Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên:

Đòn cân não không dành cho những cái đầu quá nóng!

Thứ Hai, 14/08/2017, 13:55
Thế giới đang chứng kiến màn đấu khẩu nảy lửa giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính quyền Triều Tiên. Nguy cơ chiến tranh thực sự giữa Washington và Bình Nhưỡng là có thật hay chỉ là màn cân não giữa Mỹ và Triều Tiên? Liệu còn ai khác mà Mỹ muốn “nhắn nhủ” qua màn đấu khẩu này?

Mỹ nóng mặt, Bình Nhưỡng cũng khó tự kiềm chế

Tình hình Bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt sau khi nhật báo Washington Post ngày 8-8 tiết lộ một bản báo cáo của tình báo Mỹ theo đó Triều Tiên đã khắc phục được kỹ thuật và công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, chế tạo xong 60 đơn vị, trang bị cho tên lửa liên lục địa đủ sức bay đến lãnh thổ Mỹ.

Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Donald Trump hăm dọa chính quyền Bình Nhưỡng, nếu cứ tiếp tục thái độ hung hăng, sẽ bị “lửa thịnh nộ” giáng xuống. Ông Trump phát biểu: “Triều Tiên đã có nhiều lời đe dọa quá nghiêm trọng. Chúng ta sẽ đáp trả bằng hỏa lực giận dữ. Và tôi nói thật là chúng ta sẽ đáp trả bằng sức mạnh mà thế giới chưa bao giờ thấy”.

Ngày 9-8, người dân Triều Tiên tập trung trên quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng để ủng hộ chính phủ.

Cũng ngay tức khắc, ngày 9-8, Bình Nhưỡng công bố dự án chi tiết tấn công một loạt 4 quả tên lửa vào căn cứ của Mỹ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương. Theo AP, trong một tuyên bố do truyền thông Bình Nhưỡng đưa ra, Tướng Kim Rak Gyom, chỉ huy đơn vị tên lửa của Triều Tiên nói rằng, đất nước ông “sắp” tiến hành một hành động quân sự gần đảo Guam.

Ông Kim được cơ quan thông tấn KCNA trích lời nói, Triều Tiên sẽ hoàn tất kế hoạch vào giữa tháng 8-2017, bắn 4 tên lửa tầm trung vào vùng lãnh hải cách đảo Guam chừng 30 đến 40 cây số. Sau đó, kế hoạch này sẽ được chuyển giao cho tổng tư lệnh chỉ huy lực lượng vũ khí nguyên tử Triều Tiên và “đợi lệnh của ông”. Ông Kim còn nói rằng, đây là một “chùm lửa lịch sử bao trùm đảo Guam”.

Tuần trước, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết trừng phạt mới với Triều Tiên; cấm Triều Tiên xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản, cấm các nước tiếp nhận thêm lao động Triều Tiên, lập liên doanh mới với Triều Tiên và cấm các liên doanh hiện có đầu tư mới.  Theo các nhà quan sát, lệnh trừng phạt này sẽ làm giảm một phần ba nguồn thu 3 tỷ USD mỗi năm từ xuất khẩu của Triều Tiên. Đây được coi là thắng lợi ngoại giao với Mỹ do Nga và Trung Quốc, hai đồng minh của Triều Tiên, cũng thông qua nghị quyết.

Màn đấu khẩu nảy lửa chưa từng có giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên khiến quốc tế lo ngại. Phát ngôn viên Chính phủ Pháp Christophe Castaner còn nói Tổng thống Mỹ có “quyết tâm chống Triều Tiên cao hơn bất cứ một vị tiền nhiệm nào khác”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 9-8 kêu gọi Mỹ và Triều Tiên tránh “những lời nói và hành động gây thêm xung khắc”.

