Điểm tựa mới của Palestine

Chủ Nhật, 20/06/2010, 15:45
Nếu như từ trước tới giờ, quan điểm của Liên đoàn Arập vẫn còn khá mập mờ về vấn đề Palestine nói chung thì nay sau sự kiện Israel tấn công tàu chở hàng nhân đạo của Thổ Nhĩ Kỳ, quan điểm này đã được làm rõ trong chuyến thăm Dải Gaza ngày 13/6 vừa qua của nhà ngoại giao cấp cao nhất của thế giới Arập, Amr Moussa.

Kêu gọi Israel dỡ bỏ ngay lập tức lệnh phong tỏa Dải Gaza, yêu cầu Hamas và Fatah hòa giải dân tộc là hai chủ đề chính trong chuyến thăm lịch sử của ông Amr Moussa tới Dải Gaza.

Chuyến thăm của ông Amr Moussa - Tổng thư ký Liên đoàn Arập - tới Dải Gaza lần này mặc dù chỉ kéo dài vài giờ, nhưng mang một ý nghĩa vô cùng lớn. Đó là lần đầu tiên một lãnh đạo Liên đoàn Arập đến thăm vùng đất do Hamas kiểm soát cách nay 3 năm.

Trong chuyến thăm này, ông Amr Moussa muốn tránh việc hợp pháp hóa chính quyền Hamas nên không ghé bất cứ trụ sở hành chính hay cơ quan quyền lực nào của phong trào Hamas tại Gaza. Nhà lãnh đạo Liên đoàn Arập đã yêu cầu gặp gỡ với người đứng đầu Chính phủ Hamas ở Dải Gaza, Ismael Haniyeh, tại nhà riêng của người này trong trại tị nạn Shati, chứ không phải ở Văn phòng thủ tướng.

Ngoài lãnh đạo Hamas, ông Amr Moussa còn gặp gỡ cả một số quan chức của Liên Hiệp Quốc, của các tổ chức nhân đạo và một số lãnh đạo của các nhóm Palestine khác tại Dải Gaza. Ông Moussa cũng gặp các gia đình Palestine đã mất người thân trong cuộc chiến với Israel tại Dải Gaza.

Ngay khi đặt chân đến Gaza, ông Amr Moussa đã đánh giá rằng, lệnh phong tỏa Dải Gaza của Israel cần phải bị xóa bỏ. "Không chỉ những người Arập mà cả thế giới đều ủng hộ người Palestine chống lại lệnh phong tỏa Gaza của Israel. Quan điểm của Liên đoàn Arập từ nay đã trở nên rõ ràng" - ông Amr Moussa cho biết.

Liên đoàn Arập là một tổ chức của các quốc gia Arập tại Tây Nam Á, Bắc và Đông Bắc Phi. Tổ chức này được thành lập năm 1945 tại Cairo - Ai Cập. Liên minh Arập hiện có 22 thành viên. Mục đích của liên minh là "thắt chặt mối quan hệ và gia tăng hợp tác giữa các quốc gia, nhằm bảo vệ độc lập và chủ quyền, xem xét các vấn đề chung và các mối quan tâm của các quốc gia Arập".

Cho tới gần đây, quan điểm của Liên đoàn Arập và nhất là của Ai Cập vẫn bị chia rẽ, chưa rõ ràng về việc có nên ủng hộ Palestine hay không, giữa một bên là đoàn kết với người Palestine và bên kia là mong muốn cô lập Hamas khỏi bộ máy quyền lực tại Palestine. Tuy nhiên, từ sau sự cố tàu chở hàng nhân đạo của Thổ Nhĩ Kỳ đang trên đường tới Dải gaza bị quân đội Israel tấn công hôm 31/5, quan điểm trên của Liên đoàn Arập bắt đầu bị lung lay.

Ông Amr Moussa muốn thông qua chuyến thăm này để dẹp bỏ những lời chỉ trích cho rằng Liên đoàn Arập là "tòng phạm của Israel" trong vấn đề phong tỏa Dải Gaza, trong khi sự ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với người dân và chính quyền ở dải đất này lại đến từ hai quốc gia không nằm trong khối Arập, đó là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Giới quan sát cho rằng, chuyến thăm của ông Amr Moussa, một tín hiệu về tình đoàn kết của người Arập với người dân Palestine, được thực hiện giữa lúc cộng đồng quốc tế đang gia tăng sức ép yêu cầu giảm bớt các biện pháp phong tỏa vùng đất của người Palestine.

Ngay cả Mỹ, đồng minh chủ yếu của Israel, cũng cho rằng tình hình ở Dải Gaza, vốn đã bị phong tỏa từ năm 2006, là không thể chấp nhận được, và cần có viện trợ nhân đạo lâu dài. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố nên cho Gaza nhận các vật liệu cần cho việc tái thiết, trong khi Israel chủ trương hạn chế tối đa nhằm tránh việc phong trào Hamas lợi dụng để xây dựng lại các cơ sở hạ tầng trong quân sự.

