Đòn “nốc ao” cuối cùng của chính quyền Obama với nước Nga

Thứ Năm, 29/12/2016, 11:15
Một tháng trước khi rời Nhà Trắng, chính quyền Tổng thống Obama tiếp tục gia hạn lệnh trừng phạt Nga liên quan tới vấn đề Ukraine và Syria. Đòn ngáng chân của chính quyền tiền nhiệm liệu có ngăn được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump xích lại với Nga?

Ngày 20-12, Chính phủ Mỹ thông báo mở rộng các biện pháp chế tài kinh tế Nga, bổ sung thêm 8 tổ chức và 7 cá nhân có liên hệ tới việc Moskva sáp nhập bán đảo Crimea. Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, động thái trừng phạt này cho thấy Mỹ giữ vững cam kết duy trì trừng phạt cho tới khi Nga thực thi đầy đủ các cam kết của họ trong thỏa thuận Minsk.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói: “Mỹ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến bạo lực gần đây tại khu vực miền Đông Ukraine. Chỉ trong 2 ngày trung tuần tháng 12-2016, 6 binh sỹ quân đội Ukraine đã thiệt mạng và 33 người bị thương trong các cuộc xung đột với lực lượng đòi ly khai. Chúng tôi kêu gọi Nga sử dụng ảnh hưởng của mình đối với các lực lượng đòi ly khai để ngăn chặn bạo lực và cho phép các quan sát viên của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đến giám sát thực địa”.

Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Mỹ Obama trong một lần gặp.

Thông cáo của Bộ Ngân khố Mỹ nói 6 người trong số 7 cá nhân vừa bị đưa tên vào danh sách bị tố cáo đã giúp cung cấp hỗ trợ Ngân hàng Rossiya. Ngân hàng này bị chế tài hồi năm 2014 vì cung cấp hỗ trợ vật chất cho một giới chức cao cấp của Nga. Người còn lại bị cáo giác có liên hệ với một công ty xây dựng căn cứ quân sự gần biên giới Nga-Ukraine. 8 công ty bị chế tài lần này bao gồm công ty xây dựng đường cao tốc Nga Institut Stroiproekt, công ty đường sắt Crimea do Chính phủ Nga bảo trợ và công ty Cầu cảng Crimea.

Ngày 21-12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov chỉ trích lệnh trừng phạt mới là “hành động thù địch” do chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Barack Obama đưa ra. Ông Ryabkov khẳng định Nga sẽ mở rộng lệnh trừng phạt chống lại Mỹ để trả đũa. Thời gian, địa điểm và hình thức đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ được Nga công bố trong thời gian sớm nhất.

Trong một diễn biến mới hơn, Bộ Ngoại giao Nga hôm 24-12 nói rằng, Chính phủ Mỹ đã “hoàn toàn xa rời thực tế” khi có biện pháp trừng phạt các bộ trưởng Syria cùng một ngân hàng Nga. Chính phủ Mỹ hôm 23-12 đưa thêm tên một số bộ trưởng Syria vào danh sách những người bị trừng phạt, gồm cả Bộ trưởng Dầu hỏa và Tài chính, cùng thành phần lãnh đạo một ngân hàng Nga.

“Việc mở rộng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga... vào lúc có các cuộc tấn công đẫm máu ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) và Berlin (Đức) đòi hỏi phải có sự kết hợp để chống lại mối đe dọa của khủng bố cho thấy Washington hoàn toàn xa rời thực tế”, theo bản thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga.

Bản thông cáo này cũng nói rằng Mỹ tìm cách trừng phạt Nga vì sự hỗ trợ của họ dành cho Chính phủ Syria trong cuộc chiến chống khủng bố, vốn không chỉ là mối đe dọa cho quốc gia này mà còn cho cả thế giới. Phía Nga cáo buộc rằng “mong muốn của Mỹ nhằm thay đổi chế độ ở Syria quá mạnh đến nỗi Washington sẵn sàng trợ giúp bất cứ lực lượng phá hoại nào”, theo bản thông cáo.

Khi thông báo các biện pháp trừng phạt, Washington cũng đưa tên hãng hàng không Cham Wings của Syria vào “sổ đen”, cáo buộc hãng này chuyên chở các tay súng ngoại quốc đến chiến đấu trong cuộc nội chiến tại đây, vốn đã làm hơn 300.000 người thiệt mạng trong hơn 5 năm qua và hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Trước khi Mỹ kéo dài lệnh trừng phạt trên, Liên minh châu Âu (EU) cũng chính thức đưa ra quyết định sẽ trừng phạt Nga thêm 6 tháng, tới cuối tháng 7-2017. Theo tờ Russia Beyond The Headlines (Nga), những động thái kể trên của Mỹ có thể là những nỗ lực cuối cùng của chính quyền Obama để chứng tỏ sự đoàn kết và trấn an các đồng minh châu Âu về cam kết của Washington với vấn đề Nga.