Trong một thông cáo gửi cho Reuters, chính quyền Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên hãy tránh đưa ra những phát biểu hay hành động có thể làm cho tình hình leo thang, và hãy cố gắng hơn nữa để giải quyết tranh chấp qua đàm phán.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trước đó, Đức bày tỏ lo ngại, kêu gọi Trung Quốc và Nga hãy thuyết phục Bình Nhưỡng ngưng theo đuổi các chính sách dẫn tới leo thang quân sự trên Bán đảo Triều Tiên. Berlin cũng mong muốn Washington và Bình Nhưỡng tự kiềm chế. Đó cũng là phản ứng của Paris với nhận định nguy cơ chiến tranh là có thật. Trong khi Nga liên tục hối thúc một giải pháp ngoại giao để hạ nhiệt căng thẳng.

Hai nước đồng minh của Mỹ cạnh Triều Tiên là Nhật Bản và Hàn Quốc lại chọn phản ứng khác. Hôm 8-8, Tokyo cho biết hai máy bay phản lực F-2 của Nhật Bản đã tập trận trên không với máy bay ném bom B-1B của Mỹ. Theo Reuters, cuộc tập trận được tiến hành trên không phận Nhật Bản, quanh đảo Kyushu ở phía nam, gần bán đảo Triều Tiên.

Sáng 10-8, các chỉ huy thuộc Bộ Tổng tham mưu liên quân Hàn Quốc đã cảnh cáo rằng, Bình Nhưỡng sẽ phải trả giá đắt nếu tấn công Hàn Quốc hoặc đồng minh Hoa Kỳ. Đây là một lời cảnh cáo không bình thường của quân đội Hàn Quốc, sau những lời tuyên bố đe dọa của Bình Nhưỡng.

Theo các nhà phân tích, đối đầu Mỹ-Triều Tiên có nguy cơ dẫn tới thảm họa khó lường. Shin In-Kyun, một nhà phân tích về an ninh khu vực thuộc Mạng lưới Quốc phòng Hàn Quốc ở Seoul nói: "Nếu Triều Tiên kiên nhẫn và tìm một lối thoát thông qua đàm phán với Mỹ, với sự giúp đỡ của Trung Quốc và Nga, thì thế giới sẽ yên ổn. Tuy nhiên, với những tuyên bố gần đây, khó có thể thấy Bình Nhưỡng sẽ tự kiềm chế”.

Những lời qua tiếng lại giữa ông Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gây quan ngại cho cả người dân Hàn Quốc. Một người đàn ông ở Seoul nói với AP rằng: “Là một người sắp nhập ngũ, một người sẽ thực sự phải phục vụ trong quân đội và tham gia trực tiếp vào vấn đề đang tiếp diễn, vâng, cuộc đấu khẩu ấy thật đáng sợ!”.

Người bạn gái của anh này nói: “Bạn trai tôi gia nhập quân đội để bảo vệ đất nước này trong vai trò một người lính. Cho nên tôi cảm thấy lo lắng hơn bởi vì nó liên quan tới một người thân thiết của tôi. Và trong tư cách một công dân theo dõi những tin tức đó, càng khiến tôi lo âu hơn”.

Ngay cả chính giới ở Mỹ, từ phe Dân chủ đến Cộng hòa đều không đồng ý với thái độ nóng vội của tổng tư lệnh tối cao của họ trước màn đấu khẩu với Triều Tiên. Phát biểu trước báo giới ngày 10-8, Thượng nghị sĩ John McCain khuyến cáo Tổng thống Trump chớ nên tham gia và lời qua tiếng lại với những lời dọa dẫm phóng đại. Một số nhà phân tích tự hỏi với lời lẽ đó, liệu ông Trump có vẽ ra một "giới hạn đỏ" trong cuộc đối đầu với Bình Nhưỡng?

Ngày 9-8, Triều Tiên tuyên bố có kế hoạch phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong -12 tới các khu vực xung quanh đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Scott Snyder thuộc Hội đồng Các chính sách đối ngoại nói: "Rõ ràng ông Trump không quen với lối tuyên truyền đến từ Triều Tiên, và điều này đặt ra một thách thức bởi vì bất cứ khi nào có hành động chống Bình Những làm họ cảm thấy bị xúc phạm, thì họ lại phản ứng với những ngôn ngữ có tính khoa trương. Nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là họ sẽ thực hiện bất cứ lời đe dọa nào. Khi chúng ta mắc mưu họ và nhảy vào lời qua tiếng lại với họ, thì bầu không khí căng thẳng sẽ leo thang, tạo ra những rủi ro cao hơn về nguy cơ tính toán sai, và tăng sự hiểu lầm ở cả hai bên”.

