EU tuyên chiến với những “Thiên đường thuế”

Thứ Năm, 20/03/2008, 10:00
Liên minh châu Âu (EU) vừa tuyên chiến với những xứ gọi là "Thiên đường thuế", bao gồm Liechtenstein, Monaco, Andorra và Switzerland. Đó là những quốc gia có mức thuế suất thấp hơn các nước khác, hấp dẫn các công ty nước ngoài đến đặt trụ sở.

Quá thất vọng với thiệt hại nhiều tỉ euro thuế, hội đồng 27 bộ trưởng Tài chính và chỉ đạo tối cao của EU hôm 4/3 đã họp tại Brussels (Bỉ) để thông qua một kế hoạch với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ hơn những thiên đường thuế tại châu Âu.

Vũ khí chiến đấu được EU chọn lựa từ nay sẽ là củng cố chỉ thị thuế tiết kiệm có từ năm 2005, từng được biết là chưa chặt chẽ nên thường bị giới kế toán, luật sư và những nhà hoạch định thuế chuyên nghiệp lách qua.

Được Bộ trưởng Tài chính Đức Peer Steinbruck thúc đẩy chỉnh lý, chỉ thị mới giúp khép lại những lỗ hổng đó. Ông Peer Steinbruck cho biết việc trốn thuế khiến nước Đức thiệt hại về lợi nhuận đến 30 tỉ euro/năm, Anh tổn thất một khoản tương tự, và tính chung, EU thiệt hại khoảng 100 tỉ euro. EU kỳ vọng cao, nhưng các chuyên gia thuế vẫn còn hoài nghi về triển vọng đối với “chiêu thức” đối đầu mới này.

Mike Warburton, chuyên gia thuế cao niên tại Công ty Kế toán Grant Thornton, bình luận rằng trong khi ông và công ty của mình không chấp nhận hành vi trốn thuế (bởi đó là hành vi phạm pháp), nhưng tránh né đóng thuế quả thật là nghề cũ rích thứ hai trên thế giới, và muốn kiểm soát hiệu quả là không đơn giản tí nào. Những "thiên đường thuế" vẫn sẽ tồn tại, họ có vô khối tiền, và nếu giới chủ quản siết chặt những đồng tiền đó tại châu Âu, tiền sẽ tự động luân chuyển sang Dubai hay Singapore ngay.

Thuyết chủ bại như thế không ảnh hưởng gì đến các chính phủ châu Âu, nơi đang trải rộng các món binh khí chủ lực để giành lại thế chủ động về lợi nhuận. Đặc biệt, Chính phủ Berlin bắt đầu có phản ứng mạnh. BND, Cục Tình báo Đức đã chi khoảng 4 triệu euro cho một cựu nhân viên ngân hàng LGT lớn nhất tại Liechtenstein để có bản danh sách khoảng 900 cá nhân Đức trốn thuế. Đứng đầu bản danh sách nọ là Klaus Zumwinkel, Giám đốc quản trị Bưu cục Đức. Ông ta buộc phải từ chức sau khi chấp hành lệnh khám văn phòng làm việc và nhà riêng.

Cục Ngân khố và Thuế quan Hoàng gia cũng chi một số tiền không nhỏ để có thông tin liên quan đến ít nhất 100 người mắc nợ chung tại Anh khoảng 100 triệu bảng. Không chỉ có Bộ trưởng Tài chính Alistair Darling đối đầu với Monaco, đe dọa tịch thu các nguồn quỹ chuyển sang đó nếu như các nguyên tắc buộc phải tuân thủ không được chấp hành.

Ngay cả một số quốc gia khác, từ Ireland đến Cộng hòa Séc, cũng tăng cường các nỗ lực chống thất thu thuế, theo đuổi các dấu tích giấy tờ và đe dọa áp dụng một số chế tài đối với các ngân hàng gian dối.

Lẽ tự nhiên, chủ nhân của những khoản tiền khổng lồ biết cách đi đến những nơi có mức thuế suất thấp hoặc không tồn tại, mà trên hết là bí mật được giữ kín tuyệt đối.

Quần đảo Cayman, một lãnh thổ ngoài khơi của Vương quốc Anh chỉ có một nhúm dân kinh doanh du lịch và đánh bắt cá, lại là ổ chứa nguồn tiền trị giá 1.400 tỉ USD, kể cả 300 tỉ USD trị giá ngân quỹ đầu tư chứng khoán thuộc Hội buôn của các nhà đầu tư, tính ra bằng 1/3 tổng trị giá ngân quỹ này trên thế giới.

Nauru, một quốc gia nhỏ xíu ở Thái Bình Dương, nổi tiếng với phân loài chim biển (hải điểu), cho biết có khoảng 70 tỉ USD tiền Nga được ký thác trong vòng vài năm trở lại đây. Đa phần nguồn tiền ấy lại kết dính vào những vụ buôn lậu ma túy quốc tế, tham nhũng, biển thủ của công và khủng bố. Các "thiên đường thuế" giúp rửa tiền, vừa gây phiền toái cho các chính phủ nước ngoài, vừa bị chính bọn khủng bố lợi dụng nhân rộng tài khoản của chúng.

Những nhà độc tài tham nhũng như Mobutu, Mugabe, thậm chí cả Al-Qaeda, cũng biết chỗ tẩy những đồng tiền bẩn. Những kẻ có liên quan đến những hoạt động tẩy rửa tiền không khi nào công khai mức thu nhập cho giới chức thuế. Tội phạm gia tăng khiến cho nhiều chính phủ hợp sức chống lại những "thiên đường thuế". Chẳng hạn năm 2000, Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển công khai bản danh sách đen bất hợp tác về thuế, trong đó có 35 quốc gia để xảy ra vấn nạn rửa tiền đã bị cảnh báo.

Giờ đây, danh sách đen chỉ còn lại 3 quốc gia, đó là Monaco, Liechtenstein và Andorra. Nước Mỹ, bình thường rất chuộng kiểu “cạnh tranh thuế” và là nơi chứa chấp một "thiên đường thuế" cỡ nhỏ mang tên Delaware, cũng bắt đầu thay đổi quan điểm kể từ sau sự kiện khủng bố 11/9/2001.

Thậm chí ứng viên tổng thống Mỹ Barack Obama cũng “đồng tài trợ” một đạo luật chống lạm dụng "thiên đường thuế" tại Quốc hội, một dấu hiệu cho thấy chắc chắn sẽ có nhiều điều mới về chính sách thuế nếu ông Obama đắc cử tổng thống nhiệm kỳ tới

Lê Minh (tổng hợp)
.
.