Di sản lịch sử của Syria bị tàn phá nghiêm trọng vì chiến tranh

Thứ Ba, 14/05/2013, 02:55

Cuộc chiến đẫm máu đang diễn ra tại Syria không chỉ tàn phá đất nước này, cướp đi mạng sống của hàng chục người mỗi ngày, mà còn đang hủy hoại nhiều di tích lịch sử quý giá, đồng nghĩa với đó là một tổn thất không thể bù đắp đối với nền văn hóa của nhân loại. Một trường hợp điển hình mang tính cảnh báo mới đây chính là vụ phá hủy nhà thờ Hồi giáo cổ xưa ở Aleppo, từng được đánh giá là một trong những thánh địa quan trọng nhất của cộng đồng Hồi giáo tại Syria.

thÁnh đường vĩ đại tại Aleppo được xây dựng ngay từ triều đại Umayyad (vào năm 715) ngay tại vị trí của ngôi đền nổi tiếng cũ Byzantine. Đến năm 1159, kiến trúc này bị tổn hại nghiêm trọng sau một trận hỏa hoạn và được xây dựng lại. Năm 1260, di sản này lại tiếp tục bị quân Mông Cổ tàn phá. Di tích cổ kính nhất của thánh đường là tòa tháp có chiều cao 45 mét được xây dựng vào năm 1090, vừa mới bị tàn phá nặng nề do hậu quả của những trận giao tranh vừa qua.

Những trận chiến ác liệt xung quanh thánh đường tại Aleppo đã diễn ra từ vài tháng qua, khi phe nổi dậy vẫn là bên cố thủ tại địa điểm này. Giờ đây, tòa tháp cổ kính trên thực tế đã biến thành đống gạch vụn, trong khi toàn bộ thánh địa bị tổn hại nặng nề vì bom đạn, kèm theo đó là hàng cột trụ cũng như trang trí ở bên trong.

Theo một vài thông tin, thánh địa trên không những bị phá hủy mà còn bị cướp bóc, trong đó đáng kể có chiếc hộp được cho là chứa một mớ tóc của nhà tiên tri Muhammad. Tuy nhiên, phe Hồi giáo khẳng định, họ đã cứu giúp và cất giữ thành công một vài bản viết tay kinh Koran cổ tại đây.

Cần phải nói thêm rằng, việc phá hoại di tích trên đã diễn ra bất chấp việc ngay từ tháng 10/2012, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã lên tiếng kêu gọi phải ra sức bảo vệ kiệt tác kiến trúc phương đông này, do thánh địa trên được đánh giá là "một trong những giáo đường tuyệt vời nhất của thế giới Hồi giáo".

Thánh đường nổi tiếng thế giới tại Aleppo giờ chỉ còn là một đống tan hoang sau hàng loạt những cuộc giao tranh ác liệt

Thánh địa nổi tiếng trên không phải di tích duy nhất là nạn nhân của những cuộc xung đột tại Aleppo. Ngay như khu phố cổ Salaheddin phía tây nam thành phố cũng bị tổn hại nặng nề. Khu phố cổ trên - là tập hợp các tòa nhà cổ từ thế kỷ XII-XVI - từ trước cuộc nội chiến Syria luôn là một trong những địa danh thu hút nhiều khách du lịch nhất và đã được đưa vào danh sách các di sản thế giới của UNESCO năm 1986.

Sau hàng loạt những cuộc giao tranh ác liệt ở khu vực thành phố cổ, khu chợ ngoài trời cổ xưa nhất thế giới Al-Madina đã bị san bằng, kèm theo đó là những sạp hàng cổ xưa cùng với các sản phẩm thủ công địa phương bị cháy rụi hoàn toàn sau một trận độ súng giữa quân chính phủ và phe nổi dậy. Một di tích độc nhất vô nhị khác từ thời Trung cổ là giáo đường Mehmendar (thế kỷ XIII) cũng bị tổn hại nặng nề với tòa tháp màu trắng nổi tiếng của giáo đường đã đổ nghiêng.    

Trước tình hình trên, UNESCO đã phải lên tiếng cảnh báo: cuộc nội chiến tại Syria đang trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng đối với các di sản văn hóa giàu có của quốc gia này, đồng thời kêu gọi các bên tham gia xung đột phải bảo vệ các di tích lịch sử quan trọng.

Tuy nhiên, bất chấp những lời kêu gọi trên, quân chính phủ cũng như phe đối lập vẫn chẳng ngần ngại biến những pháo đài cổ, những khu nhà tắm hơi và nhiều tòa nhà cổ khác thành những địa điểm phòng thủ. Chưa kể rất nhiều cổ vật quý hiếm khác bị cướp đi từ các bảo tàng.

Theo UNESCO, đã có 5 trên tổng số 6 di sản văn hóa thế giới tại Syria bị tổn hại ở các mức độ khác nhau vì chiến tranh. Những tên cướp đã xâm nhập vào một trong những tòa lâu đài từ thời Thập tự chinh được bảo vệ nghiêm ngặt nhất là Krak des Chevaliers, cũng như tàn phá thành phố cổ Palmyra.  

Trách nhiệm về việc làm hủy hoại các di tích lại được hai phe tham chiến đùn đẩy cho nhau. Điển hình là xung quanh vụ phá hủy tòa tháp của thánh đường thuộc triều đại Umayyad. Theo phe nổi dậy, tòa tháp đã bị xe tăng của chính phủ phá sập. "Những chiếc xe tăng đã bắn liên tục về phía tòa tháp cho tới khi nó bị hủy hoại hoàn toàn" - một chỉ huy của phe nổi dậy xuất hiện trong đoạn băng hình trên YouTube phát biểu như vậy. Cũng theo lời ông ta, các tay súng bắn tỉa của phe nổi dậy không hề có mặt tại tháp canh khi đó.

Về phần mình, các nguồn tin chính phủ lại khẳng định, di tích lịch sử trên đã đổ sập trong một trận chiến, khi quân nổi loạn ẩn nấp đằng sau những bức tường của thánh đường. Phe chính phủ cũng cho biết, thủ phạm cho nổ tung tòa tháp là nhóm cực đoan đứng về phe nổi dậy Jabhat al-Nusra, nhằm mục đích đổ vấy cho quân chính phủ. Về sự tham gia của nhóm cực đoan này (được đánh giá là một tổ chức tại địa phương của Al-Qaeda) cũng đã được nhiều hãng thông tấn phương Tây gần đây đưa tin.

Thành phố cổ Aleppo (là nơi lưu giữ rất nhiều di tích lịch sử và văn hóa độc nhất vô nhị) lại đang là một chiến trường ác liệt giữa quân Chính phủ Syria với phe nổi dậy trong suốt một năm rưỡi qua. Theo số liệu của LHQ, tổng số nạn nhân thiệt mạng trong các cuộc xung đột đẫm máu tại đây đã lên tới hơn 20.000 người

Quỳnh Lai (tổng hợp)
.
.