Về một Dự luật của Mỹ có thể cản trở việc nhập khẩu cá tra và cá basa từ Việt Nam:

Điều tồi tệ của chủ nghĩa bảo hộ

Thứ Năm, 04/06/2009, 08:25
Do vấp phải những mưu toan nhằm bảo hộ hàng nội địa của Mỹ mà cá tra và cá basa xuất khẩu của Việt Nam lại có nguy cơ chịu một phen "chìm nổi" nữa ở thị trường Hoa Kỳ.

Dự luật thực phẩm, bảo tồn và năng lượng 2008 của Mỹ (mang ký hiệu P.L. 110-246) yêu cầu Bộ Nông nghiệp Mỹ soạn thảo các quy định mới định nghĩa lại cá da trơn (catfish), trong đó nhiều khả năng cá tra và cá basa của Việt Nam được xếp vào danh mục cá da trơn. Và nếu bị xếp vào danh mục cá da trơn, cá tra và cá basa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ phải chịu kiểm tra chặt chẽ hơn.

Do Việt Nam không có điều kiện thực hiện quy trình kiểm tra với giá thành rẻ và nhanh nên việc quy định kiểm tra như vậy chẳng khác gì cấm nhập khẩu loại cá này từ Việt Nam. Một khi cá tra và cá basa của Việt Nam không được nhập khẩu vào Mỹ thì các nhà sản xuất cá da trơn nội địa của Mỹ tha hồ hưởng lợi. Thật dễ hiểu vì sao họ đang vận động Bộ Nông nghiệp Mỹ mở rộng định nghĩa về cá da trơn với mong muốn định nghĩa này bao gồm cả cá tra và cá basa của Việt Nam.

Câu chuyện này hết sức khôi hài ở chỗ: Năm 2002, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật không cho phép xếp cá tra và cá basa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ vào danh mục cá da trơn, vì sợ các loại sản phẩm này của Việt Nam cạnh tranh với catfish của Hoa Kỳ; còn bây giờ, cũng vì mục đích bảo hộ hàng nội địa của Mỹ, người ta lại mưu toan bắt hai loại cá này của Việt Nam phải mang tên "catfish".

Một phân xưởng chế biến cá basa xuất khẩu.

Về mặt khoa học, không thể đánh lộn sòng một loại cá từ họ này sang họ kia. Chính tạp chí Wall Street Journal của Mỹ, số ra ngày 20/5/2009, trong một bài báo mang tựa đề "A fish by any other name" (tạm dịch: "Một con cá phải mang tên khác") đã nói rõ rằng cá tra và cá basa của Việt Nam là thuộc họ "Pangasius". Điều đó có nghĩa rằng  không thể xếp hai loại cá này của Việt Nam vào danh mục cá da trơn (catfish), vì catfish thuộc họ "Ictaluridae" như được xác định trong một dự luật phát triển nông nghiệp được Quốc hội Mỹ thông qua tháng 5/2002 mà Tổng thống Mỹ đã ký phê chuẩn.

"Pangasius" và "Ictaluridae" là hai họ cá khác nhau. Không phải những nhà hoạch định chính sách quản lý ngành nông nghiệp nước Mỹ không hiểu điều đó. Vấn đề là tư tưởng của chủ nghĩa bảo hộ.

Tạp chí Wall Street Journal, trong bài báo đã dẫn trên đây, nhận xét, xin  trích nguyên văn: "Sự lật lọng trong ngôn ngữ của ngành cá da trơn Mỹ đã đưa trò chơi này đi quá xa, lộ rõ sự cạnh tranh của ngành này với Việt Nam kéo dài trong nhiều năm". Bài báo kết luận:  "Điều này thể hiện mức tồi tệ nhất của tư tưởng bảo hộ".

Mặc dù Chính phủ Hoa Kỳ giải thích mục đích của Dự luật PL 110-246 là tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm xuất khẩu vào Mỹ, nhưng dư luận cho thấy thực chất của việc làm này là dựng hàng rào kỹ thuật mới, cản trở việc xuất khẩu cá tra và cá basa của Việt Nam vào thị trường Mỹ.

Việc làm đơn phương và tùy tiện này, nếu được thông qua, là biểu hiện  vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ảnh hưởng đến ngành công nghiệp nuôi, xuất khẩu cá tra và cá basa của Việt Nam, cũng như đến quan hệ kinh tế - thương mại bình thường giữa Việt Nam và Mỹ.

Vì không biết nói, cá tra và cá basa của Việt Nam không thể "cãi" được các quan chức của Bộ Nông nghiệp Mỹ một khi chúng bị họ xếp vào danh mục cá da trơn (catfish).

Thật bất công!

N.Q.U.
.
.