Ông Snyder nói rằng ông Trump có thể rơi vào cái bẫy của các vị tổng thống trước đây, đưa ra những lời đe dọa mà họ có thể hoặc không thể theo đuổi đến cùng.

“Bi kịch của chiến tranh đã được biết rõ, không cần mô tả bằng gì khác ngoài thảm khốc", hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu ngày 10-8 tại một sự kiện ở California. Bộ trưởng Mattis cho biết nhiệm vụ và trách nhiệm của ông là chuẩn bị sẵn sàng các lựa chọn quân sự "cần thiết". Tuy nhiên, ông nhấn mạnh những nỗ lực hiện tại của Mỹ tập trung vào ngoại giao. "Nỗ lực ngoại giao đang dần có kết quả", ông Mattis nói nhưng không nêu chi tiết.

Lại một màn cân não giữa Washington và Bắc Kinh?

Nhưng liệu đe dọa của Triều Tiên có đáng tin không hay chỉ là đòn cân não? Theo AFP, Triều Tiên đạt tiến bộ nhanh chóng vượt các tiên liệu của tình báo phương Tây, 5 lần thử nghiệm nổ hạt nhân. Quả bom sau cùng vào ngày 9-9-2016 có sức mạnh tương đương với quả bom mà Mỹ ném xuống Nagasaki vào tháng 8-1945.

Triều Tiên cũng phóng thử hàng loạt tên lửa đạn đạo, tầm trung, liên lục địa mà theo thẩm định của các chuyên gia, có thể bay xa 10.000 km. Nhưng thu nhỏ được đầu đạn và chế tạo tên lửa mang đầu đạn này vừa đủ sức bay xa, vừa chính xác là một phương trình phức tạp. Làm cách nào để đầu đạn hạt nhân chịu đựng được một đoạn đường dài 25.000 km, từ bệ phóng lên thượng tầng khí quyển, lao xuống, trở lại bầu khí quyển mà không bị bốc cháy vì ma-sát và tan vỡ vì chấn động rung?

Theo chuyên gia Michael Elleman của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), tên lửa liên lục địa của Triều Tiên thử nghiệm hôm 28-7-2017 đã bốc cháy khi trở lại bầu khí quyển. Nếu tấn công thật, đầu đạn hạt nhân mang theo bị thiêu hủy trước khi bay đến mục tiêu. Siegfried Hecker, chuyên gia hạt nhân của Đại học Stanford, Mỹ, cho rằng phải mất 5 năm nữa, Bình Nhưỡng mới làm được tên lửa đúng tiêu chuẩn liên lục địa.

Với kinh nghiệm nhiều lần cùng đoàn thanh tra của Liên Hiệp Quốc sang thẩm định khả năng nguyên tử của Triều Tiên, Siegfried Hecker nghĩ rằng một trong những chướng ngại của Bình Nhưỡng là thiếu uranium và nhất là plutonium. Kho đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên nhiều lắm là từ 20 đến 25, không thể lên đến 60 như Washington Post loan báo.

Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin về việc Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo.

Vấn đề là Triều Tiên có cần chờ đến 5 năm hay không? Theo AFP, với đầu đạn thô sơ và các loại tên lửa tầm trung hiện nay, Bình Nhưỡng đủ sức đe dọa đảo Guam và hai đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Theo giới phân tích chính trị Nga, Mỹ không thể quyết định tấn công Triều Tiên nếu chính các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc không đồng ý, vì hàng triệu dân nước họ sẽ là những nạn nhân đầu tiên. Bình Nhưỡng cũng không dám đụng tới Guam vì biết rằng, Mỹ sẽ phản ứng. Ngày 9-8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis quả quyết Hoa Kỳ và đồng minh sẽ thắng trong bất kỳ cuộc xung đột hay chạy đua vũ trang nào với Triều Tiên. Nhưng trong thực tế, Mỹ có thể làm gì?

