EU tìm sự ủng hộ của Nga tại Libya

Thứ Tư, 22/02/2017, 17:35
Các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU)) đang nỗ lực tối đa để vận động, tìm kiếm sự ủng hộ của nước Nga trong việc giải quyết các vấn đề tồn đọng tại Libya, đặc biệt là vấn đề an ninh, thống nhất giữa miền Đông và Tripoli.

Trước mắt, EU mong muốn Nga giúp đỡ để làm thế nào ngăn cản tướng Khalifa Haftar thâu tóm quyền lực ở Libya. Tướng Haftar đóng quân ở miền Đông Libya, đứng về phía chính phủ và nghị viện đóng đô ở thành phố Tobruk.

Nổi tiếng vì tính cứng rắn, ông bị EU xem là một người có tham vọng thâu tóm quyền hành giống như Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi hay Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Hiện tại, vị thế quyền lực của tướng Haftar đang ngày càng mạnh, và với việc nắm binh quyền, ông hoàn toàn có thể thực hiện được tham vọng đó. Trong thời gian qua, sự thâu tóm quyền hành của Haftar gắn liền với tình hình an ninh và chính trị bất ổn tại Libya.

Sự liên kết quyền lực giữa tướng Haftar với chính quyền miền Đông khiến người ta nhớ đến quá trình hình thành và lớn mạnh của các nhóm phiến quân ở miền Đông Libya trước đây, với điểm xuất phát là thành phố Benghazi. Đây chính là lực lượng nòng cốt phát động cuộc binh biến năm 2011 dẫn đến sự kiện lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Tuy nhiên, cũng kể từ đó, đất nước Libya rơi vào hỗn loạn, bị chia cắt thành nhiều vùng do các nhóm phiến quân cát cứ. Nhiều cuộc chiến đã xảy ra giữa các lực lượng nắm quyền ở thủ đô Tripoli với các nhóm phiến quân ở miền Tây và miền Đông.

Gần 6 năm sau khi được EU hậu thuẫn lên nắm quyền, chính quyền Tripoli chưa bao giờ nắm được quyền kiểm soát đối với các khu vực rộng lớn bên ngoài thủ đô Tripoli, đặc biệt là khu vực miền Đông. Khi EU vận động các nhóm phiến quân đồng ý tham gia thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc, bao gồm tất cả các phái chính trị và các nhóm phiến quân, miền Đông tiếp tục phản đối, không tham gia. Nguyên nhân xuất phát từ việc trong thành phần chính phủ liên hiệp có sự tham gia của thành phần Hồi giáo cực đoan, vốn từng bị cáo buộc có quan hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda.

Chính phủ miền Đông Libya đang được Nga và một số nước ủng hộ.

Tướng Hafar cũng đồng quan điểm chống chính phủ liên hiệp, phản đối sự tham gia nắm quyền của thành phần Hồi giáo cực đoan. Ông nhận được sự ủng hộ của nghị viện và chính phủ miền Đông và được giao nắm quyền chỉ huy quân đội. Trong vòng một năm qua, tướng Haftar đã chỉ huy quân đội miền Đông tiến hành một số cuộc tấn công, đụng độ với các nhóm Hồi giáo cực đoan ở miền Đông lẫn Tripoli, khiến cho tình hình an ninh Libya càng trở nên bất ổn.

Trong năm 2016, tướng Haftar đã hai lần đến Nga gặp gỡ các quan chức cấp cao của nước này để vận động xin sự giúp đỡ về quân sự. Tại cả hai cuộc gặp này, tướng Haftar đã đặt ra yêu cầu nước Nga giúp đỡ bằng viện trợ khí tài và kỹ thật quân sự. Moskva chưa chính thức có câu trả lời đồng ý có giúp đỡ tướng Haftar hay không. Điều này đang khiến cho cả hai phía - EU và tướng Haftar - đều trông chờ vào câu trả lời từ Moskva.

Điều EU quan tâm lo lắng nhất không chỉ dừng lại ở việc tướng Haftar thâu tóm quyền lực bằng quân sự, mà quan trọng hơn, EU lo rằng nước Nga đang triển khai một chiến lược khôi phục lại ảnh hưởng trong các khu vực truyền thống đã có từ thời Liên Xô trước đây. Những động thái riêng lẻ trong thời gian qua cho thấy Nga đang thiên về hỗ trợ cho chính quyền miền Đông Libya. Cụ thể, trong năm 2016, Nga đã hỗ trợ chính quyền miền Đông in và phát hành tiền, một bước đi nhằm xác lập chủ quyền về kinh tế cho Tobruk.

EU đánh giá, Nga đang thành công tại Syria và đang xác lập lại ảnh hưởng tại khu vực Tung Đông. Mối quan hệ giữa Nga và Ai Cập, giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi cũng đang ấm lại sau nhiều năm nguội lạnh do Ai Cập ngả theo Mỹ.

Nga có ảnh hưởng mạnh nhất đối với tướng Haftar, vì vậy EU muốn dùng ảnh hưởng của Nga để thực hiện mục tiêu của mình. Italia sẽ đại diện cho EU thực hiện vòng đàm phán tiếp theo trong thời gian thời để thuyết phục Nga ngăn chặn tướng Haftar.

An Châu (tổng hợp)
.
.