Dùng tiền quà biếu để làm từ thiện: Có vi phạm hay không?

Thứ Năm, 15/05/2008, 09:15
Ông Trần Văn Truyền, Tổng thanh tra Chính phủ khẳng định: "Chính phủ đã có quy định về việc nhận quà tặng và trả lại quà tặng. Nếu ai đã không trả lại quà tặng mà cứ đưa vào quỹ thì tôi cho là sai. Nói chung, phải hiểu quà tặng trong những quan hệ anh em bình thường thì pháp luật không cấm..."

Những ngày qua, dư luận cả nước xôn xao trước hai vụ việc, tuy khác nhau về tình tiết nhưng có vẻ giống nhau về bản chất. Chuyện thứ nhất là ông Võ Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau - nộp lại số tiền 100 triệu đồng của một ai đó đã đưa đến cho người nhà ông. Chuyện thứ hai là của ông Lô Ích Giang - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng -  dùng hàng trăm triệu đồng tiền quà biếu để làm từ thiện.

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về hai vụ việc này, Chuyên đề ANTG tổng hợp ý kiến của một số đồng chí cán bộ cấp cao có trách nhiệm thuộc các cơ quan chức năng trả lời phỏng vấn đăng trên một số báo chí trong những ngày qua.

Vụ 100 triệu đồng ở Cà Mau: sẽ xử lý theo điều lệ Đảng

Trong cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy bất thường ngày 8 và 9/4 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau - ông Võ Thanh Bình - đã đưa ra gói tiền 100 triệu đồng, nói là tiền chạy chức, chạy quyền của cấp dưới gửi cho người nhà ông Bình. Số tiền này được gói trong giấy báo và được lái xe của ông Bình mang đến cuộc họp, sau đó đã được tạm giữ tại Văn phòng Tỉnh ủy.

Còn trong bản giải trình, gửi Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng, đồng chí Bình tường thuật việc này chi tiết hơn.

Theo đó,  ngày 7/4/2008, đi làm về đến nhà thì vợ đồng chí cho biết, có vợ một cán bộ đến nhà đưa cho bà một bọc tiền với lý do giúp vợ chồng đồng chí Bình xây nhà cho con; vợ đồng chí Bình đã nhiều lần gọi điện yêu cầu người biếu tiền đến nhận lại, nhưng không được nên đồng chí đã mang đến cuộc họp Ban Thường vụ tỉnh ủy để nộp; số tiền đó là 100 triệu đồng.

Cũng cần phải nói thêm rằng, số tiền ấy được đưa đến cho người nhà ông Bình đúng vào thời điểm tỉnh Cà Mau đang thực hiện việc sáp nhập một số sở, ngành theo chỉ đạo của Trung ương, nhiều vị trí lãnh đạo đang được bàn bạc, chuẩn bị bố trí nhân sự.

Nhiều người có mặt tại cuộc họp trên ngay lúc đó đã chất vấn ông Bình rằng ai là người đã đưa gói tiền này đến và đề nghị ông Bình phải công khai danh tính người đó.

Tuy nhiên, ông Bình từ chối không tiết lộ và cho đến thời điểm này, công chúng vẫn chưa biết người đó là ai, đưa tiền nhằm chạy chức vụ gì ở tỉnh Cà Mau. Và dư luận cho rằng, đây là một câu chuyện khó hiểu.

Ngày 23/4, bên lề phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trả lời báo chí về vụ việc này, ông Trần Văn Tuấn – Bộ trưởng Bộ Nội vụ – cho biết: “Với trách nhiệm của Bộ Nội vụ, chúng tôi sẽ cử cán bộ làm rõ việc này và sẽ thông báo sau”.

Về việc vì sao ông Võ Thanh Bình không công khai danh tính người đã đưa hối lộ, không cho biết người đó đưa hối lộ để làm gì và tại sao ông Bình lại không lập biên bản, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn nhận định: “Tôi nghĩ có thể báo chí chưa có điều kiện tiếp cận với ông Bí thư Tỉnh ủy nên có thể thông tin chưa đầy đủ, còn với trách nhiệm của Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí ấy sẽ làm rõ việc đó.

Tôi có trách nhiệm làm việc lại để nghe đồng chí Bình báo cáo cụ thể. Tôi chắc rằng đồng chí ấy có quan điểm về cách giải quyết ấy. Tôi cũng chưa biết đồng chí Bình đã thực hiện như thế nào nên cũng chưa có đủ điều kiện để nói đúng hay không đúng. Trong quá trình chúng tôi xem xét, việc cụ thể đó sẽ được báo cáo lại”.

Một góc thành phố Cà Mau.

