EU chuẩn bị đối phó với “cuộc chiến khí đốt”

Thứ Hai, 13/10/2014, 09:15

Mùa đông đang đến, nhu cầu sưởi ấm của các quốc gia khu vực Đông và Bắc Âu gia tăng, nhưng nguy cơ bị cắt giảm nguồn cung ứng khí đốt phục vụ cho nhu cầu đó đang treo lơ lửng bởi việc Nga đang cắt nguồn cung khí đốt cho Ukraina, đồng thời gây sức ép để buộc các quốc gia khác trong khối ngưng “chia lửa” cho Ukraina. Đứng trước nguy cơ khó khăn, EU đang chuẩn bị những phương án để đối phó cho qua mùa đông giá rét.

Kể từ tháng 9/2014, Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã giảm lượng cung khí đốt cho một loạt quốc gia Đông Âu như Ba Lan, Áo, Slovakia và Hungary sau khi Liên minh châu Âu (EU) chuyển khí đốt cho Ukraina nhằm giúp nước này chống chọi với tình trạng thiếu hụt khí đốt do bị Nga cắt nguồn cung. Mùa đông giá rét ở châu Âu đã chính thức bắt đầu, vì vậy bất kỳ biến động nào cho nguồn cung ứng khí đốt đều sẽ tạo ra những khó khăn nhất định cho đời sống kinh tế - xã hội các quốc gia châu lục này.

Tạm thời, các quốc gia EU đang có những phản ứng khác nhau đối với động thái cắt giảm lượng cung của Nga. Việc EU chuyển lượng khí đốt chảy ngược về hướng đông cho Ukraina là động thái chính trị để giúp Kiev đối phó với việc bị Nga cắt nguồn cung khí đốt từ tháng 6/2014. Các quốc gia Đông Âu như Áo, Ba Lan, Hungary, Slovakia đã chia sẻ khí đốt cho Ukraina. Tuy nhiên, việc chia sẻ khí đốt đó đang gặp nhiều khó khăn.

Từ tháng 9/2014, Ba Lan đã tạm ngưng cung cấp khí đốt cho Ukraina sau khi Warsaw thông báo Ba Lan đã nhận được lượng khí đốt từ Nga giảm so với trước. Hạ tuần tháng 9/2014, đến lượt Hungary dừng lượng khí đốt chuyển về hướng đông cho Ukraina để bảo đảm đủ lượng cung cho chính mình trong mùa đông. Slovakia, nước chia sẻ nhiều nhất cho Ukraina cũng đang có khả năng phải giảm hoặc ngưng cung cấp cho Ukraina sau khi lượng khí đốt nhận được từ Nga giảm hẳn kể từ tháng 9/2014.

Nga đã ngưng cung cấp khí đốt cho Ukraina từ tháng 6/2014 khiến cho các nước châu Âu phải gồng gánh chia sẻ.

Với việc Nga cắt giảm lượng cung khí đốt cho các quốc gia tham gia chia sẻ khí đốt cho Ukraina, giới chuyên gia cho rằng, vẫn chưa thể xem đó là dấu hiệu mở màn của một “cuộc chiến khí đốt” thật sự, mà đó chỉ mới là dấu hiệu cảnh báo cho EU biết rằng, Nga đang sẵn sàng trả đũa nếu Brussles tiếp tục đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Moskva vì vấn đề khủng hoảng ở Ukraina.

Khí đốt vẫn tiếp tục là vũ khí quan trọng của Nga trong cuộc đấu chính trị với châu Âu. Tuy nhiên, giới chuyên gia khí đốt nhận định, khác với những lần trước, việc ngưng cung cấp khí đốt lần này chủ yếu là động thái để Nga gây sức ép lên Ukraina trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Nếu quả thực cuộc chiến khí đốt xảy ra, không chỉ châu Âu và Ukraina gặp khó khăn mà ngay cả nước Nga cũng sẽ chịu thiệt vì doanh thu bị giảm. Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu, cung ứng trên 30% lượng khí đốt tiêu thụ ở châu Âu. Ngược lại, châu Âu cũng là khách hàng lớn nhất của Nga, hàng năm Tập đoàn Gazprom đạt doanh thu 80 tỉ USD từ các khách hàng châu Âu, chiếm phần lớn trong tổng doanh thu của tập đoàn. Vì vậy, nếu nguồn thu này giảm thì chính Gazprom cũng sẽ thiệt hại.

