Thổ Nhĩ Kỳ và vấn đề người Kurd:

Độc chiêu của Tổng thống Bashar Al - Assad

Thứ Sáu, 17/08/2012, 07:35

Báo chí Mỹ mấy ngày qua đã đưa thông tin phiến quân FSA ở Syria "kêu" rằng đang bị "bỏ rơi", bị người Mỹ "bội ước", rằng không nhận được sự giúp đỡ nào. Về phần các đồng minh của phe đối lập Syria, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bất ngờ thay đổi cách tính toán đối với vấn đề Syria, hầu như không còn mạnh miệng, mạnh tay chống Tổng thống Assad của Syria nữa. Chuyện lạ này được lý giải bởi một từ duy nhất: Kurdistan.

Người Kurd chính là lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ bỗng dưng thay đổi. Lâu nay, vấn đề người Kurd luôn gây đau đầu cho các nhà lãnh đạo ở Ankara, và từ "Kurdistan" được xem là từ cấm kị ở Thổ Nhĩ Kỳ. Kurd là dân tộc "vô gia cư" có dân số đông nhất thế giới hiện đại, với hơn 30 triệu người, sống rải rác ở vùng tây bắc Iran, bắc Iraq, đông bắc Syria, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia Trung Á quanh vùng biển Caspie. Khu vực tập trung dân Kurd đông nhất lên đến 14 triệu người nằm trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Ở Syria, có khoảng 1 triệu người Kurd, còn lại là ở Iraq và Iran.

Phong trào đấu tranh giành độc lập của dân tộc Kurd trên đất Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo dài hơn 3 thập niên, cướp đi sinh mạng của hơn 40.000 người. Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) là đảng dẫn đầu cuộc đấu tranh của người Kurd, hoạt động trên các vùng lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Iran. Ở Syria cũng có đến hơn chục đảng người Kurd hoạt động, nhưng các đảng phái người Kurd ở Syria không đoàn kết với nhau, và đây là điều bất lợi cho người Kurd nhưng có lợi cho Syria. PKK có một đồng minh thân cận ở Syria là đảng Liên minh Dân chủ (PYD).

Một chiếc xe chở thi thể người Kurd bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ giết hại.

Các đảng người Kurd ở Syria lâu nay được Tổng thống Assad ưu ái trao cho quyền tự trị tại khu vực mình sinh sống cho nên khi nổ ra các cuộc biểu tình nổi dậy chống Chính phủ Assad, người Kurd đã không mặn mà lắm với hoạt động này. Trong đó, PYD còn được xem là đảng ủng hộ Tổng thống Assad hết mình. Trong nhiều tháng qua, khi các cuộc biểu tình manh nha tại khu vực đông bắc để hưởng ứng các cuộc biểu tình ở Homs và nhiều thành phố khác, PYD đã mạnh tay dẹp tan chúng và bắt giam các phần tử hô hào biểu tình, thường được phương Tây gọi bằng mỹ từ "nhà hoạt động".

Từ khi nội chiến giữa quân đội chính phủ với quân phiến loạn FSA bắt đầu nổ ra và ngày càng ác liệt, cộng đồng người Kurd bắt đầu tính toán cơ hội cho riêng mình, các đảng phái người Kurd bắt đầu gác lại các khác biệt để đoàn kết, thống nhất và nhận được sự dìu dắt, giúp đỡ của lãnh đạo người Kurd ở Iraq là Massoud Barzani. Các đảng phái người Kurd Syria đã đến Irbil, thủ phủ khu tự trị Kurd ở miền Bắc Iraq, để cùng nhau ký kết một bản thỏa thuận thống nhất, dưới sự chứng kiến của ông Barzani. Sự thống nhất này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người Kurd ở Syria tự định đoạt số phận của mình.

Đó cũng là lúc cộng đồng người Kurd được Tổng thống Assad trao cho quyền kiểm soát các thị trấn đông bắc Syria. Từ hạ tuần tháng 7/2012, báo chí bắt đầu loan tin về việc Tổng thống Assad đã cho rút hết quân đội, nhường hẳn phần đông bắc Syria cho người Kurd quản lý, như một hình thức tự trị không chính thức. Thoạt nhìn có vẻ động thái này của Tổng thống Assad tỏ ra tích cực, là dấu hiệu thiện chí với Ankara. Nhưng thực chất động thái đó đã đặt ra cho Thổ Nhĩ Kỳ một vấn đề nghiêm trọng: tạo cơ hội cho người Kurd thúc đẩy tham vọng lập quốc.

Massoud Barzani (người đội khăn) chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận thống nhất các tổ chức người Kurd.

Việc Tổng thống Assad trao cho cộng đồng người Kurd quyền tự trị khu vực đông bắc đã khiến Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan càng thêm tức tối. Bây giờ, Thủ tướng Erdogan lại nhắc đến việc "can thiệp vào Syria" nhưng không phải để giúp đỡ cho phiến quân FSA và Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia (SNC), mà là để "tảo thanh" cái gọi là "nhà nước tự trị" của người Kurd.

Phát biểu trên truyền hình đầu tháng 8 vừa qua, ông Erdogan đã mạnh miệng gọi khu tự trị người Kurd ở Bắc Syria là "ổ nhóm khủng bố", cho rằng cộng đồng Kurd ở Syria đã câu kết và chịu ảnh hưởng mạnh bởi đảng PKK, do đó Ankara sẽ xem xét khả năng cho quân đội tấn công đảng PKK ngay bên trong lãnh thổ Syria. Tuy nhiên, báo chí cũng cho rằng, ông Erdogan sẽ khó lòng thực hiện điều mình đã tuyên bố. Cộng đồng người Kurd tại Syria đã phản bác tuyên bố của ông Erdogan, cho rằng những tuyên bố đó đã đi quá thực tế, và người Kurd ở Syria hay Iraq cũng không ngồi yên để nhìn Ankara tấn công mình.

Trong khi đó, cũng trong thời gian 2 tuần qua, giao tranh giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với các tay súng người Kurd thuộc đảng PKK ở vùng đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và dọc biên giới với Iraq, Syria càng thêm quyết liệt. Một số binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và cả PKK thiệt mạng, nhưng phía Syria thì chưa xảy ra vụ đụng độ nào

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.