Đừng ỷ thế mạnh làm bừa, nói bửa

Thứ Ba, 07/06/2011, 17:45

Theo TTXVN, hồi 5h58’ ngày 26/5 vừa qua, 3 tàu Hải giám số 72, 17 và 84 của Trung Quốc đã cản trở hoạt động và cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, khi tàu Bình Minh 02 đang tiến hành khảo sát tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam.

Vị trí cáp bị cắt được xác định ở tọa độ 12o48'25" Bắc và 111o26'48" Đông, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Việc các tàu của Trung Quốc vi phạm lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đe dọa, bắt giữ, thậm chí đâm hỏng tàu đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam vẫn thường xảy ra lâu nay, bất chấp sự phản đối của Việt Nam, kể cả qua các kênh chính thức. Tuy nhiên, việc 3 tàu Hải giám của Trung Quốc cùng một lúc uy hiếp, cản trở hoạt động  và phá hoại thiết bị của một tàu thăm dò thuộc một tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước Việt Nam đang hoạt động trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam là sự việc hiếm có.

Ngày 27/5, khi đưa tin về sự kiện này, Đài BBC cũng nhận xét: "Đây là một trong những lần hiếm hoi tàu Trung Quốc vào sâu trong lãnh hải Việt Nam và có hành động mạnh bạo như vậy". Đài này còn nói thêm rằng trong quá khứ, Việt Nam từng cáo buộc tàu tuần ngư và tàu cá Trung Quốc vi phạm lãnh hải Việt Nam, nhưng sự kiện hôm 26/5 "dường như vượt xa mức độ vi phạm của các lần trước".

Hành động  nói trên của các tàu Hải giám Trung Quốc rõ ràng là có chủ ý mà người ta cho là nhằm đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở một vùng biển không phải là của họ, đồng thời bắn đi tín hiệu cảnh báo kiểu "rung cây dọa khỉ" đối với các tập đoàn dầu khí nước ngoài hợp tác với Việt Nam trong hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở biển Đông.

Đây là sự vi phạm ngang nhiên và nghiêm trọng đối với quyền chủ quyền của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam,  vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, đi ngược lại tinh thần và lời văn trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông mà Trung Quốc đã ký với các nước ASEAN ngày 4/11/2002. Việc làm này cũng trái với nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc về việc không làm phức tạp thêm tình hình biển Đông.

Hành động hết sức ngang ngược hôm 26/5 của các tàu Hải giám Trung Quốc cũng đã gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, làm gián đoạn hoạt động thăm dò bình thường của tập đoàn này tại khu vực nói trên.

Không chỉ như vậy, trong khi vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cản trở hoạt động và phá hoại thiết bị thăm dò của tàu Bình Minh 02, các tàu Hải giám của Trung Quốc còn vu cáo tàu Bình Minh 02 "vi phạm chủ quyền" của Trung Quốc.

Đây không phải là lần đầu tiên tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tiến hành các hoạt động khảo sát ở khu vực nói trên. Năm 2010, tàu Bình Minh 02 đã tiến hành khảo sát đợt một tại đây và đợt hai được thực hiện từ ngày 17/3/2011 cho đến nay. Các lô 125, 126, 148 và 149 mà tàu Bình Minh 02 tiến hành thăm dò đều nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Sau khi uy hiếp, cản trở hoạt động và cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02, cả 3 tàu Hải giám số 72, 17 và 84 Trung Quốc đều đã biến khỏi khu vực hoạt động của tàu Bình Minh 02. Còn tàu Bình Minh 02, sau khi sửa chữa thiết bị tại chỗ, đã  hoạt động trở lại tại khu vực nói trên kể từ 6 giờ ngày 27/5.

Tàu hải giám Trung Quốc (China Marine Surveillance) được phát hiện lúc 5h sáng ngày 26/5. Ảnh: VnExpress.

Thực tế trên cho thấy việc các tàu Hải giám Trung Quốc lu loa rằng tàu Bình Minh 02 "vi phạm chủ quyền" của Trung Quốc là không có cơ sở. Đó chỉ là sự  ngụy biện vụng về cho hành động ngang ngược của họ.

Đã vậy, ngày 28/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại nói một cách thiếu căn cứ, nếu không nói là nói lấy được, rằng "việc phía Việt Nam tiến hành hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng biển do Trung Quốc quản lý đã làm tổn hại lợi ích và quyền quản lý của Trung Quốc ở "Nam Hải", đi ngược lại nhận thức chung của hai nước về vấn đề "Nam Hải"…", và  rằng "hành động mà cơ quan chủ quản của phía Trung Quốc áp dụng hoàn toàn là hoạt động giám sát và chấp pháp trên biển trong vùng biển do Trung Quốc quản lý".

Cũng là ngụy biện, nhưng trắng trợn hơn.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta tất nhiên đã bác bỏ phát biểu nói trên của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Dư luận không lạ trước cách thức mà phía Trung Quốc hành động và phát ngôn như kể trên. Chỉ có điều, những hành động và phát ngôn như vậy thật  khó hiểu, nếu đặt trong bối cảnh của mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung

L.N.
.
.