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cũng cho biết, sau khi thẩm tra, Bộ Nội vụ sẽ có ý kiến với Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng. Bộ Nội vụ cũng sẽ xem xét lại chuyện bổ nhiệm cán bộ ở tỉnh Cà Mau. Khi làm, Bộ làm theo chức năng nhiệm vụ của mình, những vấn đề liên quan đến việc thực hiện Nghị định 13, 14 về tổ chức cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện thì sẽ xem xét. Đi liền với thông tin về một việc thì ta sẽ nghe chung, xem xét cả việc bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm.

Về vụ việc này, cùng với Bộ Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng cũng đã vào cuộc. Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm thường trực  Ủy ban Kiểm tra trung ương cho biết:

Qua nắm tình hình, cùng với việc Ủy ban Kiểm tra trung ương đã nhận được nhiều đơn thư phản ánh, ngày 14/4/2008, Thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương đã họp để nghe báo cáo của lãnh đạo Vụ VII về tình hình tỉnh Cà Mau.

Ngày 18/4/2008, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phối hợp với Ban Tổ chức trung ương thành lập Đoàn kiểm tra, phân công ủy viên Ủy ban Kiểm tra trung ương trực tiếp phụ trách kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với đồng chí Võ Thanh Bình.

Theo đó, Ủy ban Kiểm tra trung ương yêu cầu Đoàn kiểm tra làm rõ: Trách nhiệm cá nhân đồng chí Võ Thanh Bình trong việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác bố trí, sắp xếp, xử lý cán bộ; việc lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật (Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án) trong việc điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án trọng điểm xảy ra tại tỉnh.

Để tiếp tục làm rõ hơn nữa hai nội dung kiểm tra đối với đồng chí Võ Thanh Bình như đã nêu trên, ngày 29/4/2008, Ủy ban Kiểm tra trung ương có công văn yêu cầu đồng chí đó báo cáo đầy đủ danh sách và số tiền (nếu có) của những người đã đưa cho gia đình đồng chí như đã thông báo tại phiên họp Ban Thường vụ tỉnh ủy ngày 8 và 9/4/2008.

Đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau, Thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương yêu cầu: Trong lúc đang tiến hành kiểm tra đồng chí Võ Thanh Bình thì tạm dừng việc bố trí, sắp xếp cán bộ theo Kết luận số 37- KL/TU, ngày 12/4/2008 của Ban Thường vụ tỉnh ủy liên quan đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông Vận tải, Ban Dân tộc, Tòa án nhân dân tỉnh và các đồng chí liên quan việc dùng tiền chạy chức, các đồng chí được quyết định giải quyết theo Nghị định 132 của Thủ tướng Chính phủ cho đến khi có Thông báo kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương.--PageBreak--

Có thể khẳng định, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã tiến hành các bước kiểm tra một cách chủ động, tích cực, khách quan và đúng quy trình khi phát hiện đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Võ Thanh Bình có dấu hiệu vi phạm.

Ngày 5/5/2008, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã nhận được báo cáo giải trình của đồng chí Võ Thanh Bình về việc bố trí, sắp xếp cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy quản lý theo Nghị định 13 và 14 của Chính phủ.

Báo cáo giải trình của đồng chí Võ Thanh Bình là một kênh thông tin. Ủy ban Kiểm tra trung ương đang chỉ đạo Đoàn kiểm tra tiếp tục thu thập, nghiên cứu tài liệu và làm việc với các tổ chức, cá nhân có liên quan, với tinh thần rất khẩn trương, thận trọng để hoàn thành báo cáo kết quả thẩm tra xác minh một cách chính xác, khách quan.

Sau khi kiểm tra, kết luận, tùy theo mức độ vi phạm, tính chất tác hại sẽ xử lý theo quy định của Điều lệ Đảng.

Dùng tiền quà biếu để làm từ thiện: Có vi phạm hay không?

Ông Lô Ích Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, có thể coi là người làm một việc chưa từng có trong quá khứ. Đó là công khai số tiền được tặng biếu, để Văn phòng UBND tỉnh kiểm đếm, đưa vào quỹ làm công tác xã hội từ thiện.

Tổng số tiền phong bì của các cá nhân và tập thể biếu qua Văn phòng nộp công khai vào quỹ trong năm 2006 gồm 61.116.000 đồng, 6.328 USD và 2 cây vàng; năm 2007 là 461.500.000 đồng, 62.800 USD.

Riêng 3 tháng đầu năm 2008 là 466.500.000 đồng, 9.000 USD. Riêng năm 2007 tổng số tiền chi là 474.232.000 đồng để hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa xã, Quỹ Khuyến học, mua máy tính cho Đồn biên phòng Sóc Hà, giúp trẻ mồ côi...

Từ đầu năm đến nay, Văn phòng UBND tỉnh đã chi 285 triệu đồng, giúp xây nhà văn hóa người Mông ở xã Phi Hải, huyện Quảng Uyên; thưởng cho Công ty Giống cây trồng, bồi dưỡng lái xe Văn phòng UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND tỉnh dịp tết, giúp hộ nghèo của Công ty Môi trường đô thị...

