Đông Nam Á căng thẳng vì khói bụi

Chủ Nhật, 30/06/2013, 11:00

Việc khói bụi mù mịt từ Indonesia kéo sang bao phủ Singapore và Malaysia trong gần một tuần qua đã khiến quan hệ giữa ba quốc gia châu Á này trở nên căng thẳng. Mấu chốt vấn đề trong việc này là gì và liệu rằng tình trạng này còn lặp lại trong tương lai?

Nạn ô nhiễm tại Singapore do các vụ cháy rừng ở đất nước láng giềng Indonesia gây ra, đã đạt đến mức độ nguy hiểm. Cơ quan chính phủ phụ trách về chất lượng không khí của Singapore cho biết, chỉ số ô nhiễm vào lúc 11 giờ (3 giờ GMT) hôm 21/6 đã lên đến 400, con số kỷ lục cao nhất trong lịch sử. Hiện tượng này "có thể là mối đe dọa cho sự sống của các bệnh nhân và người cao tuổi".

Tất cả chỉ số trên 300 đều được xem là nguy hiểm cho sức khỏe của 5,3 triệu dân Singapore, nơi mà các tòa nhà chọc trời bằng kính và thép của các văn phòng kinh doanh hiện đang chìm trong làn khói mù bốc lên một thứ mùi hăng hắc.

Người dân Singapore, xưa nay vẫn chú trọng vấn đề vệ sinh và rất quan tâm đến sức khỏe cộng đồng, đua nhau đi bác sĩ. Một bác sĩ gia đình cho biết số bệnh nhân đến khám tuần qua tăng 20%, và 80% thân chủ gặp những vấn đề có liên quan đến ô nhiễm.

Trong khi đó, ngày 24/6, Malaysia cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại hai khu vực của tiểu bang Johor ở miền Nam, trong lúc khói từ những đám cháy rừng ở Indonesia làm cho ô nhiễm không khí vượt mức an toàn.

Cứ mỗi năm, vào mùa này, khói mù do cháy rừng tại Indonesia lại bay sang hai nước láng giềng là Singapore và Malaysia gây nên tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề ở những nước này. Tuy nhiên, năm nay tình trạng này được đánh giá là nặng nề nhất, chưa từng có. Chính điều này đã khiến Singapore và Malaysia phản ứng mạnh.

Bộ trưởng Môi trường Singapore Vivian Balakrishnan, hôm 19/6 kêu gọi Indonesia hãy "hành động một cách khẩn cấp và quyết liệt" để giải quyết vấn đề mà theo lời ông, là nạn khói mù tệ hại nhất từ trước tới nay mà nước ông phải đối phó. Thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long, đã quy trách nhiệm cho Indonesia gây ô nhiễm môi trường.

Các tình nguyện viên chuẩn bị mặt nạ mới để cung cấp cho cư dân ở Dumai, Indonesia, ngày 21/6/2013.

Indonesia bênh vực những hành động của họ để ứng phó với các vụ cháy rừng. Bộ trưởng Indonesia Agung Laksono đặc trách về vấn đề phối hợp và giải quyết khói mù lên tiếng chỉ trích Singapore hành xử "như trẻ con và làm ầm ĩ" về chuyện này.

Trước sự phản ứng gay gắt từ các nước láng giềng, ngày 21/6, Indonesia triển khai nhiều máy bay trực thăng để giúp kiềm chế các đám cháy rừng lớn đã gây ra một lớp khói mù dày kỷ lục. Ngoài việc thả bom nước xuống các đám cháy rừng đã vượt khỏi tầm kiểm soát, máy bay chữa cháy cũng được dùng trong mấy ngày tới đây để gây ra những đám mây trong một nỗ lực tuyệt vọng để tạo ra mưa nhằm có thể dập tắt các đám cháy.

Indonesia cũng đã nỗ lực gấp đôi để dập tắt lửa rừng. Trong hội nghị khẩn cấp tối 24/6, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã ra lệnh "huy động ngay lập tức các nguồn lực của đất nước". Do lực lượng cứu hỏa khó thể dập tắt được ngọn lửa vì trung tâm các đám cháy thường từ các vỉa than bùn trong rừng rậm, chính quyền Indonesia đã quyết định dùng đến các biện pháp đặc biệt như làm mưa nhân tạo.

