EU loay hoay với đề án quân đội chung

Thứ Hai, 03/12/2018, 12:53
Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Liên minh châu Âu (EU) vừa nhất trí 17 dự án mới theo Thỏa thuận Hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO) - một nền tảng thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa các nước thành viên EU và tăng cường phối hợp trong phát triển các công nghệ quân sự mới.

Đây được xem là bước quan trọng trong kế hoạch được tính toán lâu nay của khối về thành lập quân đội châu Âu thực chất và đúng nghĩa, hướng tới mục tiêu dần tự chủ hơn về an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng khó có thể triển khai được kế hoạch này, bởi lẽ việc hình thành một cơ cấu để chỉ huy các chiến dịch xem ra rất phức tạp.

Trong cuộc họp tại thủ đô Brussels (Bỉ), các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng EU đã nhất trí lập kế hoạch và tiến hành các chiến dịch quân sự cho giai đoạn từ nay đến năm 2020, theo đó EU sẽ tiến hành những chiến dịch quân sự với quy mô khoảng 2.500 binh sĩ, dưới sự ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc hoặc nội khối.

Đặc biệt, giới chức EU đã thông qua đề xuất về Quỹ Quốc phòng châu Âu (gói kinh phí khoảng 13 tỷ euro) được Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất trong khuôn khổ khung tài chính dài hạn (MFF) giai đoạn 2021-2027. Quỹ Quốc phòng châu Âu khuyến khích tính sáng tạo, cho phép triển khai công tác nghiên cứu trên quy mô lớn và phát triển công nghiệp quốc phòng bằng cách hỗ trợ các dự án hợp tác. Bên cạnh đó, dự án thành lập một trường đào tạo tình báo chung của khối cũng được thông qua tại cuộc họp.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Compiegne (Pháp).

Với việc thông qua một loạt đề xuất về quốc phòng này, EU sẽ tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu và nâng cao năng lực đổi mới nền công nghiệp cũng như công nghệ quốc phòng của khối. Đây là những bước đi quan trọng của EU, đặt nền móng cho việc thành lập quân đội châu Âu trong tương lai. Tuy vậy, giới phân tích vẫn cho rằng kế hoạch phòng thủ chung của châu Âu có thể chỉ là dự án, chứ không phải là một ý tưởng đích thực. 

Dịp kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến 1, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cùng đưa ra ý tưởng về một đội quân châu Âu thực sự. Sự đồng thuận chưa từng có từ ý nghĩ đến lời nói của hai nhà lãnh đạo đã làm người Mỹ giận dữ.

Theo các chuyên gia phân tích, ý tưởng về một đội quân châu Âu đã trở lại khi Thủ tướng Đức, tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp), đã kêu gọi. Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nói về sự cần thiết phải thành lập một "quân đội châu Âu thực sự". Sự trùng hợp về tư tưởng Pháp - Đức này khá hiếm khiến người ta đặt ta câu hỏi về hiện tượng này.

Ý tưởng về một đội quân châu Âu đã được nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đề cập đến, thường là từ những người theo dân chủ Kitô giáo nhưng không phải một cách máy móc mà đôi khi với những quan điểm khá đa dạng về tương lai của hội nhập châu Âu. Ý tưởng này trước đó từng được Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi đề cập tới.

Gần đây nhất, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (đảng cánh hữu châu Âu PPE) cũng nhắc tới khả năng này. Dự án trên nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo các quốc gia Đông Âu như Tổng thống Cộng hòa Czech Miloš Zeman, cựu Thủ tướng Czech Bohuslav Sobotka hay Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Quan điểm này cũng được thể hiện trong chương trình hành động của đảng Nhân dân châu Âu được xác định ở Madrid cách đây 3 năm.

Tuy nhiên, chưa bao giờ một quan chức Pháp đang nắm quyền lại gợi lên ý tưởng này kể từ khi dự án thành lập cộng đồng quốc phòng châu Âu trước đây bị chính người Pháp đẩy lùi vào phút chót.

Một vài nhà ngoại giao Pháp lo lắng đã giảm nhẹ các đề xuất của Tổng thống khi đánh giá rằng ông Macron không muốn nói về quân đội mà là về sáng kiến châu Âu can thiệp hoặc dự án khác. Họ không quan tâm đến vai trò đặc biệt của Tổng thống Pháp, vốn cũng là người đứng đầu quân đội.

Với đề xuất này, khi ông Macron nói về một quân đội châu Âu thực sự, điều đó không có nghĩa đơn giản chỉ là một dự án hợp tác. Những người khác có thể đánh giá đề xuất này rằng trên hết Tổng thống muốn gây ấn tượng, đồng nghĩa với việc không để nước Đức độc quyền sáng kiến. Tổng thống Pháp đang muốn khôi phục lại hình ảnh của mình trong bầu không khí chuẩn bị cho một chiến dịch bầu cử được dự đoán là rất khó khăn sắp tới.

Đề xuất quan trọng nhất của Emmanuel Macron đưa ra 2 mục tiêu cho quân đội châu Âu: Thứ nhất là sự cần thiết phải đối phó với Nga và thứ hai là châu Âu phải tự bảo vệ mình nhiều hơn chứ không muốn chỉ phụ thuộc vào Mỹ. Trong khi đó, đề xuất của bà Angela Merkel thiên về mô hình cổ điển hơn.

Thủ tướng Đức, trung thành với đường hướng của mình, cũng đã đưa ra một số lời giải thích dù không đi vào chi tiết khi đề cập vấn đề trên với Tổng thống Pháp. Trước hết, lãnh đạo Đức cho rằng đó là một dự án dài hạn với hành động đầu tiên là phát triển một tầm nhìn để đến một ngày nào đó tiến tới một quân đội châu Âu thực sự. Tiếp theo, người Đức cho rằng quân đội châu Âu là yếu tố bổ sung cho NATO chứ không phải là một công cụ để chống lại NATO.

Nếu ai đó cho rằng điều này đồng nghĩa với việc sáp nhập tất cả quân đội quốc gia làm một, ở cấp độ NATO hoặc EU, thì dự án này là hoàn toàn không đúng và không thể xảy ra trừ phi có thảm họa. Ngay cả trong bối cảnh đầy rẫy những biến động trong Thế chiến 2 thì vào thời điểm ngày 16-6-1940, Pháp đã từ chối một dự án quân sự chung do Hạ viện Anh đề xuất dựa trên gợi ý của chính khách Pháp Jean Monnet và Thủ tướng Anh Winston Churchill.

Trong khi dự án được cho là sẽ hình thành nên một lực lượng bổ sung cho quân đội các quốc gia với mục đích bảo vệ lãnh thổ hoặc hỗ trợ công dân châu Âu, điều này quả là rất phức tạp và khó thực hiện nhưng nó có thể là một dự án tương lai đầy tham vọng mà châu Âu đang rất trông đợi.

Thực sự là dự án này không dễ được khởi động trong bối cảnh hiện tại của EU. Đó là chưa kể việc hình thành được một cơ cấu để chỉ huy các chiến dịch cũng được xem là rất phức tạp.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.