Bối cảnh trên vẽ ra một bức tranh cuối năm đầy ảm đạm trong quan hệ Nga - Mỹ và các nước phương Tây. Nhưng chưa dừng lại ở đó, trong một phát ngôn mới nhất, ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên điện Kremlin cho hay: “Gần như mọi cấp độ đối thoại với Mỹ đã bị đóng băng. Chúng tôi không liên lạc với họ nữa hoặc nếu có thì cũng rất hạn chế", ông Peskov phát biểu trên đài Mir TV.

Theo các nhà phân tích, mặc dù các biện pháp trừng phạt trên của chính quyền Obama không có gì bất thường, nhưng thời điểm công bố lại đáng chú ý, bởi chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã làm dấy lên hoài nghi về tương lai chính sách của Mỹ đối với Nga cũng như về một cách tiếp cận thống nhất đối với các lệnh trừng phạt khi mà vị tỷ phú này dường như có lập trường mềm mỏng với Tổng thống Vladimir Putin.

Theo Reuters, mặc dù lệnh trừng phạt đã được đưa ra nhưng không rõ liệu Mỹ có tiếp tục duy trì các biện pháp này dưới thời ông Trump hay không. Lý do là vì ông Trump suốt chiến dịch tranh cử tổng thống và kể cả khi đã đắc cử cũng có những tuyên bố muốn cải thiện quan hệ với Nga.

Bên cạnh đó, ông còn đề cử một nhân vật “thân Nga” là ông Rex Tillerson làm Ngoại trưởng, vị trí rất quan trọng trong nội các Mỹ. Mặc dù chưa thể nói trước điều gì về quyết định của ông Trump liên quan đến lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, nhưng ông có thể sẽ vấp phải sự phản đối từ quốc hội nếu muốn nới lỏng trừng phạt.

Các nghị sĩ của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đều rất quan ngại về mối quan hệ giữa Nga với Ngoại trưởng tương lai mà ông Trump đề cử. Trong thời điểm hiện tại, động thái gần gũi hơn với Nga của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang gặp phải những chỉ trích quyết liệt từ các phương tiện truyền thông cánh tả nước Mỹ.

Valentina Matvienko, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga thì tin rằng, trên đây chỉ là những đòn cuối cùng trước khi “về vườn” của chính quyền ông Obama. Theo bà Matvienko, sắp tới khi ông Trump trở thành ông chủ của Nhà Trắng thì quan hệ giữa hai nước sẽ được cải thiện. Bà cũng tin rằng các biện pháp trừng phạt chống Nga của phương Tây sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn vào năm 2017.

Hãng tin Pháp AFP cho biết Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump hôm 23-12 đã công bố bức thư mà Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi cho ông với mong muốn khôi phục quan hệ hợp tác tốt đẹp Nga - Mỹ và nâng quan hệ này lên tầm cao mới. Đây là một bức thư ngắn chúc mừng Giáng sinh và năm mới.

Theo nhóm chuyển giao quyền lực của ông Donald Trump, Tổng thống tân cử đánh giá là bức thư này “rất hay và rất thân thiện”. Trong thư, Tổng thống Nga Putin kêu gọi áp dụng các biện pháp thực sự để khôi phục hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực và nâng hợp tác quốc tế giữa Nga và Mỹ lên một tầm cao mới tốt đẹp hơn.

Tổng thống Putin cho biết ông nhất định sẽ sang thăm Mỹ nếu được Tổng thống tân cử Donald Trump mời.

Tổng thống Nga cũng viết thêm là “những thách thức toàn cầu và trong khu vực mà hai nước phải đối đầu trong những năm qua cho thấy mối quan hệ giữa Nga và Mỹ vẫn là một yếu tố quan trọng để đảm bảo sự ổn định và an ninh trong thế giới hiện đại”. Bức thư của Tổng thống Nga cũng khẳng định việc ông Donald Trump chính thức nhậm chức vào ngày 20-1-2017 có thể sẽ mở ra một trang mới cho mối quan hệ giữa Washington và Moskva.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Mir TV ngày 21-12, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Moscow không hề ảo tưởng rằng, sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức thì NATO sẽ ngừng tăng cường hiện diện quân sự sát biên giới Nga và các lệnh trừng phạt Nga sẽ được Mỹ dỡ bỏ.

"Chúng tôi hy vọng các mối quan hệ sẽ mang tính xây dựng cao. Chúng tôi không mong đợi tất cả các vấn đề sẽ được giải quyết. Chúng tôi không mong đợi Mỹ sẽ lập tức từ chối việc mở rộng NATO hoặc tăng cường hiện diện quân sự gần biên giới chúng tôi" - ông Peskov cho biết - "chúng tôi không nghĩ các lệnh trừng phạt Nga sẽ được dỡ bỏ ngay lập tức và chúng tôi không nêu ra vấn đề này".

Theo ông Peskov, các lệnh trừng phạt sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Nga nhưng sẽ là một đòn mạnh giáng vào cộng đồng kinh doanh tại châu Âu bởi giá trị kim ngạch thương mại giữa Nga với Mỹ chưa bao giờ vượt con số 24 tỷ USD và ông cho rằng, "các hãng sản xuất ôtô, nông sản và những hãng sản xuất của châu Âu mới là đối tượng bị chịu tác động nặng nề bởi lệnh trừng phạt Nga.

