Dược phẩm cho người sử dụng theo màu da

Thứ Tư, 08/06/2005, 07:40

Công ty Kỹ thuật sinh học Nitromed (Mỹ) đã tiến hành thử nghiệm trên 1.000 bệnh nhân người Mỹ da đen một loại dược phẩm mới có tên BiDil, chuyên chữa trị chứng suy tim cho người Mỹ gốc châu Phi. Loại dược phẩm này đang được kiểm nghiệm để được cấp giấy phép kinh doanh vào tháng 6/2005 bởi Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FAA) của Mỹ.

Vụ việc này gây chấn động giới khoa học và làm phát sinh các cuộc tranh luận xung quanh vấn đề tồn tại của các sắc tộc trong một quốc gia luôn sản sinh các vấn đề kỳ thị chủng tộc suốt một thời gian dài. Theo đánh giá của giáo sư Axel Kahn, Giám đốc Viện Di truyền phân tử Cochin ở thủ đô Paris, thì: “Ở góc độ khoa học, việc cho rằng có nhiều chủng tộc khác nhau quả là một sai lầm. Bởi vì con người giống nhau đến 99% và  gien di truyền biến động trong một sắc tộc nhiều hơn là giữa hai sắc tộc khác nhau”.

Giải thích tại sao lại chế tạo ra một loại dược phẩm chỉ dành riêng cho người Mỹ da đen như loại BiDil, giáo sư Axel Kahn, cho biết: “Chưa có một kết luận khoa học hẳn hoi nào chứng minh là loại dược phẩm BiDil lại phát huy tác dụng điều trị chứng suy tim nơi người Mỹ da đen hơn là người Mỹ da trắng”.

Vậy thì loại dược phẩm BiDil đã ra đời như thế nào? Có chứa hai phân tử isorbide dinitrate và hydralazine, BiDil làm tăng oxid nitric trong máu, vì vậy sẽ làm giảm chứng suy tim. Việc chế tạo thành công loại dược phẩm BiDil đã khiến Công ty Nitromed có thể chiếm được một thị trường tiêu thụ dược phẩm lớn với gần 1 triệu người Mỹ da đen đang mắc các chứng suy tim.

Theo một cuộc nghiên cứu của Công ty Nitromed, thì tại Mỹ, những người Mỹ da đen thường mắc các chứng bệnh về tim mạch nhiều hơn người Mỹ gốc châu Âu. Vậy thì phải chăng việc chế tạo loại dược phẩm BiDil dành riêng cho người Mỹ da đen là một bước đột phá quan trọng trong việc chế tạo các loại dược phẩm chỉ dành riêng cho từng sắc dân?

Thực ra trên thế giới, cũng có những chứng bệnh chỉ phát triển ở một số sắc dân hay nhóm dân cư nhất định do điều kiện sống, cách ăn uống, trình độ văn hóa thấp... Tại Pháp, người Breton ở miền Đông thường mắc các chứng đau lưng nhiều hơn các sắc dân khác. Còn người Alsace ở miền Bắc lại mắc chứng tiểu đường nhiều hơn. Người dân châu Phi thường mắc các chứng bệnh về gan trong khi người Italia, Hy Lạp và đảo Corse thuộc Pháp lại mắc các chứng về tim mạch nhiều hơn.

Giải thích về vấn đề này, nhiều nhà khoa học cho rằng đó là kết quả của “hiệu ứng về nòi giống”. Nếu một gien xấu hiện diện trong một gia đình nào đó thì những thế hệ sau sẽ có nguy cơ mắc nhiều chứng bệnh do gien di truyền xấu đó gây ra.

Môi trường cũng đóng vai trò quan trọng đến các chứng bệnh có liên quan đến một số sắc dân mà nhiều nhà khoa học cho rằng đó là “hiệu ứng Darwin”. Ngoài ra, chứng béo phì mà người Mỹ da đen mắc phải ngày càng nhiều lại có nguồn gốc phát sinh vừa từ yếu tố gien di truyền có liên quan đến môi trường.

Theo các nhà khoa học, gien di truyền phát triển nơi các nô lệ người châu Phi được đưa đến Mỹ vào thế kỷ XVIII là kết quả của một quá trình tạo lập tự nhiên ở châu Phi trong nhiều ngàn năm nhằm giúp cho họ chống chọi lại với sự thiếu ăn và suy dinh dưỡng, nhưng lại đề kháng với các thức ăn giàu chất béo và chất đạm theo chế độ ăn uống ngày nay. Hậu quả là càng dừng thức ăn bổ dưỡng theo kiểu Mỹ chừng nào, gien di truyền về chứng béo phì càng phát triển nơi người da đen gốc châu Phi nhiều chừng ấy.

Theo nhận định của giáo sư Bernard Bégaud, một nhà dược - dịch tễ học người Pháp, thì: “Dược phẩm được chế tạo ra không phải là để sửa chữa những sai lầm của xã hội. Chứng béo phì và các chứng bệnh về tim mạch mà một số sắc dân đang mắc phải có nguồn gốc xã hội chung: đó là chứng trầm cảm, ăn uống không đúng cách, mức sống thấp... Vì vậy cần phải quan tâm đến việc cảnh báo nguy cơ mắc bệnh và giáo dục tuyên truyền để phòng tránh hơn là nghiên cứu chế tạo từng loại dược phẩm riêng cho từng sắc dân. Ở đây, cần phải rạch ròi ranh giới giữa y tế cộng đồng và  lợi ích kinh tế, mà phần lớn các tập đoàn dược phẩm lại bị tác động bởi quy luật thị trường nhiều hơn, có nghĩa là trong tương lai các loại dược phẩm như BiDil chẳng hạn, sẽ ồ ạt được tung ra thị trường”.

Vậy thì câu hỏi đặt ra là tại sao một loại dược phẩm lại có tác dụng với bệnh của người này nhưng lại  tác dụng không bao nhiêu với người khác? Chẳng hạn một số người mắc chứng trầm cảm này lại đáp ứng với loại dược phẩm chống trầm cảm, nhưng một số người khác lại không đáp ứng được?

Để làm sáng tỏ vấn đề này, các nhà nghiên cứu ở Viện đại học California đã phát hiện ra rằng những người không đáp ứng được chỉ có một thiểu số gien di truyền chung. Vì vậy các nhà nghiên cứu đã đề ra loại quy phạm mới để giải quyết vấn đề này: đó là phát triển ngành dược di truyền học nhằm xây dựng các bản đồ di truyền của cá nhân để giúp cho việc chỉ định chữa trị một số bệnh được hợp lý và hiệu quả, và thông qua đó chế tạo những loại dược phẩm có thể chữa trị được các chứng bệnh có liên quan đến các gien di truyền khác nhau.

Chẳng hạn chỉ cần một thử nghiệm ADN lấy từ máu là các nhà khoa học có thể phát hiện ở một số người các biến đổi về gien di truyền có thể giúp các chất men gan hoạt động tốt hơn. Vì vậy, đối với những người mắc các chứng bệnh về gan, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng những loại dược phẩm hiệu quả hơn. Điều này sẽ rất có lợi đối với những người mang các gien ung thư di truyền. Cũng theo kết quả nghiên cứu này, việc chế tạo các loại dược phẩm riêng cho từng sắc dân xem ra rất có triển vọng nếu loại bỏ được yếu tố phân biệt chủng tộc trong lĩnh vực y tế

Văn Hòa (Theo Hebdo Sciences)
.
.