Trung Quốc “dọn dẹp” Biển Đông bằng luật rừng

Thứ Hai, 08/08/2016, 09:32
Việc Tòa án Tối cao Trung Quốc ra lệnh bắt và bỏ tù những ngư dân nước ngoài đánh bắt “trái phép” ở vùng biển Bắc Kinh tự áp đặt chủ quyền ở Biển Đông (mặc dù yêu sách này vừa bị Tòa Trọng tài ở La Haye bác bỏ), cùng tuyên bố tiến hành “chiến tranh nhân dân” trên biển đã đẩy tình hình Biển Đông leo thang căng thẳng.

Ngày 2-8, Tòa án Tối cao Trung Quốc công bố lệnh mới, dọa phạt tù những ngư phủ bị bắt giữ về tội xâm nhập hải phận đánh cá bất hợp pháp. Theo đó, những ai xâm nhập trái phép vào “lãnh hải Trung Quốc” rồi từ chối rời đi sau khi bị xua đuổi, hoặc những ai tái diễn việc xâm phạm sau khi bị đuổi đi hoặc bị phạt trong năm trước đó, sẽ bị coi là phạm tội hình sự “nghiêm trọng”, và có thể bị tống giam tới 1 năm tù.

Hàng ngàn tàu cá của Trung Quốc sẽ “dọn sạch” biển Đông?

Lệnh mới do Tòa án Tối cao Trung Quốc đưa ra nói rõ: Bắc Kinh có quyền xét xử những người xâm nhập lãnh hải để đánh bắt hải sản bất hợp pháp, nhấn mạnh thực thi luật pháp là yếu tố quan trọng để bảo vệ chủ quyền, và những người vi phạm được xem là “phạm pháp nghiêm trọng”. Lệnh này cũng nhấn mạnh vai trò của các cơ quan chấp pháp địa phương “Các tòa án nhân dân địa phương có trách nhiệm phải thi hành điều này một cách nghiêm chỉnh, để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và bảo vệ quyền lợi hàng hải của Trung Quốc”.

Quyết định mà Tòa Tối cao Trung Quốc ban hành không nói gì đến phán quyết của Tòa Trọng tài mới đưa ra hồi giữa tháng trước, trong đó nói rõ Bắc Kinh không có chủ quyền lịch sử ở Biển Đông, và cũng không có cơ sở pháp lý ở khu vực được gọi là “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh tự vẽ ra để chiếm gần hết diện tích Biển Đông, cũng như không có quyền tuyên bố bất cứ vùng đặc quyền kinh tế ở những hòn đảo mà Trung Quốc đang chiếm giữ tại Trường Sa.

Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn thường xuyên cho tàu hải cảnh của họ trục xuất tàu đánh cá Philippines hoạt động tại các khu vực mà Trung Quốc tự nhận chủ quyền.

Hàng năm, Trung Quốc vẫn đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước trong khu vực. Việt Nam khẳng định việc làm này của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần và lời văn Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Theo giới quan sát, việc Tòa án Tối cao Trung Quốc nhập cuộc được xem là một hành động trong chiến lược của Bắc Kinh, dùng luật pháp quốc gia để chống lại luật lệ quốc tế. Họ cho rằng quyết định của Tòa Tối cao Trung Quốc nhằm ít nhất ba mục tiêu: (1) Gia tăng sự hứng khởi cho ngư dân Trung Quốc trong việc tham gia cuộc “chiến tranh nhân dân ngoài biển”, (2) Gieo rắc sợ hãi đối với ngư dân nước ngoài, “dọn dẹp sạch sẽ Biển Ðông” và (3) Củng cố yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Ðông.

Song song với việc “phối hợp luật pháp Trung Quốc với luật pháp quốc tế” để “dọn dẹp sạch sẽ Biển Ðông”, quân đội Trung Quốc vừa phát động cuộc “chiến tranh nhân dân ngoài biển”. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn, kêu gọi ngư dân nước này chuẩn bị chiến tranh nhân dân trên biển. Từ khi tuyên bố đòi chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Ðông, Trung Quốc bắt đầu xây dựng các đội “dân quân biển”.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn.

Theo đó, ngư dân Trung Quốc được huấn luyện quân sự, chính quyền Trung Quốc vũ trang cả cho ngư dân lẫn các tàu đánh cá, trợ cấp chi phí, hỗ trợ dịch vụ, thiết lập hệ thống liên lạc với hải quân, hải cảnh để ngư dân Trung Quốc vừa đánh bắt, vừa phối hợp tuần tra bảo vệ yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Ðông.

