Dự báo thảm họa thiên nhiên thách thức nhân loại
- Indonesia: Từ thảm họa thiên nhiên đến vụ rơi máy bay lịch sử
- Những thảm họa thiên nhiên khủng khiếp từng xảy ra
Thảm họa sóng thần xảy ra lúc 21h30 ngày 22-12 là một bằng chứng mới nhất cho thấy động đất không còn là nguyên nhân duy nhất gây sóng thần. Hoạt động núi lửa trở thành yếu tố mới gây khó khăn cho các nhà khoa học trong việc đưa ra dự báo.
Bãi biển Anyer, một trong những địa điểm du lịch thu hút khách của Indonesia, đã trở thành bãi rác khổng lồ chỉ sau một đêm khi thảm họa sóng thần bất ngờ ập đến eo biển Sunda, nằm giữa đảo Sumatra và Java. 3 đợt sóng với cấp độ tăng dần xảy ra trong khoảng 15 phút đã cướp đi sinh mạng của 430 người, gần 1.500 người bị thương và 150 người vẫn còn mất tích. Khu vực như eo biển Sunda, gồm các bãi biển nổi tiếng tại Pandeglang, Serang và South Lampung giờ chỉ như bãi chứa phế thải.
Không giống những vụ sóng thần xảy ra sau các trận động đất, thường kích hoạt hệ thống cảnh báo, sóng thần lần này được cho là xảy ra sau vụ phun trào núi lửa. Theo Cơ quan Địa vật lý, Khí tượng học và Khí hậu học Indonesia (BMKG), việc núi lửa Anak Krakatoa phun trào 30 phút trước đó đã gây ra một vụ sạt lở đất ngầm dưới biển, cùng với đợt thủy triều dâng cao thất thường là nguyên nhân dẫn tới thảm họa sóng thần này. Sự sụt lở quá lớn và nhanh khiến cơ quan chức năng không đủ thời gian để kịp kích hoạt hệ thống cảnh báo sớm.
Giới khoa học cũng đưa ra giả thuyết rằng một mảng ở sườn phía nam núi lửa Anak Krakatau của Indonesia đã sụt lún xuống biển chỉ ít phút trước khi xảy ra vụ sóng thần vào tối 22/12 và nhiều khả năng đây là nguyên nhân dẫn tới thảm họa này. Sức tàn phá của sóng thần càng khủng khiếp khi nó xảy ra đúng lúc thủy triều lên cao. Điều này khiến sóng thần cao hơn nhiều so với bình thường.
Cùng với nghiên cứu khoa học, người dân ven biển cho rằng họ đã không thấy và cảm thấy dấu hiệu cảnh báo nào, như động đất hay nước rút dọc bờ biển, trước khi cột sóng cao tới 3m xuất hiện và ập vào bờ. Điều này càng củng cố cho nguyên nhân dẫn tới vụ sóng thần là do núi lửa, chứ không phải do động đất. Ông Jose Borrero, chuyên gia về thảm họa sóng thần tại eCoast Marine Consulting, cho hay vụ sóng thần do núi lửa sụt lún có dấu hiệu đặc trưng, khác biệt so với sóng thần do động đất. Điều này được thể hiện qua tốc độ cũng như khối lượng đất trôi xuống lòng biển cũng như độ sâu mà lớp đất đá rơi xuống.
Núi lửa Anak Krakatoa hoạt động trở lại từ tháng 6 với nhiều đợt phun trào. |
Cơ quan giảm nhẹ thiên tai núi lửa và địa chất Indonesia buộc nâng mức cảnh báo về hoạt động của núi lửa Anak Krakatau ở eo biển Sunda giữa các đảo Java và Sumatra lên cấp 3, cấp độ cao thứ hai trong thang cảnh báo, đồng thời khuyến cáo người dân và khách du lịch không được đi vào khu vực bán kính 5 km xung quanh núi lửa.
Theo giới chuyên gia, núi lửa Anak Krakatoa, nằm ở eo biển Sunda giữa các đảo Java và Sumatra, gần khu vực đông dân cư. Vậy nên ngay cả khi sóng thần nhỏ, mức hiệt hại về người và tài sản cho cộng đồng dân cư ven biển là rất lớn, đặc biệt khi cơ quan chức năng không thể đưa ra cảnh báo sớm.