Trước khi mãn nhiệm kỳ, Tổng thống Obama “rải đinh” trên đường đi của Trump

Các khu định cư Israel

Ngày 23-12 Hội đồng Bảo an LHQ đã phê chuẩn Nghị quyết 2334 yêu cầu Israel ngừng xây các khu định cư Palestine và Đông Jerusalem. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1980 mà đồng minh cố cựu của Israel là Mỹ lại không dùng đến quyền phủ quyết. Khi đưa ra quyết định này, Tổng thống Obama đã hứng phải cơn giận dữ của giới truyền thông Mỹ và Israel.

Trên trang Twitter của mình, Donald Trump đã lên án nghị quyết của LHQ, cho rằng “mọi việc sẽ thay đổi sau khi ông lên nhậm chức vào ngày 20-1”. Theo tờ “Foreign Policy” chuyên về quan hệ quốc tế, vị tổng thống tương lai có thể sẽ cố lật ngược “đòn cảnh cáo” này đối với Benyamin Netanyahu bằng cách nhờ đến vị đại sứ Mỹ tương lai ở Jerusalem, David Friedman, vốn nổi tiếng về sự ủng hộ lý tưởng khu định cư và chống lại việc thành lập một nhà nước Palestine.

Việc lập hồ sơ người Hồi giáo

Cũng cùng ngày với Nghị quyết LHQ, Tổng thống Obama đã bắt đầu việc phá hủy một công cụ chủ yếu của Bộ An ninh nội địa Mỹ: một mạng lưới giám sát nhắm vào người Ả Rập và Hồi giáo do cựu Tổng thống Bush thiết lập sau vụ khủng bố 11-9. Chương trình này có tên là Nseers, đã giúp cơ quan an ninh Mỹ thiết lập hồ sơ của hơn 80.000 cá nhân.

Trong lĩnh vực an ninh, Tổng thống Obama cũng thông báo về quyết định chuyển 18 trong số 59 tù nhân cuối cùng tại nhà tù Guantanamo. Tuy không giữ được lời hứa đóng cửa nhà tù này nhưng Tổng thống cũng đã trả tự do cho 242 tù nhân lúc ông lên cầm quyền năm 2009. Trong kỳ tranh cử, Donald Trump từng nêu ra ý kiến là tại Guantanamo “chứa đầy những tên bẩn thỉu”.

Những chuyến khoan thăm dò tại Bắc cực

Tổng thống Obama cũng không bỏ quên vấn đề môi trường. Ngày 20-12 ông đã cho biết sẽ cấm mọi việc khoan thăm dò dầu khí mới tại Nam Cực cùng với Canada. Nhấn mạnh đến mong muốn “bảo vệ môi trường sinh thái” tại đấy, chính quyền Obama muốn nhấn mạnh rằng quyết định này dựa trên một “nền tảng luật pháp vững chắc” và sẽ không bị xem xét lại bởi ông chủ tương lai của Nhà Trắng.

Hành động của Tổng thống Obama còn mở rộng sang 31 vực sâu ở Nam Cực mà việc khoan thăm dò cũng bị cấm. Ông đã dựa vào một đạo luật năm 1953 buộc Quốc hội phải phê chuẩn, tức phải vượt qua quyền phủ quyết của thiểu số Dân chủ tại Thượng viện. Nhóm thân cận của Donald Trump, vốn luôn chống đối lại những quy định về môi trường, đã không bỏ qua cơ hội lên án sáng kiến của Tổng thống Obama.

Giữ lại quyền phá thai

Một quyết định khác mà thời điểm có lẽ là muốn gây cản trở cho Donald Trump, đó là Tổng thống Obama đã ký một văn bản củng cố quyền phá thai. Theo tờ “The Independent”, văn bản này ngăn cấm các bang ngưng tài trợ cho những trung tâm kế hoạch hóa gia đình Mỹ. Văn bản sẽ có hiệu lực 2 ngày trước khi tân Tổng thống Donald Trump nhậm chức.

Văn bản quy định: các khoản ngân sách chỉ bị cắt trong trường hợp “có sự thiếu khả năng của các trung tâm đó trong việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng một cách hiệu quả”. Ngân sách đó sẽ giúp những người nghèo có thể trả chi phí ngừa thai, thăm khám, xét nghiệm tầm soát HIV hay ung thư.

Chống lại các thiên đường thuế vụ

Qua một văn bản ngày 13-12, Tổng thống Obama đã củng cố cuộc đấu tranh chống nạn gian lận thuế bằng cách cải thiện sự minh bạch của Mỹ. Ông áp đặt cho chủ sở hữu các công ty cổ đông duy nhất trách nhiệm hữu hạn (LLC) phải đăng ký với sở thuế vụ, điều này là một sự tiến bộ thực sự.

Quy định mới này cũng có tầm mức biểu trưng vì Donald Trump không che giấu việc ông từng sử dụng các thiên đường thuế cho công việc kinh doanh của mình.

Minh Luân (tổng hợp)

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.