“Mặc dù Trung Quốc không thể theo kịp Mỹ về sức mạnh quân sự trong tương lai ngắn hạn, Trung Quốc cần có khả năng để buộc Mỹ trả giá”, tờ Global Times, một ấn phẩm phụ của People’s Daily, viết về kịch bản xảy ra đụng độ quân sự trên Biển Đông. Báo này đổ lỗi cho Mỹ can thiệp tranh chấp Biển Đông làm phức tạp tình hình, và cho rằng tình hình có thể leo thang do phán quyết từ Tòa Trọng tài Thường trực (PCA). Với việc triển khai hai cụm tàu sân bay chiến đấu xung quanh Biển Đông, Mỹ muốn phô trương sức mạnh.

“Dường như Mỹ đang chờ đợi sự phục tùng của Trung Quốc” - tờ báo này viết - “Trung Quốc hy vọng tranh chấp có thể được giải quyết bằng đàm phán, nhưng cũng phải chuẩn bị cho bất cứ cuộc đối đầu quân sự nào. Điều này là lẽ thường trong quan hệ quốc tế”.

Giới phân tích cho rằng, cuộc “chiến tranh nhân dân trên biển” do quân đội Trung Quốc phát động với sự tham gia của dân quân biển chắc chắn là nhằm quấy nhiễu, gây lúng túng cho lực lượng hải quân của các quốc gia khác khi thực hiện những cuộc tuần tra bảo vệ quyền tự do lưu thông ở Biển Ðông. Tuy mức độ hung hăng của những tuyên bố, chỉ trích, thậm chí cảnh cáo về việc sẽ “trả đũa thích đáng” các máy bay, chiến hạm nước ngoài tuần tra bảo vệ quyền tư do lưu thông ở Biển Ðông của giới lãnh đạo và các viên chức ngoại giao, quốc phòng của Trung Quốc đã tăng rất cao trong thời gian qua song hiệu quả răn đe lại giảm đáng kể.

Bằng chứng mới nhất cho thấy nghịch lý, Trung Quốc càng hung hăng thì càng có thêm nhiều phản ứng bất lợi cho Trung Quốc từ phía cộng đồng quốc tế. Gần đây nhất là Pháp tuyên bố sẽ điều động máy bay, chiến hạm tuần tra để bảo vệ quyền tự do lưu thông ở Biển Ðông. Ngoài tuyên bố sẽ tổ chức tuần tra bảo vệ quyền tự do lưu thông tại Biển Ðông, ông Jean-Yves Le Drian, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, còn kêu gọi 27 quốc gia trong Liên minh châu Âu sớm tổ chức các hải đội đa quốc gia để tuần tra chung ở Biển Ðông.

Một tàu cá của Việt Nam bị Trung Quốc đâm chìm.

Ông nhấn mạnh: Nếu EU muốn duy trì trật tự thế giới, loại bỏ các rủi ro đối với quyền tự do lưu thông thì chính khối này phải tham gia bảo vệ quyền đó. Ông Le Drian lập lại điều mà Chính phủ Pháp từng khẳng định rằng, quyền tự do lưu thông là điều có ý nghĩa sống còn đối với mọi nền kinh tế và khẳng định nếu cộng đồng quốc tế để mất quyền tự do lưu thông tại Biển Ðông thì có thể sẽ xuất hiện những rắc rối tương tự như ở Bắc Băng Dương hoặc Ðịa Trung Hải.

Chiều 4-8, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước phát ngôn kêu gọi “chiến tranh nhân dân” trên biển của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: “Hòa bình và ổn định ở Biển Đông là lợi ích và nguyện vọng của các nước trong và ngoài khu vực. Các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.

Ông Lê Hải Bình cho rằng: “Quan chức các nước cần phát biểu và hành động phù hợp với các tuyên bố chính thức cũng như nghĩa vụ của quốc gia mình. Đó là tôn trọng luật pháp quốc tế, không được sử dụng, đe dọa sử dụng vũ lực, đóng góp tích cực vào hòa bình ổn định trong khu vực và trên thế giới”.

Câu hỏi đặt ra là các nước trong khu vực đang bị Trung Quốc chèn ép ngoài Biển Đông sẽ làm gì trước cách “cướp biển” trên của Bắc Kinh? Để chống lại bạo lực thì chỉ còn cách tự bảo vệ mình. Các nước khu vực không thể cứ mãi hô hào cách “giải quyết hòa bình” trong khi Trung Quốc bắt đầu dùng vũ lực.

Nếu Trung Quốc áp dụng triệt để thứ “luật” mà họ vừa ban hành sẽ đẩy các nước trong khu vực tiến tới lựa chọn duy nhất là chống lại bằng vũ lực và khi ấy chiến tranh trên Biển Đông là điều khó tranh khỏi. Bởi không quốc gia nào có thể ngồi yên, khi mà ngư dân của họ đang hoạt động trên vùng biển mà họ đã và đang sinh sống từ ngàn đời nay, giờ lại bị kẻ khác bắt, tống giam...

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.