Đối trọng New Delhi

Thứ Năm, 21/06/2012, 11:15

Chuyến viếng thăm New Delhi của ông chủ Lầu Năm Góc có lẽ sẽ không thu hút được sự chú ý quá đặc biệt của công luận, nếu như nó không diễn ra vào một thời điểm nhạy cảm như hiện nay. Theo các nhà quan sát, với nỗ lực củng cố mối quan hệ với Ấn Độ, Mỹ đang tính toán tới việc biến quốc gia này trở thành một đối trọng trước sức mạnh cùng với những tham vọng đang gia tăng ảnh hưởng nhanh chóng của Trung Quốc. Nói cách khác, New Delhi đang được nhìn nhận là một quân bài quan trọng của Washington trong chiến lược thay đổi cán cân ảnh hưởng của châu Á.

Ông chủ Lầu Năm Góc Leon Panetta đặt chân tới New Delhi vào ngày 5/6 cùng với chương trình nghị sự dày đặc trong hai ngày - bao gồm các cuộc gặp với Thủ tướng Manmohan Singh, Cố vấn An ninh quốc gia Shankar Menon và Bộ trưởng Quốc phòng A.K. Antony.

Hãng tin AFP trích dẫn lời một số quan chức cao cấp giấu tên của Mỹ cho biết, nội dung các cuộc hội đàm lần này sẽ tập trung vào việc mở rộng mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, tình hình tại Afghanistan, và đặc biệt là sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Còn nhớ Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay từ tháng 1 năm nay đã cho công bố bản dự thảo chiến lược quốc phòng của nước này trong thập niên tới đây, trong đó Ấn Độ đã được nhắc tới như một đối tác có tầm quan trọng sống còn.

Có một loạt các yếu tố đang thúc đẩy xu hướng xích lại gần nhau của hai cường quốc này - các truyền thống dân chủ, mối đe dọa từ phía các phần tử Hồi giáo cực đoan đối với khu vực Nam Á, lo ngại về chính sách hành động hiện nay của Trung Quốc v.v… Trên thực tế, mối quan hệ hợp tác giữa Washington và New Delhi đang được dựa trên một nền tảng kinh tế vững chắc. Dự tính trong năm nay, tổng giá trị thương mại giữa hai nước có thể đạt tới ngưỡng 100 tỉ USD. Thành quả này có được một phần là nhờ vai trò của cộng đồng kiều dân Ấn Độ rất đông đảo tại Mỹ, hiện ước tính có tới 3 triệu người.

Nếu như trước đây, Ấn Độ mua vũ khí chủ yếu của Liên Xô, thì giờ đây họ đã đa dạng hóa rất nhiều mối quan hệ hợp tác quân sự. Các thương vụ mua bán vũ khí với Mỹ đã tăng lên nhanh chóng - chỉ riêng trong năm 2010, hai nước đã ký kết các hợp đồng có tổng trị giá 4,5 tỉ USD (trong 10 năm gần đây là hơn 8 tỉ USD).  Điều duy nhất khiến New Delhi không hài lòng trong lĩnh vực này chính là việc Washington vẫn duy trì các quy định hạn chế chuyển giao các công nghệ quân sự tiên tiến cho Ấn Độ.

Nhưng một trong những yếu tố chính, theo các nhà phân tích, chính là mối lo ngại chung về sức mạnh ngày một gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Trong khi việc tích cực gia tăng hiện diện của Mỹ tại những khu vực biển gần Trung Quốc cũng khiến cho Bắc Kinh phải nóng mặt. Trung Quốc đang đặc biệt lo ngại theo dõi việc Mỹ ký kết thỏa thuận với các quốc gia trong khu vực, cho phép các tàu chiến và quân Mỹ có thể tạm ghé hay thậm chí đóng quân. Chẳng hạn như hải quân Mỹ đang được bố trí tại Darwin phía bắc Australia. Mỹ cũng đã và đang đàm phán với Singapore và Philippines về vấn đề này.

Đội tàu chiến của hải quân Ấn Độ. Ảnh: Indian Navy.

Tuy nhiên, Ấn Độ mới là đối tác quan trọng thực sự mà Mỹ muốn xích lại gần trong chiến lược quân sự mới của mình. Dự tính đến cuối thập niên này, Mỹ sẽ chuyển phần lớn số lượng tàu chiến của mình từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Lực lượng hùng hậu này cùng với sự hợp tác của Ấn Độ được coi là cơ sở quan trọng để Washington có thể thực thi chính sách kiềm chế Trung Quốc.

"Chúng tôi dự định tăng cường quan hệ đối tác quân sự và gia tăng sự hiện diện của mình tại nhiều khu vực, bắt đầu từ phía tây Thái Bình Dương và Đông Á, cho tới Ấn Độ Dương và Nam Á. Quan hệ hợp tác với Ấn Độ là một trong những yếu tố then chốt của chiến lược này - Leon Panetta phát biểu - Ấn Độ hiện đang là một trong những quốc gia lớn nhất và phát triển năng động nhất trong khu vực cũng như trên thế giới, sở hữu một quân đội rất mạnh. Ngoài ra, Ấn Độ  cũng chia sẻ với Mỹ một loạt những nguyên tắc nền tảng giúp đảm bảo cho an ninh thế giới". 

Nhưng điều này cũng không có nghĩa là Ấn Độ sẵn sàng gia nhập vào một liên minh thực sự với Mỹ. Nhiều chính trị gia cũng như người dân Ấn Độ vẫn tỏ ra không thực sự tin tưởng vào người Mỹ. Câu hỏi được đặt ra là Ấn Độ có thể trông chờ gì vào sự giúp đỡ từ Mỹ? Washington có sẵn sàng đứng về phía họ trong trường hợp nảy sinh xung đột với Trung Quốc? Có vẻ như nếu so với "thế lực mới nổi Trung Quốc", người Ấn Độ tỏ ra lo ngại nhiều hơn về tình hình tại Afghanistan sau khi quân đội NATO rút khỏi đây. Cụ thể họ lo ngại làn sóng khủng bố sẽ lan sang Ấn Độ.

Theo khẳng định của ông Leon Panetta khi có mặt tại New Delhi, Mỹ và Ấn Độ cần phải vượt qua những bất đồng với Pakistan để có thể khôi phục lại hòa bình ở Nam Á. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh, Ấn Độ có thể đóng một vai trò lớn hơn so với hiện nay trong việc đảm bảo an ninh trong khu vực. Đầu tiên là việc tham gia tích cực hơn vào quá trình khôi phục nền kinh tế Afghanistan và giúp đỡ huấn luyện lực lượng an ninh nước này sau khi lực lượng vũ trang quốc tế rút khỏi đây vào năm 2014

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.