Chính quyền Ai Cập vừa thông báo mở lại vô thời hạn cửa khẩu Rafah, điểm duy nhất để sang Gaza mà không bị Israel kiểm soát. Đây là một dấu hiệu cho thấy việc phong tỏa Gaza có nguy cơ rạn nứt.

Cũng nhân dịp này, Tổng thư ký Liên đoàn Arập cũng đã kêu gọi các phe phái ở Palestine nên đặt vấn đề quyền lợi quốc gia lên hàng đầu để tiến hành các cuộc đàm phán hòa giải dân tộc. "Việc hòa giải dân tộc là vô cùng quan trọng với tương lai Nhà nước Palestine. Đây là vấn đề cơ bản, nó thể hiện ý chí mong muốn xây dựng một Nhà nước Palestine thực sự chứ không đơn thuần chỉ là các bên ký vào một bản thỏa ước là xong" - ông Amr Moussa nhận xét tại cuộc họp báo tại Dải Gaza.

Ông Amr Moussa (giữa) kêu gọi Israel xóa bỏ lệnh phong tỏa Dải Gaza tại cuộc họp báo ở Gaza hôm 13/6.

Quan hệ giữa phong trào Hồi giáo Hamas và phong trào Fatah của Tổng thống Mahmoud Abbas trở nên căng thẳng kể từ khi Hamas dùng quân đội chiếm quyền kiểm soát Dải Gaza vào tháng 6/2007, đẩy lực lượng trung thành của ông Mahmoud Abbas về khu Bờ Tây. Kể từ đó đến nay, hai bên đã nhiều lần tiến hành đàm phán hòa giải qua nhiều trung gian khác nhau nhưng đều bất thành. Các cuộc đụng độ vũ trang giữa hai phe đã xảy ra nhiều lần và các cuộc bắt bớ người của nhau vẫn diễn ra thường xuyên tại Dải Gaza và Bờ Tây.

Nhật báo Haaretz của Israel ngày 13/6 vừa qua khẳng định Tổng thống Mahmoud Abbas trong chuyến thăm Mỹ hôm 9/6 đã lên tiếng yêu cầu Tổng thống Obama gia tăng sức ép để Israel nới lỏng việc kiểm soát các đường biên giới Dải Gaza, nhưng Haaretz cũng cho biết ông Abbas cũng đề nghị không nên dỡ bở hoàn toàn việc kiểm soát các cảng biển tiến vào Dải Gaza vì lo sợ rằng một khi việc lưu thông đường thủy được thuận tiện, phong trào Hamas sẽ mạnh lên.

Dẫn lời các quan chức ngoại giao châu Âu sau khi được Nhà Trắng thông báo, Haaretz cho biết Ai Cập cũng đã có đề nghị tương tự với Mỹ, Israel và Liên minh châu Âu do nước này không thể kiểm soát được lượng tàu bè ra vào cảng Gaza một khi cảng biển này được dỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Trở lại cuộc gặp gỡ hôm 9/6, Tổng thống Mỹ Barack Obama mô tả tình trạng hiện nay tại Dải Gaza là không thể kéo dài và kêu gọi Israel hãy tiếp tay để giảm thiểu các biện pháp phong tỏa vùng lãnh thổ Palestine. Tuy nhiên, sau khi gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Nhà Trắng, lãnh đạo Mỹ lại không góp tiếng với quốc tế để kêu gọi Israel chấm dứt lệnh phong tỏa. Ông Obama chỉ nói thể nào cũng có một phương cách để cùng lúc bảo đảm an ninh cho Israel trong khi cho phép người Palestine đạt đến thịnh vượng.

Trước áp lực của cộng đồng quốc tế, ngày 10/6 vừa qua, Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman tuyên bố nước này chỉ dỡ bỏ việc phong tỏa Dải Gaza khi đại diện của Hội Chữ thập đỏ quốc tế được phép vào thăm thường xuyên quân nhân Gilad Shalit. "Chừng nào điều kiện này không được thỏa mãn, sẽ không có bất kỳ một lý do nào để chúng tôi thay đổi quan điểm hiện nay về Dải Gaza" - ông Avigdor Lieberman khẳng định.

Tuy áp lực đến từ khắp nơi, nhưng theo nhận xét của các chuyên gia thì việc phong tỏa Dải Gaza sẽ không dễ gì chấm dứt, tuy mục đích làm cho Hamas yếu đi và mục tiêu giải thoát cho quân nhân Israel Gilad Shalid đang bị cầm tù từ 4 năm qua vẫn chưa đạt được. Việc phong tỏa tỏ ra không hiệu quả trong việc ngăn chặn chuyển tiền và vũ khí cho Hamas thông qua đường hầm buôn lậu được đào ở biên giới Ai Cập, mà theo Ngân hàng Thế giới, thì 80% hàng nhập vào Dải Gaza là qua con đường này

N.Lê Bảo Phương (tổng hợp)
.
.