Mỹ - Trung:

Đối đầu từ Diễn đàn Shangri-la đến đối thoại kinh tế và chiến lược

Thứ Năm, 09/06/2016, 14:10
Sau khi dùng những lời lẽ cứng rắn trên Diễn đàn An ninh Shangri-la ở Singapore, Mỹ và Trung Quốc lại tiếp tục đối đầu trong cuộc Đối thoại kinh tế và chiến lược thường niên lần thứ 8 diễn ra trong hai ngày 6 và 7-6 tại Bắc Kinh. Mặc dù nội dung cuộc đối thoại này thường nhắm vào vấn đề kinh tế nhưng năm nay, vấn đề Biển Đông được nêu lên hàng đầu.

Hoạt ngôn cũng tùy lúc cương - nhu

Theo ghi nhận của giới truyền thông cũng như của nhiều nhà quan sát quốc tế, trong các kỳ Đối thoại an ninh Shangri-la gần đây, hoạt động đơn phương bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông luôn vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các nước, đi đầu là Mỹ.

Với việc Bắc Kinh ra tuyên bố chủ quyền phi pháp với hầu hết diện tích Biển Đông cùng hành động ồ ạt bồi đắp, cải tạo 7 bãi đá tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành đảo nhân tạo và xây dựng cơ sở phi pháp trên đó, lộ rõ ý đồ quân sự hóa khi bố trí hệ thống tên lửa, radar và chiến đấu cơ tại Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho rằng, Trung Quốc đang xây “Vạn Lý Trường Thành tự cô lập mình”. Ngày 4-6, trước thềm Đối thoại Shangri-la, ông Ashton Carter đưa ra cảnh báo nếu Trung Quốc tiếp tục xây dựng trên bãi cạn Scaborough mà Philipines tuyên bố chủ quyền, Mỹ và các nước khác sẽ “hành động”.

Ông Carter cũng nói thêm rằng, Mỹ và nhiều nước châu Á đang tăng cường hợp tác an ninh để đảm bảo không nước nào bị ép buộc hay dọa dẫm, hàm ý muốn nói đến điều Washington từng nhiều lần nhắc nhở là trong vai trò một nước lớn, Trung Quốc không được lấn át, đe dọa những nước nhỏ nằm trong khu vực.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew (phải) trong buổi lễ khai mạc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung tại Bắc Kinh ngày 6-6.

Đô đốc Tôn Kiến Quốc, người dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tại Shangri-la cho biết: Đoàn Trung Quốc đến Shangri-la không phải để cãi nhau, cũng không tới để nói riêng về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc sẽ tận dụng triệt để diễn đàn này để nói về chính sách và thực tiễn an ninh, thúc đẩy hợp tác hòa bình.

“Các nước bên ngoài cần đóng vai trò mang tính xây dựng về vấn đề này, không phải ngược lại”, AFP dẫn lời ông Tôn nói trong ngày cuối cùng của Đối thoại Shangri-La ở Singapore. Ông này cho rằng, đáng tiếc là vấn đề Biển Đông đang trở nên “quá nóng” do sự “khiêu khích của một số nước nhất định vì lợi ích vị kỷ của riêng họ”.

“Chúng tôi không gây rắc rối nhưng chúng tôi chẳng sợ rắc rối”, Đô đốc Trung Quốc ngang ngược nói trước 600 đại biểu an ninh, quân sự và chính phủ. Đô đốc Tôn cũng biện bạch việc xây dựng đảo nhân tạo trên các đảo, đá của Trường Sa không ảnh hưởng đến tự do hàng hải, không nhằm vào quốc gia nào (?!). Ông này dùng giọng kẻ cả: “Bất cứ nước nào không trực tiếp liên quan cũng không được phép vì lợi ích vị kỷ mà phá hoại con đường tiến tới hòa bình của chúng tôi”.

