Đối thoại chiến lược và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc

Thứ Năm, 13/08/2009, 05:30
Đối thoại Trung - Mỹ diễn ra trong hai ngày 27 và 28/7 vừa qua tại Washington có một tầm quan trọng đặc biệt. Cuộc đối thoại này gần giống như một diễn đàn G2 phi chính thức, trong đó Mỹ - đang là cường quốc số 1 thế giới và Trung Quốc - cường quốc trong nay mai, đã đồng ý lập kế hoạch cho tương lai của thế giới.

Thực tế thì Washington và Bắc Kinh còn lâu mới có được tiếng nói chung trên tất cả các vấn đề, tuy nhiên vào thời kỳ mà cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đang làm đảo lộn mọi thế cân bằng chiến lược và ngày càng có nhiều nhóm được ra đời như G8, G14, G20... nơi các đại biểu tham dự đến chỉ để "ba hoa" thì ý tưởng về sự ra đời của nhóm G2 để giải quyết những vấn đề nghiêm túc trong khuôn khổ hẹp giữa hai nước là hoàn toàn khả thi.

Trong diễn văn khai mạc đối thoại, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định tham vọng: "Mối giao thiệp giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến thế kỷ XXI, vì đây là mối quan hệ song phương quan trọng trên thế giới". Do vậy, trọng tâm của đối thoại lần này là khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những phương tiện để vượt qua và làm thế nào để tiến đến một mô hình phát triển cân bằng hơn giữa một bên là một nước xuất siêu và bên kia là một quốc gia nhập siêu.

Các vấn đề liên hệ đến quan hệ song phương giữa hai nước, nổi cộm nhất là việc Trung Quốc bán hàng cho Mỹ rồi thu tiền để lại đầu tư vào thị trường Mỹ như cho vay bằng cách mua trái phiếu Chính phủ Mỹ. Lồng trong đó là các vấn đề mậu dịch hay chế độ ngoại hối về tỉ giá của đồng nhân dân tệ, hoặc vấn đề chi thu công quỹ của Mỹ khiến tài sản đầu tư của Trung Quốc vào thị trường Mỹ có thể mất giá. Cuối cùng là vấn đề an ninh giữa hai quốc gia ở bờ Đông và Tây của Thái Bình Dương.

Phái đoàn đông đảo của cả hai bên tham gia đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung diễn ra hai ngày 27 và 28/7 tại Washington.

Việc Trung Quốc cử một phó thủ tướng và một ủy viên quốc vụ viện tới tham dự diễn đàn này cho thấy sự quan tâm của Bắc Kinh.

Trước khi chính thức bước vào "Đối thoại chiến lược và kinh tế", đòi hỏi của hai bên rất rõ ràng: phía Mỹ mong muốn Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ so với USD để thúc đẩy ngành xuất khẩu của Mỹ. Trong khi đó yêu sách của Bắc Kinh là giới hạn vai trò áp đảo trên trường quốc tế của đồng bạc xanh, tránh để Washington tùy tiện hạ giá đồng USD, làm mất giá trị tài sản của Trung Quốc bằng tiền đôla Mỹ.

Kinh tế hai nước Mỹ và Trung Quốc quá lệ thuộc vào nhau, cho nên không bên nào dám dồn đối phương vào chân tường.

Hiện nay, Trung Quốc có khoản dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, 2 nghìn tỉ USD, trong đó hơn 800 tỉ dưới hình thức trái phiếu của Mỹ. Về phía Mỹ, trước khủng hoảng toàn cầu 2008, tổng số nợ của Nhà nước Liên bang đã được coi là vào bậc nhất trên thế giới. Do tình hình nguy ngập từ cuối mùa hè năm ngoái, thâm thủng ngân sách Mỹ càng bùng nổ đến mức có thể sẽ vượt lên đến từ 10 đến 12% GDP. Điều đó có nghĩa là Mỹ phải tiếp tục vay tiền, và để giảm nhẹ bớt chi phí đối với các chủ nợ, Washington sẽ in tiền, giảm giá USD và cố ý để tạo nên lạm phát. Như vậy có nghĩa là tài sản mà Trung Quốc có trong tay bằng USD qua đó cũng sẽ giảm theo. Chính vì lo lắng cho kịch bản đen tối đó mà phía Bắc Kinh liên tục đòi giới hạn vai trò của đồng USD trên trường quốc tế.

Trước Hội nghị thượng đỉnh G20 tại London, Trung Quốc trực tiếp kêu gọi thay thế USD ở vai trò đồng tiền dự trữ của thế giới, đồng thời để cho nhân dân tệ tham gia vào rổ tiền của Quỹ Tiền tệ quốc tế có tên gọi là "quyền trích xuất đặc biệt" (SDR) hiện chỉ bao gồm USD của Mỹ, euro của châu Âu, đồng yen Nhật Bản và đồng bảng Anh.

Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc đang có ý định áp đặt một trật tự kinh tế và tài chính quốc tế mới. Gần đây hơn, một vài lãnh đạo tại Bắc Kinh còn đi xa hơn khi nêu lên khả năng dùng nhân dân tệ làm phương tiện trao đổi mậu dịch và đầu tư, thay thế đồng USD, để cho đơn vị tiền tệ của siêu cường kinh tế thứ ba trên thế giới đóng một vai trò lớn hơn trên bàn cờ thương mại toàn cầu. Trên thực tế, một phần nhỏ trao đổi mậu dịch của Trung Quốc với nhiều đối tác thương mại trong khu vực Đông Nam Á đã được thanh toán trực tiếp bằng nhân dân tệ.

Giới quan sát cho rằng đây là một phương tiện giúp cho Bắc Kinh thải bớt USD nhằm đa dạng hóa rủi ro tiền tệ. Tuy nhiên, tham vọng truất phế hay giới hạn vai trò tiền tệ quốc tế của đồng USD mà Bắc Kinh đang ấp ủ không dễ thực hiện.

Thứ nhất đây là phương tiện trao đổi mậu dịch quan trọng. Mỹ vẫn là khách hàng đầu tiên của Trung Quốc. Vì vậy, dù muốn hay không Bắc Kinh cũng phải cột giá nhân dân tệ vào với USD. Về vai trò của phương tiện tàng trữ giá trị của đồng USD thì trong trường hợp Trung Quốc khi đã có quá nhiều USD trong tay, Bắc Kinh không thể để tài sản khồng lồ này mất giá. Điều đó giải thích vì sao trong bất kỳ tình huống nào Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục đầu tư thêm vào Mỹ, mua thêm trái phiếu của Mỹ. Nói cách khác, Mỹ và Trung Quốc đang tạo điều kiện cho nhau để cùng củng cố mô hình kinh tế của họ.

Kết thúc 2 ngày đối thoại tại Washington, Mỹ và Trung Quốc cho biết đôi bên đã đồng ý cùng tiếp tục duy trì các gói kích thích cho đến khi nền kinh tế của cả hai nước được chấn hưng.

Hai chính phủ đã lên án chính sách bảo hộ mậu dịch và tỏ ý mong muốn hợp tác trên lĩnh vực như năng lượng và phổ biến vũ khí hạt nhân

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.