Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp ở nhiều nước châu Á

Thứ Ba, 21/05/2019, 17:32
Dịch tả lợn châu Phi đang lắng dịu ở Việt Nam, hơn 30 ngày qua không có lợn nhiễm bệnh mới. Nhưng ở khu vực châu Á, đặc biệt là những quốc gia lân cận Việt Nam, như Campuchia, Trung Quốc, tình hình vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống một bộ phận người dân.

Người đàn ông mặc đồ bảo hộ kín mít lái một chiếc xe tải dừng ở mép một cái hố rộng lớn và trút xuống đó một đống lợn chết. Khi xe ông này vừa rời đi, một chiếc khác đã đến và trút xuống cái hố một xe tải lợn tương tự.

Đây là cảnh tượng diễn ra tại một bãi chôn lấp gia súc ở Hồng Công (Trung Quốc) hôm 14-5 vừa qua, nằm trong đợt chôn lấp 6.000 con lợn chết từ lò giết mổ gia súc Sheung Shui lớn nhất Hồng Công, do có một con lợn tại lò giết mổ này bị phát hiện dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Theo các chuyên gia, DTLCP vô cùng nguy hiểm vì hiện chưa có thuốc đặc trị cũng chưa có vaccine phòng bệnh. Bệnh lây lan nhanh bằng nhiều con đường, và việc phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn do tập quán chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ của người chăn nuôi ở châu Á, công tác kiểm soát dịch bệnh chưa tốt, cộng với ý thức phòng chống dịch chưa cao trong người chăn nuôi.

Trường hợp phát hiện bệnh tại Hồng Công cho thấy mức độ nguy hiểm của DTLCP, có lúc tưởng chừng như người ta đã kiểm soát được bệnh, nhưng rồi bỗng có những trường hợp mới được phát hiện.

Vụ tiêu hủy 6.000 con lợn tại bãi chôn lấp ở Hồng Công.

Dịch bệnh DTLCP vốn đã xuất hiện từ năm 1921 và trong gần một thế kỷ qua không lây lan rộng rãi trên thế giới. Tuy nhiên, bước sang đầu thế kỷ XXI, dịch bệnh có dấu hiệu lan rộng. Làn sóng dịch bệnh hiện nay được phát hiện tại Trung Quốc vào tháng 8-2018. Kể từ đó, virus DTLCP đã lan truyền mạnh sang Mông Cổ, Campuchia và Việt Nam. Đã có hàng triệu con lợn chết vì bệnh hoặc bị giết để xử lý mầm bệnh.

Tại Việt Nam, DTLCP bắt đầu xuất hiện từ tháng 2-2019, đến nay 29 tỉnh, thành có DTLCP, với hơn 1,2 triệu con lợn bị tiêu hủy, gây thiệt hại khá lớn cho người chăn nuôi. Hiện tình hình dịch bệnh đã qua hơn 30 ngày chưa phát hiện ổ dịch mới.

Chính phủ Việt Nam vừa qua đã có những chỉ đạo quyết liệt đến các ngành các cấp cùng vào cuộc với tinh thần "chống dịch như chống giặc", đồng thời cũng đang có những chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho người chăn nuôi bị thiệt hại vì DTLCP.

Trung Quốc là quốc gia có đàn lợn lớn nhất thế giới bị ảnh hưởng đợt dịch DTLCP lần này. Trung Quốc cũng là quốc gia tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, mỗi năm giết mổ lên đến 700 triệu con lợn thịt (số liệu năm 2018).

Tính đến nay, chính quyền Trung Hoa đại lục đã cho tiêu hủy trên một triệu con lợn. Tính chung, sau đợt dịch này, đàn lợn của Trung Quốc có thể sẽ giảm khoảng 150 đến 200 triệu con.

Một góc phố bán thịt lợn Chun Yuen nổi tiếng ở Hồng Công trong đợt tiêu hủy lợn bệnh ngày 14-5 vừa qua.

Chính quyền Trung Quốc cũng đã có chính sách chi trả hỗ trợ nông dân chăn nuôi lợn bị dịch bệnh. "Ảnh hưởng của bệnh DTLCP đang làm rúng động nền kinh tế các nước" - Dirk Pfeiffer, một chuyên gia về dịch bệnh vật nuôi tại Đại học Hồng Công nhận định.

Nếu việc DTLCP lây lan vào Việt Nam gây lo ngại cho giới chuyên gia phòng chống dịch bệnh vật nuôi, thì cách các cơ quan chức năng Trung Quốc xử lý dịch bệnh lại khiến người ta lo lắng nhất, bởi quy mô đàn lợn của nước này cực kỳ lớn.

Xu hướng ém thông tin dịch bệnh của giới chức chính quyền các cấp ở Trung Quốc đang tạo ra mối nguy hiểm rất cao cho công tác phòng chống dịch bệnh, gây ra sự bất bình trong dư luận công chúng, nhiều nông dân và các chuyên gia thú y do không được nắm rõ thông tin về dịch bệnh đã bức xúc nói rằng họ nghi ngờ quy mô dịch bệnh và số lượng lợn chết và bị giết vì bệnh còn cao hơn nhiều so với thông tin công bố.

Từ đó dẫn đến sự hoang mang trong người tiêu dùng đối với thịt lợn do lo ngại lợn bệnh có thể được giấu diếm mang đi giết mổ và bán ra thị trường. Điều này càng gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên thị trường thịt lợn của Trung Quốc và các quốc gia lân cận.

Một cách phòng dịch mang tính tạm thời là các công ty chăn nuôi đã sử dụng một phần mềm nhận diện khuôn mặt và tiếng kêu của lợn để phòng ngừa bệnh lây lan trong đàn lợn. Chính phủ Trung Quốc cũng có động thái thu mua, giết mổ và cấp đông thịt lợn sạch dự phòng, một mặt để bảo đảm cung ứng thịt lợn sạch, mặt khác cũng nhằm hỗ trợ nông dân chăn nuôi bán được lợn thịt, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh.

Trong khi đó, hơn 1 tỉ người tiêu dùng thịt lợn ở Trung Quốc và các nước lân cận. Việt Nam đang đối mặt với tình trạng khan hiếm thịt lợn do sản lượng lợn thịt tụt giảm mạnh, từ đó đẩy giá thịt lợn trên thị trường lên cao. Theo tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO), giá thịt lợn trên thị trường thế giới trong tháng 4-2019 đã tăng 3% so với tháng trước đó.

Lò giết mổ gia súc Sheung Shui ở Hồng Công mỗi ngày nhập 4.000 con lợn thịt từ Trung Hoa đại lục, cộng với khoảng 300 con lợn nuôi tại chỗ để giết mổ phục vụ thị trường Hồng Công.

Vụ việc phát hiện lợn bệnh vừa qua là do lợn nhập từ đại lục. Từ đó, cơ quan chức năng Hồng Công đã ra lệnh ngưng nhập khẩu lợn thịt từ đại lục, đồng thời cho đóng cửa một lò giết mổ lớn khác, đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về việc khan hiếm thịt lợn.

Ngày 14-5, tại con phố Chun Yuen buôn bán thịt lợn nổi tiếng nhất Hồng Công, một số người bán thịt lợn nói rằng họ đã dừng bán thịt lợn nhập khẩu mấy ngày qua, một phần vì khan hiếm nguồn cung, phần khác là do họ sợ gặp nguy hiểm khi lỡ bán thịt lợn có nhiễm bệnh.

An Châu (tổng hợp)
.
.