Trong bối cảnh nguy cơ về các thảm họa sóng thần mới tại eo biển Sunda vẫn ở mức cao do núi lửa Anak Krakatoa đang trong giai đoạn "thức giấc", có thể kéo theo các đợt sạt lở ngầm trong lòng biển, các cơ quan chức năng Indonesia được yêu cầu cần phải có các cuộc khảo sát sóng âm để lập được bản đồ đáy biển khu vực gần núi lửa, nhằm đưa ra những cảnh báo sớm nhất có thể.
Cho đến nay, Indonesia mới vận hành hệ thống cảnh báo sớm sóng thần do động đất gây ra, trong khi hệ thống cảnh báo đối với những trường hợp sóng thần do núi lửa phun trào gây ra lại chưa được tính đến. Đó là chưa kể, mạng lưới phao cảnh báo sóng thần của nước này đã không còn hoạt động từ năm 2012 do tình trạng phá hoại trên biển và thiếu ngân sách bảo trì.
Có lẽ không ai có thể ngờ rằng vụ phun trào núi lửa Anak Krakatoa hôm 22-12 có thể gây ra lở đất dưới đáy biển và kích hoạt sóng thần. Bởi lẽ trước đó Anak Krakatoa đã có hai đợt phun trào vào tháng 10 và tháng 11, với hoạt động địa chất khi đó đều mạnh và kéo dài hơn mà không có chuyện nghiêm trọng nào xảy ra. Nhưng lần này lại khác.
Đất nước có 127 ngọn núi lửa đang trong trạng thái hoạt động, chiếm 13% núi lửa đang hoạt động trên toàn thế giới", đã đến lúc cần phát triển thêm hệ thống cảnh báo sớm đối với những đợt địa chấn núi lửa trong tương lai.
Chỉ trong năm 2018, Indonesia đã gặp liên tiếp những thảm họa thiên tai nghiêm trọng, đặt đất nước này và cả những nhà khoa học quan tâm vào bài toán đòi hỏi lời giải cho sự an toàn và phòng chống thiên tai nói chung. Ngày 19-2, ngọn núi lửa Sinabung trên đảo Sumatra của Indonesia đã phun trào dữ dội với các cột khói cao tới 5.000 mét cùng nhiều đám mây khói bụi nóng tỏa ra xung quanh. Đây là đợt phun trào lớn nhất trong 8 năm qua của núi lửa Sinabung.
Ngày 29-6, tro bụi độc hại trên núi lửa Agung đã buộc sân bay quốc tế Ngurah Rai tại đảo nghỉ dưỡng Bali phải đóng cửa. Núi lửa Agung phun trào những cột tro bụi cao 2.000m. Ngày 29-7, trận động đất có độ mạnh 6,4 đã xảy ra tại đảo du lịch nổi tiếng Lombok của Indonesia làm 17 người chết, hơn 400 người bị thương, 20.000 người phải di dời khỏi nơi ở.
Ngày 5-8, chỉ sau đúng 1 tuần, một trận động đất mạnh 7 độ Richter xảy ra ở Lombok khiến hơn 400 người thiệt mạng. Trận động đất mạnh trên đã san bằng hàng chục nghìn ngôi nhà, đền thờ Hồi giáo và cửa hàng tại Lombok. Ngày 29-9, một trận động đất mạnh 7,5 độ Richter và sóng thần cao từ 3 đến 6 mét đã xảy ra tại đảo Sulawesi, Indonesia, cướp đi sinh mạng của gần 2.100 người, khoảng 5.000 người mất tích, 90.000 người phải di dời do mất nhà cửa.
Và ngày 22-12, hơn 1.000 người thương vong khi sóng thần ập vào các bờ biển xung quanh eo biển Sunda. Con số thiệt hại còn có thể tiếp tục tăng lên. Tổng thống Indonesia Joko Widodo yêu cầu tất cả cơ quan hữu quan phản ứng khẩn cấp để ứng phó với thảm họa.