Đòn bẩy mới cho ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông
- Thổ Nhĩ Kỳ cám ơn Nga sau cuộc đảo chính
- Thổ Nhĩ Kỳ rộ tin đồn đảo chính mới
- Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 11 binh lính tấn công khách sạn nơi Tổng thống ở
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí phương Tây đầu tiên kể từ sau cuộc đảo chính bất thành vào ngày 15-7, ông Recep Tayyip Erdogan đã thẳng thừng phê phán các nước vốn là đồng minh của Thổ như Liên minh châu Âu và Mỹ. Ông Erdogan nói rằng những người bạn này thiếu thiện chí, không biết giúp đỡ bạn bè lúc hoạn nạn... Đúng là sau vụ đảo chính bất thành, không một lãnh đạo châu Âu nào tiếp cận với lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả các cuộc điện thoại cũng hiếm hoi.
Trái lại, chỉ có Tổng thống Vladimir Putin là người đầu tiên gọi cho ông Recep Erdogan. Lãnh đạo Nga không lên án hành động của Erdogan sau đảo chính, trong khi phương Tây đánh giá làn sóng trả đũa vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ là thô bạo, là phản dân chủ… Việc ông Erdogan lựa chọn Nga trước tiên là một tín hiệu bắn đến phương Tây rằng Moskva và Ankara vẫn là đối tác chính của nhau. Những “cãi cọ, xung khắc” vừa qua chỉ là sự xung khắc của lãnh đạo chứ không phải là bất đồng căn bản trong chính sách đối ngoại.
Tổng thống Thổ nhĩ kỳ Erdogan và Tổng thống Putin trong một lần gặp. |
Moskva và Ankara bắt đầu tái lập quan hệ vào cuối tháng 6 đầu tháng 7, sau khi điện Kremlin chấp nhận lời xin lỗi của ông Erdogan về sự kiện máy bay chiến đấu Su-24 của Nga bị phi công Thổ bắn hạ và trước khi xảy ra cuộc đảo chính.
Trong vòng một vài ngày sau khi thư xin lỗi của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được gửi tới Điện Kremlin, các quan chức của cả hai nước đã bắt đầu đàm phán về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt mà Nga sử dụng chống lại Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi xảy ra vụ việc vừa nêu. Một trong những hạng mục quan trọng nhất mà cả hai bên cùng quan tâm là việc phục hồi dự án khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được coi là mục tiêu chiến lược của cả hai nước trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại…
Kể từ đó, các vấn đề rộng lớn đã kéo Moskva và Ankara xích lại gần nhau hơn, bao gồm cả mong muốn “dạy cho phương Tây một bài học”, cũng như lợi ích chung về an ninh khu vực. Ankara cũng hoan nghênh Nga đã chân thành hỗ trợ Ankara sau cuộc đảo chính bất thành của các lực lượng đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Lắp đặt đường ống dẫn khí đốt của dự án dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ. |
Điều này tương phản với những phản ứng được coi là gay gắt, cứng rắn của Ankara đối với các đồng minh phương Tây của mình. Erdogan đã nhiều lần chỉ trích phản ứng của Washington đối với âm mưu đảo chính, đặc biệt là về việc Mỹ từ chối dẫn độ nhà truyền giáo Gulen, người bị Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ tham gia tổ chức và giật dây cuộc đảo chính. Ngoài ra, ông Erdogan còn nói rằng kịch bản của cuộc đảo chính được viết ở bên ngoài Thổ Nhĩ Kỳ.
Hồi tuần trước, các quan chức EU tại Brussels hậm hực rằng dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ củng cố vị thế của Moskva. Theo ý kiến của các nhà ngoại giao châu Âu, khi dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ hoàn tất và đi vào hoạt động, Ukraine sẽ mất đứt ngôi vị nhà phân phối khí đốt cho châu Âu và như vậy EU sẽ phải lệ thuộc nhiều hơn vào Gazprom của Nga, trong khi đó nguồn cung cấp khí đốt từ vùng biển Caspia của Azerbaijan thì rất hạn chế, hiện tại ngày một giảm và có nguy cơ ngưng hẳn. “Tình hữu nghị Nga - Thổ mới được xây dựng trở lại sẽ trở thành một vấn đề đáng quan ngại nếu Nga cố gắng hành động theo hướng đánh đổi Ukraine để lấy Thổ Nhĩ Kỳ” - một quan chức cao cấp (giấu tên) của EU phát biểu.
Theo giới quan sát, Ankara rất mong muốn có được khí đốt giá rẻ từ Nga, bên cạnh đó, tư cách nhà phân phối khí đốt Nga cho châu Âu cũng sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ nâng cao vị thế của mình trong các vấn đề liên quan đến EU.
Nếu lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng nhất trí bật đèn xanh thì dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được chính thức bấm nút khởi động và như vậy mọi hy vọng bảo vệ lợi ích cho Ukraine của EU coi như tiêu tan.
Sơ đồ dự án dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ. |
Hồi cuối năm 2014, do Liên minh châu Âu “thọc gậy bánh xe”, Nga đã từ bỏ dự án Dòng chảy phương Nam (có hệ thống đường ống đi qua một số nước thành viên EU), chuyển qua xây dựng dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, với một đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ dưới Biển Đen và sau đó thông qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ tới biên giới với Hy Lạp. Tuy nhiên, một thỏa thuận liên chính phủ về dự án này chưa được ký kết.
Dự án từng bị đóng băng hơn nửa năm kể từ khi quan hệ Moscow – Ankara rạn nứt sau sự cố không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga. Từ khi quan hệ giữa hai nước được phục hồi, hai bên đã ngồi lại với nhau bàn việc tái tục dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ trưởng Năng lượng Nga Novak và Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Nihat Zeybekchi đã hội đàm và thỏa thuận lập tổ công tác hỗn hợp để hiện thực hóa các đề án.
Báo Financial Times (Anh) hôm 8-8 nhận định: "Cả ở phương Tây lẫn ở Nga người ta đang tự hỏi rằng Erdogan chọn hướng đi nào sau cuộc đảo chính bất thành vừa qua, vì vậy cuộc họp sắp tới ở St Petersburg giữa hai vị tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có tầm quan trọng vô cùng lớn về phương diện địa chính trị".
Theo chuyên gia quan hệ quốc tế Maxime Ioussine, “lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ chơi lá bài Nga để giảm áp lực từ Mỹ và Liên minh châu Âu”, đã trở nên căng thẳng từ sau vụ đảo chính hụt. Còn ông Vladimir Putin cũng biết điều đó, ông “sử dụng việc xích lại với Ankara như là một đòn bẩy mới cho ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông và nơi khác”.
Tình hình này khiến giới ngoại giao châu Âu không khỏi lúng túng. Là thành viên của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có thể lấy căn cứ quân sự Mỹ Incirlik trên đất mình, một bàn đạp của Mỹ tấn công IS, làm công cụ gây áp lực với phương Tây.
Mặt khác thỏa thuận theo sáng kiến của Thủ tướng Đức Angela Merkel mua lại sự “yên bình của người nhập cư” bằng cái giá 6 tỷ euro trả cho Ankara, đang trở thành vũ khí mặc cả bắt bí đáng sợ trong tay Erdogan. Theo báo La Croix, có lẽ châu Âu cần phải khẩn cấp có những phản ứng thống nhất dựa trên những giá trị chung, bỏ qua những toan tính chính trị thực dụng thiển cận. Nếu không sẽ có nguy cơ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào vòng tay của nước Nga.