phật khổng lồ tại Bamiyan hồi năm 2001. Cũng trong năm đó, họ ra lệnh là tất cả các tác phẩm nghệ thuật tiền Hồi giáo trên đất nước này phải bị phá hủy và thành lập một nhóm đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ này.

Ông Massoudi ước tính là quân Taliban đã phá hủy khoảng 2.500 tác phẩm nghệ thuật. Ông Massoudi viết trong cuốn giới thiệu về triển lãm rằng: "Những hành động man rợ đó đã khiến mọi người dân có tư cách của Afghanistan phải giận dữ và nó thể hiện một sự mất mát không thể thay thế được. Thiệt hại khủng khiếp nhất xảy ra tại mọi địa điểm khảo cổ trên đất nước này. Chẳng có thế hệ mai sau nào của Afghanistan hay lịch sử nhân loại có thể quên được một thời kỳ bạo chúa và tàn phá này".

Kể từ năm 2004, khi việc kiểm kê được hoàn tất, kho báu này đã được đưa đi triển lãm ở nhiều nước trên thế giới, thu hút đông đảo người xem tại Canada, Mỹ, Pháp, Đức và  Anh. Nó chính là câu chuyện mà những người tổ chức cuộc triển lãm cho rằng đó là chiến thắng của di sản văn hóa trước sự tàn phá và niềm tin mù quáng

Lệ Đào (tổng hợp)
.
.