Mặt khác, để đối phó một cách hiệu quả với việc bị Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt, EU đang xem xét sử dụng nguồn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) khá lớn hiện đang lưu trữ trong các kho. GLE, đơn vị vận hành trạm cung cấp LNG của châu Âu cho biết, sẵn sàng mở kho khí hóa lỏng LNG để giải quyết vấn đề khó khăn do nguồn khí đốt từ Nga bị gián đoạn. Lượng LNG này có thể đáp ứng được 16% nhu cầu khí đốt hiện nay – Chủ tịch GLE Wim Groenendijk nói.

Một trạm tiếp nhận khí hóa lỏng LNG ở Hy Lạp. Đây sẽ nguồn nhiên liệu được EU tận dụng nhằm đối phó với “cuộc chiến khí đốt” từ Nga.

Khắp châu Âu hiện đang có hơn 20 trạm tiếp nhận khí LNG để nén và vận chuyển bằng tàu hoặc xe bồn đến nơi tiêu thụ. Thêm 6 trạm như thế cũng đang được xây dựng, cho thấy châu Âu đang sẵn sàng để giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Ông Groenendijk nói, khí đốt sẽ được vận chuyển từ các trạm ở Tây Ban Nha và Tây Bắc Âu đến Italia và Hy Lạp, từ đó có thể phục vụ cho nhu cầu của các quốc gia vùng Balkan hiện đang hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt của Nga.

Ngoài ra, các quốc gia Đông Âu như Lithuania và Ba Lan hiện đang có kế hoạch xây dựng các trạm tiếp nhận khí LNG cho riêng mình nhằm từng bước giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga.

Tuy nhiên, về lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế, việc cung ứng khí LNG từ các trạm ven biển cho các vùng phía đông và đông nam châu Âu như Hy Lạp hay Balkan đòi hỏi phải xây dựng hệ thống hạ tầng đủ sức đảm bảo việc cung ứng cho các vùng xa xôi, đồng thời giá cả cũng cần phải tăng lên gấp đôi giá hiện nay để hấp dẫn các nhà sản xuất khí LNG ở Trung Đông, như Qatar.

EU vẫn đang hy vọng Nga và Ukraina có thể đạt được một thỏa thuận về khí đốt để giảm áp lực căng thẳng về nguồn cung khí đốt cho mùa đông. Hạ tuần tháng 9/2014, thỏa thuận về khoản nợ tiền khí đốt do chính EU làm trung gian đã được ký kết giữa Nga và Ukraina. Tuy nhiên, vấn đề là thỏa thuận này phải được thi hành một cách thành công. Khoảng một nửa lượng cung ứng khí đốt từ Nga sang châu Âu đi qua lãnh thổ Ukraina, và đã từng xảy ra gián đoạn trên tuyến ống này trong các năm 2006 và 2009 do các vấn đề về giá cả và việc Ukraina nợ tiền khí đốt chưa trả.

Vì vậy, nếu Ukraina không thực thi nghiêm chỉnh thỏa thuận về giá cả và tiền nợ đối với Nga, nhiều khả năng một “cuộc chiến khí đốt” nữa lại tái diễn giữa Nga với Ukraina. Khi đó, châu Âu dù “vô can” nhưng vẫn phải bị ảnh hưởng, trong khi kế hoạch tận dụng nguồn khí hóa lỏng LNG chưa được triển khai đầy đủ

Văn Trương (tổng hợp)
.
.