EU và Nga nối lại đàm phán lựa chọn một chính sách thực tế

Thứ Năm, 20/11/2008, 11:30
Những cuộc đàm phán về một thỏa thuận cơ sở hợp tác mới giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga sẽ được tiếp tục - đó là quyết định đã nhận được sự ủng hộ của 26 trên tổng số 27 quan chức đại diện các nước EU trong cuộc gặp hôm 10/11 vừa qua tại Brussels (Bỉ).

Ý kiến chống đối duy nhất của Litva không thể có tác dụng ngăn cản tiến trình đàm phán - từng bị gián đoạn do cuộc xung đột tại Kavkaz vừa qua - do quyết định này không đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên EU. Nhiều quan sát viên đã đánh giá quyết định này của EU là sự lựa chọn "một chính sách thực tế" có lợi cho cả hai bên...

"Nước Nga đã hoàn tất mọi cam kết liên quan tới Gruzia - đó là tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Bernard Kouchner, nước hiện đang đóng vai trò Chủ tịch luân phiên tại EU, tại cuộc họp báo về cuộc gặp cấp Bộ trưởng Ngoại giao EU trước đó - Việc ngừng bắn đã được thực hiện, việc rút quân đã hoàn tất, cứu trợ nhân đạo được đảm bảo, các quan sát viên châu Ââu đã có mặt, và cuối cùng những cuộc thương nghị về Nam Osettia và Abkhazia đã bắt đầu".

Hãng tin ITAR-TASS của Nga cho biết, vấn đề rút quân đội Nga ra khỏi những vùng lãnh thổ đang tranh chấp sẽ được bàn bạc tại những cuộc gặp sắp tới tại Hội nghị quốc tế về Abkhazia và Nam Osettia (ngày 18/11 tại Genève).

Trước đó, các cuộc đàm phán về một hiệp ước cơ sở mới Nga - EU đã bị gác lại sau vụ bùng phát xung đột quân sự Nga - Gruzia hồi tháng 8 tại Nam Osettia. EU khi đó đã đưa ra một loạt điều kiện để có thể nối lại đàm phán: ngừng bắn, rút quân đội Nga về các vị trí cũ trước thời điểm 8/8/2008, triển khai tại chỗ một đội quân quan sát viên quốc tế, mở một hội nghị quốc tế tại Genève bàn về quy chế tương lai của Nam Osettia và Abkhazia v.v...

Phải nói là quyết định có nên nối lại đàm phán với Nga hay không đã gây ra không ít tranh cãi và mâu thuẫn ngay trong nội bộ EU, nhưng những diễn biến trong thời gian gần đây cho thấy, xu hướng ủng hộ đàm phán bắt đầu chiếm thế áp đảo. Ngay đầu tháng 11, Tổng thống Nicolas Sarkozy của Pháp với vai trò Chủ tịch EU đã tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng, EU chẳng có cơ sở nào để không khôi phục lại đàm phán với Nga.

Theo ông Sarkozy, Nga đã thực thi tất cả 4 điều kiện do EU nêu ra liên quan đến cuộc xung đột tại Gruzia. Bản thân toàn bộ Ủy ban châu Âu (EC) và quan chức đại diện tối cao về đối ngoại và an ninh của EU là Javier Solana cũng ủng hộ quyết định phải nhanh chóng nối lại đàm phán với Nga.

Trong khi một tuần trước đó, chỉ còn hai thành viên trong EU là Ba Lan và Litva là tỏ ra kiên quyết phản đối kế hoạch khôi phục đàm phán. Tuy nhiên, đến phiên họp hôm 10/11 vừa qua tại Brussels, đến lượt Warsaw tuyên bố sẽ không phản đối quyết định trên của cả khối. Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radek Sikorski khi đó đã giải thích rằng, Warsaw với quyết định trên đã cho thấy thiện chí của mình muốn "hòa mình vào chung dòng chảy của EU".

Có nhiều nguyên nhân để giải thích cho quyết định mang tính đột phá trên của EU. Về mặt chính trị, theo nhận định của các nhà quan sát, sự kiện Barack Obama đắc cử Tổng thống Mỹ - với những tuyên bố mong sớm gặp Tổng thống Dmitri Medvedev, đồng thời sẽ xóa bỏ những quan điểm đối đầu với Nga của chính quyền Bush - chính là nguyên nhân hàng đầu.

Với một đối tác quốc tế quan trọng và có ảnh hưởng như Nga, EU chắc chắn không muốn mình là một hành khách cuối cùng bước chân lên chuyến tàu hợp tác này. Liên quan đến lĩnh vực kinh tế, quyết định trên đã chứng tỏ rằng, châu Âu và Nga đặc biệt cần đến nhau, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang bắt buộc hàng loạt các quốc gia phải điều chỉnh và xem xét lại những ưu tiên trong chính sách của mình.

Nói một cách nôm na như theo lời của một nhà quan sát: "Cuộc khủng hoảng tài chính rõ ràng quan trọng hơn đối với tất cả - tức là cả Nga và EU - và tất nhiên quan trọng hơn cả cuộc khủng hoảng tại Gruzia".

Khi mà các cuộc đàm phán mới chắc chắn sẽ được nối lại, vấn đề quan tâm tiếp theo là EU và Nga sẽ có quan điểm và lập trường như thế nào trong những cuộc gặp mới này. Ủy viên châu Âu Benita Ferrero-Waldner liên quan đến vấn đề này đã nhận định, việc tiếp tục đàm phán với Nga trước tiên là vì quyền lợi của EU, cho dù những cuộc đàm phán này hứa hẹn sẽ rất khó khăn.

"Giữa EU và Nga đang tồn tại nhiều mối quan hệ sâu rộng và phức tạp theo kiểu phụ thuộc lẫn nhau. Cần phải hiện đại hóa những mối quan hệ này, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng” - bà Ferrero-Waldner giải thích thêm.

Cũng theo ủy viên này, quyết định của EU nói chung không có nghĩa là "một món quà" cho nước Nga, khi mà liên minh này vẫn bảo lưu quan điểm phản đối Moskva về những hành động quân sự tại Gruzia và việc đơn phương thừa nhận độc lập của hai khu vực ly khai tại đây. Đó là những lý do khiến EU sẽ duy trì một thái độ cứng rắn hơn trong đàm phán, đồng thời áp dụng phương châm xây dựng quan hệ với Nga dựa trên việc thể hiện những thái độ tiếp sau của quốc gia này. 

Moskva về phần mình đã phản ứng với một thái độ không quá hồ hởi như nhiều người vẫn nghĩ. "Chúng tôi đã sống một thời gian không cần có bản hiệp ước hợp tác này, dù chúng tôi vẫn chờ đợi cho đến khi EU cảm thấy nhu cầu khôi phục lại đàm phán đã chín muồi" - phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga đã tuyên bố như vậy trước báo chí, ngay sau khi được hỏi về quyết định mới của EU

Hồng Sơn (Tổng hợp)
.
.