Kết cục vụ kiện phân biệt đối xử công dân hai miền Đông - Tây nước Đức

Thứ Ba, 05/07/2016, 21:15
Phán quyết mới đây của Tòa án Lao động thành phố Stuttgart đã làm dấy lên một làn sóng phản đối khắp nước Đức, nhất là tại những vùng thuộc phía đông bởi giới chức tư pháp đã bác yêu cầu của một nữ nạn nhân bị phân biệt đối xử.

Câu chuyện khởi sự hồi giữa tháng 10-2015, khi nguyên đơn 48 tuổi Gabriela S. chính thức khởi kiện công ty từ chối tiếp nhận lao động, cho dù đương sự hoàn toàn đáp ứng nhu cầu tuyển dụng; đồng thời đòi bồi thường số tiền tương xứng với công sức và thời gian đã bỏ ra.

Bằng chứng cụ thể mà bà Gabriela trưng ra trước tòa là tờ đơn xin việc bị trả lại, đi kèm sự từ chối là hàng chữ ghi trên góc đơn đậm chất phân biệt đối xử. Nguyên nhân chính do Gabriela S. sinh trưởng tại Đông Đức (CHDC Đức trước đây) nên trở thành nạn nhân của sự kỳ thị vùng miền, thứ quan niệm lệch lạc cho dù nước Đức đã tái thống nhất 1/4 thế kỷ nay.

Nguyên đơn Gabriela S. thảo luận cùng luật sư W. Nau (áo trắng).

Chính kiến của đại diện tòa tranh chấp lao động cho rằng người Đông Đức chưa bao giờ được coi là một sắc dân thiểu số hay bộ lạc, nên không thể bị người văn minh phân biệt đối xử (!). Trong thực tế tuy sinh ra ở phần phía đông đất nước, nhưng Gabriela S. đã sống tại Stuttgart (thuộc CHLB Đức cũ) từ năm 1988, nghĩa là trước thời điểm nước Đức thống nhất hàng năm trời.

Mùa hè năm 2015 bà đọc thấy thông tin tuyển nhân viên kế toán từ một công ty địa phương chuyên sản xuất cửa sổ, Gabriela liền nộp đơn kèm chứng chỉ kế toán viên lâu năm. Nhưng cuối cùng người phụ trách tuyển dụng của công ty đã khước từ lá đơn xin việc này mà không một lời giải thích, thậm chí người ta còn viết thêm một câu đầy miệt thị khẳng định đương sự bị loại.

Dòng chữ miệt thị phê vào đơn xin việc.

Theo luật sư Wolfgang Nau biện hộ cho phía nguyên đơn, thì chữ "ossi" ghi trên góc trái là tiếng lóng có gốc từ chữ "ost" (phía đông theo Đức ngữ), y như với chữ "wessi" là từ "west" (phía tây) vậy. Nhưng điều đáng phê phán ở đây là dấu trừ trong vòng tròn đi trước tiếng lóng, ám chỉ người phía đông thuộc dạng công dân hạng 2 cần phải… loại trừ(!?). Bằng chứng của sự phân biệt đối xử thể hiện ở chính điểm này.

Công ty tuyển dụng đã vi phạm thô bạo điều luật nghiêm cấm sự kỳ thị màu da hay cội nguồn sắc tộc, cản trở khả năng phát triển nghề nghiệp của mỗi cá nhân. Ngay cả Hiến pháp CHLB Đức cũng quy định rõ rằng công dân không bị phân biệt đối xử về chủng tộc, ngôn ngữ, giới tính, cũng như nơi chào đời.

"Đằng này "ám hiệu" viết trên tờ đơn muốn khẳng định nơi sinh của người xin việc, đồng nghĩa với sự kỳ thị vùng miền tuy không đề cập công khai, nhưng vẫn âm ỉ tồn tại lâu nay kể từ ngày thống nhất đất nước cho dù 26 năm đã trôi qua", luật sư W. Nau nhấn mạnh.

Tài xế Đức gắn biển hiệu xe giễu cợt về vùng đất "tụt hậu".

Được biết ngoài đơn kiện về sự phân biệt đối xử ra, nguyên đơn Gabriela S. còn đòi bị đơn là công ty sản xuất cửa sổ phải bồi thường 4.800 euro về những thiệt hại không đáng có.

"Đây là mức thu nhập bình quân trong vòng 3 tháng ở Đức - luật sư W. Nau giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tranh chấp lao động cho biết - Hay nói khác đi là số tiền tối thiểu để duy trì một mức sống bình thường". Nhưng ngay cả khoản hiện kim đền bù này cũng bị giới chức tư pháp cự tuyệt thẳng thừng, tuy viên thẩm phán phụ trách vụ kiện thừa nhận phạm trù "ossi" là một biểu hiện tiêu cực cần lên án.

Phán quyết bất công của Tòa Lao động Stuttgart đối với nữ công dân Gabriela S. một lần nữa thể hiện thứ "rào cản vô hình", vẫn tồn tại dai dẳng mang tính phân biệt giữa 2 miền nước Đức.

Nhân kết cục vụ kiện tạo sự phẫn nộ lan truyền trong công chúng, nhiều nhật báo lớn đã đăng bài đòi Chính phủ Đức phải có hành động quyết liệt chống lại tệ phân biệt đối xử mà người vùng phía đông đang phải gánh chịu. Còn giới chuyên gia am hiểu lên tiếng cảnh báo nếu không có những biện pháp hữu hiệu tức thì, e rằng hố sâu ngăn cách giữa Đông và Tây Đức có thể ngày càng thêm trầm trọng.

Xuân Hiếu (theo Der Spiegel)
.
.