Đòn bẩy kinh tế của ông Joe Biden
- Dấu ấn trong 100 ngày nắm quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden
- Nga hé lộ thời điểm cuộc gặp thượng đỉnh Putin-Biden
- Tổng thống Biden ra tuyên bố "lịch sử" về vụ diệt chủng người Armenia
Nhu cầu bị dồn nén
Có thể vẫn có những trở ngại chính trị và sau đó là một số tác dụng phụ không mong muốn về kinh tế, mà một vài trong số đó sẽ ảnh hưởng đến khu vực châu Á. Tuy nhiên, trong ngắn hạn - ít nhất là trong năm 2022 - nước Mỹ có thể chứng kiến sự bùng nổ kinh tế với quy mô lớn nhất kể từ những năm 1980. Hầu hết các nhà kinh tế, kể cả những người là việc tại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), đều dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2021 ở mức 6%. Một số công ty phân tích kinh tế, chẳng hạn như Moody's Analytics, thậm chí còn dự báo tăng trưởng GDP ở mức 8%.
Kế hoạch vực lại kinh tế Mỹ với các khoản chi "khủng" có thể làm thay đổi cả nước Mỹ lẫn nền kinh tế toàn cầu. |
Với một lượng lớn nhu cầu xã hội đang bị dồn nén như hiện nay, những dự báo vượt trội này là hợp lý. Một lượng lớn nhu cầu bị dồn nén sẽ được giải phóng khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát và người tiêu dùng bắt đầu chi tiêu trở lại. Tỷ lệ tiết kiệm của Mỹ hiện đã vọt lên mức 13% thu nhập sau thuế, gần gấp đôi mức tiết kiệm trung bình dài hạn là 6,5% - một phần do cơ hội chi tiêu bị hạn chế trong thời kỳ đại dịch. Điều này có nghĩa là ít nhất 1.000 tỷ USD trong các tài khoản ngân hàng sẽ được sử dụng khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Ngoài ra, theo Kế hoạch giải cứu nước Mỹ, hầu hết người Mỹ sẽ được nhận séc kích thích tiêu dùng đợt 3 với trị giá lên tới 1.400 USD/người. Do đó, trung bình mỗi gia đình 4 người sẽ nhận được 5.600 USD. Họ cũng sẽ nhận được các khoản tín dụng trị giá hàng nghìn USD để chăm sóc con cái và người thất nghiệp sẽ được nhận thêm tiền trợ cấp cho đến ngày 6-9-2021.
Với những gói cứu trợ hào phóng được giải ngân chỉ trong một vài tháng và nhiều khoản cứ trợ khác, giai đoạn này chắc chắn sẽ dẫn đến một sự bùng nổ do nhu cầu tiêu dùng gia tăng mà sẽ thúc đẩy nền kinh tế và có thể làm tăng giá một số tài sản như cổ phiếu, bất động sản và tiền ảo.
Cơ sở hạ tầng bùng nổ?
Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng cũng sẽ tăng và điều này sẽ tạo ra số lượng lớn công ăn việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm từ 14,7% vào tháng 4-2020 xuống còn 6%. Nền kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại và cung cấp đủ việc làm cho người lao động vào năm 2022, nếu không muốn nói là sẽ có thể sớm hơn.
Chi tiêu dành cho cơ sở hạ tầng - như đường cao tốc, cầu, phương tiện công cộng, Internet băng thông rộng và lưới điện - cũng sẽ thúc đẩy năng lực sản xuất của nền kinh tế và làm tăng năng suất. Thế nhưng, đây vẫn đang là một kịch bản lạc quan và còn cần nhiều điều kiện để trở thành hiện thực. Trong khi Kế hoạch giải cứu nước Mỹ - về cơ bản là một gói cứu trợ trong giai đoạn COVID-19 được khá nhiều tầng lớp ủng hộ thì gói chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, hiện mới chỉ dừng lại ở một bản kế hoạch đầy tham vọng dày 26 trang, lại đang gây tranh cãi.
Ở một đất nước mà các cử tri nông thôn và thành thị nhìn chung bị phân chia theo đường lối chính trị - cử tri nông thôn có xu hướng theo đảng Cộng hòa còn cử tri thành thị có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ - thì việc cần ưu tiên hạng mục cơ sở hạ tầng ở khu vực nào trở thành vấn đề gây tranh cãi.
Lợi ích của doanh nghiệp cũng sẽ ảnh hưởng đến việc quảng bá các dự án mà họ ưa thích và đã có những tranh cãi về việc cần nâng cấp cây cầu nào có vai trò quan trọng về mặt kinh tế. Kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng đã trở thành chủ đề gây tranh cãi giữa hai đảng, mà bên phản đối chủ yếu là đảng Cộng hòa. Và một trong những điều gây tranh cãi gay gắt là nguồn tài trợ cho kế hoạch này. Trong khi vốn tài trợ Kế hoạch giải cứu nước Mỹ được lấy từ công quỹ thì ông Biden lại muốn tài trợ cho kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng thông qua việc tăng thuế doanh nghiệp.
Lợi và bất lợi
Ban đầu, các nền kinh tế châu Á, đặc biệt là các nhà xuất khẩu lớn, sẽ hưởng lợi từ sự bùng nổ của nền kinh tế Mỹ, khi nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, lợi ích sẽ không nhiều như mong đợi trong một môi trường mà các hoạt động thương mại đa phương vẫn diễn ra bình thường.
Một trong những nhược điểm của gói kích thích của ông Biden đối với các nước khác là nó sẽ đi kèm với chính sách "Mua hàng Mỹ", mà ông Biden đã thẳng thừng tuyên bố, nhằm khuyến khích các cơ quan công quyền Mỹ tăng mua hàng hóa trong nước. Điều này giúp gia tăng sức mua của chính phủ và sẽ chiếm phần lớn lượng chi tiêu, song đây là một chính sách mang tính phân biệt đối xử và không phù hợp với quy định của WTO.
Và nếu các quy định về thuế nhằm cản trở việc đưa hoạt động kinh doanh ra nước ngoài và khuyến khích các doanh nghiệp đưa hoạt động kinh doanh về nước được thông qua, thì đầu tư trực tiếp của Mỹ vào châu Á (và cả những khu vực khác) sẽ giảm. Và nếu lạm phát tăng lên trong năm 2022, khiến FED tăng lãi suất sớm hơn dự kiến thì điều đó sẽ không chỉ kìm hãm sự bùng nổ của kinh tế Mỹ và đẩy thị trường tài chính vào tình trạng hỗn loạn, mà còn có thể làm tăng giá đồng USD, gây tổn hại cho nền kinh tế mới nổi đang phải gánh những khoản nợ lớn bằng đồng USD. Điều này cũng có thể buộc các nền kinh tế này phải tăng lãi suất, đe dọa khả năng phục hồi của họ.