Diễn đàn Davos 2017: Tìm lời giải cho thách thức toàn cầu

Thứ Bảy, 21/01/2017, 14:45
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đứng trước nhiều thách thức, nhất là chủ nghĩa bảo hộ, Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), còn gọi là Diễn đàn Davos diễn ra từ 17 đến 20-1-2017 tại Thụy Sĩ là cơ hội để các nhà lãnh đạo quốc tế tìm ra những giải pháp bền vững giải quyết các vấn đề toàn cầu.

WEF năm nay thu hút khoảng 3.000 đại biểu đến từ hơn 70 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc (LHQ), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong đó có gần 50 nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ và hàng chục lãnh đạo các tổ chức, tập đoàn lớn như Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Anh Theresa May và đại diện nhóm chuyển giao quyền lực của chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump... Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu tham dự hội nghị này.

Với chủ đề chính là “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm”, Diễn đàn Davos 2017 tập trung vào 5 nhóm vấn đề trong 446 phiên họp: Nâng cao quản trị toàn cầu; Ứng phó với các bất ổn an ninh và khủng hoảng; Thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, Tái cơ cấu kinh tế và cải cách xã hội ở các quốc gia và khu vực; Phát triển các hệ thống công nghiệp và mô hình kinh doanh mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2017 diễn ra từ 17 đến 20-1 tại Davos, Thụy Sĩ.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại nhiều tiến bộ như trí tuệ nhân tạo, Internet của vạn vật, robot thông minh và xe tự lái. Tuy nhiên, những tiến bộ này có thể lấy đi công việc làm của hàng triệu người, xói mòn các quan hệ xã hội. Mối đe dọa từ tin tặc, an ninh mạng, “vũ khí hóa” các hệ thống trí tuệ nhân tạo cũng được thảo luận kỹ tại WEF năm nay. Trên đây là những vấn đề toàn cầu quan trọng, có tác động lớn đến việc định hình tương lai thế giới.

Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ đang chiếm ưu thế và xu hướng này tạo ra nhiều mối quan ngại, thách thức cho sự kết nối của cộng đồng toàn cầu và gây trở ngại cho nỗ lực hợp tác của các quốc gia. Điều này được Tổng thống Thụy Sĩ Doris Leuthard thẳng thắn thừa nhận trong phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Phát biểu trước khi khai mạc hội nghị, thành viên Ban Điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới, cựu Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức cho rằng hợp tác toàn cầu, mở cửa thị trường và tự do hóa thương mại là những chìa khóa dẫn đến sự tăng trưởng đối với nền kinh tế thế giới chứ không phải chủ nghĩa bảo hộ.

Ông Philipp Roesler, Ban Điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới nói: "Chúng ta thấy chiều hướng của chủ nghĩa bảo hộ ngày càng phát triển. Chúng ta cần có lập trường vững chắc trong thương mại toàn cầu, thị trường mở, thương mại tự do và cạnh tranh công bằng. Cách tốt nhất vẫn là hợp tác toàn cầu".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos.

Klaus Schwab, nhà sáng lập WEF, thừa nhận hiện trạng của thế giới và các định chế lãnh đạo nó đang bị đặt vấn đề, và ông đề nghị các nhà lãnh đạo cần bám sát những giá trị cốt lõi của nền dân chủ tự do và giải thích một cách thành thật cho dân chúng về bản chất của toàn cầu hóa. Tuy vậy, ông cũng thừa nhận, lấy lại niềm tin của công chúng vào các định chế chính trị hiện thời là nhiệm vụ khó khăn vô cùng.

Thủ tướng Anh Theresa May đến Davos một ngày sau khi có bài phát biểu cung cấp thông tin chi tiết hơn về kế hoạch Brexit ở London. Tại Davos, bà May đề cập tới chiến lược đàm phán của Anh trong vấn đề Brexit.

Theo AP, giới đầu tư quan ngại khả năng Thủ tướng Anh thiên về kịch bản Brexit “cứng” khi đề cập tới việc nước Anh rời Thị trường chung châu Âu và Liên minh thuế quan. Kết quả của việc này có thể sẽ tác động tới kinh tế Anh. Động thái của lãnh đạo Anh tại Davos càng được chú ý, khi ngay trước khi sang Davos, Brexit đã nhận được những tín hiệu ủng hộ từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ông Trump hôm 15-1 nói với Times rằng “Brexit là một điều tuyệt vời”.

Hãng tin Reuters cho rằng, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ đắc cử hứa hẹn sẽ có những chính sách mang màu sắc bảo hộ hơn, còn châu Âu đang phải đối mặt với những vấn đề của riêng mình, từ việc Brexit cho tới khủng bố, Trung Quốc đã nhìn thấy cơ hội để họ “lấp đầy chỗ trống” trong vai trò lãnh đạo kinh tế quốc tế.

