Đồng tiền chung châu Âu: 10 năm một “dự án” dở dang

Chủ Nhật, 11/09/2011, 16:35

Nếu gọi quyết định của Liên minh châu Âu (EU) lấy đồng euro làm đồng tiền chung của khối, thay thế cho các đồng tiền bản địa vào 1/1/1999 và sau đó cho lưu hành tiền mặt euro vào ngày 1/1/2002 là một "dự án" lớn, thì tính đến nay gần đúng 10 năm sau, hầu hết các "tiểu hợp phần" của dự án đó đều không đạt yêu cầu lẫn mục tiêu đề ra. Cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay chính là biểu hiện cụ thể nhất cho sự "thất bại" của dự án.

Trước nguy cơ cuộc khủng hoảng nợ đe dọa làm phá sản đồng euro, lãnh đạo các quốc gia có nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung đã tất tả tìm phương án "giải cứu". Một trong những biện pháp cấp bách mà Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng đưa ra tại cuộc họp ngày 16/8 tại Điện Élysée là 17 quốc gia thành viên khu vực đồng euro kiểm soát chặt chẽ định mức nợ công bằng động thái sửa đổi Hiến pháp để đưa vào điều khoản "hạn chế thâm thủng ngân sách".

Yêu cầu này, cùng với ý tưởng thành lập một "chính phủ kinh tế" toàn châu âu và đánh thuế giao dịch tài chính từng được đón nhận một cách tiêu cực do lãnh đạo Pháp và Đức - 2 nền kinh tế hàng đầu châu âu - đã không nêu rõ ràng giải pháp của họ sẽ được triển khai ra sao. Một số quốc gia thành viên khu vực đồng tiền chung thậm chí còn phản ứng trước yêu cầu sửa đổi Hiến pháp để kiểm soát nợ công, cho rằng đây là một sự áp đặt không công bằng của Đức và Pháp đối với phần còn lại của khu vực đồng tiền chung.

Tuy nhiên, các nước thành viên khu vực đồng euro sẽ phải cân nhắc hành động trong tương lai sau khi Tây Ban Nha - một nền kinh tế mạnh khác của khối đang có nguy cơ bị nợ công đe dọa - đã trở thành nước đầu tiên thực hiện yêu cầu của Pháp và Đức. Hôm 23/8, Đảng Xã hội Tây Ban Nha (PSOE) của Thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero đã đạt được thỏa thuận với đảng đối lập chính, đảng Bình dân (PP), sửa đổi Hiến pháp, đưa vào điều khoản yêu cầu "chính quyền các cấp phải hạn chế mức thâm hụt ngân sách do mình quản lý". 10 ngày sau, hôm 2/9, điều khoản cải cách đó đã được Hạ viện Tây Ban Nha thông qua với 316 phiếu thuận, 5 phiếu chống (còn Thượng viện dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua vào ngày 7/9). Sau đó, một đạo luật riêng cũng sẽ được ban hành trong đó chỉ cho phép chính phủ phát sinh 0,4% nợ công.

Bước đi của Tây Ban Nha là một tín hiệu mạnh về quyết tâm cao của khu vực đồng tiền chung trong nỗ lực "giải cứu" đồng euro - "dự án" lớn của khối. Tuy nhiên, trong tình thế hiện nay, nếu chỉ có Tây Ban Nha sốt sắng đi đầu thì chưa đủ. Họ cho rằng cả khu vực đồng tiền chung đều phải cùng có suy nghĩ và hành động giống như Tây Ban Nha. Đây là vấn đề cực khó hiện nay. Chỉ riêng việc thực hiện yêu cầu hạn định mức nợ công mà Pháp và Đức đưa ra thôi thì cũng đã có nhiều ý kiến không thống nhất trong cả khối.

Chính phủ một số nước còn e ngại việc áp đặt hạn mức này có thể châm ngòi cho những hành động phản đối gay gắt của các tầng lớp xã hội vốn không đồng tình với chính sách thắt lưng buộc bụng chắc chắn sẽ phải áp dụng để đảm bảo thâm hụt ngân sách trong giới hạn cho phép. Ngay ở Tây Ban Nha, ngay từ hôm 2 đảng PSOE và PP đạt thỏa thuận sửa đổi Hiến pháp (không thông qua trưng cầu dân ý), một làn sóng biểu tình do các nghiệp đoàn tổ chức đã nổ ra và dự kiến sẽ kéo dài cho đến sau ngày 7/9 (ngày Thượng viện bỏ phiếu thông qua điều khoản sửa đổi Hiến pháp).

Nhưng khủng hoảng nợ công ở châu âu không chỉ gói gọn trong vấn đề nợ thuần túy. Tính theo tỉ trọng của nền kinh tế thì Pháp và Đức cũng gặp khó khăn không kém các nước đã "lâm nạn" như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ailen,… Đó còn là cuộc "khủng hoảng" về sự thống nhất về kinh tế, xã hội của khối. Khủng hoảng nợ đã làm lộ rõ sự không thống nhất về mô hình xã hội, hệ thống kinh tế mỗi nước trong khu vực đồng tiền chung.

Yếu tố quan trọng nhất bảo đảm đồng euro tồn tại một cách bền vững chính là sự thống nhất về mô hình kinh tế, xã hội, trong đó mọi lĩnh vực thành phần cũng đều phải giống như nhau chứ không phải mỗi nước làm một kiểu như hiện nay. Thế nhưng trong suốt 10 năm qua, châu âu đã thất bại trong việc hòa hợp hệ thống phúc lợi xã hội, thị trường lao động, thuế quan và quan trọng nhất là động lực tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên. Trong khi Đức chấp nhận cắt giảm phúc lợi xã hội để thi hành chính sách quản lý tiền tệ, chi tiêu nghiêm ngặt, đồng thời tự cải tổ nền kinh tế để duy trì sự ổn định và tìm lại đà tăng trưởng mới, thì nhiều nước khác trong khu vực vẫn còn loay hoay theo quan điểm cũ đối với vấn đề tương tự.

Đó là lý do vì sao một người làm công ở Pháp thà chịu thất nghiệp ở Pháp chứ không chịu chuyển sang Đức làm việc, vì mức phúc lợi xã hội ở Pháp cao hơn, tuổi hưu lại thấp hơn (62 so với 67 ở Đức). Kèm theo đó là thái độ chi tiêu của người Pháp cũng phóng khoáng hơn, do đó hàng hóa từ Đức bán sang Pháp nhiều hơn là Pháp bán sang Đức. Hệ quả kế tiếp là tỉ lệ thất nghiệp của Pháp đương nhiên cao hơn Đức (10% so với chỉ 7% của Đức).

Trong khi người dân Đức buộc phải chịu cảnh thắt lưng buộc bụng để duy trì nền kinh tế mạnh, tăng trưởng ổn định, họ lại còn phải "gồng mình" chi các khoản "cứu nợ" khu vực đồng euro mà EU vừa dành cho Hy Lạp, Ailen và Bồ Đào Nha, chả trách người Đức không chấp nhận đề xuất phát hành trái phiếu eurobond, thậm chí còn đòi loại những quốc gia có mô hình kinh tế yếu kém ra khỏi khu vực đồng euro cho "nhẹ bớt" gánh lo.

Giới chuyên gia kinh tế châu âu nhấn mạnh rằng, cách duy nhất để cứu đồng euro khỏi phá sản là châu âu, nhất là trong vực đồng tiền chung, các quốc gia thành viên phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ để khắc phục những bất cập trong mô hình kinh tế xã hội như vừa nêu

An Châu (tổng hợp)
.
.