Europol thời hậu Brexit

Thứ Ba, 19/12/2017, 10:01
Europol, tổ chức cảnh sát của Liên minh châu Âu (EU) đặt trụ sở tại thành phố The Hague, miền tây Hà Lan từ năm 2007 với đội ngũ nhân viên hơn 1.000 người, hiện nay đang nhận được sự đánh giá cao của mạng lưới hành pháp toàn cầu. Ngân sách dành cho Europol năm 2017 xấp xỉ 116,4 triệu euro.

Chắc chắn rằng hoạt động của Europol vẫn không bị mất đi hiệu quả sau khi nước Anh rời khỏi EU. Amber Rudd, nữ Bộ trưởng Nội vụ Anh, ca ngợi Europol đóng “vai trò cực kỳ quan trọng trong nỗ lực giúp châu Âu trở nên an toàn”.

Ngăn chặn tội phạm từ trứng nước

Bắt đầu chính thức hoạt động từ năm 1999, Europol nhanh chóng trở thành trung tâm trao đổi và chia sẻ thông tin tình báo giữa 750 cơ quan cảnh sát trên toàn cầu. Europol cũng giám sát các cơ sở dữ liệu chứa đựng hàng chục triệu bảng thông tin về đủ mọi loại tội phạm, giúp tổ chức những chiến dịch chống tội phạm ma túy, buôn người và khủng bố.

“Khi tôi bắt đầu vào làm việc cách đây 10 năm, nơi đây hết sức yên tĩnh” - sĩ quan an ninh David Ellero, từng đảm trách điều tra những vụ giết người liên quan đến Mafia ở Italy, tâm sự - “Các đối tác, hay đội ngũ nhà điều tra tại các quốc gia thành viên, thực sự không biết chúng tôi đã làm những việc gì”.

Trụ sở Europol ở The Hague.

David Ellero hiện đang lãnh đạo bộ phận chịu trách nhiệm về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ở Europol. Ông phát biểu: “Chúng tôi phải chắc chắn rằng cảnh sát cần hành động nhanh như nhau cho dù có sự khác biệt về luật pháp cũng như ngôn ngữ”.

Hằng ngày, IRU - đơn vị chống tội phạm mạng bao gồm 26 thành viên của Europol - lùng sục trên Internet những nội dung hiểm độc để nhanh chóng kêu gọi các công ty truyền thông xã hội cũng như nhà cung cấp dịch vụ mạng gỡ bỏ chúng. Lãnh đạo IRU Vincent Semestre mô tả công việc của đơn vị giống như “dùng thìa để vớt rác trên đại dương”.

Ông cho biết, thời gian qua, IRU đã xác định được 91 nền tảng trên Internet chứa đựng nội dung cực đoan và cùng hành động với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol để xóa bỏ chúng. Vài năm gần đây là khoảng thời gian căng thẳng nhất cho Europol với trách nhiệm hành động nhanh nhất có thể để ngăn chặn sự lan truyền của hàng loạt hình ảnh, video cũng như bài viết cực đoan.

Vincent Semestre, người làm việc cho lực lượng cảnh sát tư pháp Pháp trước khi gia nhập Europol, giải thích: “Anh cần phải có khả năng thông hiểu nội dung cực đoan từ ngôn ngữ gốc của nó - tiếng Arập, tiếng Nga hay tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Anh cần phải giám sát liên tục môi trường công nghệ để cung cấp giải pháp cho các quốc gia thành viên”.

Mặc dù công việc rất đỗi cực nhọc, tòa nhà trụ sở Europol vẫn tạo được bầu không khí thân thiện cũng như thư dãn nhờ vào kiến trúc giống như một ngôi trường nghệ thuật hơn là trung tâm cảnh sát hình sự châu Âu. Tuy nhiên, hệ thống an ninh của tòa nhà vẫn phải đảm bảo nghiêm ngặt hết mức có thể - mọi người đều trải qua giai đoạn kiểm tra túi xách bằng tia X và mọi giấy tờ tùy thân đều phải trình báo. Những cửa sổ phòng họp đều được che rèm kín mít.

Ông Rob Wainwright - Giám dốc Europol.

