Do đâu quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng?

Thứ Bảy, 20/10/2007, 17:30
Quan hệ giữa 2 nước Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết sau khi Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ hôm 10/10 thông qua một nghị quyết xem việc giết hại hàng trăm ngàn người Armenia hồi Thế chiến I là "diệt chủng".

Dù nghị quyết này chưa được toàn thể Hạ viện thông qua, nhưng phản ứng giận dữ của người Thổ Nhĩ Kỳ đang đe dọa gây ra những hậu quả nguy hại cho các hoạt động quân sự của Mỹ ở Iraq cũng như các hoạt động chống khủng bố ở Trung Đông.

Ngay từ trước ngày 10/10, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã đưa ra lời khuyến cáo với Ủy ban Đối ngoại Hạ viện không nên thông qua nghị quyết này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul cũng lên tiếng dọa nếu Washington gọi cuộc thảm sát người Armenia do đế quốc Ottoman gây ra là “diệt chủng” thì Ankara sẽ trả đũa thích đáng.

Thế nhưng, những lời khuyến cáo và đe dọa nói trên không thể ngăn được quyết định của Ủy ban Đối ngoại (27 phiếu thuận, 21 chống). Nghị sĩ Brad Sherman (đảng Dân chủ, California) phát biểu: “Nếu chúng ta muốn ngăn chặn các vụ diệt chủng trong tương lai thì chúng ta phải thừa nhận các hành động khủng khiếp đó trong quá khứ”.

Theo New York Times, bà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (đảng Dân chủ) đã tuyên bố quyết tâm đưa nghị quyết này “lên sàn” Hạ viện trong kỳ họp kéo dài đến ngày 16/11. Cho dù có được thông qua tại toàn thể Hạ viện thì nghị quyết này cũng chỉ mang tính tượng trưng, không ràng buộc trách nhiệm đối với các bên liên quan.

Thế nhưng, bấy nhiêu cũng đủ để Thổ Nhĩ Kỳ nổi giận. Phản ứng đầu tiên của Ankara là việc Tổng thống Abdullah Gul chỉ trích quyết định của Ủy ban Đối ngoại đồng thời cảnh báo rằng “nó có thể gây hại cho các quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ”.

Ngày 11/10, Ankara đã triệu hồi đại sứ tại Washington về nước để “tham vấn” trong 10 ngày, trong khi Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ triệu tập Đại sứ Mỹ tại Ankara Ross Wilson lên để phản đối.

Theo Đài Truyền hình NTV, ngày 13/10, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã hủy chuyến công du nước Mỹ để bày tỏ sự phản đối. Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan cho rằng việc thông qua nghị quyết nói trên là “một bước đi ngược lại các lợi ích của Mỹ”. Và dù không nói thẳng ra nhưng ông Erdogan đã úp mở cho báo chí biết nước ông sẽ không loại trừ khả năng thay đổi chính sách đồng minh với Mỹ.

Trong số các hậu quả từ việc trả đũa của Thổ Nhĩ Kỳ, các hoạt động quân sự của Mỹ tại Iraq sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực Trung Đông. Nước này hiện có căn cứ không quân lớn của Mỹ và NATO đặt tại tỉnh Incirlik ở miền Đông, là một trong những điểm trung chuyển hậu cần trọng yếu cho các hoạt động quân sự hiện nay của Mỹ ở Iraq.

Những lời đe dọa của Ankara trong mấy ngày qua đang làm dấy lên mối lo ngại rằng, việc tiếp vận của quân đội Mỹ thông qua căn cứ Incirlik sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể bị đình trệ do việc Ankara có thể sẽ hạn chế các máy bay Mỹ sử dụng không phận của mình.

Quan hệ giữa Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu rạn nứt từ khi cuộc chiến Iraq nổ ra năm 2003. Đầu tháng 3/2003, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ từng từ chối cho phép Mỹ sử dụng lãnh thổ của mình làm bàn đạp tấn công Iraq. Sau vụ đó, cả hai phía đều ra sức tìm cách “làm lành”.

Chẳng hạn, trong mấy năm gần đây Mỹ đã không ngừng gây áp lực để các đồng minh ở châu Âu sớm kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, sau khi ông Saddam Hussein bị lật đổ, Iraq rơi vào hỗn loạn, an ninh khu vực trở nên bất ổn, và điều này ảnh hưởng đến an ninh của chính Thổ Nhĩ Kỳ.

Vụ thảm sát 1,5 triệu người Armenia ở miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra vào thời kỳ suy tàn của đế quốc Ottoman, trong cuộc chiến giành độc lập bắt đầu từ năm 1915 dẫn đến việc ra đời Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại vào năm 1923.

Có lẽ vì lý do “lập quốc” này mà hơn 80 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ luôn xem việc gọi tên “diệt chủng” cho vụ thảm sát đó là một tội “xúc phạm bản sắc quốc gia” và đã đưa vào luật hẳn hoi.

Điều 301 của Luật Hình sự nước này quy định phạt tù bất cứ ai có các hành vi, lời nói và hành động liên quan đến việc gọi vụ thảm sát nói trên là “diệt chủng”. Và bất kỳ quốc gia nào trên thế giới xem vụ thảm sát đó là “diệt chủng” cũng sẽ bị Ankara trừng phạt.

Việc các nhóm du kích thuộc đảng Công nhân Kurdistan (PKK) nổi dậy, tấn công vào miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến cho Ankara không thể ngồi yên. Trong loạt diễn biến mới nhất, du kích PKK đã tấn công qua biên giới làm chết hàng chục binh lính Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính phủ Ankara đã quyết định đưa quân vào miền Bắc Iraq. Hiện Ankara đã tập trung quân bị, xe tăng, máy bay gần biên giới, và dự định trong tuần này sẽ yêu cầu Quốc hội cho phép đưa quân đội vào miền Bắc Iraq để truy quét các căn cứ huấn luyện và trú đóng của du kích PKK. Một lần nữa, hành động này của Thổ Nhĩ Kỳ lại đón nhận những lời chỉ trích từ phía Washington.

Ngày 13/10, chính quyền Mỹ đã biệt phái Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Eric Edelman (từng làm Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ) và Trợ lý Ngoại trưởng Dan Fried đến Ankara để tìm cách xoa dịu cơn tức giận của người Thổ Nhĩ Kỳ. Một thăm dò dư luận ở Thổ Nhĩ Kỳ công bố hôm 14/10 cho thấy có đến 83% dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ nói sẽ phản đối chính phủ hợp tác với Mỹ tại Iraq nếu nghị quyết được toàn thể Hạ viện Mỹ thông qua.

Có nghĩa là cho dù Washington có xoa dịu được Ankara cũng chẳng ích gì. Sức ép đang đè nặng lên Nhà Trắng. Trong nỗ lực tìm cách ngăn chặn không cho Hạ viện thông qua nghị quyết, Nhà Trắng huy động cả bà Ngoại trưởng Condoleezza Rice và các phụ tá thân cận của Tổng thống Bush vận động các thành viên đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống

Văn Trương(tổng hợp)
.
.