Trừ các khoản đã chi công khai cho công tác từ thiện thì số tiền hiện chưa sử dụng ở trong quỹ là 256.884.000 đồng, 46.328 USD, 10.000 nhân dân tệ và 2 cây vàng. Ông Giang rất tự tin cho rằng, trong số tiền quà biếu trên, không có khoản nào biếu với mục đích chạy chức, chạy quyền. Theo ông Giang thì số tiền và quà trên đa số là các doanh nghiệp tặng.

Năm 2006, Văn phòng UBND tỉnh đã thống kê có 25 doanh nghiệp, đơn vị tặng; năm 2007 có 23 đơn vị, tổ chức tặng và 3 tháng đầu năm 2008 có 40 đơn vị tặng quà. Mục đích chính là doanh nghiệp muốn cảm ơn tỉnh giúp đỡ để triển khai dự án. Một số doanh nghiệp như Tập đoàn An Viên (Hà Nội) không tặng cho cá nhân mà chỉ nhờ Chủ tịch tỉnh trao quà cho đồng bào vùng sâu, vùng xa họ không thể đến được...

Cũng cần phải nói thêm rằng, đối với ông Lô Ích Giang thì việc công khai và trả lại tiền được biếu, tặng này không có gì mới. Ông nói rằng, từ hồi còn ở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng, ông cũng đã chỉ đạo thực hiện như vậy. Sau khi sang UBND tỉnh từ năm 2004 đến nay, năm nào UBND tỉnh cũng tiến hành việc công khai này.

Tuy nhiên, hiện đang có những cách nhìn khác nhau về sự kiện này. Ông Nguyễn Việt Thành, Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng cho rằng, lãnh đạo các địa phương không nên nhận tiền biếu này rồi dùng cho các hoạt động, ngay cả đó là hoạt động từ thiện, vì cộng đồng. Nếu đó là quà tặng phải xem quà tặng đó cụ thể của ai.

Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương cho biết:

“Qua nghe báo cáo nắm tình hình về vụ việc này, Thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương vừa có công văn yêu cầu đồng chí Lô Ích Giang báo cáo giải trình về việc nhận, quản lý và sử dụng số quà biếu từ khi đồng chí làm Chủ tịch UBND tỉnh đến nay.

Chúng tôi đã yêu cầu đồng chí gửi báo cáo giải trình về Ủy ban Kiểm tra trung ương trước ngày 10/5/2008. Trên cơ sở báo cáo giải trình của đồng chí Lô Ích Giang, chúng tôi sẽ có những bước kiểm tra thích hợp”.

Còn theo ông Trần Văn Truyền, Tổng thanh tra Chính phủ thì vụ việc này ông mới chỉ xem thông tin trên báo, chưa có thanh tra, kiểm tra, chưa thể bình luận được.

Tuy nhiên, ông khẳng định: "Chính phủ đã có quy định về việc nhận quà tặng và trả lại quà tặng. Nếu ai đã không trả lại quà tặng mà cứ đưa vào quỹ thì tôi cho là sai. Nói chung, phải hiểu quà tặng trong những quan hệ anh em bình thường thì pháp luật không cấm.

Ví dụ như trong các dịp lễ, tết thì thường thường người ta cũng hay có quà tặng, nhưng bây giờ trong quan hệ quà tặng cũng có những biểu hiện tranh thủ tình cảm để vụ lợi. Cho nên trong quy chế quy định về nhận quà tặng và trả lại quà tặng, có quy định trường hợp nào được nhận, trường hợp nào không được nhận phải trả lại, trả lại ở đâu.

Thế nhưng, thường thì xử lý việc này chưa đúng. Khi không nhận, người ta trả lại, hoặc có thể người ta nhận, người ta lại mang về đưa vào cơ quan, sau này báo cáo chỗ này, chỗ kia, gây thêm phức tạp.

Đã không nhận thì từ chối thẳng thừng, còn đã nhận thì phải xem mình nhận đúng hay sai, nhận sai rồi phải có cách sửa hợp lý, hợp pháp. Không thể có kiểu nhận rồi sau này dùng tiền này làm từ thiện, chính sách xã hội...”.

Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết thêm, việc ở Cao Bằng, các cơ quan chức năng cũng đang yêu cầu phải báo cáo lại sự việc. Thanh tra Chính phủ chưa làm chuyện này vì đây không phải là trường hợp tố cáo, mà đây là trường hợp các thông tin người ta đưa ra công luận thì cơ quan nào có chức năng quản lý cán bộ đó phải làm rõ và bản thân người trong cuộc cũng tự nhận thấy cái sai để sửa, công khai trước công luận

PV (tổng hợp)
.
.