Phản bác luận điểm cho rằng Trung Quốc đang xây “Vạn lý Trường thành” trên Biển Đông  và như vậy là tự cô lập mình, Đô đốc Tôn viện dẫn: nhiều nước châu Á có mặt tại diễn đàn đã tỏ ra “nồng ấm và thân thiện hơn” với Trung Quốc so với cách đây một năm. Trung Quốc có 17 cuộc gặp song phương trong năm nay, trong khi năm 2015 chỉ có 13. “Chúng tôi đã không bị cô lập trong quá khứ, chúng tôi hiện không bị cô lập và chúng tôi sẽ không bị cô lập trong tương lai”, ông Tôn nói.

Đúng là đoàn Trung Quốc lần này đến Shagri-la không phải để “cãi nhau”. Với phong thái được chuẩn bị tốt hơn, nhiều kinh nghiệm hơn năm 2015, vị trưởng đoàn và các đồng nghiệp đều tỏ ra “nhũn nhặn” một cách bất thường với giới truyền thông. Chỉ hai giờ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đăng đàn cáo buộc Trung Quốc “khiêu khích, gây bất ổn và tự cô lập”, đoàn Trung Quốc đã tổ chức hai cuộc họp báo riêng rẽ với báo chí trong nước và quốc tế.

Năm 2015, đoàn Trung Quốc tổ chức họp báo vào ngày cuối cùng của Đối thoại Shangri-La, sau khi Đô đốc Tôn phát biểu. Còn năm nay, tùy viên báo chí của đoàn Trung Quốc đã chủ động liên hệ với các phóng viên quốc tế và mời họ tham dự hai cuộc họp báo bất ngờ. Nhiều người còn nhớ, sau khi hứng những lời chỉ trích từ Mỹ và Nhật Bản vì những hành vi trên Biển Đông trong Đối thoại Shangri-La năm 2015, Đô đốc Tôn đã tỏ ra căng thẳng và cứng nhắc trong bài phát biểu của mình. Ông cũng bị báo chí nước ngoài chê bai vì không trả lời đúng trọng tâm các câu hỏi của họ.

Hai phái đoàn Trung - Mỹ trong Đối thoại kinh tế chiến lược lần thứ 8 tại Bắc Kinh ngày 6-6-2016.

Bên ngoài diễn đàn, Tờ Global Times của Trung Quốc cáo buộc truyền thông một số nước trong khu vực có tranh chấp chủ quyền và báo chí phương Tây “đổ dầu vào lửa” khi mô tả Đối thoại Shangri-la, diễn đàn an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giống như “cuộc đối đầu Mỹ - Trung”.

Global Times đưa ra quan điểm của “người bề trên” rằng “vấn đề Biển Đông hoàn toàn có thể được giải quyết ổn thỏa vì không gian hợp tác giữa các bên liên quan rất rộng”! Kỳ Đối thoại Shangri-la lần này, phía Trung Quốc còn cho phát hành tờ rơi với nội dung xuyên tạc các vấn đề về Biển Đông. Tờ rơi mà Trung Quốc phân phát cho các đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-La có nội dung bằng tiếng Anh và tiếng Trung, trắng trợn nói hai quần đảo Tây Sa, Nam Sa (tức Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam) là phần lãnh thổ của Trung Quốc.

Khi bị các phái đoàn chất vấn về động thái khác thường này, người đại diện cho Trung Quốc lại trả lời quanh co và bằng nghệ thuật hoạt ngôn, thay vào bằng các viện dẫn như “Trung Quốc đóng góp hàng ngàn quân cho các lực lượng gìn giữ hòa bình trên thế giới” (!).

Các nhà quan sát đều thấy rằng, Trung Quốc đang tăng cường nghệ thuật hoạt ngôn khoa trương trước khi Tòa trọng tài thường trực tại Tòa án quốc tế The Hague, Hà Lan ra phán quyết về vụ kiện “đường lưỡi bò” của Philippines vì trước đó Bắc Kinh đã tuyên bố không tham gia phiên xử và sẽ không công nhận bất cứ phán quyết nào.