Phát ngôn viên Cơ quan Quốc gia về thiên tai Indonesia, Sutopo Purwo Nugroho cho biết, sáng 24/6 2 trực thăng đã cất cánh để rải chất tạo mưa vào các đám mây phía trên tỉnh Riau. Kỹ thuật này chủ yếu là phun một lượng lớn hóa chất vào mây, kích thích tạo thành những tinh thể đá, để gây ra những trận mưa rào. Chỉ có mưa nhân tạo mới có thể giúp dập tắt những cơn hỏa hoạn đang hoành hành trên mấy trăm hecta rừng. Ngoài ra, chính quyền Jakarta cũng đang cố gắng giáo dục các chủ nhân đồn điền về những giải pháp thay thế cho các phương pháp đốt rừng vẫn được sử dụng từ trước tới nay.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Indonesia Agung Laksono đặc trách về vấn đề phối hợp và giải quyết khói mù cũng nói việc "giải quyết dứt điểm" nạn đốt phá rừng lấy đất canh tác nhưng đồng thời gây ô nhiễm không khí, là trách nhiệm chung, bởi vì nhiều tập đoàn của Singapore đầu tư vào các dự án khai thác dầu cọ tại đảo Sumatra, Indonesia.

Khói mù bao phủ thị trấn Muar ở tây bắc Johor, Malaysia, ngày 22/6/2013.

Theo giới quan sát, câu trả lời cho sự nhập nhằng này là khá đơn giản. Số là, Indonesia và Malaysia sản xuất đến 80% lượng dầu cọ trên thế giới. Thị trường này đang ngày càng mở rộng và hiện tăng bình quân 13% mỗi năm. Việc mở rộng diện tích trồng cọ đã kéo theo nạn đốt phá rừng nghiêm trọng. Các công ty "thủ phạm chính" là những công ty Malaysia và Singapore hoạt động trong lĩnh vực nói trên ở Indonesia.

Cả ba nước do đó không ai muốn giết đi "con gà đẻ trứng vàng" của mình. Và thế là, rừng cháy gây thiệt hại môi trường nhưng lại có lợi về kinh tế. Chả thế mà nhật báo Le Figaro của Pháp nhân dịp này có bài viết mang tựa đề mỉa mai: “Mùa hỏa hoạn nhiều mối lợi”.

Tóm lại khói mù do cháy rừng ở Indonesia vẫn là một căn bệnh trầm kha mà cho tới nay ba nước Đông Nam Á có liên quan chưa tìm ra được phương thuốc chữa trị. Đợt khói mù trầm trọng nhất vào những năm 1997-1998 đã gây nhiều vấn đề về y tế và gây thiệt hại cho nền kinh tế khu vực, do hậu quả của những rối loạn trong kinh doanh và giao thông hàng không.

Suy rộng ra toàn khu vực châu Á, theo các chuyên gia, ô nhiễm không khí đã trở thành một hiểm họa đối với hàng triệu người dân đô thị ở châu Á, đe dọa trẻ em, người già, phụ nữ có thai và những người mắc các bệnh về tim và đường hô hấp.

Các chuyên gia sức khỏe đã chỉ ra hai nguy cơ chính từ ô nhiễm không khí. Một có liên quan tới hạt vật chất (PM) - các hạt bụi đen tạo thành từ nhiên liệu hóa thạch, cháy rừng và đốt nương làm rẫy. Chuyên gia Cathryn Tonne thuộc Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London nhấn mạnh tới những hạt được gọi là PM2.5 - những hạt phân tử có kích cỡ 2,5 micromet hoặc nhỏ hơn, tức là nhỏ hơn sợi tóc người 30 lần. Chủ yếu được tạo thành từ việc đốt than và dầu cho các nhà máy điện, và từ dầu diesel và xăng cho vận tải.

Nguy cơ lớn thứ hai từ ô nhiễm không khí là khí ozone. Ở tầng bình lưu, khí ozone có tác dụng làm tấm chắn quan trọng bảo vệ con người trước ánh nắng mặt trời, song ở mặt đất, nơi nó được tạo ra từ phản ứng giữa các ôxít nitơ trong khói xe và ánh nắng mặt trời thì lại rất nguy hại cho đường hô hấp. Lượng khí ozone ở mặt đất tăng cao đột biến từ lâu đã có liên quan tới bệnh tim và hen suyễn.

Công nhân xây dựng singapore đeo mặt nạ để tránh khói mù trong khi tập thể dục buổi sáng vào lúc bắt đầu ca làm việc

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.