EU: Mặt trận thống nhất cải tổ chủ nghĩa tư bản

Thứ Sáu, 16/01/2009, 16:15
Học thuyết về chủ nghĩa tư bản đã bị lung lay nghiêm trọng trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay. Hầu hết lãnh đạo các quốc gia công nghiệp phát triển đều nhận thấy và cho rằng đã đến lúc "cách tân" chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, cải tổ như thế nào thì vẫn còn khá nhiều ý kiến trái chiều. Đây cũng là chủ đề chính của một cuộc hội thảo mang tên "Một thế giới mới, một chủ nghĩa tư bản mới" diễn ra trong hai ngày 8 và 9/1 vừa qua tại Paris, Pháp.

Tham dự hội thảo có Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Tổng thống Liberia Ellen Johnson, 3 cựu Thủ tướng: Tony Blair, Michel Rocard và Jean-Pierre Raffarin, Thủ tướng Đức đương nhiệm là bà Angela Merkel, 3 nhà Nobel kinh tế, cùng nhiều bộ trưởng châu Âu và một số lãnh đạo công đoàn của nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo Thủ tướng Đức, Angela Merkel, trong một thời gian dài, các nước công nghiệp phát triển đã "bóc ngắn cắn dài", sống trên khả năng tài chính của mình nhưng lại không có gì để làm giá trị đối trọng. Qua phát biểu này, bà Merkel muốn ám chỉ Mỹ.

Nước Mỹ đến tham dự hội thảo lần này chỉ có một số chuyên gia của các trường đại học, những người thân cận đảng Dân chủ và chính quyền tương lai Obama. Phát biểu thẳng thắn nhất của người đứng đầu nước chủ nhà, Tổng thống Nicolas Sarkozy công khai tuyên bố rằng, nước Pháp sẽ cải tổ chủ nghĩa tư bản cho dù có Mỹ hay không.

"Pháp cũng như Đức đã chọn chiến tuyến của mình, đó là thay đổi và từ chối chủ nghĩa bảo hộ. Trong cuộc họp thượng đỉnh nhóm G20 diễn ra ngày 2/4 sắp tới tại London, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định thay đổi. Chúng tôi chống lại mọi ý định ngăn cản việc thông qua những biện pháp cải tổ chủ nghĩa tư bản".

Ông Sarkozy cũng nhìn nhận rằng: "Tôi luôn trung thành với đường lối quan hệ thân hữu với nước Mỹ nhưng mọi thứ cần phải rõ ràng: trong thế kỷ XXI sẽ không còn một quốc gia duy nhất có thể nói người khác cần làm và nghĩ cái gì. Từ sâu thẳm, tôi rất muốn nước Mỹ ủng hộ việc cải tổ chủ nghĩa tư bản vì chúng tôi đặt hy vọng rất nhiều vào ông chủ mới của Nhà Trắng. Chúng tôi muốn cùng với nước Mỹ thay đổi thế giới".

Cũng theo chiều hướng này, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cho rằng tân Tổng thống Mỹ cần tái cân bằng quan hệ với Trung Quốc: “Điều quan trọng là phương Tây cần phải tiết kiệm chi tiêu trong khi Trung Quốc cần tiêu xài mạnh hơn".

Ông Blair nhấn mạnh: “Sau hội nghị Bretton Woods năm 1945, chỉ có một đồng tiền duy nhất, đó là đôla Mỹ. Đồng tiền này đã làm cho thế giới phồn thịnh. Nhưng năm 2009, không còn một đồng tiền duy nhất mà có rất nhiều đồng tiền khác. Sẽ không còn một quốc gia duy nhất nói với các nước còn lại rằng: “Hãy trả nợ cho chúng tôi"; trong năm 2009 này cũng sẽ không thể còn một mô hình tài chính duy nhất trên thế giới". 

Cuộc họp nhóm G20 diễn ra ngày 15/11/2008 tại Washington, Mỹ, đại diện các thành viên G20 đã nhấn mạnh rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay đòi hỏi những giải pháp tổng thể và những nguyên tắc chung. Hội nghị cũng đã nhất trí về việc cần thiết phải tiến hành cải tổ sâu rộng các thể chế tài chính như Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới. Hai tổ chức này, ra đời sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai lần lượt do Mỹ và châu Âu thống trị và như vậy là không phản ánh đúng đối trọng của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil trong nền kinh tế thế giới.

Cũng tại hội nghị này, Brazil, hiện là đại diện của các quốc gia có nền kinh tế mới nổi trong nhóm G20, một lần nữa lên tiếng yêu cầu thế giới cần có một hệ thống tài chính Bretton Woods thứ hai để các tổ chức tài chính quốc tế có được đại diện xác đáng.

Hội nghị Bretton Woods gồm 44 quốc gia tham dự diễn ra ở Bretton Woods-New Hamshire-Mỹ năm 1944, đã thống nhất cho ra đời hệ thống tài chính quốc tế mang tên Bretton Woods, thiết lập khung về giá trị mà đồng tiền các nước phải dựa vào. Theo đó, nước Mỹ và đồng đôla nghiễm nhiên trở thành cột trụ của cơ cấu tài chính và kinh tế thế giới. Do sự phá giá đồng đôla và các đồng tiền khác nên tháng 3/1973, chế độ tỉ giá cố định theo vàng và đôla Mỹ bị sụp đổ.

Tờ báo Les Echos thì đưa tin trong bài diễn văn khai mạc hội thảo, Tổng thống Nicolas Sarkozy tuyên bố khối châu Âu cũ, tức Tây Âu, phải là trung tâm của những suy nghĩ nhằm tái lập chủ nghĩa tư bản. Đây là một việc làm rất cần thiết sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Một lần nữa Tổng thống Pháp kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới phải định nghĩa lại chủ nghĩa tư bản, vì theo ông "khủng hoảng của tư bản tài chính không phải là khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản và liều thuốc chữa trị cuộc khủng hoảng không phải là một thứ chủ nghĩa chống tư bản, mà phải là những biện pháp nhằm đạo đức hóa chủ nghĩa tư bản chứ không phải nhằm tiêu hủy nó".

Cũng đưa tin về cuộc hội thảo tại Paris, tờ Libération châm biếm rằng đối với ông Nicolas Sarkozy, chủ nghĩa tư bản cũng giống như chất cholestérol, có loại tốt, tức những doanh nhân chân chính, và có loại xấu, tức những giám đốc ngân hàng vô trách nhiệm.

Tại hội thảo lần này, châu Âu cũng muốn cải cách các thể chế quốc tế. Theo ông Blair những thể chế này có từ thế kỷ XX nhưng phải cứu lấy nền kinh tế thế giới trong thế kỷ XXI và phải không làm xáo trộn những gì đang tồn tại. Trong khi đó, Thủ tướng Merkel lại đề xuất thành lập một hội đồng kinh tế bên cạnh Hội đồng Bảo an bên trong Liên Hiệp Quốc.

Ngoài việc quản lý tài chính, các đại biểu tham dự hội thảo vừa qua tại Pháp cũng đề cập tới vấn đề toàn cầu hóa. Suy thoái kinh tế ở nhiều cấp độ khác nhau đang là một thách thức lớn của nhân loại. Mỗi nước đều tìm cách bảo vệ nền kinh tế của mình. Điều này dẫn đến nguy cơ phát sinh chủ nghĩa bảo hộ. Pascal Lamy, Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới cho rằng, cần phải xem xét lại tính đoàn kết xã hội trên quy mô toàn cầu thì thế giới mới mong thoát được cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế hiện nay

Quốc Hùng (Tổng hợp)
.
.