Khi vấn đề thương mại và đầu tư được sử dụng như con bài mặc cả

Phát biểu khai mạc Đối thoại kinh tế và chiến lược thường niên lần thứ 8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi hai cường quốc Mỹ - Trung “phải tăng cường niềm tin để tránh những sai lầm về chiến lược, gây ảnh hưởng bất lợi cho cả hai quốc gia và cho toàn cầu”.

Trong bài diễn văn, ông Tập Cận Bình nói rằng có những khác biệt không thể giải quyết ngay trong lúc này, nhưng Washington và Bắc Kinh đều cần phải thể hiện tinh thần xây dựng trong lúc tìm cách giải quyết vấn đề. Ông Tập không quên “thòng” thêm rằng có những bất đồng “không thể giải quyết bằng đối thoại”.

Chủ tịch Trung Quốc cho rằng Thái Bình Dương rộng lớn là nơi để mọi quốc gia cùng hợp tác, chứ không phải là nơi để cạnh tranh với nhau. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, được Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew tháp tùng, đã trả lời cứng rắn rằng: “Chính hai nước chúng ta, Mỹ và Trung Quốc, phải hành động như thế nào để trở thành đối tác hơn là đối thủ”.

Cuộc đối thoại lần thứ 8 này diễn ra trong căng thẳng. Trung Quốc càng ngày càng tỏ ra quyết liệt khống chế Biển Đông. Bước tới đây, theo báo chí Hồng Kông, Bắc Kinh sẽ tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ADZ trên vùng biển của các quốc gia Đông Nam Á và cũng là con đường hàng hải huyết mạch của thế giới. Trong khi đó thì Mỹ xem châu Á - Thái Bình Dương là ưu tiên số một trong chính sách đối ngoại với kế hoạch “xoay trục” và hiệp định thương mại TPP, không có Trung Quốc.

Đô đốc Tôn Kiến Quốc, người dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-la.

Cũng tại hội nghị, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương cho biết Washington luôn muốn mở rộng hợp tác quân sự với Trung Quốc, nhưng đồng thời Mỹ cũng luôn luôn sẵn sàng để đối phó với với tình huống xấu nhất. Đô đốc Harris nói: “Chúng tôi muốn cùng hợp tác, nhưng quân đội Mỹ vẫn phải ở trong tư thế sẵn sàng để đương đầu”.

Ngoài vấn đề Biển Đông, vấn đề quan hệ kinh tế giữa hai cường quốc cũng được bàn cãi sôi nổi. Trong bài phát biểu tại Đối thoại kinh tế chiến lược Mỹ - Trung, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương cho biết Trung Quốc sẽ có danh sách thông báo những lĩnh vực giới hạn không cho phép đầu tư từ Mỹ trong khuôn khổ một hiệp định đầu tư song phương (BIT), vào tuần tới. Washington đã hối thúc Bắc Kinh giảm số lượng những lĩnh vực đầu tư được dành riêng cho những doanh nghiệp địa phương.

Theo Reuters, Trung Quốc đã không giữ được hạn chót mà họ áp đặt cho việc công bố danh sách vào tháng 3-2016. Điều đó đã gây thất vọng cho những người Mỹ tham gia cuộc đối thoại, những người cảm thấy sự chậm trễ như vậy có thể ảnh hưởng đến những cuộc đàm phán cho một hiệp ước đầu tư kinh doanh rộng lớn hơn giữa hai nước, thứ mà Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý theo đuổi vào tháng 9 năm 2015.

Những nhà lãnh đạo Trung Quốc trong đó có Thủ tướng Lý Khắc Cường đã nhiều lần chỉ ra rằng danh sách tiêu cực sẽ chỉ giữ một vài lĩnh vực nhạy cảm ngoài vòng tiếp cận. Nhưng tăng trưởng kinh tế chậm lại thời gian gần đây ở Trung Quốc có thể đã khiến nhà chức trách trì hoãn công bố danh sách để bảo vệ những ngành công nghiệp địa phương lâu nhất có thể, theo lời những nhà phân tích.

Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế nghiên cứu Trung Quốc tại Công ty tư vấn Capital Economics nói: “Đây có thể là một bước nhỏ đi đúng hướng. Trung Quốc đã sẵn lòng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế hơn là trong lĩnh vực chính trị. Nhưng những vấn đề thương mại và đầu tư cũng được sử dụng như con bài mặc cả trong những cuộc đàm phán tổng thể. Vì thế chúng ta sẽ phải xem tình hình diễn biến ra sao”.

Ngoài những luật đầu tư mang tính hạn chế của Trung Quốc, cũng có những lo ngại của Mỹ về tình trạng dư thừa công suất công nghiệp của Trung Quốc, trong đó những doanh nghiệp bán những sản phẩm như thép ở mức thấp hơn giá thị trường. Trong phát biểu của mình tại lễ khai mạc hôm 6-6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew nói tập tục này gây áp lực hết sức to lớn lên nền kinh tế toàn cầu.

Ông nói: “Tình trạng dư thừa công suất có tác động gây méo mó và gây tổn hại đối với những thị trường toàn cầu. Thi hành những chính sách để giảm đáng kể sản lượng trong một loạt những lĩnh vực bị dư thừa công suất, trong đó có thép và nhôm, đóng vai trò hệ trọng đối với chức năng và sự ổn định của thị trường quốc tế”.

Mặc dù Mỹ đang nhìn vấn đề dư thừa công suất công nghiệp của Trung Quốc từ quan điểm nền kinh tế toàn cầu, song những nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh xem những ngành công nghiệp này là quan trọng cho việc cung cấp công ăn việc làm. Ví dụ, những nhà phân tích cho rằng có hơn 25 triệu người làm việc trong lĩnh vực năng lượng của Trung Quốc, rất có thể nhiều nhân công hơn ngành này thực sự cần. Mặc dù cải cách những công nghiệp đó là thiết yếu để làm cho chúng có hiệu năng cao hơn và mang tính cạnh tranh hơn, Bắc Kinh lo lắng rằng việc này sẽ khiến nhiều người bị sa thải, dẫn tới tỉ lệ thất nghiệp cao hơn và bất ổn xã hội.

Những doanh nghiệp của Mỹ tỏ ra hoài nghi về lời hứa của Trung Quốc khai mở nhiều hơn cho đầu tư nước ngoài. Kinh nghiệm trước đây cho thấy rằng chính quyền địa phương thường chậm trễ trong việc thi hành một danh sách mới hoặc tạo ra tình trạng tắc nghẽn hành chính để trì hoãn mở ra những lĩnh vực này, ngay cả sau khi chính phủ trung ương đã loan báo cải cách.

Nhà kinh tế Evans-Pritchard nói: “Có một sự ngờ vực ngày càng lớn về mong muốn của Trung Quốc mở ra những lĩnh vực đầu tư. Đặc khu kinh tế Thượng Hải hứa sẽ khuyến khích những nhà đầu tư nước ngoài ở một loạt những lĩnh vực mới. Nhưng những doanh nghiệp nước ngoài đang phàn nàn rằng họ không có được sự tiếp cận thị trường đầy đủ”.

Trung Quốc có thể xem xét nới lỏng kiểm soát đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm, nhà hàng khách sạn và một số ngành dịch vụ khác không bị dư thừa công suất. Nhưng ông Evans-Pritchard nói Bắc Kinh sẽ tiếp tục giữ ngành viễn thông, những ngành công nghiệp nặng và những ngành công nghiệp truyền thống ngoài tầm tay của những nhà đầu tư nước ngoài.

Mộc Thạch - Mạnh Quân (tổng hợp)
.
.