Điểm dừng của ông Erdogan?

Thứ Tư, 23/10/2019, 09:24
Quân đội Nga đã bắt đầu thực hiện tuần tra khu vực dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ nhằm “canh giữ” xung đột vũ trang có thể xảy ra bất cứ lúc nào giữa quân đội Syria và quân Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có cuộc gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để thảo luận vấn đề này.

Trong khi đó, Mỹ cũng đã cử phái đoàn cấp cao đến tìm cách thuyết phục Ankara dừng các hoạt động quân sự.

Chiều tối ngày 17-10, phái đoàn cấp cao Mỹ gồm Phó Tổng thống Mike Pence, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien đã đến Ankara để thuyết phục Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dừng chiến dịch quân sự. Kết quả của chuyến du thuyết này là Tổng thống Erdogan đồng ý thỏa thuận tạm thời ngừng bắn 5 ngày để tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang người Kurd rút quân khỏi “vùng đệm an toàn” 32km dọc biên giới.

Tướng Mazloum Kobane thuộc Các lực lượng Syria Dân chủ (SDF) xác nhận với tờ báo Guardian rằng ngừng bắn quả thực đã có hiệu lực nhưng chỉ tạm thời ở các thị trấn Tal Abyad và Ras al-Ayn, những khu vực giao tranh dữ dội nhất, chứ không dừng toàn bộ chiến dịch.

Theo tờ Guardian, thỏa thuận ngừng bắn tạm thời được xem như một “thắng lợi” của ông Erdogan đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, bởi nó thể hiện rõ ràng Mỹ thuận theo quan điểm và chủ trương của Ankara hơn là gây áp lực khuất phục Ankara. Mỹ không chủ động xác lập cái gọi là “vùng đệm” mà giao hẳn cho Ankara tự định đoạt.

Những lời hăm dọa của Tổng thống Trump trước đó, như rút tên lửa hạt nhân khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, áp dụng cấm vận vũ khí,... dường như chỉ là lời nói suông chiếu lệ. Bên cạnh đó, thỏa thuận còn có vẻ như là một màn kịch nhằm giúp Tổng thống Trump “gỡ gạc” phần nào vấn đề rắc rối phát sinh do quyết định trước đó của ông bàn giao hẳn cho Tổng thống Erdogan quyền định đoạt số phận người Kurd khiến dư luận Mỹ cũng như quốc tế phẫn nộ.

Bên trong nước Mỹ, một cuộc kịch chiến giữa ông Trump với phe Dân chủ đã diễn ra tại một cuộc họp ở Nhà Trắng hôm 17-10, ngay trong thời gian phái đoàn Mike Pence đang đàm phán với Tổng thống Erdogan. Trước đó nữa, ngày 16-10, Tổng thống Trump cũng đã làm giảm đi rất nhiều ý nghĩa của thỏa thuận khi “tự sướng” trên Twitter rằng quyết định rút quân Mỹ ở Syria để tránh đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd là một quyết định “sáng suốt về mặt chiến lược”, đồng thời tuyên bố ủng hộ quan điểm của Ankara trong chiến dịch quân sự.

Truyền thông quốc tế xác nhận, chiến sự quyết liệt tại hai thị trấn biên giới Tal Abyad và Ras al-Ayn, cộng với các đợt pháo kích, ném bom xuống các mục tiêu khác sâu bên trong Syria đã khiến hàng trăm ngàn người bị mất chỗ ở và nguy cơ tạo ra khủng hoảng nhân đạo ngay tại khu vực vùng đệm.

Ankara đang trù tính sẽ sử dụng vùng đệm này như một “lãnh thổ trung gian” để nhốt chứa hàng triệu người tị nạn chiến tranh Syria, thay vì cho họ tá túc trên lãnh thổ mình như thời gian qua. Lực lượng SDF đã phản công dọc biên giới và gây ra một số thương vong cho dân thường Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Nga Putin sẽ có cuộc gặp quyết định vào ngày 22-10.

Trước nguy cơ bị truy quét khỏi nơi trú ngụ truyền thống, lực lượng người Kurd hôm 13-10 đã ký thỏa thuận hợp tác với Chính phủ Syria, theo đó Damascus sẽ triển khai quân đội đến khu vực người Kurd để bảo vệ họ. Ngay sau đó, quân đội Syria đã có mặt tại một số làng mạc, thị trấn xung quanh các thành phố Manbij, Ain Issa và Kobane, đặc biệt là đã tiếp quản ngôi làng Tel Tamer nằm trên đường cao tốc M4 gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, cách thị trấn Ras al-Ain 35km về phía Đông Nam.

Dân chúng địa phương đã reo mừng chào đón quân đội Syria như vị cứu tinh mới của họ. Nhưng sự xuất hiện của quân đội Chính phủ Syria lại đặt ra một nguy cơ khác: sự đụng độ quân sự giữa các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Nguy cơ này càng trở nên rõ nét hơn khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad hôm 17-10 đã tuyên bố sẽ “đáp trả và đối đầu dưới mọi hình thức hợp pháp” đối với chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên đất Syria, xem chiến dịch quân sự tấn công người Kurd của Tổng thống Erdogan là “cuộc xâm lược” đối với đất nước Syria.

Làm sao để ông Erdogan chịu dừng hoàn toàn chiến dịch quân sự là mục tiêu cao nhất của mọi nỗ lực ngoại giao hiện nay, kể cả của Mỹ và Nga. Nhưng, tất cả những nỗ lực của giới chức Mỹ và biểu hiện trái chiều của Tổng thống Trump khiến dư luận thế giới không còn tin tưởng vào khả năng Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi việc chấm dứt chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên đất Syria.

Trong tình hình như thế, nước Nga đang được kỳ vọng sẽ tạo ra được bước ngoặt quyết định. Lời “khiển trách” một cách gián tiếp của Tổng thống Putin hôm 11-10 đã khiến Ankara phải thận trọng. Ngay sau khi Chính phủ Syria triển khai quân đội đến “bảo vệ” người Kurd, lực lượng Nga tại Syria cũng xuất hiện và thực hiện các cuộc tuần tra ở làng al-Saadiya gần thành phố Manbij, nằm xen giữa khu vực đóng quân của Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm phát đi thông điệp “sẵn sàng can thiệp” nếu có bất kỳ đột biến nào xảy ra giữa hai bên.

Ngày 15-10, đặc phái viên Nga tại Syria Alexander Lavrentyev tiếp tục đưa ra tuyên bố rằng nước Nga chống lại chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ không cho phép xảy ra đụng độ giữa các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Theo dự kiến, Tổng thống Erdogan sẽ có cuộc hội kiến với Tổng thống Nga Putin vào ngày 22-10 tới tại thành phố Sochi để thảo luận về chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên đất Syria nhằm tránh xảy ra xung đột quân sự giữa hai quốc gia láng giềng.

Giới phân tích cho rằng nước Nga đang thể hiện vai trò trung gian hòa giải hết sức quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định tại Syria sau nhiều năm chìm trong nội chiến. Kết quả cuộc hội kiến ở Sochi có ý nghĩa quyết định Ankara có tiếp tục chiến dịch quân sự nữa hay không và ông Erdogan sẽ được gì, mất gì sau chiến dịch này.

An Châu (tổng hợp)
.
.