Mọi người chỉ có thể bước vào được tầng 2 tòa nhà sau khi được kiểm tra quét dấu lòng bàn tay. Tầng 2 được gọi là “khu vực an ninh” bởi vì mỗi tầng phía trên nó là văn phòng đại diện của các quốc gia thành viên EU và hơn 14 quốc gia khác với hơn 200 sĩ quan cảnh sát dạn dày kinh nghiệm.

Mặc dù Mỹ không là thành viên EU song nước này vẫn có hơn 20 sĩ quan làm việc bên trong tòa nhà trụ sở Europol. Đối với 17 sĩ quan liên lạc đại diện nước Anh, mối lợi lớn nhất họ được hưởng chính là ngôn ngữ được sử dụng trong tòa nhà Europol là tiếng Anh. Văn phòng của Anh nằm cạnh văn phòng của Luxembourg, Ireland, Bỉ và Hà Lan.

Trưởng văn phòng cảnh sát Anh là Kenny Dron, người có 30 năm kinh nghiệm về tội phạm xuyên biên giới cũng như thu thập thông tin tình báo. Laura Clark, nữ sĩ quan Anh được chuyển công tác từ Cơ quan Điều tra Tội phạm Quốc gia Anh (NCA) đến trung tâm chống buôn người tị nạn của Europol, nhận định nếu Chính phủ Anh không tiếp tục đóng góp công sức cho tổ chức cảnh sát châu Âu sau khi rời EU thì có lẽ đó sẽ là “nỗi hổ thẹn thực sự” cho nước này.

Cô lập luận: “Chúng ta sẽ bỏ lỡ mất nhiều thông tin tình báo có giá trị được nhập vào các cơ sở dữ liệu Europol. Do đó, những chiến dịch điều tra chống tội phạm của chúng ta sẽ không nhận được sự hỗ trợ từ Europol”.

Hồi tháng 1-2017, nữ Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd đã đề cập đến mối quan hệ của Anh với Europol sau khi rời khỏi EU với Ủy ban Chuyên trách Nội vụ Hạ viện Anh: “Tôi mong muốn và hy vọng trong thời gian sắp tới chúng ta vẫn phải đóng vai trò tích cực trong Europol”. Đồng thời, Amber Rudd cũng nhấn mạnh thêm rằng nước Anh là “một trong những quốc gia đóng góp lớn nhất cho cơ sở dữ liệu Europol”.

Rob Wainwright, Giám đốc Europol từ năm 2009, còn tuyên bố nước Anh “được coi là quốc gia lãnh đạo” về các vấn đề an ninh cho Europol và “chắc chắn rằng nước Anh có dấu ấn sâu đậm trong quãng thời gian 20 hay 30 năm phát triển hợp tác hành pháp châu Âu, trong đó không chỉ có Europol”. Tuy nhiên, Wainwright thừa nhận quyền lợi cũng như trách nhiệm của Anh có lẽ sẽ “giảm bớt một phần” sau sự kiện Brexit, giống như các quốc gia ngoài EU như là Mỹ và Na Uy.

Ron Wainwright tạo dựng được uy tín sau khi mang đến nhiều cải tổ bên trong Europol, giúp tổ chức hoạt động ổn định và hiệu quả cao. Sau khi kết thúc hợp đồng làm việc cho Europol vào tháng 4-2018, Rob Wainwright sẽ rời khỏi trụ sở tổ chức ở The Hague.

Bà Amber Rudd - Bộ trưởng Nội vụ Anh.

Chia sẻ thông tin tình báo và chống khủng bố

Một hệ thống gọi là Siena cho phép 40 quốc gia - bao gồm các thành viên EU và ngoài EU như Mỹ và Australia... - chuyển giao hàng trăm ngàn thông điệp mã hóa với nhau mỗi năm. Trong khi cơ sở dữ liệu tình báo chính của Europol - Hệ thống Thông tin Europol (EIS) - lưu giữ hồ sơ về mọi loại tội phạm, nghi can và tội phạm đã bị buộc tội, trong đó bao gồm những vụ án liên quan đến khủng bố.

