Sự kiện tranh biếm hoạ về đấng tiên tri Muhammad:

Đừng đùa với lửa!

Thứ Tư, 08/02/2006, 16:22
Thật mạo hiểm, nói đúng hơn là thiếu thận trọng, khi một tờ báo Đan Mạch vẽ biếm đấng tiên tri Hồi giáo Muhammad, khiến làn sóng phẫn nộ kinh khủng bùng nổ nhiều nơi trên thế giới với những vụ tấn công Sứ quán Đan Mạch.

Truyền hình CNN tối 5/2/2006 đã cho thấy không khí căng thẳng cao độ như thế nào khi thành phần Hồi giáo quá khích tấn công dữ dội và đốt cháy một cơ quan Đan Mạch cũng như đốt phá khu người Công giáo tại Beirut.

Chính phủ Copenhagen đã ra lệnh tất cả người Đan Mạch lập tức rời Liban. Bộ trưởng Nội vụ Liban, Hassan Sabei, đã đệ đơn từ chức vào ngày 4/2/2006 trong sự bất lực ngăn chặn cơn sóng bạo lực...

Toàn bộ sự việc là cái giá phải trả (quá đắt) khi tờ báo Đan Mạch Jyllands-Posten vẽ 12 tranh biếm đấng tiên tri Muhammad trong đó có bức miêu tả đấng tiên tri đội khăn trùm hình quả bom với ngòi nổ đang cháy (đăng trên số báo 30/9/2005). Diễn biến sự việc sau đó bắt đầu leo thang. Ngày 20/10/2005, các đại sứ Hồi giáo than phiền với thủ tướng Đan Mạch.

Từ đầu năm 2006, một loạt tờ báo châu Âu bắt đầu từ Na Uy, rồi Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Hà Lan đăng lại bức biếm đấng tiên tri Muhammad... Và cuối cùng cơn sóng phản kháng diễn ra đầu tiên tại Pakistan rồi Indonesia (quốc gia đông dân Hồi giáo nhất thế giới), khi 150 thành viên Mặt trận Những người bảo vệ Hồi giáo ùn ùn kéo đến Tòa đại sứ Đan Mạch tại Jakarta. “Hãy cắt cổ tên đại sứ Đan Mạch!” - tấm băngrôn phản kháng ghi. “Chúng ta sẵn sàng cho thánh chiến!” - đoàn người biểu tình la ó.

Bất chấp lời xin lỗi của Thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen, cơn thịnh nộ tiếp tục lan rộng. Syria và Saudi Arabia rút đại sứ khỏi Đan Mạch và Libya cũng đóng cửa sứ quán tại nước này. Theo Hadith (những lời dạy của đấng tiên tri), tất cả hình ảnh về Đấng tiên tri Muhammad đều bị cấm tuyệt đối. Như nhận xét của nhiều nhà lãnh đạo quốc gia các nước Hồi giáo, vấn đề đã vượt quá sự tự do thông tin khi Jyllands-Posten đụng đến tín ngưỡng tôn giáo (Tổng thống Pakistan phát biểu: “Tôi cảm thấy bị tổn thương, bị xúc phạm và thật sự giận dữ”). Tháng 11/2005, một số thành phần Hồi giáo quá khích đã tuyên án tử hình các tác giả tranh biếm của Jyllands-Posten. Nhiều tòa soạn báo phương Tây ở Pakistan liên tục bị tấn công...

Sự việc chuyển sang mức độ thể hiện rộng hơn khi hàng hóa Đan Mạch bị tẩy chay. Khắp Trung Đông, sản phẩm sữa Đan Mạch bị hủy bỏ tại ít nhất 50.000 cửa hàng. Cờ Đan Mạch bị đốt trong những cuộc biểu tình nghiêm trọng và thậm chí nhân viên Tổ chức Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch phải rút khỏi Yemen và dải Gaza. Có thể thấy mức độ nhạy cảm sự kiện như thế nào khi tờ France Soir bất ngờ sa thải thư ký tòa soạn Jacques LeFranc bởi cho đăng lại tranh biếm từ Jyllands-Posten. Trong khi đó, vấn đề Hồi giáo đối với châu Âu ngày càng trở thành yếu tố mang tính chính trị đậm hơn so với ranh giới bản chất tôn giáo. Năm 2004, một kẻ Hồi giáo quá khích đã giết chết nhà làm phim Hà Lan Theo Van Gogh khi ông thể hiện Hồi giáo dưới góc nhìn “phi Hồi giáo”.

Liên quan sự việc Jyllands-Posten, Tổng thư ký LHQ Kofi Annan thậm chí cũng thận trọng xoa dịu khi nói rằng báo chí phải tôn trọng tôn giáo. Nói riêng ở lĩnh vực báo chí, tính tự do thông tin dù ở đâu cũng luôn nằm trong khuôn khổ chừng mực nhất định. Năm 2005, tuần báo Mỹ Newsweek từng rơi vào tình huống gần tương tự khi đăng tin về một số viên chức thẩm cung tại nhà tù Guantanamo có những hành vi báng bổ và thiếu tôn trọng Kinh Koran. Và chuyện chữ nghĩa liên can Hồi giáo còn một sự kiện không thể quên hồi năm 1988 khi Hồi giáo tuyên án tử đối với tiểu thuyết gia Salman Rushdie về quyển "Những vần thơ của quỷ".

Sự kiện Jyllands-Posten thật ra là bi kịch của cái gọi là “con dại cái mang”. Đan Mạch chẳng hề liên can đến sự báng bổ hay đụng chạm đến đấng tiên tri Muhammad, nhưng việc tháo gỡ vấn đề đang gây khổ sở cho Chính phủ Copenhagen. Từ sau vụ khủng bố nước Mỹ 11/9/2001, Hồi giáo là chủ đề thường trực đối với hoạt động chính trị phương Tây. Tất nhiên, châu Âu không ngoại trừ. Cần nhắc lại, có khoảng 15-20 triệu người Hồi giáo đang sống tại châu Âu, chiếm 4-5% dân số. Pháp là nước đông dân Hồi giáo nhất châu Âu, chiếm 7-10% dân số; tiếp theo là Hà Lan, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Anh và Italia. Theo tốc độ nhập cư và tỉ lệ sinh hiện tại, cộng đồng Hồi giáo châu Âu có thể tăng gấp đôi vào trước năm 2025. Vấn đề Hồi giáo nói riêng và chính sách nhập cư nói chung luôn là chủ đề thời sự.

Năm 2002, chính trị gia Hà Lan Pim Fortuyn bị ám sát chết bởi ông chủ trương hạn chế nhập cư. Tại Pháp, cộng đồng Hồi giáo đã xuống đường khi Chính phủ Paris cấm đội khăn choàng (Hồi giáo) trong học đường... Đụng đến Hồi giáo là việc làm có thể gây hậu quả khôn lường và vụ Jyllands-Posten là một bài học nữa cho giới báo chí đối với khái niệm tự do báo chí “thành văn” lẫn “bất thành văn” trong hoạt động nghề nghiệp, cho dù ở môi trường tự do thông tin cỡ nào!

M. Kim
.
.