Phát biểu trước rất đông khán giả, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng chủ nghĩa bảo hộ đồng nghĩa với việc “tự khóa trái mình trong một căn phòng tối”, và cắt đứt mọi “nguồn ánh sáng và không khí”. Trong bài phát biểu kéo dài gần một giờ đồng hồ, ông khẳng định: “Không ai có thể trở thành người chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại”.

Đến Davos lần này, ngoài ông Tập Cận Bình có hơn một nửa số quan chức cấp cao của Chính phủ Trung Quốc, nhiều hơn hẳn phái đoàn các năm trước, và điều này đang phản ánh rõ tham vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo lãnh đạo Trung Quốc, các quốc gia và giới lãnh đạo không thể vì nạn thất nghiệp, di dân và khủng hoảng tài chính mà tìm cách cản trở tự do đầu tư, tự do thương mại và trao đổi công nghệ. Đây được xem là lời chỉ trích gián tiếp nhắm vào chủ nhân mới của Nhà Trắng.

Phản ứng trước phát biểu của ông Tập Cận Bình, Anthony Scaramucci, một cố vấn của ông Trump có mặt tại Davos đã tỏ vẻ hoài nghi, một cách nhẹ nhàng: “Trong 10 năm gần đây, đã có thêm 8 triệu người Mỹ phải rời bỏ công việc để trở thành người lao động nghèo. Tôi tôn trọng Trung Quốc, và tất nhiên tôi tôn trọng Chủ tịch Trung Quốc, chúng tôi rất mong có được một quan hệ tuyệt vời với Trung Quốc. Nhưng nếu Trung Quốc thực sự tin vào toàn cầu hóa, họ phải quay sang phía chúng tôi và cho phép chúng tôi tạo ra một sự đối xứng, bởi vì con đường toàn cầu hóa phải thông qua các công nhân và tầng lớp trung lưu Mỹ”.

Sự hiện diện của Chủ tịch Tập Cận Bình là một dấu hiệu của sự thay đổi từ thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo sang một hệ thống đa cực hơn, trong đó các cường quốc như Trung Quốc sẽ đóng một vai trò lớn hơn.

Xu hướng bảo hộ mậu dịch của tổng thống đắc cử Donald Trump (Mỹ) là chủ đề thảo luận chính tại Diễn đàn Davos 2017.

Theo ghi nhận của AFP, ông John Neill, lãnh đạo Tập đoàn Unipart Logistics (Anh), đã ghi nhận một nghịch lý hiếm thấy: “Từ nhiều năm nay, tôi luôn đến Davos, và diễn văn của ông Tập Cận Bình là loại thường do một Tổng thống Mỹ phát biểu”.

Đối với doanh nhân này, ông Tập Cận Bình đã thành công trong việc tranh thủ thời cơ để giành vai trò lãnh đạo thế giới. Ông Carl Bildt, cựu Thủ tướng Thụy Điển, một khách quen của Diễn đàn Davos cũng ghi nhận sự hoán đổi vai trò giữa Trung Quốc của ông Tập Cận Bình và Mỹ của ông Donald Trump liên quan đến chủ nghĩa tư bản.

Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn về các phát biểu đầy tính tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình. Chủ tịch Tập đoàn Pricewaterhouse Coopers Bob Moritz trao đổi với phóng viên hãng tin Reuters: “Tôi cho rằng vẫn còn câu hỏi lớn về việc liệu Trung Quốc sẽ chuyển hướng thế nào trong bối cảnh thế giới hiện tại... Liệu các tư tưởng của họ sẽ mang tính khu vực hay toàn cầu nhiều hơn, và quan trọng hơn cả là điều này sẽ thể hiện thế nào trong các cuộc đàm phán của họ. Đó là những điều chúng ta cần phải theo dõi trong 12 tháng tới”.

Báo chí Pháp cũng chung nhận định trên. Theo Le Figaro, sau những lời lẽ mang tính đồng thuận như thế, vị lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải thuyết phục thế giới về sự thành tâm của ông. Bài diễn văn mang tính cởi mở dành cho công chúng quốc tế tương phản hoàn toàn với những tuyên bố mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa cực đoan khi ngỏ lời với đồng bào của ông.

Cũng ông Tập Cận Bình, không ngần ngại lên án “những lực lượng phương Tây thù địch” và lên án cả những giá trị phổ quát về nhân quyền và “mối nguy” của dân chủ.

Bên cạnh những vấn đề chính, Diễn đàn Davos năm nay cũng là dịp để các nước tố nhau. Chẳng hạn, trong phát biểu của mình, Phó Tổng thống Mỹ Biden nói Nga là mối đe dọa lớn nhất cho thế giới. Trong khi ấy, các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp Nga tham dự WEF năm nay thể hiện rõ tâm lý lạc quan nhờ sự hồi phục của giá dầu và gần đây hơn là những kỳ vọng nước Mỹ thời chính quyền Donald Trump sẽ nới lệnh trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.