Chỉ có những thành viên Europol mới có quyền truy cập trực tiếp vào EIS, còn các quốc gia khác phải có yêu cầu để được xem xét giải quyết. Europol sử dụng một cơ sở dữ liệu phân tích thông tin tình báo gọi là AWF cho phép các nhà điều tra của EU xử lý các nhóm tội phạm có tổ chức. Bên ngoài Europol, các hệ thống tình báo liên châu Âu khác giúp chống tội phạm bao gồm Hệ thống Thông tin Schengen (SIS).

Mặc dù không nằm trong số 26 quốc gia mở cửa biên giới theo Hiệp ước Schengen, song nước Anh cũng có thể truy cập SIS - cơ sở dữ liệu chứa đựng thông tin về mọi sự di chuyển xuyên biên giới và thông tin tình báo phối hợp. Năm 2015, SIS được truy cập đến 3 tỷ lần bởi các chuyên gia an ninh trên khắp châu Âu.

Mỗi ngày, hệ thống SIS tiếp nhận khoảng hơn 60 triệu “cảnh báo” liên quan đến mọi vấn đề từ những chiếc ô tô bị đánh cắp cho đến những vụ trẻ em mất tích và số chiến binh cực đoan từ Syria và Iraq trở về châu Âu. Europol cũng chịu trách nhiệm vận hành hệ thống “Lệnh bắt giữ châu Âu” (EAW), cho phép bắt giữ những tội phạm trong EU trở về quê nhà để chịu xét xử trước pháp luật.

Các sĩ quan Europol.

Trong số những đối tượng bị đưa ra tòa án Scotland là Marek Harcar với tội danh sát hại nữ doanh nhân Moira Jones vào tháng 5-2008. Thi thể nạn nhân Moira Jones được phát hiện trong công viên Glasgow và cuối cùng hung thủ Harcar bị tuyên án tù chung thân. EAW giúp các nhà điều tra tìm đến căn nhà của Harcar ở Slovakia trước khi đối tượng được dẫn độ về Scotland.

Tháng 4-2016, Cảnh sát Scotland phối hợp với DIICOT, lực lượng chống Mafia của Romania, triệt phá một tổ chức tội phạm buôn phụ nữ đến Scotland thông qua sự giúp đỡ từ hệ thống EAW. Theo Europol, chiến dịch phối hợp dẫn đến cuộc đột kích 4 căn nhà ở Glasgow, bắt giữ 2 người đàn ông và giải thoát 8 nạn nhân. Europol cũng giúp các cơ quan hành pháp châu Âu điều tra những máy tính cá nhân lan truyền virus hay spam.

Tháng 7-2016, Cơ quan Công tố Hoàng gia Anh tiết lộ: nhờ sự hỗ trợ từ EAW mà có hơn 500 vụ án được xét xử trong các tòa án Scotland, trong khi đó 367 đối tượng được dẫn độ từ Scotland về xét xử ở châu Âu.

Trong tình hình an ninh phức tạp hiện nay, Europol tích cực tham gia cuộc chiến chống hoạt động tuyên truyền của bọn khủng bố và cực đoan. Theo số liệu mới công bố từ Europol, 718 nghi can khủng bố bị bắt giữ năm 2016, so với 687 năm 2015 và 395 năm 2014. Báo cáo về khủng bố của EU tuyên bố 135 đối tượng bị giết chết trong “13 vụ tấn công khủng bố”.

Báo cáo dài 62 trang cũng tiết lộ: phụ nữ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hàng loạt vụ tấn công khủng bố ở châu Âu do họ ít bị các cơ quan an ninh chú ý đến. Cũng theo báo cáo, 40% số vụ âm mưu khủng bố đều được tài trợ qua mạng lưới buôn lậu ma túy cũng như lừa đảo tài chính.

Dimitris Avramopoulos, Cao ủy EU về Nhập cư, Nội vụ và Các vấn đề công dân, đánh giá: “Những vụ tấn công khủng bố gần đây nhất ở châu Âu nhắc nhở chúng ta cần hợp tác chặt chẽ với nhau hơn nữa cũng như xây dựng lòng tin bởi vì đó chính là yếu tố cho sự hợp tác hiệu quả nhất. Vì sự an toàn của công dân và sự gắn kết trong xã hội, chúng ta cần tăng cường trao đổi thông tin cũng như mối quan hệ hợp tác xuyên biên giới ở mọi cấp độ”.

Diên San (tổng hợp)
.
.