EU trong vết rạn Đông – Tây

Thứ Tư, 10/01/2018, 16:57
Ủy ban châu Âu (EC) vừa chính thức nộp đơn kiện Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc tại Tòa án châu Âu do 3 nước này không tiếp nhận người nhập cư theo hạn ngạch mà Liên minh châu Âu (EU) phân bổ. Từ trước đó Ba Lan và Hungary đã phản ứng quyết liệt.

Tờ Financial Times bình luận, Ba Lan và Hungary là "phép thử" chưa từng có tiền lệ đối với Liên minh châu Âu (EU). Những rạn nứt giữa Đông và Tây Âu ngày càng lớn.

Chính sách nhập cư chia rẽ Đông - Tây

Nguyên nhân xuất phát từ thỏa thuận năm 2015, theo đó những người di cư tới châu Âu tìm kiếm quy chế tỵ nạn đang tập trung tại 2 nước Hy Lạp và Italy sẽ được phân bổ tới các nước khác trong EU theo một cơ chế phân bổ hạn ngạch. Tuy nhiên, CH Séc, Hungary và Ba Lan đã phản đối cơ chế phân bổ hạn ngạch này. Lý do các nước này đưa ra là họ lo ngại về nguy cơ khủng bố, đồng thời cho rằng mức hạn ngạch này sẽ hạn chế chủ quyền.

Trước đó, trong cuộc gặp Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Budapest, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cũng tuyên bố các nước thành viên EU phải được tự quyết định đối tượng nào họ cho phép nhập cảnh. Ông Morawiecki cho rằng việc EU áp đặt hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư là vi phạm chủ quyền của các nước thành viên.

Về phần mình, Thủ tướng Viktor Orban tuyên bố chính sách nhập cư của EU đã thất bại và ông và người đồng cấp Ba Lan đã yêu cầu 2 nước này phải có tiếng nói có trọng lượng hơn trong các vấn đề tương lai của EU.  Giới chức Ba Lan tiếp tục thể hiện sự bất bình đối với các chính sách nhập cư của Liên minh châu Âu (EU), thể hiện qua những đánh giá tiêu cực về kết quả thực thi chính sách này cũng như nỗ lực hội nhập người nhập cư, chủ yếu đến từ các nước Trung Đông và Bắc Phi có xung đột vũ trang, vào xã hội châu Âu.

Bộ trưởng Nội vụ nước này Mariusz Blaszczak từng phát biểu trên Đài Phát thanh Ba Lan nêu rõ, châu Âu hiện đang trải qua cơn khủng hoảng di cư lớn nhất trong lịch sử. Theo ông, chính sách đa văn hóa của các nước Tây Âu đã thất bại với hệ quả là nguy cơ khủng bố tăng lên ở châu lục này. Chính phủ Ba Lan biện luận rằng nước này đã giúp giải quyết cuộc khủng hoảng di dân "theo cách khác", như tham gia bảo vệ đường biên của EU, hoặc hỗ trợ tài chính các nước chịu sức ép về người nhập cư.

Kết quả cuộc thăm dò dư luận tại Ba Lan cho thấy, 74% số người được hỏi không muốn có người nhập cư Hồi giáo ở nước mình, trong khi tỷ lệ này tại cuộc thăm dò hồi tháng 1/2017 chỉ hơn 50%. Theo kế hoạch tái định cư người tị nạn của Liên minh châu Âu năm 2015, hạn ngạch mà Ba Lan phải tiếp nhận là 6.200 người. Tuy nhiên, cho đến nay Ba Lan chưa tiếp nhận bất cứ trường hợp nào.

Cựu Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo vào tháng 9/2017 đã khẳng định nước này "sẽ không bị đe dọa" bởi các đối tác lớn nhất trong EU để phải tiếp nhận hàng nghìn người tị nạn theo hệ thống hạn ngạch tái phân bổ người di cư sang các nước thành viên của khối. Trả lời phỏng vấn tạp chí Sieci, Thủ tướng Szydlo nhấn mạnh Ba Lan không thể nhún nhường trước đe dọa cắt giảm quỹ hỗ trợ từ EU do không đồng ý với kế hoạch của khối về tái phân bổ người di cư từ Bắc Phi và Trung Đông.

Tuyên bố của bà được đưa ra trong bối cảnh Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) cũng đã bác khiếu nại của Hungary và Slovakia về chương trình hạn ngạch bắt buộc này.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Thủ tướng Ba Lan Morawiecki. Ảnh: eurotopics.net.

Xu thế “tự chủ”

Sự căng thẳng giữa EU và Ba Lan không chỉ bắt nguồn từ vấn đề di cư. Nó bắt nguồn từ việc Ba Lan có xu thế muốn “tự chủ” nhiều hơn khi Quốc hội nước này cuối tháng 7-2018 đã thông qua dự luật cải cách Tòa án Tối cao. Theo đó trao cho Bộ trưởng Tư pháp quyền lực chọn các thẩm phán Tòa án Tối cao.

Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans cho rằng hoạt động cải cách tư pháp của Chính phủ Ba Lan sẽ khiến hệ thống tư pháp mất đi tính độc lập và chịu sự kiểm soát tuyệt đối của chính phủ. Ông cảnh báo nếu Ba Lan không ngừng kế hoạch cải cách này, EC có thể họp để đưa ra các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Ba Lan, đồng thời để ngỏ khả năng xem xét tước quyền bỏ phiếu của Ba Lan trong tổ chức 28 thành viên này - một biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ của EU. Thêm vào đó, sự căng thẳng này còn xuất phát từ sau vụ EU bầu ông Donald Tusk làm Chủ tịch Hội đồng châu Âu, bất chấp sự phản đối của Ba Lan.

Sau tất cả những căng thẳng, rõ ràng EU không muốn có bất kỳ một nước nào chống đối các chính sách chung của khối này. EU không muốn Ba Lan là “gương xấu” để các nước khác noi theo. Đến cuối tháng 7-2017, EU thông báo đã bắt đầu tiến hành thủ tục pháp lý chống lại Chính phủ Ba Lan. Hành động của EC, cơ quan hành pháp của EU, có thể khiến Ba Lan bị đưa ra Tòa án Công lý châu Âu và sẽ bị tuyên phạt.

Đến ngày 15-11-2017, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua một nghị quyết tạo cơ sở cho việc triển khai cơ chế áp đặt các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Ba Lan. Theo văn bản trên, các nghị sĩ EP tin rằng tình hình tại Ba Lan hiện nay là “nguy cơ rõ rệt về việc vi phạm nghiêm trọng” các giá trị châu Âu, trong đó có thượng tôn pháp luật, được ghi rõ trong Hiệp ước EU.

Dòng người di cư muốn tràn qua khu vực biên giới Hungary - Serbia. Ảnh: Reuters.

Nghị quyết của EP cũng nêu rõ nếu nguy cơ nêu trên vẫn tiếp diễn và giới chức Ba Lan từ chối tuân thủ các khuyến nghị của EU thì quy trình này thậm chí có thể dẫn tới việc đình chỉ quyền bỏ phiếu của Ba Lan tại Hội đồng châu Âu.

Cũng vào tháng 7-2017, EC đã xúc tiến thủ tục trừng phạt CH Séc, Hungary và Ba Lan. Ngày 26-7-2017, EC đã gửi thông báo văn bản tố tụng tới CH Séc, Hungary và Ba Lan về việc những nước này không tôn trọng nghĩa vụ của mình trong việc tái phân bổ và chia sẻ gánh nặng người di cư giữa các nước thành viên EU.

Sở dĩ Hungary cũng trở thành nước “chống lại EU” cũng bởi lý do liên quan tới cuộc khủng hoảng người di cư khi nước này tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 10/2017 với câu hỏi “Anh/chị có đồng ý để EU quy định việc buộc Hungary phải tiếp nhận những người không phải là công dân Hungary một cách bắt buộc, mà không được sự chấp thuận của Quốc hội Hungary hay không?”. Và kết quả là, hầu hết người dân Hungary đã nói “không”.

Việc cùng bị EU “hắt hủi” đã khiến hai nước này ngày càng xích lại gần nhau. Hungary đã đứng về phía Ba Lan và kiên quyết phản đối các quyết định của EC, EP và EU.

EU “mạnh tay”

Châu Âu không chấp nhận lý do trên và quyết định “mạnh tay” với những “ngựa ô” dám chống lệnh. EC quyết định "đi kiện". Rõ ràng, vụ việc trên thực sự là "phép thử" chưa từng có tiền lệ đối với EU. Sự không đồng thuận của hai nước này với chính sách chung đặt ra thách thức lớn đối với EU về tính đoàn kết của khối. Đúng như Thủ tướng Hungary Orban dự đoán năm 2018 sẽ là "năm của những trận đánh vĩ đại".

Heather Grabbe - Giám đốc Viện Chính sách xã hội mở châu Âu, cho rằng cách giải quyết giữa EU với Ba Lan và Hungary là một “phép thử” cho các chương trình nghị sự của châu Âu, từ vấn đề di cư cho đến pháp quyền. Bà Grabbe bình luận: "Đó là điều mà EU chưa từng đối mặt. Lần đầu tiên EU có một nhóm nước không đoàn kết về vấn đề di dân và chia sẻ gánh nặng".

Tờ Financial Times đăng bài bình luận cho rằng Ba Lan và Hungary là "phép thử" chưa từng có tiền lệ đối với Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2018. Theo nội dung bài viết, tân Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki và Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố rằng họ sẽ không thay đổi quan điểm liên quan đến những bất đồng với Brussels về vấn đề di cư và tài chính. Cả hai thủ tướng đều cho rằng chính sách nhập cư EU "đã thất bại".

Sự không đồng thuận giữa 2 nước với chính sách của EU đặt ra một trong những thách thức lớn nhất đối với EU. Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đang phải đối mặt với sự ra đi của Anh và với áp lực từ chủ nghĩa dân túy ở các nước khác nhau. Ba Lan từng được coi là nước có triển vọng nhất của EU ở Trung và Đông Âu vì có sự tăng trưởng kinh tế mang tính thay đổi.

