Đổ bể vụ hối lộ tại tập đoàn Monsanto

Thứ Ba, 18/01/2005, 16:55
Monsanto là tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới về thuốc trừ sâu và sản phẩm nông nghiệp biến đổi gien. Để “bôi trơn” hoạt động xuất khẩu thuốc trừ sâu và nhiều sản phẩm nông nghiệp biến đổi gien ở Indonesia, tập đoàn này đã chi hàng trăm nghìn USD cho các viên chức chính quyền sở tại. Sự việc vỡ lở khi vụ hối lộ 50.000 USD cho một quan chức bị phát hiện.

Trong những năm vừa qua, hoạt động của tập đoàn Monsanto là đầu đề của nhiều cuộc tranh luận trong giới khoa học về mối quan hệ giữa sản phẩm biến đổi gien và sức khỏe của người tiêu thụ. Người ta ngờ rằng khi sử dụng loại sản phẩm trên, sức khỏe của họ sẽ bị ảnh hưởng về lâu dài. Mặt khác, môi trường nông nghiệp cũng sẽ bị tổn hại. Đó cũng chính là nguyên nhân sâu xa vừa dẫn đến khoản tiền phạt 1,5 triệu USD mà Monsanto phải nộp cho các cơ quan chức năng Mỹ và đang đứng trước nguy cơ có sự rạn nứt trong hàng ngũ lãnh đạo của tập đoàn.

Mọi việc bắt đầu từ khoản tiền 50.000 USD mà một thành viên của Monsanto đã dùng để hối lộ một quan chức cao cấp thuộc Bộ Nông nghiệp Indonesia để quan chức này ngưng tiến hành một cuộc điều tra về tác động đối với môi trường của sản phẩm biến đổi gien nhập từ Monsanto. Tiền mất tật mang, khoản 50.000 USD bay ra khỏi ngân quỹ, không quay trở về Monsanto, mà cuộc điều tra kia thì vẫn cứ tiến hành.

Một poster quảng cáo của Monsanto.

Kết quả, người ta phát hiện ra bao nhiêu chuyện tày trời khác đã bị ém nhẹm từ nhiều năm nay. Cụ thể hơn, từ năm 1997 đến năm 2002, tập đoàn này đã có những khoản chi “bất hợp pháp và có vấn đề” ít nhất 700.000 USD cho 140 viên chức chính quyền Indonesia cùng thân nhân họ nhằm “bôi trơn” hoạt động làm ăn của tập đoàn ở đất nước Đông Nam Á này.

Nhân vật trung tâm của vụ bê bối là Hugh Grant, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn, người đã “đạo diễn” mọi tấn tuồng tại Indonesia. Năm nay 47 tuổi, nhưng vị lãnh đạo của Monsanto đã gia nhập tập đoàn này từ năm 23 tuổi (1981), và trong suốt 24 năm qua, đã leo dần lên chiếc ghế cao nhất của một trong những tập đoàn sản xuất nông nghiệp hàng đầu trên thế giới.

Sau khi phát hiện hành vi hối lộ của Grant, Ủy ban chống tham nhũng Indonesia (KPK) đã nhanh chóng vào cuộc. Phó chủ tịch Ủy ban là ông Erry Riyana Hardjapamekas đã gửi công văn cho Bộ Tư pháp và Ủy ban An ninh và Hối đoái Mỹ (SEC) thông qua Sứ quán Mỹ tại Jakarta. Ông Hugh Grant và một số viên chức có liên quan nhìn nhận những việc làm ngoài nguyên tắc của họ nhằm tạo điều kiện cho sản phẩm nông nghiệp biến đổi gien của Monsanto có được một thị trường lâu dài ở Indonesia, một trong những xứ sở đông dân nhất thế giới.

Riêng khoản 50.000 USD, “ngòi nổ” của scandal tham nhũng, do một nhân viên chi nhánh Monsanto trao cho một quan chức Bộ Nông nghiệp Indonesia và được ngụy trang dưới hình thức “phí tư vấn”. “Phi vụ” lớn nhất trong chuỗi hành động đen tối này là khoản tiền 373.990 USD dùng mua đất, chi thiết kế và xây dựng nhà cho... phu nhân một quan chức Bộ Nông nghiệp Indonesia.

Cuối cùng, trong những ngày đầu năm 2005, Tập đoàn Monsanto đã chính thức nhìn nhận hành vi hối lộ kéo dài tại Indonesia, chịu nộp phạt cho Bộ Tư pháp Mỹ 1 triệu USD và cho SEC 500.000 USD. Số tiền này không là bao so với tầm hoạt động rộng lớn của tập đoàn, nhưng mức tác hại của nó đối với uy tín của Monsanto và cá nhân ông Hugh Grant thì không nhỏ một tí nào.

Chiếc ghế Chủ tịch của Grant có nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào, vì Hội đồng Quản trị Monsanto đang bị sức ép phải thay thế ngay vị chủ tịch này. Quan trọng hơn, từ nay uy tín của Monsanto sẽ bị giảm sút tại những quốc gia mà họ đang có mối quan hệ kinh doanh; thiệt hại này chưa thể ước tính được nhưng chắc chắn là sẽ to lớn và kéo dài

Lê Nguyễn (Theo BBC và CNN)
.
.