Ðể tránh chiến tranh xảy ra ngoài ý muốn, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói ông không tin có mối nguy sắp xảy tới từ Triều Tiên và rằng “dân Mỹ nên yên tâm”. Trước đó, ông Tillerson đã chính thức nói mục tiêu của Mỹ không phải là thay đổi chế độ ở Triều Tiên - dù ông Trump có đe dọa!

Theo các nhà bình luận quốc tế, đó cũng là một cách trấn an Trung Quốc là Mỹ không theo đuổi lập một chế độ thân Mỹ trên toàn thể Bán đảo Triều Tiên! Nhưng trong khi áp dụng “gói” trừng phạt mới nhắm vào Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc ngày 5-8, Mỹ phải tìm cách bảo đảm Trung Quốc cũng tuân thủ các lệnh cấm vận trong đó! Mỹ có thể tạo áp lực với Bắc Kinh nếu cộng tác với hai nước đồng minh trong vùng! Nước Mỹ còn ở quá xa cho các tên lửa của Triều Tiên bắn tới. Nhưng các nước gần nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc mới thực lo ngại về sự bất định của Bình Nhưỡng. Chính phủ Mỹ có thể dùng sự kiện này “tương kế tựu kế” tạo thêm áp lực với Trung Quốc.

Muốn thúc đẩy Bắc Kinh phải theo đúng lệnh cấm vận, Mỹ có thể bắt đầu đàm phán với Nhật Bản và Hàn Quốc tăng cường mạng lưới phòng thủ chống tên lửa, vì mối đe dọa mới của Triều Tiên trực tiếp trên các nước này. Hiện nay Bắc Kinh và Moskva đã phản đối hệ thống THAAD chống tên lửa mà Mỹ đã đem qua Hàn Quốc, hiện chưa bố trí hết. Nga, Trung Quốc chắc chắn không muốn thấy những loại vũ khí tối tân hơn được đem tới gần nước họ!

Hơn nữa, Mỹ có thể biện hộ rằng giúp Nhật và Hàn Quốc tăng cường phòng thủ thì mới có thể ngăn không cho các nước này tự chế tạo bom nguyên tử và tên lửa tầm xa! Với tiềm năng khoa học, kỹ thuật và nền kinh tế thịnh vượng của họ, cả hai nước có thể chế bom nguyên tử trong vòng vài ba năm. Và đó là mối lo lớn của Bắc Kinh!

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, ông Itsunori Onodera hôm 31-8 đã phản ứng mạnh về các tên lửa mới bắn của Triều Tiên. Ông Itsunori, khi làm dân biểu, đã dẫn đầu một ủy ban nghiên cứu kế hoạch phòng thủ của Nhật Bản bằng cách gia tăng khả năng “đánh trước” để ngăn nước khác tấn công. Ðây là một ý kiến rất táo bạo, trước đây là điều cấm kỵ, vì Hiến pháp Nhật cấm không được có vũ khí tấn công.

Nói mạnh hơn nữa, ngày 7-8, lãnh đạo đối lập ở Hàn Quốc là ông Hong Joon-pyo, Chủ tịch đảng Hàn Quốc Tự do, mới lên tiếng yêu cầu chính phủ thương thuyết, để cho phép Mỹ đem “vũ khí nguyên tử chiến thuật” vào Hàn Quốc. Chắc chắn Bắc Kinh sẽ phản đối dữ dội các ý kiến trên, nhưng Mỹ và hai nước đồng minh có thể cãi rằng đó chỉ là những “biện pháp tự vệ!”.

Ðó là những tín hiệu cho Bắc Kinh biết nếu họ không kiềm chế Bình Nhưỡng thì hậu quả sẽ khó lường! Thành thử ra màn đấu khẩu giữa Mỹ và Triều Tiên lại là màn cân não giữa Washington và Bắc Kinh.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.