Hungary sử dụng hàng rào thép gai để ngăn dòng người di cư. Ảnh: budapestbeacon.

Tuy nhiên, kể từ năm 2016, chính phủ bảo thủ theo chủ nghĩa dân tộc của đảng Luật pháp và Công lý đã làm đảo lộn EU thông qua việc định hình lại hệ thống tòa án và các phương tiện truyền thông công cộng, "bắt chước" sự thay đổi hệ thống chính trị của ông Orban.

Khác biệt Đông - Tây

Việc EU tìm ra cách đối phó với các thành viên vi phạm các chuẩn mực và giá trị cốt lõi của tự do phương Tây có thể làm lu mờ cuộc thảo luận về Brexit trong năm 2018. Đây là bình luận của phóng viên Jon Henley, chuyên về các vấn đề châu Âu được đăng trên tờ The Guardian mới đây. Tác giả Henley nhấn mạnh, Năm 2017, châu Âu đã rất vất vả sau các cuộc bầu cử ở Hà Lan, Pháp và Đức - sau Brexit và Tổng thống Mỹ Donald Trump - mà nhiều người dự báo sẽ đánh dấu sự khởi đầu cho một sự kết thúc.

Năm 2018, những mối đe dọa lớn nhất đối với EU có thể sẽ đến từ phía Đông. Khi Ba Lan và Hungary gia nhập EU năm 2004 thì sự hội nhập của các quốc gia này được coi là quan trọng đối với sự phát triển thời hậu Chiến tranh Lạnh của khối. Thế nhưng, chỉ một thập niên sau, họ lại có nguy cơ trở thành những quốc gia "ngựa ô" đầu tiên khi những nước này đang muốn phá bỏ vòng kiềm tỏa "các giá trị cơ bản" của EU.

Rõ ràng ngoài việc các thể chế lớn của EU kiện Ba Lan, và mới đây là việc EC đưa Hungary ra Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) liên quan đến sự công kích liên tục của Thủ tướng Viktor Orban về các quyền tự do chính trị, đã khiến EU ngày thêm rạn nứt trong những rối ren. Và rõ ràng, EU cũng không thể đoàn kết và khuất phục được các nước “cứng đầu” muốn hưởng những lợi từ EU nhưng lại không dễ đồng thuận với các giá trị cốt lõi của EU.

Điều này đang trở thành một câu hỏi cấp bách ngày càng tăng trong năm 2018, trong bối cảnh dự án hội nhập sâu rộng hơn của châu Âu được cho là quan trọng hơn sự ra đi của Anh.

Trừng phạt bằng cách đi kiện và nếu như thắng kiện thì cắt giảm ngân sách... đang tạo ra nguy cơ phản tác dụng, và nguy hiểm hơn là chia rẽ trong EU. Châu Âu đang thực sự đối diện với nguy cơ tái chia rẽ Đông - Tây. Tuy các nước Đông và Trung Âu đã gia nhập EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ cách đây 2 thập kỷ, nhưng hiện nay, Hungary, Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Czech lại thẳng thừng bác bỏ những điều mà họ coi là sự áp đặt của Brussels.

Ngày nay ranh giới của một khối phía Đông mới đang trở nên rõ ràng hơn: một liên minh giữa Hungary và Ba Lan đang hình thành không chỉ cạnh tranh với các nền dân chủ phương Tây như Đức và Pháp. Khác với nước Anh, họ không muốn rời khỏi EU mà muốn sửa đổi khối này theo ý tưởng của mình.

Một dấu hiệu cho thấy sự gần gũi giữa Budapest và Warsaw là việc tân Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã lựa chọn Hungary là quốc gia đầu tiên ông tới thăm sau khi đắc cử, thay vì tới Brussels hay Berlin theo truyền thống.

Ông Morawiecki và người đồng cấp Hungary Viktor Orban đã tái khẳng định lập trường của cả hai nước là phản đối nhập cư và không muốn bị cô lập trong nội bộ EU. Thủ tướng Orban, người nhiều khả năng sẽ dễ dàng tái đắc cử vào tháng 4 tới, nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn tiếng nói của mình có trọng lượng bởi các nước (Trung Âu) có tầm nhìn về tương lai của châu Âu”.

EU đã khép lại năm 2017 với những dự cảm không lành cho năm mới. Nếu những rạn nứt trong nội bộ ngăn EU tiến hành những cải cách quan trọng đã đề ra cho năm 2018, xu thế châu Âu phát triển theo hướng dân tộc chủ nghĩa và vị kỷ sẽ ngày càng trở nên đáng lo ngại hơn.

Có thể thấy rõ xu thế khác biệt dần lộ rõ trong EU. Những chính sách chung không nhận được sự đồng thuận trong khối ngày càng nhiều. Sự tự chủ, chủ quyền mỗi nước đang mâu thuẫn với những quy định chặt chẽ của EU. Những vết rạn nhỏ ngày càng lớn... Nó sẽ vỡ khi không chịu nổi áp lực từ cả hai phía.

Hoa Huyền
.
.